Công nghiệp văn hóa và vị thế của văn học nghệ thuật

(Arttimes) - Nếu như trước đây, văn hóa được nhìn nhận như là lĩnh vực làm giàu đời sống tinh thần người dân, là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội thì ngày nay, văn hóa được xem là lĩnh vực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP của mỗi quốc gia.

Công nghiệp văn hóa và vị thế của văn học nghệ thuật - 1

Ảnh minh họa

Công nghiệp văn hóa trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0

“Công nghiệp văn hóa - một ngành công nghiệp sáng tạo - theo định nghĩa của UNESCO, thì khái niệm này kết hợp với sự sáng tạo, quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa, dịch vụ thuộc về văn hóa trong tự nhiên và thường được các quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ” (Theo Wikipedia).

Các ngành Công nghiệp văn hóa, nói chung bao gồm: nguyên tác, âm nhạc, truyền hình, sản xuất phim và xuất bản cũng như các ngành nghề thủ công và thiết kế. Ở một số nước, thì kiến trúc, các loại hình nghệ thuật biểu diễn và trực quan, thể thao, quảng cáo và du lịch văn hóa cũng được xếp vào nhóm các ngành Công nghiệp văn hóa, góp phần tạo nên giá trị cho các cá nhân và xã hội. Chẳng hạn, ở Nhật Bản, một quốc gia có ngành “Công nghiệp văn hóa” phát triển, doanh thu hàng năm đạt tới gần 2 tỷ USD. Theo quan niệm chung của thế giới, các ngành “Công nghiệp văn hóa” bao gồm: công nghiệp giải trí, công nghiệp âm nhạc, công nghiệp điện ảnh, công nghiệp truyền hình, công nghiệp thể thao, công nghiệp xuất bản, công nghiệp du lịch.

Nếu như trước đây, văn hóa được nhìn nhận như là lĩnh vực làm giàu đời sống tinh thần người dân, là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội thì ngày nay, văn hóa được xem là lĩnh vực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP của mỗi quốc gia. Vì thế phạm trù văn hóa hiện có “phổ” rất rộng: “văn hóa- kinh tế”, “văn hóa - chính trị”, “văn hóa - giáo dục”, “văn hóa - xã hội”, “văn hóa - quản lý”, “văn hóa - lãnh đạo”,... Sẽ có không ít người, theo quan điểm truyền thống, cho rằng sự phát triển của văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng, đôi khi tỷ lệ nghịch với nền tảng kinh tế - xã hội, nó có quy luật riêng mang tính đặc thù (thậm chí có người viện dẫn Các - Mác: “Chủ nghĩa tư bản, về bản chất, thù địch với thi ca”!?).

Ở Việt Nam, khái niệm “Công nghiệp văn hóa” nhìn chung còn mới mẻ, nếu không nói là lạ lẫm với số không ít người trong lĩnh vực “sản xuất tinh thần”. Nhưng quy luật là quy luật, chúng ta không thể đi ngược. Cũng là một phương cách sống thuận theo tự nhiên. Vậy, văn học nghệ thuật có vị thế như thế nào trong bối cảnh “Công nghiệp văn hóa” đang tạo đà phát triển liên tục và bền vững? Không có con đường nào khác là văn học nghệ thuật phải tự thay đổi, cả về nội dung, cả về hình thức, đặc biệt là phương pháp quảng bá, tồn tại. Nói triết lý thì, ta thay đổi vậy thì ta tồn tại. Không phải loài mạnh, không phải loài thông minh, biết thích nghi thì loài đó tồn tại. Cái gì tồn tại cái ấy là hợp lý – một triết gia đã minh định như thế. Con người là “một cây sậy yếu ớt biết tư duy”. Một triết gia khác khẳng định. Tất cả đều đúng, đều là chân lý vĩnh hằng.

Công nghiệp văn hóa và Công nghệ giáo dục

Điểm tựa muôn thuở của văn hóa là giáo dục, giáo dục là chân đế, cốt tủy của văn hóa. Khi chúng ta bị cuốn vào “Công nghiệp văn hóa” thì đương nhiên cũng cần quan tâm đúng mức đến “Công nghệ giáo dục”. Cách nay hơn 40 năm, có một người đã tiên phong, say mê đưa “Công nghệ giáo dục” vào Việt Nam (khai mở bằng hình thức Trường thực nghiệm). Nhưng cho đến thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI, nó vẫn có vận tốc khiến người người sốt ruột chờ đợi. Vì rất nhiều lý do khách quan và chủ quan. Trong đại dịch COVID-19, chúng ta thấy hình thức học trực tuyến, một phần của “Công nghệ giáo dục” khá phổ biến. Hơn thế, sách giáo khoa mới cũng đang áp dụng“Công nghệ giáo dục” (tuy có eo xèo ít nhiều trong dư luận xã hội, nhất là phụ huynh học sinh). Thời báo Văn học nghệ thuật (Cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam) gần đây đăng tải (nhiều kỳ) công trình nghiên cứu giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại (Giáo dục hiện đại: Lịch sử và Triết học). Chúng tôi chưa bàn đến tỷ lệ ủng hộ hay không ủng hộ nội dung được thuyết trình của tác giả, một người nhiệt thành như Hỏa Diệm Sơn với giáo dục nước nhà cần thiết đi trên con đường hiện đại để bắt kịp thế giới. Nhưng khi đọc, thấy tác giả trình bày các vấn đề giáo dục hiện đại mang hình bóng một “Công nghệ giáo dục”. Những người theo quan điểm truyền thống thì cho rằng, ở Việt Nam giáo dục từ xưa hàng ngàn năm, chỉ tuân thủ nguyên tắc/phương pháp “khoa cử” (học ra làm quan), khác với định nghĩa của UNESCO: “học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Trong giáo dục có giáo dục thẩm mỹ (cái đẹp), nó trùng khớp với các chức năng của văn học nghệ thuật, trong đó có chức năng quan trọng – thẩm mỹ (Nghệ thuật đi tìm cái đẹp trong đời sống. Phê bình đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật).

Chắc chắn giữa “Công nghiệp văn hóa” và “Công nghệ giáo dục” có mối liên hệ biện chứng. Chỉ có điều chúng ta nhận thức và hiện thực hóa như thế nào. Không thể có một nền văn hóa có thành tựu dựa trên một nền giáo dục non yếu, hay ngược lại.

Công nghiệp văn hóa và tương hỗ phát triển văn học nghệ thuật

Dĩ nhiên, xét về lý lẽ, thì văn học nghệ thuật không nằm (trực tiếp cơ cấu) trong khái niệm “Công nghiệp văn hóa”. Nhưng hãy điểm lại 7 nhóm/ thành tố quan trọng của “Công nghiệp văn hóa” (Công nghiệp giải trí, Công nghiệp âm nhạc, Công nghiệp điện ảnh, Công nghiệp truyền hình, Công nghiệp thể thao, Công nghiệp xuất bản, Công nghiệp du lịch). Nhưng suy đến cùng, lẽ nào trong 7 nhóm/thành tố ấy lại không có “dây mơ rễ má” với văn học nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng. Công nghiệp âm nhạc há không cần lời (ca từ) từ thi ca? Điện ảnh chả nhẽ khước từ các văn bản văn chương? Phim truyền hình đang ăn khách thường mượn văn chương làm nòng cốt? Công nghiệp xuất bản thì quá rõ ràng liên đới với văn học nghệ thuật. Công nghiệp du lịch tưởng xa vời với văn học nghệ thuật. Nhưng khi đến Hạ Long, du khách nào chẳng phải chiêm bái núi Bài Thơ và thơ Lê Thánh Tông đề trên vách đá mấy trăm năm trơ gan cùng tuế nguyệt?

Trong “Công nghiệp văn hóa” có Công nghiệp giải trí như là thành tố hết sức quan trọng trong thời đại của văn hóa - nghe nhìn. Nhưng văn học nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng, càng ngày càng gia tăng yếu tố/ tính chất giải trí tích cực. Ngay Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân Văn hóa thế giới, tác giả tuyệt phẩm Truyện Kiều (như là “linh kinh” của người Việt”- nhận xét của GS Đặng Thai Mai) cũng còn viết về đứa con tinh thần của mình ở những dòng cuối tác phẩm: “Lời quê chắp nhặt dông dài/Mua vui cũng được một vài trống canh”. Nhưng cũng không nên câu nệ,  dựa vào đó để nói về chức năng “du hý” như là quan trọng nhất của văn chương muôn thuở.

Đời sống hiện đại với gia tốc thời đại (một ngày bằng hai mươi năm) khẩn trương, chói gắt, quyết liệt, bất ngờ, nghẹt thở, có tính chất phi truyền thống khiến con người căng thẳng, lâm vào nhiều hội chứng nan giải nên càng cần sự trợ giúp của “Công nghiệp văn hóa”, càng cần văn học nghệ thuật kích hoạt, đôi khi như là cứu cánh, để tìm những giá trị hợp thời, những phương thức hợp thời nhằm phóng chiếu tinh thần, cân bằng tâm thế trong quá trình vật lộn với câu hỏi “Tồn tại hay không tồn tại?”, đã được kịch gia vĩ đại Anh W. Sêch-xpia đặt ra, cách nay hơn năm trăm năm trước./.

None

Bùi Đức Phong

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Sáng 28/3, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội), PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc).