Cách tân như vậy sao?

(Arttimes) - Tìm tòi, đổi mới dĩ nhiên là luôn cần được cổ suý. Đó chính là sứ mạng của bất cứ người sáng tác chân chính nào. Nhưng thế nào là đổi mới và cách tân ra sao cần phải được hiểu chính xác. Và quan trọng hơn cả là: rốt cuộc, mọi “tìm tòi” đó đem đến hiệu quả gì cho việc thưởng thức của công chúng?

Lâu nay, nhìn nhận về thơ, nhiều người phàn nàn tình hình sáng tác bị dậm chân tại chỗ, thơ hay ít, dở nhiều và không có những bước tiến, thành tựu đáng kể. Bởi vậy nên cần cổ suý cho những tìm tòi, đặc biệt cho những đột phá theo hướng đổi mới, cách tân. Mới nghe qua, chắc chắn ai cũng đồng tình bởi đổi mới là bản chất của sáng tạo, chẳng cứ thơ mà bất cứ lĩnh vực văn nghệ nào, người sáng tác cũng phải luôn tự đổi mới để tiếp cận với những chuẩn mực thẩm mỹ hiện đại, làm phong phú và thúc đẩy sự phát triển không ngừng của thể loại. Nhưng vấn đề phải là tất cả mọi thứ gọi là “tìm tòi”, rốt cuộc để làm gì, phục vụ cho cái gì, nếu không phải là hướng đến người đọc? Người đọc có chấp nhận, có tiêu hoá được không? Hay chỉ như “nước đổ lá khoai”. Sự sáo mòn, nhàm chán dĩ nhiên là vô dụng, chỉ làm thui chột khả năng cảm thụ cuả công chúng. Điều này miễn bàn. Nhưng ngược lại, quá “khác” cũ đến mức người viết chỉ tuôn trên trang giấy một mớ ngôn từ “bí hiểm”, không ai hiểu nổi, và chính tác giả cũng lúng túng khi nói về những câu thơ của mình thì được hiểu sao đây? Nó có khác gì gạo cho vào nồi nhưng không nấu thành cơm mà lổn nhổn, sống sít, hoặc thành cháy, hoặc thành cháo nhão nhoét.

Do tế nhị, xin bạn đọc miễn cho việc nêu tên cụ thể những tác giả, những tờ báo đã giới thiệu những câu thơ dẫn trong bài này đến độc giả. Của ai và đăng ở đâu không quan trọng, mà vấn đề là nó đã xuất hiện ở giữa đời sống tinh thần của công chúng như một sự “tuyên chiến” với những truyền thống bị coi là “cũ”, như một sự công khai tự huyễn hoặc về giá trị đổi mới, cách tân.

Cách tân như vậy sao? - 1

Cần cổ suý cho những tìm tòi, đặc biệt cho những đột phá theo hướng đổi mới, cách tân thơ

Tôi chịu khó đọc thơ từ mọi nguồn: đăng trên báo chí, các tập thơ được tặng. Mỗi tuần, tôi lướt qua các trang thơ của không dưới 10 tờ báo lớn và được tặng ít nhất 1 tập thơ mới ra lò của cả tác giả chuyên nghiệp lẫn người ngoại đạo văn nghệ nhưng thích làm thơ. Tôi chỉ xin dẫn sau đây những câu thơ đã đăng trên báo chí hoặc in thành sách, (có nhãn mác các nhà xuất bản) mà không đề cập đến thơ tự quảng bá bằng hình thức đánh vi-tính rồi phô-tô-cóp-pi hàng loạt để phát tán, hoặc thơ trên facebook cá nhân (nghĩa là tự phát hành).

Một tác giả không biết còn trẻ hay đã “quá đát”, trong một bài thơ tình đã viết: “Em ngẩn ngơ/ tôi dại khờ/ Ta cùng vu vơ/ giữa thiên hạ vật vờ/ Ngày phập phồng/ Đêm căng vồng/ Côn trùng cựa quậy/ Ta run lẩy bẩy/ Nước tưng tửng tuôn / Xoá hết vết hôn…”. Có vẻ như tác giả đắm chìm vào việc khơi gợi cho người đọc cảm giác liên quan đến… sex. Nhưng, còn gì bí hiểm hơn thế nữa đây? Một nhà thơ có chút tên, không đến nỗi xa lạ trong giới cầm bút viết: “Lòng thòng lòng thòng số kiếp/ Ngày tận thế chưa xa/ Vũ trụ buông lơi nghiêng ngả/ Trái đất xoã, khóc oà/ Ta cười tít tắp đại dương/ Sằng sặc miền hồi ức…”. Cả bài chừng hơn 20 câu thơ như thế, cứ một âm điệu miên man với những từ ngữ như đánh đố người đọc. Tôi đã hỏi thẳng tác giả:

- Xin lỗi nhà thơ, ông muốn nói gì trong những câu thơ đó?

Vị trả lời tỉnh queo:

- Thì ông tự hiểu.

- Vì tôi không hiểu nên mới hỏi ông là nguời sáng tác.

Lại trả lời:

- Làm thơ mà nói huỵch toẹt ra hết thì còn gì lý thú. Phải để cho người đọc phát huy trí tưởng tượng chứ.

- Nhưng sao lại “ngày tận thế chưa xa”? Muốn nói sắp kết thúc thì phải viết “không xa” chứ, còn “chưa” thì phải là “chưa gần”, tức là còn lâu mới kết thúc, nhưng như vậy thì hình như không đúng ý ông”.

Nhà thơ này lại phán tiếp:

- Nói như ông thì ai chả nói được, còn gì là tìm tòi.

Thì ra vậy. Đó! Quan niệm về “tìm tòi” cuả vị “thi sĩ” là như thế. Nghĩa là bất chấp tối nghĩa, vô nghĩa, nếu không muốn nói nặng lời là huỷ hoại tiếng Việt.

Một nữ tác giả nọ còn trẻ, muốn phá cách thơ lục bát:

Anh đi

            về cõi

                        mông lung

Để

      em

              trông

                         ngóng

                                     mịt

                                              mùng

                                                          sớm

                                                                   khuya.

Câu thơ 6 chữ chặt ra làm 3 mẩu, gieo ở 3 dòng hoàn toàn không cần thiết, nhưng lâu nay đây đó cũng đã nhiều người làm. Câu 8 chữ ở dưới chặt thành 8 mẩu, in ở 8 dòng thì quả là quá kỳ khôi, xưa nay chưa thấy. Bởi in trong tập thơ nên dù bài thơ chỉ có không tới 10 câu nhưng đã phải kéo tới 3 trang vì còn rất nhiều câu khác trong bài được chặt ra như thế mà không thể dẫn ra đây vì quá tốn diện tích trang báo. Nhân đây, xin nói một hiện tượng khá phổ biến cuả nhiều người làm thơ theo đuổi khát vọng cách tân hiện nay là thích “chặt”, “bẻ” câu thơ nát vụn, gieo ở nhiều dòng, vô lý và kỳ cục, chỉ gây mỏi mắt cho người đọc (mà ví dụ trên là một trường hợp tiêu biểu).

Trên một tờ báo ở Hà Nội không hẳn chuyên về văn nghệ nhưng luôn đăng tải nhiều thơ, văn với chất lượng khá thấp có lần đã giới thiệu một “gương mặt trẻ” (nhưng khi ấy cũng đã ngoài 40 tuổi) với chùm 3 bài thơ, kèm lời tán dương, tâng bốc, đọc đến... phát ngượng vì không đúng sự thật: “Những biểu cảm tinh tế của cuộc sống được anh mã hoá qua câu chữ tràn đầy tâm trạng để thức dậy sự hướng thiện, hướng tới cái đẹp trong cuộc sống con người...”. Nhiều người có biết “gương mặt trẻ” này cho rằng đó là lời anh ta tự viết ca ngợi mình chứ không phải của bản báo. Ba bài thơ đăng đều na ná giống nhau về giọng điệu, về ý đồ “cách tân”, về sự kín mít như đánh đố người đọc. Hãy xem, “nhà thơ” này “mã hoá” như thế nào và “làm thức dậy sự hướng thiện, hướng tới cái đẹp trong cuộc sống con nguời” ra sao:

“Giữa cái cần và cái đủ. Giữa lặng thinh và ồn ĩ

Ngay ngắn thở trong một thế giới nghiêng, sự tương thích của ý nghĩ, sự gắng gượng của âm thầm trải nghiệm...”

( Đường dẫn)

“Ánh ngày nín thinh

Trong đầu ta vắng tanh ý nghĩ mới

Thả phanh về vô cực

Tâm ở lại với thì qúa khứ

Những con chữ âm thầm bén lối...”

( Khởi động)

“Tỉnh thức và lắng nghe, thèm khát mùi thơm từ túi xạ tâm hồn - Con chồn hương trên đại ngàn đa cảm. Luỹ thừa những nỗi niềm và luỹ thừa mảng bám...”

(Nghe)

Có thánh may ra mới biết được “nhà thơ” định nói gì trong những câu thơ dẫn ở trên (mà thánh thì lại không có trên đời?). Ba bài thơ thì hầu như tất cả mọi câu, chữ đều như thế. Nếu có ai hỏi chính tác giả, có lẽ cũng không thể nói được mình muốn “mã hoá” điều gì.

Có vẻ như tác giả những câu thơ trên phải trăn trở, nhọc công “tư duy” lắm mới nặn được ra. Nhưng xin lỗi bạn đọc và tác giả, tôi cũng xin mạn phép phịa ngay ra đây vài câu trong 1-2 phút để xem có khác gì những câu thơ trên không, ví dụ:“Ngàn năm đồng đất thở, hầm hập cơn nóng quá khứ, lay động bao số phận gấp khúc, cuộn tròn trong hộp om om. Vuốt thẳng ngày xanh, trải dài dải lụa lượn lờ nẻo khuất...”

Tìm tòi, đổi mới dĩ nhiên là luôn cần được cổ suý. Đó chính là sứ mạng của bất cứ người sáng tác chân chính nào. Nhưng thế nào là đổi mới và cách tân ra sao cần phải được hiểu chính xác. Và quan trọng hơn cả là: rốt cuộc, mọi “tìm tòi” đó đem đến hiệu quả gì cho việc thưởng thức của công chúng? Ở đây, rất dễ có sự ngộ nhận. Ai cũng biết ở phương Tây, cách đây trên trăm năm đã xuất hiện trường phái hiện đại trong nghệ thuật, biểu hiện rõ nhất trong hai loại hình là thơ và họa. Những tác phẩm tạo hình quái dị, không ai hiểu nổi hoạ sĩ định vẽ gì. Người ta vẫn gọi đó là những bức tranh lập thể. Trong thơ cũng vậy, ý tứ mập mờ, ngôn từ kín mít. Người đọc có cảm giác tác giả đang... lên đồng với chữ nghĩa.

Ở Việt Nam, trước Cách mạng Tháng 8 cũng có nhóm Xuân thu nhã tập chủ trương thơ siêu thực. Một nhà thơ tiêu biểu của nhóm này là Nguyễn Xuân Sanh với câu thơ nổi tiếng nhiều người biết “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”. Câu thơ mới đọc qua tưởng là kỳ dị, khó hiểu, nhung nghĩ lâu sẽ thấy rất hay bởi tác giả đã tư duy sâu sắc, tìm cách biểu hiện sự biến đổi thời gian thật độc đáo, thú vị: Trên bàn thờ mỗi gia đình, thường có chiếc đĩa đựng hoa quả để cúng ông bà, tổ tiên, nhất là những dịp mùng 1, rằm hàng tháng. Mùa nào quả nấy. Những loài quả được thay đổi theo 4 mùa như để lại nơi đáy đĩa dấu tích, hương vị từng loại trái cây. Nhìn vào đáy đĩa, người ta hình dung đựơc sự chuyển động, biến thiên cuả thời gian, năm tháng. Đó chính là “nhịp hải hà” vậy. Quả là một câu thơ xuất thần, vô cùng lý thú. Ý tứ sâu kín nhưng không bí hiểm, tắc tị, kỳ cục như những câu thơ đã nêu ở trên. Và tác giả cũng như người bình thơ hoàn toàn có thể dễ dàng giảng giải cho người đọc hiểu.

Những người làm thơ theo đuổi khát vọng cách tân có khuynh hướng nghiêng nhiều về hình thức (phá cách về câu chữ, nhịp điệu, tiết tấu, tìm tòi ngôn từ lạ lẫm, ví như “ồn ĩ” (ồn ào và ầm ĩ) hơn là đổi mới về ý tứ, nội dung. Xin nhớ một điều: Cần trở lại tên các chủng loại văn nghệ (nhạc: có giai điệu; kịch: có mâu thuẫn, gay cấn, “kịch liệt”; múa: sự chuyển động uyển chuyển của cơ thể con người; điện ảnh: sự chuyển động cuả hình ảnh). Thơ thì phải nên thơ, có vần điệu, ngôn từ chắt lọc, giàu biểu cảm, chứ không thể là một mớ chữ nghĩa hỗn độn, nhộn nhạo. Cái gì thuộc về truyền thống, tức là đã được khẳng định qua thời gian (dài lâu) sẽ có sức trường tồn. Quanh đi quẩn lại, chỉ có mấy kiểu thơ: Lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, thơ 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ và thơ tự do (mở rộng chữ nghĩa mỗi câu, co giãn số lượng câu trong một bài, liền dòng hay “leo thang”). Có đổi mới đến đâu cũng không thể ra ngoài khuôn khổ đó. Thơ văn xuôi từng xuất hiện mấy chục năm nay mà người tiên phong là Chế Lan Viên (nhiều bài xuất hiện trong tập Ánh sáng và phù sa). Vậy nên đến giờ mở rộng câu thơ dài dằng dặc, in thành vài ba dòng mới hết thì đâu có mới? Vậy thì mới, chủ yếu phải là ở nội dung với việc tìm tòi tứ thơ lạ, ý thơ sâu sắc, độc đáo, khả năng biểu cảm phong phú.

Tôi nhớ cách đây không lâu, trong một lần đi nói chuyện thơ ở một câu lạc bộ các bạn yêu thơ tại một cơ quan, có một bạn đứng lên đọc mấy câu thơ rồi hỏi tôi tên tác giả, vì bạn ấy rất thích mà không nhớ rõ. Bài thơ chỉ vỏn vẹn có 4 câu, có tên là “Sợ:

Muốn bơi trong mắt em

Nhưng anh sợ bị đắm

Bởi tận cùng thăm thẳm

Anh nào biết nông sâu

Tôi hỏi vì sao bạn thích bài thơ trên. Trả lời: vì có ý thật độc đáo. Chàng trai muốn yêu người con gái nhưng lại sợ không yêu được vì tình cảm đơn phương. Đến lúc ấy thì đau khổ đến chết (thuyền bị đắm). Tôi nói với bạn là còn một ý nữa: Vì anh chàng quá si tình, chưa hiểu rõ đối tựơng thế nào mà đã lao vào, do người con gái quá phong phú, không dễ có thể hiểu (ý này biểu hiện ở 2 câu thơ cuối). Về hình thức, đó là bài thơ thể 5 chữ quen thuộc, chẳng có gì mới mẻ. Nhưng về ý tứ, nội dung thì rất mới, bởi cách khai thác vấn đề, cách nói ẩn dụ gợi mở, khiến người đọc thú vị. Bạn trẻ trên là nam, mới ngoài 32 tuổi, là thạc sĩ kinh tế. Một công chúng trẻ tuổi, là trí thức mà yêu thích bài thơ thì khó có thể chê “gu”của họ là cổ lỗ, xưa cũ.

Có một sự thực khá sinh động: Cho đến hôm nay, Nguyễn Bính vẫn là nhà thơ có số lượng độc gỉa đông nhất. Những bài thơ sáng tác từ trước Cách mạng Tháng 8 của ông luôn được in ấn, tái bản mà vẫn bán rất chạy, trong khi không phải nhà thơ nổi tiếng nào cũng có được diễm phúc đó. Mà đâu phải chỉ người dân quê mới thích thơ ông, giới trí thức, tuổi trẻ ở thành phố cũng rất yêu quý nhà thơ này. Chắc chẳng ai nghĩ ông là nhà thơ cách tân gì. Thậm chí còn là người tiêu biểu nhất cho thơ truyền thống với thể lục bát quá quen thuộc, Vậy vì sao ngưòi ta thích thơ ông mà lạị “dị ứng” với những bài thơ được coi là “đổi mới” đã nhắc đến trong bài viết này?

Cũng như bộ áo dài của phụ nữ Việt Nam, và bộ com-plê của đàn ông trên khắp thế giới. Cái đẹp đích thực không bao giờ cũ, luôn được người ta mãi ưa thích. Tôi không tin đến một lúc nào đó, phụ nữ Việt Nam từ bỏ áo dài và đàn ông trên thế gian có bộ trang phục khác thay thế com-plê trong những ngày lễ long trọng (trừ trang phục mang yếu tố dân tộc riêng của vùng Trung Đông).

Xin được khép lại bài viết bằng một lời như là “tái bút”. Đổi mới là bản chất của sáng tạo. Vậy nên đương nhiên cần được thường trực trong đầu mỗi người cầm bút. Ai chống lại sự đổi mới, kẻ đó không có lý do tồn tại. Nhưng cách tân như khuynh hướng phổ biến của nhiều người làm thơ hiện nay thì để làm chi, nếu không nói là một sự bế tắc và cũng là một dạng “lạc hậu” so với lịch sử, là sự háo danh trong khi tài năng của mình còn hạn chế, bất cập?

Nếu có gì không phải với ai đó thì cũng xin được lượng thứ vì đã bàn về sự cách tân một cách thẳng thắn.

None

TS. Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất