Cuộc chiến đấu thực sự vĩ đại – hay là trận đánh của tình thương

(Arttimes) - Văn chương thời nào cũng đòi hỏi tinh thần dấn thân, nhập cuộc của nhà văn, thiếu phẩm tính đó nó sẽ trở thành “tên hề đồng lóc cóc chạy theo đời sống”. Nhân dân đang chờ đợi những sáng tác vừa kịp thời vừa sâu sắc của nhà văn, đặc biệt trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, giữa mùa “chống dịch như chống giặc”.

Thi đua với các chiến sỹ áo xanh, áo trắng, các nhà văn - những kỹ sư tâm hồn, những nghệ sỹ ngôn từ - cần nỗ lực đẩy mạnh sáng tác xứng đáng với niềm tin của nhân dân vào những đại diện tinh thần ưu tú của mình.

CÓ MỘT THỜI OANH LIỆT CỦA VĂN CHƯƠNG VÀ NHÀ VĂN

Có một thời nghệ sĩ ngôn từ ý thức sâu sắc: “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy/Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi” (Chế Lan Viên-Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?).Có một thời nhà thơ cảm thấy thấm thía:“Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao” (Xuân Diệu -Những đêm hành quân). Có một thời thi nhân tha thiết: “Không có sách chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình” (Hữu Thỉnh - Đường tới thành phố). Từ ngày thành lập Nước (năm 1945) đến nay, trải quá hai phần ba thế kỷ, chúng ta đã kinh qua cuộc chiến đấu khổng lồ: đánh bại hai đế quốc giàu có và tàn bạo nhất thế kỷXX là Pháp và Mỹ, giành độc lập, hòa bình, thống nhất toàn vẹn non sông, tiến hành công cuộc Đổi mới, xây dựng một nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong ước của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong hơn một năm nay (từ đầu năm 2020) chúng ta lại bước vào một cuộc chiếnđấu thực sự vĩ đại khác-“chống dịch như chống giặc”. Trận chiến chống COVID-19 còn lâu dài và khó khăn chưa biết ngày kết thúc khi chúng ta chuyển sang “trạng thái bình thường mới”, thực hiện mục tiêu kép vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vừa duy trì và phát triển sản xuất (“chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”), học tập và nghiên cứu khoa học.Một cuộc chiến đấu tổng lực đã, đang và sẽ được huy động tối đa - trong đó có văn học nghệ thuật - đã đến lúc mỗi nghệ sỹ không thể “ngủ yên trong giường chiếu hẹp”.

VĂN CHƯƠNG VÀ NHÀ VĂN ĐỨNG Ở ĐÂU, VIẾT GÌ TRONG THỜI COVID-19?

So với báo chí và một số loại hình nghệ thuật khác, văn học có vẻ như chậm chân hơn, nếu không nói là tụt hậu trong công cuộc “chống dịch như chống giặc”.

Làm một công việc có vẻ hơi tỉ mẩn của người nghiên cứu, tác giả bài báo nhỏ này đã theo dõi trang facebook của một số nhà văn Việt Nam, xem họ viết gì trong thời gian qua với ý nghĩa những điều viết ra có tính chất tương tác trên mạng xã hội. Một con số rất đáng suy nghĩ: với dân số 96 triệu người (trong nước), trong đó có hai phần ba (2/3) người sử dụng internet và mạng xã hội (như thế ta là một “cường quốc”). Nhưng dường như người Việt ta không thu lại kết quả thực tiễn cao trong đường hướng hoạt động này, nếu không nói tới một thực tế đáng buồn là năng suất lao động và công bố quốc tế của giới khoa học nước ta đã thấp hơn một số nước trong khu vực ASEAN, đừng nói rộng ra là châu Á, nhiều lần.

Nhà văn ta viết gì trên facebook? Hóa ra,về chuyện bao đồng: chuyện đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông bị chậm trễ, về vụ việc phụ huynh đem con bỏ chợ trước cổng trường để “chơi” cô giáo và nhà trường, về chuyện nghệ sĩ Hoài Linh chậm giải ngân tiền từ thiện bão lụt vì bệnh tật,... Thậm chí có nhà văn ngày nào cũng đưa lại các thông tin về COVID-19, một công việc dã tràng xe cát vì truyền thông nhà nước đã đưa sớm và đủ (!?). Một số không ít nhà văn nữ thì riêng thích khoe đầu tóc, váy áo, chụp ảnh tự sướng (selfie), khuếch tán các sự kiện sinh nhật, món ngon, khoe tên tuổi mình trên mạng xã hội vì thậm chí một cái giấy mời đi dự Đại hội Nhà văn,... Dường như nhà văn ta đang bị “tán” (phân tán tâm thế, phân tán trí lực và tình cảm, tán tụng nhiều). Nhiều người lập luận rằng, văn học phải chậm hơn báo chí và âm nhạc trong sự phản xạ/ phản ánh đời sống. Nhà văn nghiêng về sống chậm, cần độ lùi thời gian để nghiền ngẫm thực tại,...Không có gì không đúng. Nhưng tôi vẫn đinh ninh một nhận xét của đại thi hào nước Đức - W. Goethe: “Thơ nào cũng là thơ thời sự”. Cần đặt câu hỏi, vì sao văn học trong mười nghìn ngày chiến tranh (1945-1975) vẫn rất thời sự, kịp thời phục vụ mà vẵn có đỉnh cao, vẫn chắt lọc được tinh hoa cho hậu thế?

Cuộc chiến đấu thực sự vĩ đại – hay là trận đánh của tình thương - 1

Nhật ký COVID và những điều chưa kể (Nhà xuất bản Thế giới và Công ty Nhã Nam phối hợp ấn hành, 2021)

Điều đáng quan tâm là, trong đại dịch COVID-19, những tiếng nói cất lên thể hiện lương tri thời đại đôi khi lại không từ nhà văn (có danh hiệu rõ ràng). Chẳng hạn, bác sỹ Ngô Đức Hùng đã ra mắt tác phẩm Nhật ký COVID và những điều chưa kể (Nhà xuất bản Thế giới và Công ty Nhã Nam phối hợp ấn hành, 2021). Những câu chuyện của bác sỹ Ngô Đức Hùng kể một cách chân thực và xúc động diễn ra trong cơ sở Y tế, nơi bác sỹ công tác (Bệnh viện Bạch Mai, cơ sở 2 ở tỉnh Hà Nam). Ngày 14/5/2021, bác sỹ Ngô Đức Hùng tổ chức chương trình bán sách online gồm 1500 cuốn với mục tiêu gây “Quỹ 3 phút sơ cứu” - một quỹ hoạt động vì cộng đồng mang tính xã hội và nhân văn cao cả. Tiếp nhận cuốn sách này, độc giả sẽ liên tưởng đến nhà văn Trung Quốc đương đại Phương Phương (sinh năm 1955) với tác phẩm nổi tiếng Vũ Hán – Nhật ký phong thành (xuất bản 2020, kể chuyện 76 ngày chiến đấu với kẻ thù vô hình bằng tình người giữa cơn khủng hoảng). Tác phẩm của nhà văn Phương Phương đã có phiên bản tiếng Anh và Đức ngay không lâu sau khi xuất hiện, gây “bão” dư luận không chỉ ở Trung Quốc lục địa. Vì sao trong văn giới Việt không xuất hiện một Phương Phương (?!).

Cuộc chiến đấu thực sự vĩ đại – hay là trận đánh của tình thương - 2

Bác sỹ Ngô Đức Hùng, tác giả cuốn sách Nhật ký COVID và những điều chưa kể

Một ví dụ khác cho thấy nhà văn của chúng ta chậm chân hơn những người ở các lĩnh vực công tác khác đã dùng nghệ thuật ngôn từ diễn tả tư tưởng, tình cảm của những công dân Việt Nam trước thực tiễn mới của đất nước. Cô giáo Trần Thị Thu Hà dạy học ở Trường THPT Chuyên Thanh Hóa đã viết bài thơ Đất Nước tôi (2020, khi COVID-19 vừa xuất hiện ở Việt Nam). Ai nếu biết gia cảnh của tác giả sẽ thêm thấu hiểu và trân quý tình cảm công dân - nghệ sỹ của cô giáo Trần Thị Thu Hà: mười năm nay cô vừa chăm chồng nằm viện, vừa nuôi con nhỏ, vừa đi dạy học. Bài thơ được viết tự đáy lòng (theo thi pháp chân thành):

“Bốn mươi sáu năm Đất Nước bình yên

Vẫn khắc ghi bóng hình bao chiến sỹ

Trong dịch bệnh không một ngày ngơi nghỉ

Chiến sỹ áo xanh, áo trắng blu”.

Xúc động vì tình đời, tình người từ bài thơ Đất Nước tôi, nhà thơ Thanh Thảo đã chia sẻ: “Thơ, kỳ lạ lắm. Nhiều khi, không phải áo gấm là sang, mà áo vải bình thường lại tạo nên ấn tượng, tạo nên cảm xúc. Bài thơ của cô giáo Hà như một tấm áo vải, nó quá bình dị, nhưng vì người mặc nó có một trái tim biết yêu thương đồng bào mình, nên tự nhiên, chiếc áo vải này bỗng trở nên ám ảnh” (Theo Báo điện tử Thời báo Văn học Nghệ thuật, 26/5/2021). Động hướng tinh thần của bài thơ này, tôi nghĩ, khác hẳn bài thơ Đất nước mình ngộ quá, phải không anh? (viết tháng 4/2016, nhân sự cố môi trường ở Hà Tĩnh) cũng của một cô giáo (Trần Thị Lam), dạy văn Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh. Ở đây tôi không bàn chuyện động cơ viết văn, điều đáng nói là có sự khác nhau rất xa về cảm hứng (nhiệt hứng) sáng tác.

Giữa mùa đại dịch, hàng ngàn nhân viên y tế (có người ngất khi đang làm việc chữa bệnh cứu người) đang gồng mình giành giật sự sống cho đồng bào thì một cây bút có đôi chút tiếng tăm lại lên “fây” viết: “Nghĩ về cái chết”, sau khi dẫn câu thơ của một nhà thơ dân gian: “Quy tiên cưỡi hạc phải và thật nhanh”. Ông ta nhấn đi nhấn lại cái ý tưởng cũ rích: “con người ta sinh ra để chết” (?!). Thế nhưng ông ta chắc không đọc tin về anh thanh niên 24 tuổi, làm việc ở Trung tâm xe cấp cứu và dịch vụ Y tế Quảng Bình, đã tự nguyện chạy xe hơn 500 km trong một ngày, từ Quảng Bình ra Bắc Giang hỗ trợ đồng nghiệp chống dịch, với tinh thần vô tư “dĩ công vi thượng”. Ông viết văn này có lẽ lại càng không đọc bức thư của một cô giáo ở Lục Ngạn, Bắc Giang đang cùng học trò của mình cách ly 21 ngày, gửi tới học sinh thân yêu đang ở ngoài, tinh thần lạc quan chiến thắng dịch bệnh, đón chờ ngày trở về tiếp tục sự nghiệp dạy và học. Bức thư của cô giáo khích lệ mọi người:“khi ta mở lòng với người khác ta sẽ có thêm sức mạnh”. Ông này lại còn khuyến dụ cái gọi “lây nhiễm cộng đồng” như là cách thức khoa học hơn so với phương pháp cẩn thận và toàn diện ta đang làm “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, xem ra như thế tốn kém và phức tạp, ít hiệu quả (?!).

VĂN CHƯƠNG VÀ NHÀ VĂN CẦN THAY ĐỔI

Đại dịch COVID -19 có yếu tố kép biến “nguy” thành “cơ” trên bình diện xã hội vĩ mô. Với văn nghệ sỹ thì: “Cú sốc dịch bệnh là cơ hội tự vấn chính mình”. Đó là chia sẻ của nhà văn Thùy Dương (Trưởng ban Nhà văn nữ, Hội Nhà văn Việt Nam): “Tôi nhận ra và thấm thía một điều rằng, cuộc sống luôn thay đổi không ngừng và chúng ta phải thay đổi theo nó [...]. Con người sống trong thời đại ngày nay phải chuẩn bị nhiều thứ, lo lắng hiều hơn, thích ứng nhanh hơn [...]. Phải chăng lâu nay chúng ta quá đề cao nhiều giá trị vật chất, đuổi theo nó trong một cuộc chạy việt dã không cân sức và khi đã có lại muốn nhiều hơn [....]. Thời gian với cú sốc dịch bệnh này, chúng ta có cơ hội suy xét mình, tự vấn chính mình. Dường như đây chính là số phận mà loài người phải đối diện để có sự thay đổi điều chỉnh mình...chúng ta là ai - ở đâu đến - có ý nghĩa thế nào trong cái thiên hà rộng lớn này? [...]. Tôi đang viết dở cuốn tiểu thuyết mà những nhân vật của tôi - cuộc đời hiện lên rõ ràng sắc nét qua những ngày cách ly đại dịch” (Vanvn.vn, 20/5/2021).

Chúng ta đang hào hứng với những vấn đề có tính chiến lược văn hóa như “mang thương hiệu văn chương Việt ra thế giới”, “thống nhất văn hóa để thống nhất lòng người”, “nâng đỡ tài năng trẻ”,... không có gì là không đúng. Nhưng trước hết, tôi nghĩ, phải hành động thông minh và kịp thời để văn chương không xa rời đời sống, để nhà văn không chỉ “ngắm” đời sống mà cần phải sống hết mình,sáng tác thành công những tác phẩm để đồng bào thưởng thức và khi có điều kiện “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” sẽ xuất khẩu ra thế giới cung tiến nhân loại./.

Bài Tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ None

Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất