Cổ tích không chỉ dành cho trẻ em

Hơn 100 năm trôi qua, chúng ta vẫn tìm được nhiều giá trị trong truyện cổ tích của Andersen. Đó không chỉ là chuyện thần tiên cho trẻ em, mà gửi nhiều thông điệp tới người lớn.

Khi nhắc đến Andersen người ta hay nhắc đến Nàng tiên cá, Cô bé bán diêm, Vịt con xấu xí, Bà chúa Tuyết, Hoàng đế cởi truồng, Chú lính chì dũng cảm, Bầy chim thiên nga… Nhưng có những truyện được nhắc đến ít hơn mà vẫn khiến bao người thích thú.

Kết thúc cổ tích không nhất thiết phải có hậu

Tiêu biểu, có lẽ là câu chuyện Một truyện có thật, rằng: Có một nàng gà mái lông trắng xinh đẹp đức hạnh, đẻ đều, buổi tối trước giờ đi ngủ đậu trên chiếc cầu trong chuồng gà và rỉa lông, làm một cái lông khẽ khàng rơi ra. Sau đó nàng chìm vào giấc ngủ. Một mụ gà mái khác trông thấy, buồn mồm kể lại với mụ khác trong chuồng rằng nàng gà trắng thích chải lông làm đỏm và như thế rất đáng khinh.

Trên phía đầu chuồng gà có nhà cú sống, cú mẹ nghe thấy bay đi nói với một bà bạn: Một ả gà mái nhổ tiệt lông để làm đỏm với gà trống. Hai mẹ cú lại bay đi buôn chuyện với đám bồ câu. Đám bồ câu lại buôn lại với cái chuồng gà bên cạnh, rằng có những hai mụ gà mái nhổ tiệt lông đi để chài gà trống, cuối cùng bị cảm lạnh và chết toi.

Câu chuyện được đưa đi đưa lại qua mấy chuồng gà, cuối cùng nó trở lại chuồng gà đầu tiên, và thành: Có năm ả gà mái tự vặt trụi lông mình đi để xem ai gầy mòn nhất vì tương tư một anh gà trống, cuối cùng chúng đánh nhau, máu me đầm đìa và chết cả nút. Cô gà trắng đức hạnh không thể nào nhận ra câu chuyện xuất phát từ chính mình, phán ngay bọn gà mái kia là “quân khốn nạn”!

Câu chuyện luôn đúng và càng đúng với thời đại chúng ta, khi chúng ta đang bị truyền thông dẫn dắt quá mức, thị phi trên mạng xã hội khiến chúng ta không còn biết đâu là thật, đâu là giả.

Cổ tích không chỉ dành cho trẻ em - 1

Truyện cổ Andersen. Ảnh: Nhã Nam.

Truyện Chiếc hòm bay kể về một anh công tử con nhà giàu. Một hôm bố anh ta lăn ra chết và anh ta hưởng trọn gia sản. Anh ta thỏa sức ăn chơi tiêu xài cho đến một ngày chỉ còn vài xu dính túi phải ra đường. Bạn anh thương tình cho anh một cái hòm đựng đồ cá nhân, nhưng anh ta chả có gì đựng vào, bèn nằm luôn vào trong. Không ngờ cái hòm bay được! Thế là anh bay vòng vèo và hạ xuống nước Thổ Nhĩ Kỳ.

Rồi anh ta bay vào lâu đài tán tỉnh công chúa, giả vờ mình là thần hoàng nước Thổ Nhĩ Kỳ. Anh ta kể chuyện rồi tán hay đến mức công chúa xiêu lòng, đồng ý làm vợ anh. Nhưng còn phải thuyết phục đức vua và hoàng hậu. Nàng sẽ tổ chức cuộc gặp, và vì vua và hoàng hậu đều mê nghe kể chuyện nên chàng có bài thi là kể chuyện cho thật hay. Hoàng hậu thích nghe chuyện thật thà và đạo đức, còn nhà vua thì ưa truyện vui vẻ khôi hài.

Anh chàng về nơi ẩn náu trong rừng vắt óc nghĩ truyện. Đến ngày ra mắt, anh kể về những que diêm kiêu hãnh lố bịch trong một căn bếp tầm thường. Câu chuyện hay đến nỗi vua và hoàng hậu đồng ý tác thành cho đôi trẻ. Tin công chúa thành hôn được thông báo khắp vương quốc, toàn dân hớn hở ăn mừng. Anh chàng phấn khởi lắm, tối trước ngày cưới anh đi mua đủ các loại pháo hoa - bằng tiền của công chúa - rồi bay lên trời đốt, chiêu đãi người dân một bữa tiệc ánh sáng thỏa thuê.

Sau đó anh đi vào thành nghe người ta ca ngợi công đức và vẻ đẹp của thần hoàng. Lúc anh trở về rừng để chuẩn bị cho lễ cưới ngày mai, thì ôi thôi, chiếc hòm đã không cánh mà bay: Một quả pháo còn sót lại trong hòm đã thiêu nó ra tro. Anh không có cách nào trở lại với công chúa, mặc nàng vò võ đứng đợi trong ngày cưới. Còn anh trở thành người kể chuyện lang thang.

Câu chuyện này vui và có nhiều lớp nghĩa. Ví dụ chuyện những que diêm là cái nhìn châm biếm giễu cợt về đời sống, về những kẻ hợm mình một cách đáng thương. Còn chàng trai thực sự là một nghệ sĩ kể chuyện, và anh ta có đủ những tính cách hoang phí, bốc đồng, bất cần, dẻo mỏ, ham vui, hoàn toàn không phải kiểu “trai ngoan” trong cổ tích dân gian. Vì thế mà anh ta thú vị.

Câu chuyện không kết thúc có hậu theo motif truyền thống, là đôi trẻ lấy nhau sống hạnh phúc trọn đời. Nhưng cũng không hẳn là buồn, nó là một kết thúc mở để người ta có thể tự điền thêm vào chỗ trống. Cái có hậu ở đây có thể là, công chúa thực ra rất may vì đã không lấy anh ta, vì một kiểu người như vậy về lâu dài khó mà làm nàng hạnh phúc. Còn chàng trai thì được tự do lang thang đây đó đúng như cách sống mà anh ta yêu thích.

Cổ tích không chỉ dành cho trẻ em - 2

Minh họa truyện Bầy chim thiên nga của họa sĩ Yvonne Gilbert.

Nhận thức lại về truyện cổ tích

Có một câu hỏi gần đây hay được đặt ra, là trẻ con có còn cần truyện cổ tích Andersen và truyện cổ tích nói chung? Đúng là chúng ta đã có nhiều nhận thức lại về cổ tích, vì một số giá trị mà cổ tích đề cao hoặc khuyến khích đã không còn hợp thời.

Một trong những tư duy của cổ tích cũ xưa và phần nào trong truyện Andersen là "mắt đền mắt răng đền răng". Vì thế các tình tiết sử dụng bạo lực, sử dụng dối gạt để giành chiến thắng vẫn xuất hiện trong các truyện - như truyện Cu Nhớn và Cu Con.

Tuy nhiên, nếu sự giáo dục của gia đình và nhà trường đúng và đủ, trẻ em sẽ nhận thức được truyện cổ là truyện cổ, thuộc về một thế giới xưa cũ, còn trong cuộc sống thì chúng ta không được phép làm tổn thương người khác.

Đọc cổ tích, có lẽ cha mẹ cũng cần đồng hành với con đôi chút. Không chỉ là đọc sách cùng nhau và cùng bàn luận, mà trong cuộc sốn thường ngày, qua các tình huống, lối hành xử, có thể dạy con về sự nên và không nên. Ví dụ không cư xử bạo lực dù bằng hành động hay lời nói với con đã chính là dạy bài học về việc không nên bạo lực rồi.

Một motif của cổ tích là hôn nhân luôn là điểm kết thúc của câu chuyện và phụ nữ chỉ cần hôn nhân tốt là vươn đến đỉnh cao cuộc đời mà không phải làm gì cả, cứ xinh đẹp rồi chờ hoàng tử đến hôn là xong. Cha mẹ có thể qua trao đổi mà nói với con quan điểm của thời đại bây giờ.

Ví dụ khi con gái chơi trò búp bê, bé sẽ rất thích diễn kịch mặc đẹp đi dự hội và gặp hoàng tử. Con sẽ đóng vai một cô búp bê, và cha, mẹ đóng vai bạn bè. Con nói: “Cậu ơi chúng mình đi dự hội đi, có khiêu vũ đấy, có hoàng tử đấy”. Thì cha mẹ có thể sẽ nói: “Ừ đi đi, nhưng mà chúng mình phải xem hoàng tử có lịch sự, hiểu biết tốt bụng không thì mới chơi cùng đấy nhé”.

Và đến vũ hội tưởng tượng, thì ta có thể nói: “Ôi hoàng tử này được đấy, ngoan, mình chơi cùng được”. Hoặc nói: “Cậu ơi hoàng tử này dở hơi quá, chúng mình đi chỗ khác chơi đi”. Đấy là một trong những cách dạy trẻ con suy nghĩ đa chiều thay vì bị ấn định bởi cổ tích.

Ngày nay, chúng ta vẫn cần cổ tích. Cổ tích nói chung và truyện cổ Andersen nói riêng mang lại cho trẻ con trí tưởng tượng bay bổng, cho trẻ con thưởng thức vẻ đẹp ngôn ngữ.

Cổ tích dạy trẻ con về cái thiện, về sự tử tế, về sự đồng cảm với những thân phận thấp bé đau khổ, những điều này luôn cần cho cuộc sống ở bất cứ thời nào.

Thêm nữa các câu chuyện cũng mang đến cho trẻ con sự giải trí sau những giờ học căng thẳng, và kéo chúng khỏi những màn hình smartphone đang áp đảo quá nhiều.

Theo Zing

Tin liên quan

Tin mới nhất