Cần minh định lại một số tên tuổi trong quá khứ - Phần 2

Tại phần một, tôi đã nhắc đến một số tên tuổi: Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông (thơ), Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn (nhạc) với chung một ý là các vị này đương nhiên là những người có tài, nổi lên trên mặt bằng văn nghệ chung. Nhưng không thể như lâu nay gần như vẫn được mặc định là những tài năng kiệt xuất, lấn át tất cả. Thậm chí, theo tôi, họ cần được xếp sau, xếp dưới nhiều tài năng khác với những thành tựu và cống hiến lớn hơn họ nhiều.

Ví như trong phong trào thơ mới ra đời trước năm 1945 và ngay cả cho mãi tới về sau, Nguyễn Bính mới là nhà thơ đáng được nhắc đến đầu tiên, trước những Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Chế Lan Viên... Bởi thơ ông được tất thảy mọi tầng lớp công chúng ưa thích.

Trong khi các nhà thơ “mới” kia chỉ được một tầng lớp nào đó ngưỡng mộ, cụ thể là giới trí thức, tiểu tư sản ở thành thị. Tôi nhớ rõ cách đây chừng mươi năm, hàng loạt tuyển thơ của các nhà thơ trên được tái bản, bày bán la liệt tại các hiệu sách. Chỉ thơ của Nguyễn Bính là bán chạy, còn tuyển tập của các nhà thơ khác thì rất ít người mua. Có lẽ đến hôm nay, tại một số hiệu sách vẫn còn. Đó chính là minh chứng cho ý kiến của tôi.

Còn một số tên tuổi nữa cũng khá tiêu biểu cho khuynh hướng được nống lên trên sự thật của tài năng. Khá rõ có lẽ là Hoàng Cầm. Không biết có phải vì nhà thơ đáng kính, đáng yêu này từng bị “tai nạn” do dính líu đến vụ Nhân văn - Giai phẩm hồi năm 1956-1957 để rồi một thời gian dài sau đó bị vô hiệu không mà như một sự “đền bù”, nhiều cây bút lý luận và báo chí đã rất hào phóng trong việc đề cao tài năng này như một thứ gì độc, lạ, không ai có thể so sánh. 

Và trên bầu trời thi ca hiện đại Việt Nam cứ như là các nhà thơ khác bị lu mờ, không thể tỏa sáng. Thơ Hoàng Cầm, tôi thấy chỉ có hai bài hay là Bên kia sông Đuống và Lá diêu bông. Ngoài ra, bình thường. Và cái hay của hai bài thơ này cũng sàn sàn như tất cả những bài hay khác của các nhà thơ khác chứ không phải là vụt lên như một đốm sáng thần diệu gì. 

Xem thêm: Cần minh định lại một vài tên tuổi trong quá khứ

Nếu lấy công chúng và thời gian làm thước đo mọi chân giá trị đích thực của nghệ thuật như chúng ta vẫn nói lâu nay thì Bên kia sông Đuống không thể so với Núi đôi của Vũ Cao và Màu tím hoa sim của Hữu Loan. 

Bản thân tôi từng được Đài TNVN và Đài THVN mời đến đọc cả 3 bài thơ này trên nền nhạc hiện đại (hình thức mélodrmame) để phát sóng thì khi thu 2 bài của Vũ Cao và Hữu Loan, có nhân viên thu thanh đã khóc. Nhưng điều này không xảy ra khi tôi thu bài Bên kia sông Đuống.  

Nguyễn Tuân được coi là nhà văn lớn, là “ông hoàng ngôn ngữ”, “ông hoàng tiếng Việt”, “ông hoàng ký sự”...Trước khi là sinh viên văn khoa (Đại học Tổng hợp), lúc còn học cấp 3, tôi đã nghe tên tuổi nhà văn này bên cạnh những Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Công Hoan... 

Nhà văn Nguyễn Tuân  

Qua cách người ta nói về Nguyễn Tuân, trong tưởng tượng của tôi, ông hiện ra như một nhà văn lớn, kiểu như Sô-lô-khốp, Goóc-ky bên Nga, còn có gì đó siêu phàm hơn cả mấy tên tuổi nhà văn Việt Nam tôi vừa nhắc ở trên. Thế là vài năm sau, trở thành sinh viên văn học, tôi bèn gấp rút tìm đọc những tác phẩm của Nguyễn Tuân thì thấy ông có hai tập truyện ra đời trước cách mạng tháng 8 đáng kể là Chiếc lư đồng mắt cua và Vang bóng một thời. Tôi thấy chẳng có gì đặc biệt, không hay bằng các tác phẩm của Nam Cao, Nguyễn Công Hoan và Thạch Lam cùng thời. 

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và sau năm 1954, ông có nhiều tùy bút, ký sự về các đề tài đấu tranh thống nhất, xây dựng miền Bắc, bắt giặc lái Mỹ... Ông còn viết về ẩm thực trong đó bài về phở Hà Nội khá độc đáo khiến dân sành ăn nhớ mãi. Ông có những quan sát và cách khai thác vấn đề tinh tế, thú vị. 

Văn chương của ông khoáng đạt, có phong cách riêng rất rõ. Nhưng nói ông là “thày phù thủy chữ nghĩa” thì tôi không bị thuyết phục bởi năng lực sử dụng tiếng Việt của ông cũng như nhiều nhà văn giỏi khác mà thôi, chẳng có gì đặc biệt nổi trội hơn hẳn. 

Phải chăng tính ngông, bất cần đời và cái thú xê dịch của ông mà tạo thêm cho ông vẻ đặc biệt cao ngạo khác người. Từ đó mà người ta phong, gán luôn cho ông tài năng đặc biệt về văn chương, chữ nghĩa? 

Trong lĩnh vực âm nhạc, tại số báo trước, tôi đã nhắc đến Trịnh Công Sơn. Người nhạc sỹ tài năng này gắn với nhiều ca khúc duy mỹ và có tính vĩnh hằng, tức là đề cập đến những khía cạnh của đời sống tinh thần, tình cảm của con người mang tính muôn thuở, không gói trong một xã hội, thời điểm lịch sử cụ thể nào. Ông là nhạc sĩ của những nỗi cô đơn, của những gì siêu thoát, hư vô. 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn 

Những tâm hồn đa cảm gặp lúc chông chênh, chống chếnh, cảm thấy cuộc đời vô thường, thậm chí vô nghĩa thì dễ đồng cảm và thấy như có bạn tri âm từ những ca khúc của ông mang đậm chất thiền và triết lý. 

Nhưng ca khúc của Trịnh Công Sơn chỉ hợp và được giới trẻ, trung tuổi là thị dân ưa thích. Người cao tuổi, nhất là bà con lao động ở mọi vùng xa xôi, đồng quê, miền núi, thậm chí không biết đến ông. Họ hoàn toàn xa lạ với những lời hát “Gọi nắng trên vai em gầy, đường xa áo bay...” hoặc “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về...”, hoặc “Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây, đã vui chơi trong cuộc đời này...”. 

Nhưng con người ta đâu phải lúc nào cũng có thời gian để gặm nhấm mãi tâm trạng buồn, cô đơn. Họ cần phải sống một cách mạnh mẽ, cần vượt qua số phận để vươn lên, tồn tại và phát triển. Ngôn ngữ âm nhạc của vị nhạc sĩ họ Trịnh này không phong phú, ít có giá trị tồn tại độc lập nếu thoát khỏi ca từ. Nói ông đã hát thơ thì có lẽ đúng hơn. 

Nhưng ngay cả lời trong các ca khúc của ông được nhiều người ghi nhận, cho là hay thì cũng vẫn chưa thoát khỏi tình trạng sáo, mòn, nhiều câu chữ có vẻ “cải lương”. Những “ướt mi”, “hoen mi”, “vai gầy”, “bờ vai”, “người tình”...xuất hiện hơi nhiều. 

Theo tôi, bài có giá trị nhất của ông lại là bài “Nối vòng tay lớn”. Ở bài này, ông đã thoát ra được những cảm xúc mang tính cá nhân nhỏ bé, mong manh để cất lên tiếng hát của triệu người hòa chung một tâm trạng hứng khởi khi non sông, bờ cõi liền một dải, muôn người Việt cùng thống nhất một tình cảm, ý chí. 

Bài hát biểu hiện sự thống nhất không chỉ ở khía cạnh địa lý mà chủ yếu ở cõi văn hóa, tinh thần. Tôi không nghe ca khúc này bằng cảm quan chính trị mà ở khía cạnh nhân văn, nhân bản sâu sắc. 

Về giai điệu, vẫn là chất nhạc giàu suy tư, lôi cuốn vốn được ông khai thác ở rất nhiều bài nhưng bài này có phong vị rất riêng. Bài hát toát ra một cảm hứng nồng nhiệt, sôi nổi nhưng vẫn có cái gì đó suy tư, lắng đọng, hơi ngậm ngùi. Đúng là tâm trạng, tâm thế của một dân tộc vừa hoàn thành sứ mạng thống nhất đất nước nhưng cũng phải trả quá nhiều giá đắt, không dễ có chỉ vui vẻ một cách vô tư. 

Trịnh Công Sơn là như thế. Có đường phố mang tên ông là điều hoàn toàn chấp nhận được. Nhưng sẽ không công bằng nếu những tên tuổi khác như Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn, Lê Yên, Văn Chung qua đời cũng đã lâu mà hình như vẫn chưa có phố nào mang tên họ. 

Ở thời buổi ta vẫn gọi là “duy ý chí”, có khuynh hướng dìm, phủ nhận những tài năng văn nghệ không thuộc dòng “cách mạng”. Nay “cởi trói”, thông thoáng hơn nhiều trong nhìn nhận mọi điều thuộc “kiến trúc thượng tầng” thì lại rơi vào một cực đoan khác: Quá đề cao những người đó, đến mức họ chưa đạt được. Ví như nói Trịnh Công Sơn là một “thiên tài âm nhạc”, rồi “nhạc sĩ huyền thoại” thì thật khó chấp nhận. 

Trên thế giới, ở mọi thời đại,  không nhiều nhạc sĩ có thể gọi được là thiên tài. Đó là những Bét-tô-ven, Sô-panh, Trai-cốp-xki, Mô-za, Su-be, Sốt-xta-cô-vích. Rất nhiều người tỏ ra cực đoan khi nhìn nhận rằng nói đến nhạc sĩ Việt Nam thì chỉ có thể nhắc đến Trịnh Công Sơn hay ít nhất tên tuổi này là đứng đầu. Còn các nhạc sĩ khác không thể xếp ngang. 

Họ đã không biết một điều: Ở các nước có nền âm nhạc phát triển như châu Âu, người ta không coi những ai chỉ viết được ca khúc là nhạc sĩ (compositeur). Vậy nên nếu xếp ông trên cả những tên tuổi được đào tạo chính quy về âm nhạc và viết khí nhạc nổi tiếng ở nước ta như  Nguyễn Đình Tấn, Đàm Linh, Nguyễn Văn Nam, Vĩnh Cát, Đỗ Hồng Quân... thì e không ổn. 

Và ngay cả ca khúc thì ảnh hưởng của Trịnh Công Sơn trong số đông các tầng lớp công chúng như đã nói vẫn không thể so được với những nhạc sĩ khác như Đỗ Nhuận, Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Tý, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn, Hoàng Hiệp, Xuân Hồng, Doãn Nho, Thuận Yến, Huy Thục...

Ngược trở lên, tôi đã có ý minh định lại một số tên tuổi trong quá khứ theo khuynh hướng “hạ tông” trong việc đề cao, tôn vinh. Nhưng có một nhà thơ tôi muốn điều ngược lại, tức đánh giá ông đúng mức, xứng tầm hơn. Đó là Tố Hữu. 

Có một thời gian dài trước “đổi mới”, đâu đâu cũng coi ông là nhà thơ hiện đại lớn nhất Việt Nam. Thơ ông tràn ngập ở sách giáo khoa tất cả các cấp học, trên báo chí những dịp lễ lạt lớn. Nhưng sau khi ông gây nên vụ “giá, lương, tiền” năm 1985 ở cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, nhất là sau Đại hội Đảng lần thứ 6 mở ra kỷ nguyên đổi mới của đất nước, ông không còn giữ trách nhiệm gì thì lại có ứng xử  có phần cực đoan đối với thơ của ông: Đánh giá thấp thơ ông, rút nhiều bài ra khỏi nhiều cuốn sách giáo khoa các cấp. 

Tôi nghĩ rằng ta cần rạch ròi, phân minh, việc nào đi việc nấy. Ông phạm sai lầm trong cương vị công tác, gây hậu quả không mong muốn cho nền kinh tế đất nước một số năm tháng không thể khiến ta đánh giá lại sự nghiệp thơ của ông. 

Tố Hữu cho đến phút này, theo tôi, vẫn là một nhà thơ lớn, in dấu ấn sâu đậm trong nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam. Tập Từ ấy (trước Cách mạng tháng 8) của ông rất có giá trị, gồm nhiều bài thơ hay, làm xao xuyến nhiều trái tim non trẻ, tác động rất tích cực đến tâm hồn họ. 

Tập thơ đã góp phần giác ngộ nhiều tâm hồn bỡ ngỡ đang bơ vơ “giữa đôi dòng nước” để cuối cùng đã chọn một dòng chứ không để nước trôi. Đó là đến với cách mạng, tham gia hoạt động yêu nước, góp phần giải phóng dân tộc như tác giả đã chọn. 

Đến bây giờ, tôi vẫn thuộc lòng các bài thơ hay nhất trong tập thơ này như Từ ấy, Đi đi em!, Tiếng hát sông Hương, Tiếng chim tu hú... Tập này có giá trị hơn mọi tập thơ khác của dòng văn học lãng mạn, “thơ mới” xét về phương diện cảm xúc, sự lôi cuốn tuổi trẻ chứ không bàn đến khía cạnh chính trị, cách mạng ở đây. Đến tập Việt Bắc (Tố Hữu viết trong thời gian kháng chiến chống Pháp) vẫn còn hay, gồm nhiều bài được coi là hay nhất của thơ kháng chiến chống Pháp. 

Những bài như Bầm ơi!, Sáng tháng năm, Phá đường, Chú bé liên lạc, Việt Bắc... đến hôm nay thế hệ chúng tôi vẫn còn thuộc lòng. Ngay cả Hoan hô chiến sĩ Điện Biên vẫn là bài thơ hay, biểu hiện thật sinh động chiến dịch và chiến thắng lừng lẫy này tuy tác giả không có mặt tại Điện Biên Phủ. 

Có một số người cho rằng tập Việt Bắc có nhiều bài như hò, vè nhằm hạ thấp giá trị thơ ông. Cần thấy sự cố ý tạo cho thơ mình gần với ca dao, thấm đượm hơi hướng của văn học dân gian để dễ vào lòng số đông công chúng là khuynh hướng và phong cách thơ của ông vậy. 

Ông không bao giờ lên giọng cao ngạo, “đao to búa lớn” bất cứ nội dung gì kể cả những vấn đề có vẻ lớn như viết về Đảng, lãnh tụ. Và hiệu quả đúng như vậy. Số đông công chúng - những người bình dân nhất đã rất yêu thích thơ ông. 

Sau hòa bình (1954), tập Gió lộng vẫn tiếp nối được vè dung dị, ngọt ngào, đằm thắm và sâu sắc qua các bài hay như Ta đi tới, Tiếng ru, Tiếng chổi tre, Em ơi! Ba Lan, Người con gái Việt Nam,  Bài thơ mùa xuân năm 1961, Theo chân Bác, Bác ơi!... Chỉ từ khi giữ những trọng trách của Trung ương, thơ ông mới giảm sút cả số lượng lẫn chất lượng. Chứ một số lượng lớn trong một thời gian dài trước đó, thơ của ông vẫn rất xứng đáng ở ngôi đầu bảng. 

Tôi cho rằng ở nước ta, Tố Hữu và Nguyễn Bính là hai nhà thơ có lượng độc giả đông đảo nhất, không một nhà thơ nào đạt được. Không thể vì ông từng mạnh tay đến mức như là cạn tình trong sự kiện “Nhân văn - Giai phẩm” khiến nhiều văn nghệ sĩ không đồng tình, cũng không thể vì sai lầm trong công tác khi làm Phó Thủ tướng mà nhìn nhận thơ ông khác đi. Ông có thể là một ông quan dở, chưa là một người bạn giàu tình nhân ái nhưng thơ ông không thể vì thế mà bị hạ thấp. Thứ gì đi thứ nấy. 

Ở nước ta vẫn xảy ra một hiện tượng : Nhìn nhận giá trị tác phẩm của ai đó dễ bị chi phối bởi vị thế, chỗ đứng của họ. Cứ có vai vế trong xã hội là tự nhiên thấy tác phẩm của họ như là lớn thêm. Ngược lại, khi họ bị thất sủng hoặc không có cương vị gì thì dù tác phẩm có hay cũng bị nhìn nhận thấp đi.  

Đó là một số tên tuổi trong quá khứ cần được trả về đúng vị trí, đúng giá trị thật của tài năng.

None

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất