Âm nhạc cùng Sài Gòn san sẻ yêu thương

Thời nào cũng vậy, âm nhạc với đặc trưng là dùng ngôn ngữ âm thanh gồm lời hát, giai điệu và nhạc cụ tác động đến người nghe nên có sức lôi cuốn và lan tỏa rộng khắp.

Cùng Sài Gòn san sẻ yêu thương. Nhạc và lời Đỗ Hồng Quân, trình bày Đào Tố Loan

Có lẽ vì thế mà từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam đầu năm 2020, trải qua ba làn sóng dịch và hiện tại đang phải gồng mình chống cơn dịch cực kỳ nguy hiểm lần thứ 4, những tác phẩm âm nhạc phản ánh hiện thực cuộc sống và cuộc chiến chống Covid-19 của dân tộc đã ra đời và lập tức gây được hiệu ứng tích cực, góp phần không nhỏ chung tay cùng dất nước chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Bắt đầu từ ngày 27/4, làn sóng dịch thứ 4 lại bùng phát tại Bắc Giang, Bắc Ninh và sau đó là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ, gần đây nhất là thủ đô Hà Nội cũng đang có nguy cơ dịch bùng phát. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nhập cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, cuộc chiến chống dịch đang ở một giai đoạn mới, phức tạp hơn, cam go hơn với biến chủng Delta cực kỳ nguy hiểm.

Hiện nay, “mặt trận” phía Nam, mà tâm điểm là TP Hồ Chí Minh, cuộc chiến đấu chống dịch đang diễn ra nóng bỏng.

Không phải cái gì khác, chính hiện thực cuộc chiến chống dịch tại Sài Gòn thân thương đã thôi thúc đội ngũ những người làm văn học nghệ thuật của cả nước cũng như tại chính thành phố chung tay cùng chống dịch với lực lượng tuyến đầu theo những cách thức riêng của từng loại hình nghệ thuật.

Âm nhạc, với sức mạnh của mình cũng không nằm ngoài hiện thực cuộc chiến sinh tử ấy. Ngoài việc tự mình và vận động người thân, đồng nghiệp thực hiện nghiêm các quy định chống dịch, các nhạc sỹ đã đẩy mạnh sáng tác những tác phẩm âm nhạc phản ánh hiện thực cuộc chiến đấu chống dịch và gủi gắm suy nghĩ, tình cảm của mình trong tác phẩm. Các nghệ sỹ biểu diễn đã lăn mình vào nơi tuyến đầu để cùng chung tay chống dịch, như ca sỹ Phương Thanh đã tổ chức kêu gọi các nghệ sỹ vào bệnh viện dã chiến cắt tóc cho y bác sỹ, hát cho họ và bệnh nhân nghe để tạo ra không khí vui tươi, lạc quan , xua đi căng thẳng tinh thần và sự mệt mỏi, thắp lên niềm tin chiến thắng.

Trên truyền hìnhvà trên mạng xã hội người xem cả nước không khỏi xúc động khi nghệ sỹ Trần Mạnh Tuấn đeo kính chống bắn giọt, khẩu trang đặc biệt có khoét lỗ cùng cây kèn saxophone đứng giữa sân trong bệnh viện, truyền đi cảm xúc của mình qua các nhạc phẩm vè quê hương đất nước như Quê hương (Giáp văn Thạch, thơ Đỗ Trung Quân), Về quê (Phó Đức Phương), Diễm Xưa, Còn tuổi nào cho em (Trịnh Công Sơn) cho hơn một vạn y bác sỹ bệnh nhân tại bệnh viện số 3 và số 6 Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh nghe. Trong ánh sáng từ các buồng bệnh từ các nhà cao tầng lung linh như những ánh sao đêm, hình ảnh nghệ sỹ và cây kèn, tiếng nhạc thiết tha, du dương vang lên chính là biểu tượng đẹp của tình cảm và sự lạc quan chiến thắng kẻ thù dịch bệnh.

PGS, TS, NSND Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam cho biết: Ngay từ đợt dịch đầu tiên năm 2020, Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã kêu gọi các nhạc sỹ tham gia chống dịch qua tác phẩm âm nhạc của mình. Hàng trăm tác phẩm âm nhạc đã ra đời để tuyên truyền cổ vũ các lực lượng tuyến đầu và toàn dân chống dịch. Trước diễn biến phức tạp, cam go của cuộc chiến chống dịch hiện nay, Hội đã gửi thư kêu gọi các nhạc sỹ, nghệ sỹ hội viên tiếp tục sáng tác và thể hiện tác phẩm về đề tài chống Covid-19, tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sỹ tuyến đầu và nhân dân chung tay chống dịch. Các tác phẩm có chất lượng tốt sẽ được Hội phối hợp với nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam và một số nhà hát dàn dựng, thu thanh, phổ biến tới công chúng.

Âm nhạc cùng Sài Gòn san sẻ yêu thương - 1

Bản nhạc

Cùng Sài Gòn san sẻ yêu thương

Bản thân nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội, với đam mê của một nhạc sỹ sáng tác và sự trăn trở về những khó khăn, vất vả của lực lượng tuyến đầu và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trong đại dịch, qua các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, nhất là qua các bài viết phản ánh sự tham gia của các nghệ sỹ TP Hồ Chí Minh đang trên Thời báo Văn học nghệ thuật, ông đã dành tâm huyết để viết ca khúc Cùng Sài Gòn san sẻ yêu thương. Với ca từ dung dị, phản ánh những nét đẹp của các văn nghệ sỹ chung tay như quyên góp gạo cho dân nghèo, những bếp ăn nghĩa tình, những buổi đi siêu thị không đồng giúp dân nghèo, những chuyến hàng thiết yếu chi viện nơi tuyến đầu, với giai điện tha thiết, ngọt ngào, qua giọng hát của ca sỹ Đào Tố Loan vút lên thông điệp “Nhưng thành phố không hề nao núng. Người Sài Gòn không hề hoang mang” kêu gọi mọi người “hướng về Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh san sẻ yêu thương, cùng Sài Gòn san sẻ yêu thương, thắp sáng lên niềm tin”.

Hy vọng tới đây những bài hát mới về hiện thực cuộc chiến chống dịch của cả nước và Sài Gòn thân thương sẽ vang lên, lan xa, thắp sáng niềm tin chiến thắng.

None

Minh Vũ

Tin liên quan

Tin mới nhất