Biển khơi, bão tố, chiến tranh và cách ly...

(Arttimes) - “Em chờ anh trước cổng/ Con chim sẻ của anh/ Con chim sẻ tóc xù/ Con chim sẻ của phố ta/ Đừng buồn nữa nhá/ Bác thợ mộc nói sai rồi/ Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/ Tại sao cây táo lại nở hoa/ Sao rãnh nước trong veo đến thế?” (Lưu Quang Vũ).

Một buổi tối mùa đông. Lạnh lẽo và buồn. Ba mẹ con cô (cô đã ly hôn) trong căn phòng nhỏ. Lạnh quá, những ngón tay con gái tê cứng. Chẳng học đàn được và cũng chẳng cầm bút được. Nó chỉ còn cách nhảy vào lòng mẹ, và hai mẹ con ôm nhau nằm xem ti vi.

Bỗng điện thoại cô rung lên. Liếc màn hình thấy số điện thoại lạ, cô cũng chẳng buồn nghe. Nhưng người gọi dai quá, chuông cứ đổ dồn, khiến cô đành cầm máy.

- Chào cháu, có phải cháu là ca sỹ không?

- Vâng ạ.

- Chú là một cựu chiến binh, chú muốn nhờ cháu một việc.

- Vâng, chú cứ nói ạ.

- Chú có hai bài hát, muốn nhờ cháu thu thanh giúp. Chú sẽ thanh toán thù lao đầy đủ. Thì ra chú ấy là một cưu chiến binh, có lẽ là một nhạc sỹ. Hơn nữa, lúc này cô cũng đang buồn và nói thật cũng đang “rách việc", nên gật đầu nói với chú:

- Vâng ạ, vậy ngày mai mời chú đến nhà cháu, chú cháu mình trao đổi cụ thể chú nhé. Địa chỉ cháu là…

Ngay sáng hôm sau, người cựu chiến binh ấy đến. Nhìn ông già hơn là cô tưởng tượng. Lại có vẻ khắc khổ.

- Bên ngoài chắc lạnh lắm chú nhỉ - Cô đã bắt đầu câu chuyện như thế, rồi pha trà, rót nước mời ông. Và rất ái ngại nhìn ông rét thế này mà chỉ mặc một chiếc áo bông cũ, cũng đã nhàu nhĩ. Chắc người cựu chiến binh này ở một miền quê nghèo .…

Ông nâng chén trà, nhấp một ngụm nước. Rồi lấy từ trong chiếc túi áo bông ra mấy tờ giấy, trịnh trọng vuốt lại cho phẳng phiu, đặt ngay ngắn lên bàn.

Liếc mắt, cô thấy đó là những bản nhạc.

- Bài hát của chú sáng tác à? Chắc ngày trước chiến tranh chú ở văn công quân đội?

Chú lắc đầu:

- Không. Tôi ở đơn vị chiến đấu, mãi tận chiến trường C (Lào). Nói thật một nốt nhạc bẻ đôi tôi cũng không biết. Sau này có lúc tôi cũng có viết văn. Nhưng cũng nhì nhằng thôi. Tôi chỉ viết những câu chuyện về người lính và chiến tranh. Nhưng trước tôi, đã có một đội ngũ các nhà văn rất tài năng và viết về chiến tranh hay lắm rồi…

- Vậy những bản nhạc này ạ? - Cô thắc mắc hỏi.

Ông lại nhấp một ngụm trà, có lẽ ông thích uống trà:

- Nó là những kỷ vật rất thiêng liêng của tôi cháu ạ. Những nhạc sỹ này viết tặng mẹ tôi… Một bản nhạc đã 60 năm, một bản nhạc đã 20 năm - Ông lắng lại một lúc - Mẹ tôi mất cũng đã 10 năm rồi. Mới đây lục trong đống giấy tờ mẹ tôi để lại, tôi bỗng tìm thấy. ..

Cô giật mình. Thảo nào những tờ giấy chép nhạc đã nhàu nát, đã bạc màu, thậm chí có nhiều đoạn còn ố vàng. “Ly kỳ rồi đây”, cô thầm nghĩ…

- Vâng - Và cô nhìn ông, như thúc giục ông nói. Ông đưa lên một bản nhạc giấy đã ố vàng:

- Bài hát này đã hơn nửa thế kỷ. Cuối những năm 1950, có một người thiếu nữ về học ở một mái trường kháng chiến. Rồi khi phong trào tòng quân rầm rộ, chị xung vào đoàn văn công quân đội và vào phục vụ tại chiến trường ác liệt. Trong một chiến dịch càn quét của Pháp, đơn vị của chị thoát vòng vây chạy vào rừng chịu đói khát nhiều ngày, thoát chết. Chị được trở lại trường cũ học tập. Thế rồi trên một chuyến đò dọc, chị gặp một người bạn cũ kể cho chị nghe bạn bè đã bàng hoàng đau xót như thế nào khi nghe tin đồn chị đã chết . Có một anh học trò lớp trên đã sáng tác một khúc nhạc khóc thương chị, có tên là "Xuân chết trong lòng tôi". Anh ấy hát và rồi cả trường hát vì thương xót chị quá….

Ông lắng lại, như cho bớt xúc động.

- Chính là bản nhạc này đây cháu ạ. Người nhạc sỹ ấy còn không ăn không ngủ, ngày đêm hương khói trước tấm hình chị… Thoạt đầu, nghe bạn kể, chị cười rũ rượi, chế nhạo kẻ si tình kia. Nhưng khi nghe người bạn hát lên bài tình ca, chị thấy bàng hoàng xao xuyến. Thì ra âm nhạc quả là một công cụ tuyệt vời để chinh phục lòng người… Rồi chị với tác giả bài tình ca gặp nhau, và sống trong tình yêu nồng thắm cho đến ngày chị mang thai, người nhạc sỹ ấy thác cớ bỏ đi. Và không có ngày trở lại, mặc dầu chị vẫn âm thầm khổ đau chờ đợi, cho đến khi vô vọng vì sông Hiền Lương chia cắt đôi miền.

Người thiếu phụ ấy chính là mẹ tôi, và người nhạc sỹ viết bài ca này chính là cha tôi cháu ạ.

Trên má ông bỗng rớt xuống một dòng nước mắt. Ông cúi xuống hớp nhanh một ngụm trà, như muôn giấu đi dòng nước mắt ấy. Cô cũng thấy rất xúc động, khóe mắt cũng đã rưng rung.

- Rồi sau này thế nào ạ, ông bà có găp lại nhau không ạ?

- Nửa thế kỷ sau cháu ạ... Rồi lại vĩnh viễn chia tay nhau, mỗi người mỗi phương trời, mỗi người mỗi gia đình. Mẹ chú vẫn ở với tổ quốc, vào Sài Gòn sống với chú, còn nhạc sỹ thì đinh cư ở Mỹ. Mấy năm sau ông mất, giờ chỉ còn lại một nấm mồ trong công viên Vĩnh hằng ở Mỹ. Và bài hát này mẹ chú lưu giữ mà thôi…

Lặng đi một lát, ông đưa ra bản nhạc thứ hai:

- Còn đây là một bài hát của một nhạc sỹ cũng viết tặng mẹ chú, khi ông đã 80 tuổi. Có lẽ cháu cũng đã từng hát bài hát của nhạc sỹ ấy: “Mẹ thương con có hay chăng/ Thương từ khi thai nghén trong lòng…”. Ông biết ba mẹ chú từ khi ở khu tư, tuổi đôi mươi mười tám. Sau này kháng chiến chống Mỹ, ông cũng từng đi chiến trường biểu diễn nhiều lần cùng mẹ chú. Nếu bài hát ba chú làm tặng mẹ chú vì Tình, thì bài hát này, cùng một bài hát nữa của nhạc sỹ Đỗ Dũng làm tặng mẹ chú, là vì “Nghĩa” cháu ạ.. Cũng là một khúc tình ca về cuộc đời và tình yêu của mẹ chú “Một đời biết mấy nắng mưa/ Cuối đời lại phải tiễn đưa cuộc tình”, khi ba mẹ chú gặp lại nhau và rồi vĩnh viễn chia tay nhau. Ông gửi tặng mẹ chú lúc nào thú thực chú không hay, chỉ gần đây khi lục lại những di cảo, những kỷ niệm mẹ chú để lại, chú mới thấy hai bài hát này. Cả hai bài hát chỉ thấy ghi trên giấy, chứ chưa bao giờ vang lên ở bất cứ đâu, nghĩa là chưa bao giờ thu thanh, người hát có thể mới chỉ là mẹ chú, mình hát cho mình mình nghe… Chính vì thế chú đã nhất quyết phải thu thanh, trước hết là để không phụ lòng những người nhạc sỹ ấy. Sau nữa là để mẹ chú nơi cao xanh kia được nghe, chú được nghe, bạn bè chú và những người yêu mến tiếng hát và cuộc đời mẹ chú cùn được nghe… Chính vì thế chú tìm đến nhờ cháu…

Mắt cô đã đỏ hoe, cô lắng lại một chút cho bớt xúc động, rồi bỗng căn vặn ông:

- Nhưng sao chú lại biết cháu và nhờ cháu nhỉ? Hay chú có nhầm với ai khác không ạ.Vì thực sự cháu không nổi tiếng, cũng hát không hay bằng nhiều ca sỹ khác….

Ông chậm rãi:

- Có một lần cháu ạ, chú xem trên ti vi, thấy có một đoàn văn nghệ sỹ đi Trường Sa. Chú rất xúc động. Vì cháu hãy nhớ nhiều năm chú là một người lính. Chú càng xúc động hơn, khi giữa biển cả mênh mông như thế, giữa sóng biển bão giông như thế, có một cô ca sỹ trẻ đứng trên đảo hát cho các chiến sỹ nghe một bài hát về biển khơi, bài “Xa khơi”. Chú thấy những dòng nước mắt xúc động chảy trên má những người chiến sỹ. Bài hát ấy năm xưa mẹ chú vẫn thường hát, và như gắn liền với cuộc đời và tiếng hát mẹ chú. Từ ấy, chú cứ lưu giữ hình ảnh cô sỹ hát xa khơi ấy trong tâm hồn chú. Thế rồi khi tìm thấy những bài hát này, khi nghĩ phải thu thanh nó để làm kỷ niệm, chú nghĩ ngay đến người ca sỹ xa khơi giữa Trường sa, giữa sóng gió biển khơi ấy. Chú nghĩ khi cô ấy hát xa khơi giữa biển cả bão tố hay như thế, chắc cô ấy cũng sẽ cảm, sẽ hiểu và sẽ hát về những thế hệ hát xa khơi trước đó rất hay. Chính vì thế chú đã đi tìm cháu. Vì cháu chính là người ca sỹ đã ra Trường Sa hát xa khơi ấy phải không?… Chú nói thật, chú ở TP Hồ Chí Minh chứ không ở Hà Nội. Ra đây lạnh quá, chú phải đi mượn một đồng đội cũ của chú chiếc áo bông lính này để mặc. Nhưng chú quyết đi tìm cháu, để gửi gắm những bài hát này. Chú tin cháu. Cho chú gửi cháu những vật kỷ niêm thiêng liêng nhất của mẹ chú. Và nhờ cháu…

Khi trao cho cô xong hai bản nhạc, ông lại rút từ túi ra một phong bì dày:

- Còn đây cho chú gửi tiền thù lao cho cháu: Tiền thuê phòng thu, thuê dàn nhạc, và thù lao cháu hát. Nếu chưa đủ, khi nào hoàn thành băng nhạc, cho phép chú gửi thêm, cháu nhé…

Nhìn vào mắt ông, cô nói:

- Vâng, cháu sẽ nhận lời hát và thu thanh cho chú, nhưng với môt điều kiện!

- Cháu cứ nói...

- Cháu xin phép được hát mà không nhận thù lao. Cháu thu thanh giúp chú vì yêu tiếng hát của bà, yêu cuộc đời của bà…

Ngừng giây lát cô nói thêm:

- Có những việc làm mà nói đến tiền, nó thế nào ấy chú ạ. Chú đồng ý với cháu như thế thì cháu sẽ hát, sẽ thu thanh giúp chú, chú nhé!

… Khi ông ra về, cô nhìn hút bóng ông tới cuối khu nhà. Rồi đến bên cây đàn, trân trọng đặt hai bản nhạc lên giá đàn. Những âm thanh theo đôi bàn tay cô vang lên. Không, không chỉ là những bản tình ca êm dịu... Dưới bàn tay cô, như có cả biển khơi, bão tố, chiến tranh, xa cách và chia ly.

Những dòng nước mắt cứ chảy dàn dụa trên gương mặt rất xinh của cô…

Ở bên ngoài, tiếng con chim sẻ lông sù thường bay về đậu trên một cành cây và thường líu lo hót cũng bỗng im bặt…

(Thân tặng ca sỹ THN)

None

Châu La Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất