Chân dung NSND Trần Bình - Nguyên giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam

(Arttimes) - Từ lâu rồi tôi nghiệm ra, Trần Bình chắc có bùa luôn dắt trong túi áo. Đã mà định ai, thì rồi ai cũng đều mê mệt nó hết. Giai mê đã đành, mà nữ thì càng… lăn lóc.

Một thờt trẻ tôi thân Trần Bình. Tôi từ mặt trận về, đang chờ về học lại tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đang tạm được “ăn lương” của ông Tạ Đinh Đề để viết kịch cho Đoàn kịch đường sắt. Còn Trần Bình cũng đang tá túc “lương ông Đề”, vì Nhà hát thiếu nhi của Bình giải thể, tất cả phải chuyển biên chế về Đoàn ca múa Hải Phòng, Bình muốn ở lại Hà Nội với mối tình đầu nên chấp nhận “sống bụi” chờ thời. Nơi hội tụ của hai thằng là nhà ông anh Phan Lưu, “Cậu Ấm”, cháu ngoại cụ Phan Kế Toại,  mới đi học đạo diễn truyền hình ở  Hung-ga-ri về, lại chưa yêu đương vợ con, cũng dạng” sê ri bạt te”.

Chân dung NSND Trần Bình - Nguyên giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam - 1

Trần Bình

 Hà Nội những ngày ấy nghèo, lầm than và bát nháo. Hậu quả của bao năm chiến tranh. Đói nghèo như đến với mọi nhà. Nhà cửa chật chội, lính ta từ khắp các mặt trận về chỗ ăn chổ ở chổ làm đều rất khó khăn.Tìm được một góc cầu thang, kê được một chiếc giường tối tối ngả lưng đã là may mắn. Ghế nhà ga, ghế đá công viên, vườn hoa ven bờ hồ hay hồ Hale Bảy mẫu đêm đêm đều kín chật người đi hoang, đi bụi...

Có một đêm “Hà Nội đêm trở gió”, tôi với Trần Bình đi xem các em Ánh Tuyết, Minh Thủy của Nhà hát Kịch TW diễn, khuya quá, lại gió bấc não nề nên chia tay các em sớm, lê về nhà ông anh Phan Lưu đạo diễn truyền hình ở phố Cao Bá Quát xin tá túc qua đêm. Nhưng đến nơi thì ông anh đã tắt đèn đi ngủ, gọi cửa mãi chẳng thấy trả lời (Như trên đã kể, ông này là cháu ngoại cụ Phó thủ tướng Phan Kế Toại, thuôc diện cậu ấm, ăn ngủ giờ giấc có mẹ kèm nên rất điều độ. Ông cũng rất yêu quý chúng tôi, và khi cho ăn cho ngủ cứ tủm tỉm: “Tao nuôi chúng mày quá là mẹ tao nuôi chiến sỹ cách mạng ngày xưa!”).

Chân dung NSND Trần Bình - Nguyên giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam - 2

Hai ông nghệ sỹ múa lừng danh và là "bạn vàng" của tôi: Trần Bình và Thế Chiến

Lại lê dép tiếp đến nhà ông anh Nguyễn Việt ở Nguyễn Gia Thiều. Ông này là một biên đạo múa nổi tiếng của Đoàn Phòng không-không quân, yêu nhiều em nhưng lúc ấy vẫn cô đơn, “sê ri bạt te” Ông anh lại đặc biệt thích hai người là  thằng Bình và anh Trần Đình Quỳ, cũng biên đạo múa, mới đi Liên Xô về, sau là anh rể thằng Bun Xom Nhật bạn tôi. Đứng trước cửa nhà anh Việt, thằng Bình tự tin gõ cửa cộp cộp, ngay lập tức một mái đầu bù xù ló ra, tay xua xua: “Thôi thôi lạy các bố, các bố đi cho con nhờ” rồi đóng sập cửa lại.

Sau này ông anh mới xin lỗi, cớ rằng đấy là đêm đầu tiên ông anh rủ được người yêu về nhà ngủ, đang âu yếm nhau, nên không thể chứa chấp các đàn em được!

