Thi nhân bầu rượu túi thơ

Tết, dẫu ngày thường không hay rượu thì, chí ít mỗi người dù già trẻ, gái trai, đều có thể nâng một ly rượu thơm nồng mừng xuân, mừng năm mới. Người ta nói đến “văn hóa rượu”, vì rượu là một trong những phát minh quan trọng của loài người (nhiều ý kiến còn cho là sau việc phát minh ra lửa!?). Muốn cảm nhận được cái nhã thú của văn hóa rượu, thiết nghĩ có một cách, hãy tìm đến kiểu (nghệ thuật) thưởng thức rượu của các bậc tiền bối, các bậc túc nho từ Nguyễn Du, Phạm Thái, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Tản Đà. Cổ nhân hay nói “bầu rượu túi thơ” là gắn với các tao nhân mặc khách xưa. Tôi nghĩ bảy vị này như là “thất tinh” của thi ca truyền thống, đã đành, các vị còn đem đến cho văn chương những áng thơ hay về văn hóa rượu.

Một lần, ngẫu nhiên và ngẫu hứng tôi mua được tập thơ “36 bài thơ rượu” (Nhà xuất bản Nghệ An và Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây liên kết xuất bản, 2008). Qua cái ngưỡng “lục thập nhi nhĩ thuận”, đến “thất thập cổ lai hy”, đứng vào đội hình U80, đôi khi không riêng tôi tìm thấy cái ý vị văn chương từ trong những bài thơ về rượu. Dĩ nhiên là thưởng thức rượu từ góc độ văn hóa. Chẳng ai cấm đoán ta không được nói về rượu như một văn hóa. Chẳng ai cấm đoán ta không được viết một đôi dòng về cái thú vui thanh tao, khi Xuân về Tết đến, nâng một ly rượu thơm nồng, chia sẻ và liên kết tình cảm của những người tri âm, tri kỉ trong ngày đầu năm mới, khi đất trời hòa với lòng người rộng mở, chan hòa. Tự do có khi chính là phát khởi từ trong lòng mình. Tự do, đó là tuân theo tất yếu đạo đức, và quan trọng là tất yếu tôn thờ cái Đẹp.

Thi nhân bầu rượu túi thơ - 1

Tranh minh họa. Nguồn: Internet

Cách “điểm danh” các Cụ như trên, chúng tôi nghĩ, không hề là “xếp chiếu” các bậc tiền bối, mà đơn giản chỉ theo thứ tự tuổi tác, như dân gian nói “bảy mươi nghe bảy mốt”. Cụ Nguyễn Du (1765-1820), dân gian thường gọi là Cụ Nguyễn Tiên Điền, các bậc túc nho thì gọi là “thi tiên”, người sáng tạo ra kiệt tác Truyện Kiều, như cách minh định của Giáo sư Đặng Thai Mai là “Linh kinh của người Việt”.

Thi nhân bầu rượu túi thơ - 2

Nguyễn Du

Đánh giá văn tài như thế là “xưa nay chưa từng có”, ai còn chen vào được nữa! Cụ Nguyễn Tiên Điền có bài thơ hay về rượu, nhan đề Đối tửu “Bó gối bên song mở mắt say/ Cánh hoa rêu ngập thảm rêu dày/ Sống không cạn chén nghiêng bầu rượu!/ Chết xuống hỏi ai rưới mộ đây?/ Xuân sắc nhạt nhòa oanh khuất nẻo/ Thời gian lặng lẽ tóc phai ngày/ Trăm năm chỉ ước ngày say khướt/ Sự thế mây trôi, thương xót thay”.

Con người ta chẳng ai tránh được cái quy luật “sinh lão bệnh tử”. Mà có phải ai ai cũng có cuộc đời hạnh phúc toàn vẹn đâu. May ra thì chỉ có những phút giây hạnh phúc mà thôi (!?). Nếu không có những phút thăng hoa nhờ tiên tửu thì “chết xuống hỏi ai rưới mộ đây?”. Không hề yếm thế, hay bi quan chủ nghĩa. Đó là tỉnh táo nhận thức ra quy luật sinh tồn, lẽ sinh tử trong trần gian. Hãy tìm niềm vui ở dương thế. Và nếu nói là một quan điểm hiện sinh cũng không sai.

Cụ Phạm Thái (1777-1813), tác giả “Sơ kính tân trang” (Câu chuyện mới về lược và gương,1804). Bài thơ tứ tuyệt Hay rượu của Cụ rất độc đáo “Sống ở dương gian đánh chén phè/ Thác xuống âm phủ cắp kè kè/ Diêm vương phán hỏi mang gì đấy?/- Be!”. Đọc thơ cứ mường tượng Cụ Phạm Thái với Diêm Vương là chỗ quen biết, nên vấn - đáp rất chi là ngang ngửa, mà ai cũng biết Diêm Vương là vua dưới âm phủ, quyền sinh quyền sát. Nhưng với nhà thơ thì cũng là chỗ quen biết nhau cả, thậm chí có thể bông lơn được, nên mới trả lời ngang phè phè “Be!”. Như dân gian nói, đấy là lời của rượu, đúng là “tửu nhập ngôn xuất”. Nhưng “bình đẳng” là nằm trong ba quyền cơ bản của con người từ cổ chí kim “Tự Do - Bình Đẳng - Bác Ái” (!?).

Cụ Nguyễn Công Trứ (1788-1858), là người có chí khí với câu thơ nổi tiếng “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. Bài thơ “Uống rượu tự vịnh” của Cụ có cái vẻ ngang tàng, bất cần đời (là từ tính “ngông” mà ra), nhưng đọc kĩ, có ngẫm ngợi, sẽ thấy thấm thía cái nhân tình thế thái mà một người trải nghiệm, lịch duyệt mới nói lên được, tuy hơi có vẻ đắng đót “Trót đà khuya sớm với ma men/ Mặc kệ người chê, mặc kệ khen/ Ngó lại hàng rào hương cúc lộn/ Trông ra cửa sổ bóng trăng chen/ Vào vòng cương tỏa chân không vướng/ Tới cuộc trần ai áo chẳng hoen/ Cứ những ai hay tình thú ấy/ Có chăng Bành Trạch với Thanh Liên”.

Thi nhân bầu rượu túi thơ - 3

Nguyễn Công Trứ

Đang uống rượu ở thế kỉ XIX mà Cụ Nguyễn Công Trứ phải “mời” cả các bậc tiền nhân là Đào Tiềm (Đào Uyên Minh, 365-427), tận bên Trung Quốc, từng giữ chức huyện lệnh Bành Trạch cùng nâng chén. Chưa hết Cụ còn “vời” được cả Lý Bạch (701-762), hiệu Thanh Liên. Cả hai Cụ người Trung Quốc này hẳn phải là những “tao nhân mặc khách” điển hình, “bầu rượu túi thơ” lúc nào cũng xênh xang. Mượn rượu mà nói cái chí, cái khí của con người lúc nào cũng thẳng thắn, vững chãi như cây thông (“làm cây thông đứng giữa trời mà reo”), thật hiếm trong thiên hạ.

Cụ Cao Bá Quát (1808-1855), có bài thơ Uống rượu tiêu sầu nhiều người thích vì cái ngang tàng của kẻ sĩ “Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy/ Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười/ Thôi công đâu chuốc lấy sự đời/ Tiêu khiển một vài chuông lếu láo/ Đoạn tống nhất sinh duy hữu tửu/ Trầm tư bách kế bất như nhàn/ Dưới thiều quan thấp thoáng bóng nam san/ Ngoảnh mặt lại cửu hoàn coi cũng nhỏ/ Khoảng trời đất, cổ kim, kim cổ/ Mảnh hình hài, không có, có không /Lọ là, thiên tứ, vạn chung”. Cuộc đời trong mắt ai là phù du, trong mắt thi nhân thì cũng “sắc sắc không không”. Có sống đến trăm tuổi (ba vạn sáu nghìn ngày là mấy), thì cũng cuối cùng trở về với cát bụi. Thấu được cái lẽ của trời đất, thấu được cả cái lẽ đời thì sẽ tự chủ, tự tại đến đắc đạo. Nói về rượu nhưng là nói về sự đắc đạo của đời người. Đó là văn hóa ứng xử.

Thi nhân bầu rượu túi thơ - 4

Cao Bá Quát

Cụ Nguyễn Khuyến (1835-1909), nhà thơ ở ẩn, nên dễ hiểu là có thể đôi lúc cũng muốn dốc bầu tâm sự trong chén rượu nồng. Đã có lúc Cụ muốn chừa rượu, và đã viết một bài thơ tứ tuyệt Chừa rượu “Những lúc say sưa cũng muốn chừa/ Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa/ Hay ưa nên nỗi không chừa được/ Chừa được nhưng mà cũng chẳng chừa”. Bài thơ này sâu sắc ở tính chất tự trào. Nhưng thâm thúy hơn thì phải là bài thơ “Thu ẩm” (Mùa thu uống rượu), trong đó có câu “Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe”. Chả biết hơi cay nồng của rượu làm mắt thi nhân đỏ, hay nỗi đời éo le làm cho một người rộng lòng nhân ái như thi nhân phải động lòng mà nuốt nước mắt vào trong? Có lẽ, cả hai. Thi sĩ uống rượu trong cái hứng của người nghệ sĩ, hoặc là trong cái sầu của kẻ sĩ bất đắc chí. Rượu ở đây không hề là cứu cánh, rượu chỉ là cái cớ để bộc bạch, giãi bày, sẻ chia tâm sự của một người ưu thời mẫn thế.

Thi nhân bầu rượu túi thơ - 5

Nguyễn Khuyến

Cụ Trần Tế Xương (thường gọi là Tú Xương, 1870-1907), có bài thơ Say rượu. Ai không rành, cứ tưởng Cụ là người chỉ biết say sưa với hơi men. Nhưng đọc kĩ sẽ thấy cái “ý tại ngôn ngoại”. Thậm chí đầy triết lí sống qua chén rượu “Đời này thực tỉnh những ai đây?/ Ai tỉnh cho ta chịu tiếng say?/ Buồn ruột cho nên men phải nhắp/ Dở mồm nào biết giọng là cay/ Bạn cùng quỷ dẫy chi cho bận/ Vui với ma men thế cũng hay/ Ngất ngưởng hai tay vơ đũa chén/ Đố ai đã được cái say này”. Uống rượu, rồi tự nhận là say mà lại biết “Đời này thực tỉnh những ai đây?/ Ai tỉnh cho ta chịu tiếng say?”. Đúng là như cổ nhân nói, dẫu có uống rượu say thì các bậc hiền nhân vẫn cứ phát ngôn ra chân lí, khác với kẻ tiểu nhân, say rồi càn rỡ ngôn từ.

Thi nhân bầu rượu túi thơ - 6

Trần Tế Xương

Cụ Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu, 1889-1939), theo cách gọi của Hoài Thanh - Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam (1942), là “người của hai thế kỉ”. Cụ có bài thơ Ngày xuân thơ rượu, đọc lên nghe thật tưng bừng khí thế nam nhi “Trời đất sinh ra rượu với thơ/ Không thơ không rượu sống như thừa/ Công danh hai chữ mùi men nhạt/ Sự nghiệp trăm năm nét mực mờ/ Mạch nước sông Đà tim róc rách/ Ngàn mây non Tản mắt lơ mơ/ Còn thơ còn rượu còn xuân mãi/ Còn mãi xuân, còn rượu còn thơ”.

Thi nhân bầu rượu túi thơ - 7

Tản Đà

Dưới ngòi bút của thi sỹ Tản Đà thì, trên thế gian này chỉ có hai cái Đẹp đích đáng nhất: rượu và thơ. Có quá lời không nhỉ? Nên nhớ là, các thi sĩ hay nói quá đi cho nó ấn tượng (cũng như Cụ Nguyễn Tiên Điền lại hạ mấy câu kết Truyện Kiều “Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh”, khiến cho bao nhiêu kẻ tiểu nhân đắc chí tụng ầm lên “văn chương suy cho cùng cũng chỉ để mua vui”(!?). Nhà thơ Trần Huyền Trân (1913-1989) trong bài thơ Uống rượu với Tản Đà cho ta một cảm xúc thật về việc Cụ Nguyễn Khắc Hiếu uống rượu là có cái nguyên cớ của nó “Rồi lên ta uống với nhau/ Rót đau lòng ấy vào đau lòng này”. Đó là những nỗi đau đời đầy vơi được sẻ chia với tri âm, tri kỉ qua chén rượu. Uống thế ai bảo là không đẹp? Uống thế ai bảo là không có “văn hóa rượu”?

Mùa xuân, năm mới, Tết đến thì chén rượu thơm nồng là “đầu câu chuyện”, món quà truyền thống để người ta mời mọc nhau, chúc tụng nhau, hoan hỉ cùng nhau những may mắn sẽ đến trong 365 ngày tới. Đọc thơ, ta tìm thấy vẻ đẹp “văn hóa rượu” của các tiền nhân - thi nhân. Xin được sẻ chia và hầu cùng quý vị.

Bùi Việt Thắng

Tình ca mùa xuân
Tình ca mùa xuân

Đọc Tình khúc mùa xuân của nữ sỹ Nguyễn Thị Sơn trong tôi bỗng ngân rung ca từ rộn ràng, mê say, bay bổng của nhạc phẩm...

Tin liên quan

Tin mới nhất