Công chúng âm nhạc hiện nay

(Arttimes) - Công chúng chẳng những là đối tượng phản ánh, miêu tả, biểu hiện mà còn nuôi dưỡng, bảo tồn, là động lực thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật. Âm nhạc - một loại hình nghệ thuật mang tính quần chúng rộng rãi nhất - lại càng chứng minh rõ điều đó.

Hiện nay, tình hình công chúng âm nhạc ở nước ta ra sao? Họ đang ưa thích, ngưỡng mộ hay quay lưng lại với âm nhạc? Và công chúng của âm nhạc đích thực là những ai? Gần như lâu nay nhiều người vẫn phán xét hoặc nhận định một cách rất chung chung: Bài hát này, tác giả nọ, ca sĩ kia... được nhiều người ưa thích. Nhưng “nhiều” là bao nhiêu, gồm những ai, thuộc tầng lớp nào trong xã hội và yêu thích nhất thời hay lâu dài... thì chưa bao giờ có sự điều tra, thẩm định cụ thể, chính xác.

Công chúng âm nhạc hiện nay - 1

Ảnh minh họa. Nguồn DAINGO Studio

Ở nước ta, chưa làm được việc điều tra xã hội học trong lĩnh vực này. Những bài hát Con kênh xanh xanh (Ngô Huỳnh), Nhạc rừng (Hoàng Việt), Làng tôi (Văn Cao), Bài ca hy vọng (Văn Ký), Quê em (Nguyễn Đức Toàn), Lời ru trên nương (Trần Hoàn và Nguyễn Khoa Điềm) và rất nhiều ca khúc có giá trị khác hiển nhiên là được nhiều người - nếu không nói là tất cả - ưa thích. Nhưng hiện nay, trong sự lộn xộn, pha tạp, chen lấn của thứ nhạc thị trường đang lấn lướt, muốn đánh bật mọi thứ âm nhạc đích thực ra khỏi vị trí vốn có thì những “tốp – ten” nọ, chương trình kia, rồi rất nhiều bài hát, ca sĩ cụ thể cũng được người ta nói là “nhiều người yêu thích”.

Trong nhiều cuộc nói chuyện âm nhạc tại các trường đại học và một số cơ quan có nhiều bạn trẻ, tôi đã cố gắng thử làm cuộc điều tra thì thấy: Không phải bạn trẻ nào cũng thích những bài hát và một số “ngôi sao” mà lâu nay vẫn coi là “được nhiều người ưa thích”. Và tôi để ý thấy rằng các bạn trẻ có trình độ văn hóa cao hơn (sinh viên giỏi, đang học để trở thành thạc sỹ, tiến sĩ...) lại không ưa. Thay vì, họ rất thích những tác phẩm, nghệ sĩ thực sự có giá trị. Những tờ báo, những sóng phát thanh, kênh truyền hình vẫn thích “lăng xê”, tôn vinh quá lời cho một số ca khúc, giọng hát trẻ đang rất “nổi”, “hot”, thường xuyên vẫn có mặt trong rất nhiều chương trình biểu diễn khắp trong Nam, ngoài Bắc và được coi là một trong những “ngôi sao” nhạc nhẹ rất thời thượng ở nước ta.

Từ mấy năm nay, một bài hát vẫn thường được phát trên ti-vi gắn với những trận bóng đá có đội tuyển Việt Nam thi đấu với lời lẽ: “Việt Nam hỡi! Việt Nam ơi! Tự hào hát mãi tênViệt Nam ơi!”. Câu này được hát đi hát lại nhiều lần. Trong lần được mời đến nói chuyện với thanh niên ở một Viện nghiên cứu (nhân dịp 26/3), tôi hỏi họ có biết bài Việt Nam quê hương tôi của nhạc sỹ Đỗ Nhuận không? Chỉ nói tên thì nhiều người có vẻ không biết nhưng khi tôi hát lên vài câu: “Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời…” thì hầu như bạn nào cũng biết. Tôi hỏi: “Hai bài đều nói về đất nước, dân tộc Việt Nam với tình cảm rất tự hào. Các bạn thích bài nào hơn?”. Một bạn trả lời: “Không hiểu các bạn khác thế nào chứ em thì thích bài của Đỗ Nhuận hơn vì vừa có giai điệu đẹp, rất trữ tình, sang trọng, quê hương Việt Nam hiện ra rất nên thơ. Một Việt Nam được tác giả biểu hiện rất đúng với những gì vốn có về tầm vóc và sự lôi cuốn. Còn bài kia thì chỉ có chút giá trị cổ động, hát cho vui, còn giai điệu thì “bình  thường”. Và đó cũng là ý nghĩ của các bạn trẻ khác trong buổi nghe tôi nói chuyện hôm ấy.

Nếu biết được sự thật trên, chứng kiến được cuộc tiếp xúc và đối thoại trên, hẳn là những người đang thích “lăng-xê” những giá trị giả sẽ phải suy nghĩ để không thể nào hồ đồ nói lấy được một câu: “Được nhiều người ưa thích”. Như vậy là ngay trong lớp trẻ, cũng chỉ có một bộ phận, một số nào đó thích, chứ đâu phải tất cả. Huống hồ công chúng âm nhạc lại là tất cả mọi người, trong đó, số đã qua tuổi trẻ, lớp cao tuổi, bà con nhiều tầng lớp ở nông thôn, miền núi, ở nhiều môi trường lao động khác thì sao đây? Lượng công chúng này ắt mới là “nhiều người”. Đối tượng này không mấy mặn mà với những bài hát, giọng hát đang phù hợp với thị trường âm nhạc hiện nay. Họ hâm mộ, ưa thích những bài hát của quá khứ, những giọng hát chững chạc nhưng không còn xuất hiện trên sân khấu và làn sóng. Những người thích ca hát thì cố đi tìm bằng được những đĩa karaoke để về hát nhưng cứ phải “ăn độn”. Tìm được đĩa nào có vài bài vừa ý thì lại phải lẫn thêm hàng chục bài dông dài, tầm thường khác.

Có một thực tế hiện nay là những người có “gu” thẩm mỹ sành, yêu quý và trân trọng những giá trị đích thực của nghệ thuật thì lại không sẵn nhiều tiền. Một cặp vợ chồng trí thức, cả hai đều là nhà giáo hoặc là cán bộ nghiên cứu, thu nhập cả hai mỗi tháng chừng 15 triệu đồng, chi phí cho cả gia đình (có từ 1-2 con), với tất cả nhu cầu ăn, mặc, học hành của con cái và các sinh hoạt khác làm sao có thể bỏ ra mấy triệu để mua một cặp vé vào xem một đêm ca nhạc? Nghệ thuật nói chung, nhất là âm nhạc nói riêng hiện nay đang vô tình chạy theo phục vụ người giàu, sẵn tiền, mà bỏ qua lớp người thực sự là đối tượng xứng đáng với nghệ thuật chân chính nhưng lại ít tiền. Cần nhớ rằng nghệ thuật - trong đó có âm nhạc - có chức năng cao cả là giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, nhân cách và thẩm mỹ. Chỉ với chức năng này, nó mới có lý do tồn tại và khiến con người ưa thích. Còn chức năng giải trí tuy cũng cần, song không phải là chính. Lẽ dễ hiểu là chỉ đơn thuần giúp con người thư giãn thì đã có nhiều trò chơi, thú vui khác, không cần phải nhờ cậy đến nghệ thuật. Giờ đây, bên cạnh chiều hướng âm nhạc chạy theo phục vụ đám người sẵn tiền nhưng “gu” thẩm mĩ chưa cao là xu hướng chỉ quan tâm tới mục đích giải trí mà xao nhãng chức năng giáo dục cái đẹp, thậm chí còn lùi về “số âm” tức là truyền bá những cái không đẹp, làm tổn hại đến nhận thức và năng lực cảm thụ của người nghe.

Nhưng công chúng không bao giờ có lỗi trong việc thưởng thức văn nghệ. Họ đã hấp thụ tác phẩm một cách tự nhiên. Ngay cả một bộ phận công chúng có “gu” thẩm mĩ còn thấp thì lỗi cũng không hoàn toàn ở họ mà ở người sản sinh ra tác phẩm, người truyền bá và bình luận, giới thiệu tác phẩm. Trong công chúng, lại có không ít người nghe âm nhạc không bằng lỗ tai mình mà bằng lỗ tai của người khác. Trong khi chưa biết thực hư thế nào, thấy người khác đổ xô tìm đến ca khúc này, giọng hát nọ, thế là cũng làm theo. Và thấy người ta khen, cũng khen theo, mặc dù chưa cảm nhận được điều gì. Hình như những người này không nói, không khen giống như người khác đồn đại về một tác phẩm, ca sĩ nào đó thì sẽ mặc cảm là mình kém cỏi, lạc hậu. Nhưng họ lại chỉ thích nói theo dư luận của một đám công chúng trẻ tuổi ở thành thị, cho rằng đối tượng này mới sành điệu, mà lại ít chịu lắng nghe ý kiến của những người hiểu biết thực sự, thậm chí đó là một nhạc sĩ tên tuổi.

Tôi từng quen một nhạc sĩ nổi tiếng có mấy đứa con thuộc loại công chúng như thế. Chúng không theo nghề cha mà kinh doanh. Nghe nói có một chương trình ca nhạc của một cặp vợ chồng nọ vừa sáng tác, vừa biểu diễn đang được “dư luận” khi ấy chú ý, thế là chúng tìm cách kiếm bằng được vé, dù đắt, để đi xem. Về, chúng cứ khen nức nở, giống như người ta đồn. Ông bạn tôi hỏi chúng: “Thế các con thích bài gì nhất?”. Chúng trả lời: “Bọn con không nhớ rõ, chỉ biết là rất vui, thú vị”. Trong khi đó, những album ca khúc của ông, gồm toàn những bài nổi tiếng trong quá khứ, được rất nhiều người thuộc lòng thì chúng chẳng bao giờ mở để nghe. Tôi nói đến việc có nhiều người nghe nhạc bằng tai người khác chính là muốn nói ngay cả những người này cũng chẳng có lỗi gì. Họ đã cảm nhận âm nhạc tự nhiên theo kiểu của họ, tức là cái này thích, cái kia không thích, có cái chưa biết thế nào, chẳng có cảm giác gì. Con người thưởng thức âm nhạc là tự nhiên. Nhưng sự tự nhiên ấy lại hoàn toàn có thể hướng dẫn được. Cứ cho người ta nghe nhiều, chẳng còn những thứ nhạc rẻ tiền khác mà nhường chỗ cho những tác phẩm mang tính truyền thống, phong cách dân gian hoặc thính phòng, bác học, những tác phẩm khí nhạc từ nhỏ là những nhạc cụ độc tấu tới lớn là những bản giao hưởng, đến một lúc nào đó, sẽ quen, sẽ thấy thích thú. Khi ấy trở lại mời người ta nghe những tác phẩm dông dài hiện nay, chắc rằng họ sẽ thấy không thỏa mãn. Cho nên, sẽ không phải là quá đáng nếu nhận định : Làm cho một bộ phận công chúng đáng kể có “gu” thẩm mĩ thấp kém như hiện nay chính là những người làm ra nghệ thuật, chứ không phải ai khác.

Bất cứ thứ nghệ thuật nào cũng phải tìm cho được công chúng lý tưởng nhất cho mình. Sẽ càng “lý tưởng” hơn nếu số công chúng ấy chiếm tỷ lệ đông nhất. Ở ta hiện nay, công chúng lý tưởng của âm nhạc là những ai ? Đó là những người hiểu biết, có tri thức văn hóa và xã hội, có nhận thức đúng đắn về thời cuộc, am hiểu truyền thống, có nhu cầu vươn tới cuộc sống phong phú về tinh thần. Những yếu tố trên càng nhiều, càng khiến người ta sành hơn trong cảm thụ nghệ thuật.

Để có được nhiều công chúng nghệ thuật nói chung, công chúng âm nhạc nói riêng không phải là việc quá khó khăn. Nâng cao dân trí, giáo dục âm nhạc sâu rộng ngay từ tuổi thơ, tạo một môi trường văn hóa trong lành, truyền bá mọi tinh hoa của truyền thống và thế giới v.v..., con người sẽ được mở mang trí tuệ. Khi ấy ắt là sẽ có được nhiều công chúng âm nhạc lý tưởng./

None

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Sau 8 năm kể từ ngày công diễn vở opera Lá đỏ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trở lại ấn tượng với opera Vầng trăng Him Lam, tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 – 2025.