Não nề quá, hai thằng bèn phờ phạc ra góc hồ Ha Le (Thiền Quang) gần đấy, chọn một ghế đá trống, ngồi co ro trong tiếng gió rít và hơi lạnh tê tái đưa lên từ mặt hồ. Cám cảnh vô cùng. Thằng Bình có lẽ vô tư hơn tôi cho nên một lúc thì nghẹo đầu sang một bên, đã bắt đầu ngáy. Nhìn Bình ngủ mà thú thật, tôi thương nó lắm....

Tên thật nó là Thanh Bình, nhưng đời nhiều giông bão quá, chẳng thanh bình tý nào nên sau này chỉ vắn tắt gọi là Trần Bình (Khi có con trai, vợ chồng nó đặt ngay tên con là Bình An, đời chẳng cần vương tướng gì, chỉ mong hai chữ Bình An mà thôi ). 15, 16 tuổi  nó đã nhảy tàu điện từ Hà Đông ra Hà Nội dấn thân vào nghệ thuật. Đơn độc và hai bàn tay trắng.

… Sáng sau chia tay nhau, hai thằng hai ngả, lại lăn lộn trường đời. Trần Bình đi tập trung để đi một tỉnh miền núi quay phim, nó được mời đóng một vai chính trong phim Độ dốc, cùng nghệ sỹ Tuệ Minh. Hai thằng mua một gói xôi ngô, xin rưới thật nhiều mỡ, chia đôi cho nhau lót dạ rồi mỗi thằng mỗi ngả. Nhìn nó vừa chui chúi đi, vừa ăn sôi, tôi như thấy rưng rưng trên mắt....

Nói thật trong đời, tôi đã tưởng mình nghị lực do đời lính và chiến trường tôi luyện (cả tuổi thanh xuân tôi chiến đấu ở mặt trận Lào). Nhưng xem ra Trần Bình lại còn nghị lực hơn nhiều. Một đêm mùa đông đi bụi  như trên là chuyện nhỏ, còn  bao đêm khác nó cùng các anh Trọng Khôi, Lưu Quang Vũ. Ngọc Tân… của Nhà hát kịch TW đi vác bè nứa ở sông Hồng, mồ hôi ướt đẫm vai áo trong gió rét để có thêm thu nhập, kiếm chén rượu suông nhắm với “trăng tàn trên hè phố” bàn luận chuyện nghệ thuật, chuyên đời. Nhưng cuối cùng nó lại nên người "oanh liệt": Được Nhà nước phong tặng danh hiệu" Nghệ sỹ nhân dân", 45 tuổi vẫn còn biểu diễn đầy máu lửa trên sân khấu, nhảy bật cao nhất trong những nam diễn viên múa nước ta, Liên hoan, Hội diễn cứ huy chương vàng tơi tới, nghệ sỹ Liên xô nhảy ka lin ka với nó còn hãi ... 20 năm sau đêm đi bụi ấy, Bình được trao quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc nhẹ quốc gia (vì lúc ấy chưa là Đảng viên nên mới là quyền). Rồi tạo cho Nhà hát một đội múa vào loại xinh nhất trần gian (Trong đó có em Nguyễn Quỳnh Trang), giữ cho Nhà hát đại diện quốc gia tồn tại và sáng đèn suốt 25 năm sau, dù nhiều Nhà hát trong nam ngoài bắc đã không còn phiên hiệu, hay nói cách khác là đã giải thể. Và giờ đây,  khi đến tuổi về hưu, sự nghiệp Nhà hát lại được Trần Bình trao lại cho người vợ yêu quý và phơi phới của mình gánh vác trên cương vị Giám đốc nhà hát…

