Dấu ấn Phật giáo trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh

Các giá trị cốt lõi về triết lý nhân sinh quan, thế giới quan, trung tâm là con người hướng đến cái “Chân - Thiện - Mỹ”, “từ, bi, hỷ, xả”, “vô thường, vô ngã vị tha”, cứu khổ cứu nạn, để sống tốt đời đẹp đạo… mà hạt nhân tư tưởng của Phật giáo là một trong những tư tưởng văn hóa ảnh hưởng nhiều đến quá trình hình thành tư tưởng nhân văn, cuộc đời hoạt động Cách mạng vì nước vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh gần gũi với tư tưởng Phật giáo

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân loại một kho tàng giá trị tư tưởng, đạo đức, với tài sản vô giá trong kho tàng lịch sử tư tưởng của Việt Nam. Đó là tư tưởng của người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà danh nhân văn hoá kiệt xuất, người thầy vĩ đại của công cuộc giải phóng dân tộc và phong trào cách mạng, công nhân quốc tế. Các giá trị cốt lõi về triết lý nhân sinh quan, thế giới quan, trung tâm là con người hướng đến cái “Chân - Thiện - Mỹ”, “từ, bi, hỷ, xả”, “vô thường, vô ngã vị tha”, cứu khổ cứu nạn, để sống tốt đời đẹp đạo… mà hạt nhân tư tưởng của Phật giáo là một trong những tư tưởng văn hóa ảnh hưởng nhiều đến quá trình hình thành tư tưởng nhân văn, cuộc đời hoạt động Cách mạng vì nước vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dấu ấn Phật giáo trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh - 1

Trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã vận dụng sáng tạo của các giá trị triết lý của Phật giáo vào từng hoàn cảnh cụ thể trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.

Cách đây trên 2 500 năm, Thái tử Tất Đạt Đa ở Vương quốc thành Xá Vệ với khát vọng giải phóng loài người thoát ra khỏi cảnh khổ đau, Ngài đã rời bỏ cảnh sống vương giả, xuất gia tìm đạo với tôn chỉ: “Ta không muốn sống trong cung vàng điện ngọc, Ta không muốn sống trong cảnh vương giả trị vì thiên hạ, hưởng cuộc đời sung sướng cao sang trên mồ hôi nước mắt của lê dân. Ta không muốn sống trong xã hội bất công mà Ta đã chứng kiến. Ta quyết định ra đi, dù phải xông pha trên gió bụi lao lung, Ta cố tìm ra mối đạo giải thoát cho nhân loại muôn loài”.

Đức Phật với khát vọng công bằng xã hội đã được nêu lên như một quy luật xã hội, cô đọng lại trong lời dạy nổi tiếng, mang tính vượt thời gian: “Không có đẳng cấp trong dòng máu cùng đỏ, không có đẳng cấp trong giọt nước mắt cùng mặn. Mỗi người khi mới sanh không phải có sẵn dấu tin-ca (tilca) trên trán, không đeo sẵn dây chuyền trong cổ”.

Trong giáo lý nhà Phật, “từ bi” là ước vọng mãnh liệt để giải thoát con người thoát khỏi đau khổ; “Bác ái” là lòng thương yêu của mọi người; “Vị tha” là sống vì người khác”; “kết tinh bằng từ bi, trí tuệ, dũng mãnh, hướng dẫn chúng sinh đạt tới mục đích giác ngộ và giải thoát, chuyển cõi sa bà này thành cõi Tịnh độ và cuộc đời cơ cực này thành nếp sống cực lạc”.

Dấu ấn Phật giáo trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh

Triết lý của Phật giáo đã ảnh hưởng để lại trong nhân sinh quan, thế giới quan của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức của cá nhân Hồ Chí Minh. Trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã vận dụng sáng tạo của các giá trị triết lý của Phật giáo vào từng hoàn cảnh cụ thể trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.

Thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vốn là một nhà nghiên cứu Phật học thâm sâu, một trí thức yêu nước rất thân cận với chư Tôn túc Phật giáo. Vì vậy, Bác Hồ cũng có sự quan tâm sâu đậm với Phật giáo, điều này được chứng tỏ qua nhiều tài liệu lịch sử, qua những phát biểu về Phật giáo và những lần tiếp xúc của Người với chư Tôn túc Phật giáo và quần chúng phật tử. Trong con người Hồ Chí Minh đã tích lũy và hình thành cho mình tư tưởng mang giá trị triết lý nhân văn sâu sắc từ các triết lý, giáo lý của nhà Phật, Người luôn luôn hướng đến các giá trị của Phật pháp.

Hồ Chí Minh với cái tâm vô lượng của nhà Phật - “Từ- Bi- Hỷ- Xả”, cùng với giá trị cốt lõi đạo Phật, của từ bi và trí tuệ đã đi tìm con đường cứu nước, cứu dân, mang lại hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam và đóng góp vào sự tiến bộ của nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã khẳng định: “tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng… Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Vì vậy, đối với Người, “bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích là làm sao ích quốc lợi dân. Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn đau khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra cảnh:

“Trên đời nghìn vạn điều cay đắng

Cay đắng chi bằng mất tự do”.

Trước hoàn cảnh, ý chí của một thanh niên yêu nước nồng nàn, Hồ Chí Minh đã bất chấp mọi gian khổ hiểm nguy, bôn ba khắp năm châu bốn bể nhằm tìm ra ánh sáng soi rọi cho con đường cứu nước, cứu dân. Người thanh niên trẻ tuổi, Văn Ba với mong muốn: “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”.  

Ngay giữa thủ đô Paris của đế quốc Pháp với hàng ngàn hiểm nguy, trong sự bủa vây của mật thám, Người với ý chí và quyết tâm vẫn không hề nhụt đi ý chí quyết tâm, lý tưởng cứu nước, cứu dân của mình: “Tôi thích làm chính trị thì tôi chẳng sợ chết, cũng chẳng sợ tù đày. Trong đời này chúng ta chỉ chết có một lần, tại sao lại sợ?”.

Hồ Chí Minh đã gạn lọc, tích lũy, nhân sinh hóa những hạt nhân trong triết lý đạo Phật, vớ giá trị cốt tủy, tư tưởng của Phật giáo là “Từ- bi -hỷ -xả, Vô ngã vị tha”, cứu khổ cứu nạn, đề cao nếp sống đạo đức trong sáng, chủ trương bình đẳng, yêu thương đồng loại, chống điều ác cho chính bản thân Người. Sinh thời, Người từng viết: “Tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm”.

Trong Tư tưởng của Phật giáo chủ trương: “Dĩ chúng tâm kỷ tâm”. Đối với Phật giáo, con người là cao hơn tất cả: “Nhân thị tối thắng”. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với “Dân chúng công nông là gốc cách mệnh” và “nhân nghĩa là nhân dân, trong bầu trời không có gì tốt đẹp vẻ vang bằng phục vụ lợi ích cho nhân dân”. Trong thuyết Tam dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã học được từ Tôn Trung Sơn, Người luôn quan tâm, chú trọng tới đời sống của nhân dân.  

Trong suốt 49 năm hoằng pháp của Đức Phật với giá trị cốt lõi là giúp chúng sinh thoát khổ và giải thoát mà không cần trông đợi vào bất cứ tha lực nào bởi vì Phật giáo là tín ngưỡng tự lực. Cuộc đời vĩ đại, cao đẹp và sáng ngời, 79 mùa xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn luôn quan niệm rằng: “suốt đời, tôi chỉ có một ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người suốt đời cống hiến cho nhân dân Việt Nam, với tư tưởng hy sinh cho nhân loại và chúng sinh; vì con người, lo cho con người; sống thanh bạch, giản dị, tránh xa hoa lãng phí; chống chủ nghĩa cá nhân, chống thói hư tật xấu tha hóa về đạo đức

Với chất “Phật” trong Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh chân tình, tinh lược trả lời một nhà báo khi được phỏng vấn rằng:

 “- Chủ tịch ghét gì nhất? Trả lời: Điều ác.

    - Chủ tịch yêu gì nhất? Trả lời: Điều thiện”

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra chân lý: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như bóng với hình, tuy hai mà một...”. Hồ Chí Minh cho rằng, trong mỗi con người phải có cái tâm, cái đức trong sáng. Hồ Chí Minh nói: “Đức Phật dạy tín đồ, con người thông hiểu, tu hành từ muôn vàn giáo lý, đặng kết đọng hướng tới sống theo đức hạnh cao nhất: “Hãy gấp làm điều thiện, ngăn tâm làm điều ác”.

Dấu ấn Phật giáo trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh - 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu Hội Phật giáo Việt Nam ngày 3/1/1957 (Ảnh tư liệu)

Vì vậy, Hồ Chí Minh nhìn nhận tôn giáo trên bình diện văn hóa, đạo đức, với quan niệm: tôn giáo là vấn đề con người và vì con người. Người không bàn nhiều về mặt tiêu cực và sự khác biệt của các tôn giáo; mà chỉ chú ý nhiều đến việc chỉ ra cái chung, cái thống nhất của các tôn giáo với mục tiêu, lý tưởng của chủ nghĩa xã hội. Những phẩm chất cao đẹp, tinh thần Bi – trí - dũng, tình cảm của Hồ Chí Minh đối với Phật giáo Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, thành kính với Phật giáo, hiểu sâu sắc giáo pháp nhu hòa mà kiên định tâm trí cùng dân tộc, có nhiều đóng góp to lớn quan trọng, hình thành nền độc lập tự chủ và mở mang văn hiến bền vững, đa dạng của người Việt. Người sớm nhận thấy, trong bản chất tôn giáo và trong cả tư tưởng của những người sáng lập ra nó, chẳng có ai là không mong muốn cho cuộc sống của con người ngày càng tốt đẹp hơn, đạo đức hơn.

Xét cho cùng thì tất cả các tôn giáo đều hướng tới những giá trị chung của con người là: Chân - Thiện - Mỹ. Hồ Chí Minh đã nhận xét: Mục đích cao cả của Phật Thích Ca và Chúa Giêsu đều giống nhau, đó là mong muốn mọi người đều hạnh phúc, ấm no. Đây cũng là mục đích mà bản thân Hồ Chí Minh hằng theo đuổi. Có chăng, sự khác nhau là do thời đại và phương pháp, cách thức để thực hiện mặt tích cực cao cả đó mà thôi.

Với tấm lòng bao dung, độ lượng, và luôn hướng đến điều thiện, dạy con người hướng đến giá trị tốt đẹp, Hồ Chí Minh nói: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng ta, phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, từ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác”.

Năm 1921, từ rất sớm, Hồ Chí Minh cảnh tỉnh loài người khi tìm cách xoá bỏ đẳng cấp, tôn giáo và các thành phần giai cấp: “Thảm họa của đất nước đã xoá bỏ sự phân biệt đẳng cấp và tôn giáo. Người giàu người nghèo, quý tộc và nông dân, Hồi giáo và Phật giáo, đều hợp sức đoàn kết”.

Trong bài Tự do tín ngưỡng, Hồ Chí Minh viết: “Mục đích cao cả của Phật Thích Ca và Chúa Giêsu đều muốn mọi người có cơm ăn, áo mặc, bình đẳng, tự do và thế giới đại đồng”. Để thực hiện được mục tiêu đó trong đời sống hiện thực trần thế thì theo Người, không còn con đường nào khác là phải đoàn kết dân tộc, trong đó có đoàn kết tôn giáo. Chính tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo đã là cơ sở nền tảng cho các giáo hội trên nền tảng những giá trị của mỗi tôn giáo mà đề ra tôn chỉ, mục đích hành đạo theo hướng gắn bó với dân tộc như: “Đạo pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội” (Phật giáo); “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” (Công giáo); “Sống Phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phụng sự Tổ quốc và dân tộc” (đạo Tin lành); “Nước vinh đạo sáng” (đạo Cao Đài); “chấn hưng nền đạo gắn bó với dân tộc; phù hợp với chính sách và pháp luật của Nhà nước góp phần tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Phật giáo Hòa Hảo).

Năm 1927, khi Hồ Chí Minh đang sống và hoạt động cách mạng ở tỉnh Uđon-thani (Thái Lan), với cái tên là Thầu Chín, Người tôn trọng mọi tôn giáo, tín ngưỡng, không xúc phạm niềm tin kể cả phong tục tập quán của mỗi họ tộc, Người còn giúp xây chùa, hành pháp Phật. sư cụ Thượng toạ chùa Oắt-phô cho biết: “Hồi ấy, chùa xây điện thờ chính... việc chỉ đạo xây điện do ông Nguyễn đảm nhiệm, ông Nguyễn kêu gọi bà con Việt kiều góp của, góp công, mua sắm nguyên vật liệu cho chùa rất nhiều...”.

Khoảng tháng 7 năm 1929, Bác Hồ quay lại Băng-cốc, Người ẩn danh đi tu tại một ngôi chùa Việt có tên Thái là Lô-ca-nu-khó, 4 tháng xuống tóc, khoác áo cà sa, ăn chay niệm Phật. Cứ mỗi sớm Bác Hồ cùng các vị sư chính trong vùng đi khất thực. Chuyện kể rằng có lần dọc đường từ Na-khon Pha-nôm xuống Mục-đa-hán, một tốp cảnh sát Anh và cảnh sát Thái đang truy bắt Nguyễn Ái Quốc theo đề nghị của cảnh sát Pháp. Khi gặp các sư đi khất thực, tốp cảnh sát ấy không hề biết Nguyễn Ái Quốc cũng là một nhà sư, nên chắp tay cúi chào “sư phụ” theo luật tục người Thái. Bác đã thoát hiểm trong gang tấc, sau đó Người cùng một số đồng chí băng núi vượt rừng trở lại Quảng Châu (Trung Quốc)...

 Theo lời của nghị sĩ Quốc hội Thái Lan, Siphanôm Vishit Varason kể lại: “Bác Hồ là vĩ nhân văn hóa. Năm 1927, khi sang Thái Lan, Bác đã xây dựng chùa thờ Phật to nhất, đó là chùa Phôthixâmphon ở tỉnh Uđon – đông bắc Thái Lan. Bác là người đứng ra chủ trì xây dựng, vận động Việt kiều góp sức, góp của để xây dựng chùa thờ Phật cho hoàn thiện. Bác đến đâu cũng giúp ích cho nơi đó”.

Dấu ấn Phật giáo trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh - 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Vua Lào lễ Phật tại Chùa Quán Sứ năm 1963 (Ảnh tư liệu)

Trong bài Thư từ Trung Quốc được đăng trên Báo Notre Voix, ngày 9-4-1939, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy bút danh là P.C. LIN, Người viết: “Các bạn thân mến, Hãy thứ lỗi cho tôi vì không viết thư được thường xuyên cho các bạn. Ở đây, chúng tôi bận đến mức là chúng tôi muốn được như Đức Phật nghìn tay - hay ít ra cũng phải như thế thì tôi mới có đủ tay để làm hết mọi việc cần làm”. Người luôn khao khát được trở thành một vị Phật sống để làm việc và cống hiến cho nhân dân, phong trào giải phóng loài người tiến bộ trên thế giới.

Trong thời gian hoạt động ở Pisơchai (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), máy bay Nhật đã ném bom sát hại kiều bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm bài văn tế cầu hồn trong đó Người đã viết mở đầu: “Nam mô Phật tổ Như Lai, Chúng sinh nheo nhóc dưới trời Tây phương, Trăm tầng áp bức thảm thương, Thân gầy như củi, xác nhường thây ma, Đâu là phúc đẳng hà sa? Đâu là cõi Phật, đâu là cảnh tiên?”. Phải chăng trong con Người Hồ Chí Minh luôn có Phật ở trong ấy? Người luôn nghĩ về viễn cảnh tốt đẹp mà những gì có trong Phật giáo.

Năm 1941, khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trong điều kiện hết sức khó khăn giữa núi rừng Pắc Bó, Người đã vẽ ảnh Phật treo trên vách đá để quần chúng có nơi chiêm ngưỡng vào những dịp lễ Tết.

Thấu hiểu được nổi đau của dân tộc và xã hội loài người, xuất phát từ tấm lòng của Đức Phật “Từ bi, hỷ xả”, quên mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang lại niềm vui, luôn kêu gọi nhân dân đoàn kết, Người đọc Tuyên Ngôn Độc Lập vào ngày 2 tháng 9 năm 1945- một áng hùng văn tuyệt bút hiếm hoi trong hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Người luôn chân thành, muốn hòa hợp với tất cả, kể cả kẻ thù của đất nước. Thấm đượm lời dạy của Đức Phật, Người không ghét bỏ, hãm hại mà tìm mọi cách thu phục nhân tâm, mời vào vị trí lãnh đạo cao để giúp dân, phụng sự Tổ quốc, nhân loại.

Mối quan hệ mật thiết giữa đạo Phật với dân tộc cũng đã được Bác Hồ khẳng định khi Người đến thăm chùa Quán Sứ vào năm 1945, sau khi Người đọc Tuyên ngôn Ðộc lập, cụ thể, trong buổi nói chuyện với các nhà lãnh đạo Phật giáo, Người đã nói rằng: “… Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một. Tôi mong các Hòa thượng, tăng ni và phật tử hãy tích cực thực hiện tinh thần Từ bi, Vô ngã, Vị tha trong sự nghiệp cứu nước, giữ nước và giữ đạo để cùng toàn dân sống trong Ðộc lập, Tự do, Hạnh phúc”. Tiếp theo đó trong buổi tuyên thệ đoàn kết giữa các đảng phái tại chùa Bà Đá Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nói: “Nhân ngày lễ Phật rằm tháng Bảy, tôi kính cẩn cầu nguyện Đức Phật bảo hộ Tổ quốc và đồng bào ta và tôi gửi lời thân ái chào các vị trong Hội Phật tử. Từ ngày nước ta trở nên Dân chủ Cộng hoà, Hiến pháp ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, thì Phật giáo cũng phát triển một cách thuận tiện”.

Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vùng đất linh, chùa thiêng và hiểu sẽ đến thời kỳ suy đồi chung trên thế giới, đạo bị cấm, chùa, đền, đình... bị tàn hại, Người sớm khẩn cấp ký Sắc lệnh số 65 ngày 23/11/1945 nhằm kịp thời ngăn chặn mục đích xấu của kẻ ác: “Bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, cấm phá huỷ đình, chùa, đền, miếu, các cổ vật… có ích cho lịch sử”. Người đã thăm và chiêm bái nhiều chùa ở đất nước Việt Nam như: chùa Hương, chùa Một Cột, chùa Quán Sứ, chùa Thầy, chùa Trầm, chùa Côn Sơn, đền Ngọc Sơn, đền Hùng, Kiếp Bạc, Cổ Loa,... thành kính thắp hương, thông suốt linh mạch thiên - địa - nhân và kết nối âm phù dương trợ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn khẳng định cộng đồng Phật giáo là một tổ chức yêu nước và đóng vai trò quan trọng trong công cuộc cách mạng Việt Nam, ngày 19 tháng 12 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bức Thư gửi tướng Trần Tu Hòa gửi tướng Trần Tu Hòa- thay mặt Bộ Tư lệnh quân đội Tưởng Giới Thạch ở Việt Nam. 

Ngày 5 tháng 1 năm 1946, tại chùa Bà Đá, Hội Phật giáo Cứu quốc tổ chức tuần “Mừng Liên hiệp quốc gia”, cầu nguyện cho nền độc lập. Trước thành viên Chính phủ, tăng ni, Phật tử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thành tâm đọc lời thề: “...Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Hy sinh, nếu cần đến hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ”. Từ những suy nghĩ đó, Hồ Chí Minh quan niệm: “Trong bầu trời không có gì tốt đẹp vẻ vang bằng phục vụ lợi ích cho nhân dân, việc gì có lợi cho nhân dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.

Ngày 5 tháng 1 năm 1946 trong Lời phát biểu tại lễ mừng liên hiệp quốc gia, Hồ Chí Minh nói rằng: “Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Hy sinh, nếu cần đến hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ”. 

Tinh thần đoàn kết, không phân biệt tôn giáo, đảng phái nhằm hướng tới mục đích giải phóng đất nước, thống nhất dân tộc và chăm lo cho nhân dân, Người nói “Chúng ta, từ Chính phủ đến nhân dân, Nam đến Bắc, già đến trẻ, giàu đến nghèo, đều kiên quyết một lòng không chịu mất nước, không làm nô lệ, không chịu chia rẽ. Chúng ta, bên lương cũng như bên giáo, Phật cũng như Cao Đài, đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết kháng chiến để giải phóng giống nòi, giữ gìn Tổ quốc”.

Trong buổi tiếp phái đoàn Phật giáo Việt Nam vào thăm Người tại Phủ Chủ tịch, Người nói: “Tôi cũng học Phật và nhớ được một câu: “mình không vào địa ngục cứu chúng sinh thì ai vào?”. Sự thật, Người đã bước vào địa ngục trần gian thực hành hạnh Bồ tát giống như trước đây ngài Bồ tát Địa tạng đã từng phát nguyện: “Chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ đề, Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật”.

Trong Thư gửi hội phật tử Việt Nam, ngày 30 tháng 8 năm 1947, Người đã nói rằng: “Nhân ngày lễ Phật rằm tháng Bảy, tôi kính cẩn cầu nguyện Đức Phật bảo hộ Tổ quốc và đồng bào ta, và tôi gửi lời thân ái chào các vị trong Hội Phật tử… Thế là: Nước có độc lập, thì đạo Phật mới dễ mở mang…. Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn, Người phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma… Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ…”. Giá trị tư tưởng của Người luôn chống chọi lại cái ác, xấu xa mà Đức Phật luôn chiến đấu với ma quỷ.

Trong Thư đáp từ trong buổi tiệc do tổng thống Praxát chiêu đãi, lời cảm ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa, triết học và nghệ thuật của nước Ấn Độ đã phát triển rực rỡ và có những cống hiến to lớn cho loài người. Nền tảng và truyền thống của triết học Ấn Độ là lý tưởng hòa bình bác ái. Liên tiếp trong nhiều thế kỷ, tư tưởng Phật giáo, nghệ thuật, khoa học Ấn Độ đã lan khắp thế giới”.

Cũng trong chuyến thăm Ấn Độ năm 1958, Bác và Đoàn đến thăm Hội Mahabodi. Hội này thành lập từ năm 1891 nhằm mục đích truyền bá đạo Phật khắp thế giới.  Khi đến nơi, Bác và Đoàn do các vị Hòa thượng đưa lên lầu trên là nơi thờ Đức Phật. Trong các vị này có sư Thích Minh Châu là người Việt Nam đã cùng với một cụ Hòa thượng người miền Nam sang nước bạn tham gia lễ kỷ niệm Phật Đản năm thứ 2500. Cụ Hòa thượng ấy đã mất và chôn ở Đêli. Khi ở Thủ đô nước bạn, Bác đã nhờ cụ Phó Thủ tướng Phan Kế Toại và đồng chí Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đến viếng mộ. Lễ Phật xong, Bác và Đoàn cùng bà Thủ hiến đến dự mít tinh hoan nghênh; trong đó, có thiện nam tín nữ rất đông.

Trong đó, lời chào mừng của ông Sri Valisnha đã nêu lên những giá trị của Hồ Chí Minh trong tư tưởng Phật giáo:

“Kính thưa Chủ tịch. Hội viên của Hội Mahabodi, là một tổ chức với mục đích truyền bá văn hóa đạo Phật và liên lạc các Phật tử ở các nước, chúng tôi kính cẩn và nhiệt liệt hoan nghênh Ngài. Như một vị ẩn sĩ chân chính, Chủ tịch đã hy sinh suốt đời cho nhân dân và Tổ quốc Ngài; Chủ tịch đã từ bỏ những hào nhoáng lộng lẫy của địa vị Chủ tịch một nước…. Thân thế kỳ diệu của Chủ tịch, từ quê hương của Ngài cho đến chức vụ Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đáng cho mọi người noi gương. Chủ tịch thật là một người kiêm cả công, nông, trí thức cách mạng với một lòng đầy từ bi là đạo đức quý nhất của những tín đồ Phật giáo. Các Phật tử Ấn Độ chúng tôi rất lấy làm tự hào mà xem Ngài là một người con của một nước đã có quan hệ mật thiết về văn hóa và tín ngưỡng hơn 2.000 năm nay với nước Ấn Độ chúng tôi…”.

Ngày 7 tháng 2 năm 1958, Bác Hồ đến từ biệt Tổng thống Ấn Độ, ngài Praxát đã tặng Bác Hồ một cây bồ đề nhỏ, trong tiếng Ấn Độ cũng gọi bồ đề là “bodi” như tiếng ta. Cây bồ đề này rất quý vì là chồi non của cây bồ đề cổ thụ đã chứng kiến Đức Phật đắc đạo tại nơi đây. Ngày nay, tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ đã có một con đường mang tên Hồ Chí Minh.

Trong Tuyên bố ngày 29 tháng 8 năm 1963 đăng trên Báo Nhân dân, số 3441, ngày 29-8-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng: “…Thay mặt nhân dân Việt Nam, tôi chân thành cảm ơn nhân dân và Chính phủ các nước Phật giáo, các nước xã hội chủ nghĩa anh em, cảm ơn nhân dân yêu chuộng hòa bình và chính nghĩa trên thế giới, cảm ơn nhân dân và nhân sĩ tiến bộ nước Mỹ đã nghiêm khắc lên án Mỹ - Diệm và nhiệt tình ủng hộ nhân dân miền Nam Việt Nam… Thay mặt toàn thể đồng bào miền Bắc, tôi thân ái chúc đồng bào miền Nam: Đoàn kết, đấu tranh, thắng lợi”.

Trong bài viết “Liên hợp quốc còn phải điều tra gì nữa?” được đăng trên Báo Nhân dân, số 3487, ngày 15-10-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng bút danh Chiến sĩ có đề cập tới vấn đề Về việc khủng bố Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Trong đó, Người viết về: “Đối với Phật giáo, tội ác của Mỹ - Diệm đã rõ ràng. Liên hợp quốc còn phải điều tra gì nữa?... Nhân dân miền Nam Việt Nam có cách giải quyết vấn đề, là đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu anh dũng làm cho đế quốc Mỹ phải rút hết quân đội khỏi miền Nam Việt Nam và mang cả gia đình Diệm đi với chúng”.

Khi chính quyền Ngô Đình Diệm tiến đến chính sách tiêu diệt Phật giáo bằng việc ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo thế giới vào dịp Lễ Phật đản năm 1963, thì các Tăng Ni, Phật tử miền Nam đã đứng dậy đấu tranh quyết liệt. Để phản đối chính sách bất công, gian ác của chính quyền Ngô Đình Diệm, ngày 11-6-1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn với hạnh nguyện:

“Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác,

Tro trắng phẳng san hố bất bình”

Kệ thiêu thân cúng dường Chánh pháp của Hòa thượng Thích Quảng Đức viết trước lúc tự thiêu.

Trước sự hy sinh phi thường và dũng cảm của Hòa thượng Thích Quảng Đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức cảm động và Người đã có câu đối kính viếng Hòa thượng:

“Vị pháp thiêu thân vạn cổ hùng huy thiên nhật nguyệt.

Lưu danh bất tử bách niên chính khí địa sơn hà”

Trong Thư gửi hội nghị đại biểu hội phật giáo thống nhất Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào ngày 28 tháng 9 năm 1964, đăng trên Báo Nhân dân, số 3837, ngày 2-10-1964, bài viết có đoạn như sau: “Đồng bào Phật giáo cả nước, từ Bắc đến Nam, đều cố gắng thực hiện lời Phật dạy là: "Lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha". Chúc toàn thể tăng ni và đồng bào Phật giáo góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Điều đó cho thấy rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng và biết ơn đồng bào Phật tử trong quá trình, sự nghiệp giải phóng đất nước Việt Nam.

Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã bày tỏ rằng: “Sở dĩ Phật giáo Việt Nam, xem Bác Hồ là Bồ Tát bởi trong hoạt động của mình, Bác luôn luôn phấn đấu, hi sinh vì những mục đích và lý tưởng, đạo đức cao đẹp của con người, nhất là người cùng khổ. Trong sự nghiệp cách mạng của mình, Bác là tấm gương sáng về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc”.

Ngày 22 tháng 1 năm 1997, trên Báo Nhân dân có đăng một bài viết về Hồ Chí Minh trong đó có đoạn: “Bác Hồ là Bồ Tát, là vị La hán, bởi vì Người đã dành tất cả cho mọi người, không giữ gì riêng cho mình cả. Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ như đóa sen giữa rừng hoa dân tộc Việt Nam, hội tụ đức tài của đất nước”.

Dấu ấn Phật giáo trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh - 4

Ảnh tư liệu

Trong cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn luôn nhấn mạnh và đề cao những giá trị tinh hoa của các tôn giáo; đặc biệt là Phật giáo. Tầm nhìn của Hồ Chí Minh đối với các tôn giáo, Phật giáo chính là tầm nhìn của đỉnh cao văn hóa nhân loại, tầm nhìn “của tương lai”, vượt qua những giới hạn của lịch sử, của những thiên kiến tôn giáo, giai cấp và dân tộc để thấy được giá trị đạo đức, văn hóa tích cực của các tôn giáo, khai thác nó để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Tầm nhìn đó dựa trên chủ nghĩa yêu nước chân chính, kết hợp với hệ tư tưởng tiến bộ của thời đại là chủ nghĩa Mác - Lênin.

Sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, Đảng và Nhà nước ta không ngừng đổi mới nhận thức về tôn giáo và quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng. Đây là nền tảng để xây dựng chủ trương, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào có đạo và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, trong đó bao gồm có cả Phật Giáo.

Tiếp thu tư tưởng quý báu của Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân... Mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung. Mọi công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đều có nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Trong Nghị quyết 24-NQ/ TW của Bộ Chính trị năm 1990, lần đầu tiên Đảng ta thừa nhận “đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”. Đến Chỉ thị 37-NQ/ TW của Bộ Chính trị năm 1998, công nhận: “Những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được tôn trọng và khuyến khích phát huy”. Còn trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, thamgia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong Nghị quyết Đại hội XI và Đại hội XII, vấn đề này cũng được Đảng chú trọng và khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo”. Như vậy, kể từ Nghị quyết 24 cho đến Nghị quyết Đại hội XII, Đảng ta đã liên tục nhấn mạnh, đề cao và phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; không chỉ thừa nhận những giá trị đạo đức, văn hóa mà còn lưu ý giữ gìn, bảo vệ, kế thừa và phát huy những giá trị đó, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cũng chính những quan điểm của Hồ Chí Minh có giá trị sâu sắc trên mọi phương diện cả về lý luận và thực tiễn, Chỉ thị 05 - CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cũng nhằm hiện thực hóa và giáo huấn con người hướng đến giá trị cao đẹp, mà mỗi con người khi sinh ra cũng đã có là “tính thiện”.

Giáo lý Phật giáo trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh là giá trị nhân văn cao cả của Người

Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một biểu tượng nhân bản, nhân văn đặc sắc không chỉ của Việt Nam, mà còn của thế giới. Tâm “từ bi” của Người là một tấm gương đạo đức nhân bản cao cả, tính nhân văn sâu sắc, có tình thương yêu bao la đối với tất cả mọi người, mọi dân tộc, mọi tầng lớp nhân dân. Nhân đức cao cả ngời sáng ấy có nhiều điểm tương đồng với đức từ bi, hỉ xả, vô ngã vị tha, cứu khổ chúng sinh của Phật giáo, song đã được nâng lên trong thời đại mới, trong hiện thực cuộc sống trên thế gian này

Giáo lý Phật giáo trong con người Hồ Chí Minh là sự gặp gỡ giữa thấu kính hội tụ, giữa dân tộc và Phật giáo, giữa đời với đạo; là sự kết tinh những giá trị nhân văn cao cả của Hồ Chí Minh và về tư tưởng giáo lý nhà Phật rất rõ nét. Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo đất nước, đem đến sự ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, vì nhân dân mà quên mình, đúng theo tinh thần “Vô ngã vị tha” của Phật giáo. Dấu ấn “Phật giáo” trong Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiện lên trong cả lời nói và việc làm của Người – Vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, của nhân dân thế giới và của cả nhân loại.

Trần Hữu Đồng

Ban Kinh tế Trung ương

Cao Minh Xuyến

 Kiểm toán Khu vực II, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam

None

Tin liên quan

Tin mới nhất