Bức tranh "Con gái cho cha bú trong khám tử hình"

(Arttimes) - “Con gái cho cha bú trong khám tử hình” (Roman Charity) là bức tranh sơn dầu trên toan nổi tiếng của họa sỹ Peter Paul Rubens vẽ năm 1612, là báu vật hàng đầu được trưng bày tại Bảo tàng Hermitage (thành phố St.Petersburg, Liên bang Nga).

Cùng với hơn 60 ngàn, trong tổng số 3 triệu hiện vật được trưng bày trong gần 1.000 căn phòng, người ta tính rằng để xem hết tất cả những hiện vật của Hermitage, với chỉ một phút cho mỗi hiện vật, thì cũng phải mất gần 8 năm mới hoàn thành mục tiêu này.

Danh họa Peter Paul Rubens (1577 - 1640) sinh tại Westfalen (Đức) - mất tại Antwerp (nay thuộc Bỉ). Mặc dù phần lớn các sáng tác của ông bao gồm tranh chân dung và phong cảnh, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là các tác phẩm về đề tài tôn giáo và thần thoại. Rubens còn làm chủ một xưởng vẽ nổi tiếng nhất châu Âu. Năng lực sáng tạo của ông được kết hợp bởi năng lượng phi thường và tính linh hoạt. Nghệ thuật của Rubens là sự hợp nhất giữa truyền thống của chủ nghĩa hiện thực Flemish với khuynh hướng Cổ điển của thời kỳ Phục hưng Ý. Ông được xem là họa sĩ có ảnh hưởng nhất của truyền thống Flemish Baroque. Các tác phẩm giàu năng lượng của Rubens tham chiếu các khía cạnh uyên bác của lịch sử cổ điển và Kitô giáo. Phong cách Baroque độc đáo và nổi tiếng của ông nhấn mạnh đến sự chuyển động, màu sắc và sự gợi cảm, theo phong cách nghệ thuật “ngay lập tức” và kịch tính. Rubens còn là một học giả và nhà ngoại giao Giáo dục cổ điển, được cả Philip IV của Tây Ban Nha và Charles I của Anh phong tước hiệu “Hiệp Sĩ”. Danh mục các tác phẩm của Rubens do Michael Jaffé liệt kê lên tới 1.403 tác phẩm trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng thế giới. Nhắc đến trào lưu Baroque không thể không nhắc đến Pierre-Paul Rubens với tư cách là một họa sĩ, ông đóng góp hơn một nghìn tác phẩm cho kho tàng di sản văn hóa của nhân loại. Với tư cách là một nhà ngoại giao, ông đã dành cả cuộc đời để tìm kiếm hòa bình tại Tây Ban Nha và Anh. Rubens nói được 5 thứ tiếng, ông còn là phụ tá cho đức vua, một nhà nghiên cứu khoa học nhân văn, một nhà sưu tập và một người đàn ông của gia đình. Cuộc đời Rubens là một thành công phi thường về mặt con người cũng như về mặt nghệ thuật. Tài hoa lỗi lạc của ông đã in dấu nhiều thế kỉ, Pierre-Paul Rubens là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất của lịch sử mỹ thuật thế giới.

Bức tranh "Con gái cho cha bú trong khám tử hình" - 1

Tác phẩm: “Con gái cho cha bú trong khám tử hình” tranh sơn dầu của Danh họa Peter Paul Rubens (Bảo tàng Hermitage)

Câu chuyện về đức hy sinh cao cả của người phụ nữ trẻ tên là “Pero” đã có từ thời La Mã, mang tên “Roman Charity” (Tổ chức từ thiện La Mã) được ghi lại trong cuốn sách “Về hành động và câu nói đáng nhớ của người La Mã cổ đại” của nhà sử học Valerius Maximus viết vào những năm 30 Kỷ Công Nguyên. Kể về một người đàn bà bị hành hình bằng cách bắt nhịn đói đến chết. Quản ngục cho phép người con gái của tử tù vào thăm mẹ, nhưng tuyệt nhiên không được mang theo thức ăn. Sau nhiều ngày bỏ đói mà tù nhân vẫn sống, khiến vị giám ngục vô cùng kinh ngạc. Ông bí mật theo dõi rồi phát hiện ra, cô con gái đã kín đáo vạch vú để cho mẹ bú, nhờ vậy mà bà không chết đói trong ngục. Chuyện đến tai Pháp quan, vì cảm động trước sự hiếu thảo của người con gái dành cho mẹ, nên ông đã trình báo lên Toà án và được Bồi thẩm đoàn quyết định tha bổng cho người đàn bà xấu số. Câu chuyện trở thành đồng nghĩa với lòng trắc ẩn và mộ đạo, đó là lý do vì sao hầu hết các tác phẩm mô tả sự việc này đều mang tiêu đề “Tổ chức từ thiện La Mã”.

Đến thế kỷ XVII và XVII, câu chuyện đạo lý này đã lan rộng qua Châu Âu, nhưng nội dung truyền thuyết được thay bằng bi kịch Con gái cho “Cha” bú, chứ không phải con gái cho “Mẹ” bú như ở câu chuyện gốc của La Mã. Các “Dị bản” đều phỏng theo cốt truyện: Ông lão Cimon là một tử tù bị kết án tử hình bằng cách "cấm thực" (bỏ đói trong ngục cho đến chết). Người con gái của Cimon là nàng Pero vừa mới sinh con, nhưng hàng ngày vẫn vào thăm cha và chứng kiến cảnh cha mình chết dần chết mòn trong đói khát khủng kiếp, khiến Pero vô cùng thương xót cha già. Nàng đã không ngại ngùng, đắn đo, mà lén vén áo, vạch bầu vú căng đầy sữa của mình kề vào môi để cho cha bú. Nhờ vậy mà người cha đã thoát khỏi cơn đói khát dày vò bao ngày. Quản ngục sinh nghi vì sao đã nhiều ngày bỏ đói mà Cimon chưa chết, nên bí mật theo dõi và phát hiện ra hành vi động trời này. Cai ngục vốn là người khô khan, lạnh lùng và nghiêm khắc, ông bối rối trước tình cảnh trớ trêu này, khiến ông bất ngờ và xúc động mạnh mẽ trước lòng hiếu thảo và tình nhân ái cao cả mà người con gái dành cho cha mình. Quản ngục đã trình báo với vị Pháp quan về sự việc này và kết cục Bồi thẩm đoàn đã bị cảm hóa trước sự hiếu thảo và đức hy sinh cao đẹp của người con gái đối với cha, nên đã quyết định thả tự do cho tử tù Cimon được về đoàn tụ với gia đình.

Câu chuyện như một cơn “địa chấn” rung chuyển cả thế giới nghệ thuật. Xúc cảm trước ý nghĩa nhân văn cao đẹp, sâu sắc và đức hy sinh vượt ra khỏi đạo lý thông thương, các nghệ sỹ đã thổi hồn vào những tác phẩm với cùng một mô-típ mà có tới hơn 300 tác phẩm hội họa và điêu khắc nối tiếp được tạo ra xuyên qua hai thế kỷ. Trong đó có những kiệt tác siêu phàm của nhiều nghệ sỹ nổi tiếng như: Tượng điêu khắc nổi của Jean Goujon tại Viện Bảo tàng Louvre (Pháp), bức tượng hổ phách của Christoph Maucher, cùng với những bức họa của Peter Paul Reubens, Roman Charity, Charles Mellin, Jean Baptist Greuze, Caravaggio…

Hầu hết đối với những ai chưa từng được nghe về ẩn tình đáng kính phía sau bức họa này thì chắc chắn sẽ phải ngượng ngùng và thậm chí cười chê về một hình ảnh có vẻ khiếm nhã này. Nhưng khi biết được ý nghĩa sâu xa của bức tranh, không ít người đã phải bật khóc về tấn bi kịch này và đương nhiên cái ấn tượng khinh miệt ban đầu sẽ hoàn toàn tan biến mà thay vào đó là sự kính trọng, nghiêng mình. Bức tranh ngoài việc ca ngợi sự hiếu thảo của người con, sự thiêng liêng của tình phụ tử còn được xem là lời nhắn nhủ dành cho mọi người: Đừng chỉ nhìn bề ngoài của sự việc mà vội vàng đánh giá và phê phán. Rất nhiều sự việc không thể đánh giá qua bề ngoài, mà phải dùng trái tim tĩnh lặng để thấu hiểu, cùng đôi mắt sáng suốt và trí tuệ thông thái để cảm nhận những bài học của cuộc đời!

Hội họa thật là kỳ diệu, nó như một thứ ngôn ngữ riêng, giầu mỹ cảm, đem lại những điều ngoài sức tưởng tượng của con người.

Dịch và bổ sung từ: Roman Charity - Queer Lactations in Early Modern Visual Culture - by Jutta Gisela Sperling

None

Đinh Quang Tỉnh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Sau 8 năm kể từ ngày công diễn vở opera Lá đỏ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trở lại ấn tượng với opera Vầng trăng Him Lam, tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 – 2025.