Đấy là em Nguyễn Quỳnh Trang, nữ sinh khóa 16 trường Múa Việt Nam, rồi về công tác tại Nhà hát ca nhạc nhẹ TW, Trần Bình tinh mắt “tia ngay”. Tôi nhớ một ngày đầu xuân năm xưa, lớ ngớ ra Hà Nội, chẳng hiểu sao lại được một người bạn rủ đi lễ chùa Hà, vào đấy bỗng thấy Trần Bình cũng đi lễ chùa  với một cô bé trẻ đẹp lắm. Bình giới thiệu: “Đây là Quỳnh Trang, diễn viên múa nhà hát tôi”. Tôi tủm tỉm nói với người bạn: “Chắc Bình nó lấy em này”. Y như rằng. Một thời gian sau, Bình cưới cô bé ấy, và gắn bó cho đến hôm nay, cũng đã hàng chục năm, và sinh ra “ông” Bình An như trên đã kể và một cô gái út đặt tên Trần Bảo Phương nhìn biết ngay rồi sẽ kế tục sự nghiệp mẹ. Trộm nghĩ từ buổi đầu Bình đến với nghệ thuật múa, là diễn viên múa và gắn bó với múa, nhưng sau này không hiểu sao lại gắn bó nhiều hơn với lĩnh vực hát, góp phần lăng xê được rất nhiều ngôi sao ca nhạc rực rỡ ( dù tôi đồ rằng ông này mà  hát thì quá ống bơ rỉ…).

Chân dung NSND Trần Bình - Nguyên giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam - 3

 Nữ Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Đương đại NSƯT Nguyễn Quỳnh Trang - Phu nhân Trần Bình

 Nhưng cuối cùng thì may thay, Trần Bình lại gặp em Trang, gắn bó với em. Múa lại trở về múa. Lá lại rụng về cội, nước lại chảy về nguồn..  Bởi thế Trần Bình từ ấy mới bình yên, thật sự là “ Thanh bình” và hạnh phúc quá cả ước mong ...

*

Tôi lại nhớ cách đây ít năm, tôi có “đánh đu” với một bác thứ trưởng Bộ Nông nghiệp. Bác này từng đi 108 nước trên thế giới thăm quan và ký hiệp định cho nông nghiệp nước ta chứ không vừa. Ham việc nhưng cũng say thơ, bác đã in đến 18 tập thơ và được nhiều nhạc sỹ phổ nhạc. Tôi bảo Trần Bình ông giúp cho bác ấy làm mấy đêm ca nhạc diễn ở Nhà Hát Lớn Hà Nội và Cung hữu nghị Việt Xô nhé. Tôi tài trợ!”. 4 đêm liền “Về quê Ngoại” và “Dáng xưa” của bác này diễn ở Nhà hát Lớn và Cung Việt xô, với Tổng đạo diễn: Trần Bình,  Chỉ đạo nghệ thuật Trần Bình, Chỉ huy đêm diễn: Trần Bình…cháy vé, không còn một ghế trống! Những Ngọc Tân, Quang Huy, Anh Thơ, Hồng Nhung, Thanh Lam, Ngọc Khang.. đêm nào cũng biss, khiến nhiều đồng nghiệp như Phạm Anh Phương- Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch nhìn người xem ngồi như nêm cối trong Cung hữu nghị xem chương trình, lắc đầu ngao ngán không còn hiểu nổi vì sao…

Trong lĩnh vực tổ chức biểu diễn, tôi quả quyết Trần Bình là một “Phù thủy”. Kiểu gì anh cũng chơi, kết cục là người diễn người xem đều hỉ hả, và đều “ nắng”. Tạo dựng và giữ cho Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam thương hiệu và tầm vóc như  hôm nay, tôi thầm nghĩ trước hết là công lao, tài năng, và tâm huyết của vợ chồng Trần Bình- Nguyễn Quỳnh Trang. Không phải bỗng nhiên mà NSND Quốc Hưng thốt lên:" NSND Trần Bình là đạo diễn giỏi và trách nhiệm nhất Việt Nam. Tôi được làm việc với anh Trần Bình và Quỳnh Trang rất nhiều năm, trân trọng vô cùng!".

Chân dung NSND Trần Bình - Nguyên giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam - 4

Tháng 4 vừa qua, Nhà hát Nghệ thuật Đương Đại Việt Nam đã làm lể kỷ niệm 35 năm thành lập, và đón nhận Huân chương Độc Lập hạng hai. Mọi người đều hiểu rằng, trong ánh sáng lung linh của tấm huân chương cao quý ấy, có công lao rất lớn của nguyên Giám đốc NSND Trần Bình và tân Giám đốc - NSƯT Nguyễn Quỳnh Trang.

None

Triệu Phong

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Sáng 28/3, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội), PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc).