Đầu tiên, ngẫu nhiên & hi vọng

(Arttimes) - Trong những ngày thu tháng Tám lịch sử này, khi cơn bão vi rút đang tấn công dữ dội vào Việt Nam. Không quản hiểm nguy, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cử bà Kamala Harris, nữ phó Tổng thống đầu tiên và ông Lloyd Austin Bộ trưởng Quốc phòng đến chia sẻ, giúp đỡ 20,9 triệu đô la trang thiết bị y tế, 5 triệu liều vắc xin cho Việt Nam

Nghĩa cử đầy cảm động này làm ta hồi tưởng đến những ngày khó khăn, khốc liệt thuở dựng nước, giành Độc lập 1945, nước Mỹ cũng đã cử những quân nhân ưu tú, những người lính anh hùng nhẩy dù xuống Việt Bắc giúp Bác và dân ta nổi dậy giành chính quyền. Như một sự trùng lặp ngẫu nhiên trong lịch sử. Toàn thể người dân Việt Nam hy vọng điều kỳ diệu lại tới! Đại dịch sớm tiêu tan, "cho ngày vui lại về…" với toàn nhân loại trong mùa thu tháng Tám - Trời trong xanh, nắng rực rỡ.

Lần đầu tiên trong lịch sử dựng nước và giữ nước, vào tháng Tám, mùa Thu 1945, khi Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị, toàn thể nhân dân ta đã nổi dậy. Cùng với sự giúp đỡ của Đồng Minh, dân ta đã đánh đổ các xiềng xích của thực dân Pháp sau gần 100 năm, đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ, giành thời cơ ngàn năm có một để nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước của Dân, do Dân, vì Dân ĐẦU TIÊN ở Đông Nam Á. Việt Nam trở thành một nước tự do và độc lập, chính là nhờ lòng yêu nước, nhờ sự gan góc phi thường của nhân nhân ta chống thực dân Pháp ròng rã suốt mấy chục năm và thêm mấy năm nữa chống phát xít Nhật.

Thật vậy, trước năm 1940, hầu hết các nước Đông Nam Á đều là thuộc địa: Đông Dương gồm 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia là thuộc địa của Pháp; Mã Lai (Malaysia, Singapore) và Miến Điện (Myanmar ) là thuộc địa của Anh; Indonesia là thuộc địa của Hà Lan; Philippines là thuộc địa của Mỹ (Philippines vốn là thuộc địa của Tây Ban Nha, sau chiến tranh Mỹ -Tây Ban Nha, Tây Ban Nha thua trận vào năm 1898, buộc phải bán lại Philippines cho Mỹ, giá 25 triệu đô la). Chỉ có Thái Lan, với chính sách ngoại giao "cây sậy" mềm mại lựa theo chiều gió là thoát hiểm, trở thành nền quân chủ lập hiến: vừa có Vua, vừa có Thủ tướng và thoát được ách thực dân Pháp – Anh cũng như sự xâm lăng của phát xít Nhật. Mùa thu 1940, nhằm mở rộng căn cứ, tăng tiềm lực để đánh Đồng Minh, Nhật đã xâm lăng Đông Dương, thực dân Pháp đã quỳ gối đầu hàng, rước Nhật vào chiếm nước ta. Nhân dân ta đã khốn khổ càng khốn khổ hơn dưới ba tầng áp bức: Nhật, Pháp và bọn phong kiến bán nước. Các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, từ Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương… đều bị dìm trong biển máu sục sôi. Đảng Cộng sản Đông Dương bị đàn áp khốc liệt, Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập bị xử bắn, các đồng chí Trung ương bị bắt hoặc bị tử hình, Trung ương đã hoàn toàn tan rã. Các cụ Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ và Hoàng Quốc Việt đã lập lại Trung ương Đảng. Năm 1941, Trung ương đón Bác về, suy tôn làm lãnh tụ, sau 30 năm Bác đã đi khắp nhân gian tìm đường cứu nước. Bác mở Hội nghị Trung ương 8 lấy “Giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc” làm mục tiêu hàng đầu, lập Mặt trận Việt Minh - thực chất là Chính quyền Cách mạng ĐẦU TIÊN của ta, để tập hợp và xây dựng lực lượng trong cả nước. Bác thường dặn: “Hiện nay nhân dân ta, tổ quốc ta đang bị giày xéo bởi hai kẻ thù hung ác nhất trên thế giới là Pháp và Nhật, nếu thiếu sức mạnh nhất trí trong cả nước, thiếu sự giúp đỡ từ bên ngoài, thì công cuộc giải phóng dân tộc khó mà thành công được”. Năm 1942, trước khi ra ngoài, Bác dặn các cụ trong Thường vụ Trung ương: “Kiên quyết giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng lực lượng để chuẩn bị vũ trang giành chính quyền”. Và Bác mang tên Hồ Chí Minh từ đây. Giai đoạn năm 1941-1945, Việt Minh đã có Chương trình, điều lệ với lá cờ đỏ sao vàng và có hệ thống tổ chức từ Tổng bộ, tỉnh bộ, thành bộ, huyện bộ, đến tận các xã. Việt Minh đã xây dựng các chiến khu, các ATK (an toàn khu) rộng khắp cả nước, từ mạn ngược đến miền xuôi, tới các thành thị. Việt Minh có cả lực lượng Vũ trang là Cứu quốc quân I - II - III, Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Du kích Ba Tơ; tháng 5/1945, hợp nhất thành Giải phóng Quân Việt Nam, hàng triệu dân quân tự vệ và quần chúng, làm nên SỨC MẠNH NHẤT TRÍ TRONG CẢ NƯỚC.

Đầu tiên, ngẫu nhiên & hi vọng - 1 Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Khang, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt tại Chiến khu Việt Bắc.

Vào mùa hè 1945, từ Quảng Trị ra đến Bắc, sau nạn đói khủng khiếp làm 2 triệu đồng bào ta chết đói do chính sách man rợ nhổ lúa trồng đay của phát xít Nhật, thu tô tức tàn bạo phục vụ chiến tranh. Cả Đông Dương như cánh đồng cỏ khô, chỉ cần một tàn lửa nhỏ là bốc cháy dữ dội. Việt Minh (cuối 1944 đầu 1945) đã có chuyến ngoại giao ĐẦU TIỀN và ĐẶC BIỆT do cụ Hoàng Quốc Việt – Bí thư Tổng bộ Việt Minh làm trưởng đoàn, đàm phán với Chính phủ Trung Hoa Dân quốc tại Bách Sắc, Quảng Tây để thỏa thuận hợp tác chống Nhật, gọi là thỏa thuận hợp tác ba bên giữa Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Cách mạng Đồng Minh hội và Việt Minh, dưới sự "bảo trợ" của Chính phủ Trung Hoa Dân quốc để “giải phóng” Việt Nam khi phát xít Nhật bại trận. Đoàn đại biểu Việt Minh không lạ gì mưu mô và tham vọng của bọn Tưởng, muốn biến nước ta thành thuộc địa. Đoàn đại biểu đã Việt Minh nắm được âm mưu “Hoa quân nhập Việt” nên mau chóng về nước và tổ chức đón Bác về, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành Độc lập.

Tháng 5, Bác về tới Tân Trào, lúc này đã là Thủ đô của Việt Minh, thủ đô của Khu Giải phóng. Vào tháng 7, qua điện đài của OSS (Cơ quan Tình báo chiến lược Hoa Kỳ) đã cùng theo Bác về Tân Trào, Việt Minh đồng ý cho quân đội Mỹ lập căn cứ dã chiến gồm doanh trại, bãi tập, sân bay… Việt Minh đã tiếp nhận biệt đội Con Nai gồm các quân nhân, phiên dịch, y tế, hậu cần tại Nà Lừa, doanh trại của họ sát bên lán Bác ở. Họ đã nhẩy dù xuống Sơn Dương – Tuyên Quang, thiếu tá Thomas bị mắc dù trên ngọn cây đa, được đồng bào gỡ dù cứu thoát. Ngày ấy trên báo Việt Nam Độc lập do chính Bác vẽ, viết các bức tranh hướng dẫn cách cứu phi công Mỹ bị nạn, cùng câu thơ: “Quân đội Mỹ là bạn ta, cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh”. Việt Minh cùng đồng bào trong hai ngày đã san gạt xong sân bay dã chiến Lũng Cò dài 400 mét, để các máy bay L5 của không quân Mỹ đáp xuống. Lũng Cò là sân bay Quốc tế đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Không quân Mỹ đã thực hiện 22 chuyến bay chở 17 phi công Mỹ bị Nhật bắn rơi và được Việt Minh cứu thoát về Mỹ, đồng thời vận chuyển vũ khí, đạn dược, thuốc men… cho Việt Minh. Mỹ thả dù cả Bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ, theo yêu cầu của Bác, để Người tham khảo cho việc soạn bản Tuyên ngôn Độc lập 2/9. Bác đã mang sự giúp đỡ quí báu: sức mạnh và thời cơ của thời đại về cho cách mạng Việt Nam. Quả như vậy, tại Tân Trào đã có sự hợp tác quân sự đầu tiên là thành lập Đại đội Việt - Mỹ, do cụ Đàm Quang Trung làm Đại đội trưởng, thiếu tá Thomas làm Tham mưu trưởng. Đây cũng là lần ĐẦU TIỀN Giải phóng quân Việt Nam tiếp nhận vũ khí hiện đại của Mỹ, tuy ngày ấy chỉ là những khẩu tiểu liên Thompson, DKZ … Quý giá nhất là thông tin tình báo nóng bỏng, vô cùng quan trọng: Ngày 6/8, Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki; ngày 14/8, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng; hồi 9 giờ ngày 02/9/1945, Nhật sẽ chính thức ký Hiệp ước đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Đó là những sự giúp đỡ quan trọng ĐẦU TIỀN của Mỹ dành cho Việt Nam vào những năm Thế chiến thứ hai, để cùng chống phát xít. Nhờ vậy, bằng cách vững chắc, táo bạo, thần tốc, nhưng với tính toán khoa học, chính xác và sáng tạo, ngay tối ngày 13/8, Trung ương đã lập tức họp thâu đêm và tức khắc ra lời hiệu triệu Tổng Khởi nghĩa. Các đại biểu khẩn trương, bằng mọi phương tiện trở về địa phương gấp, tùy tình hình mỗi địa phương mà nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 16/8, ta tiến hành họp Quốc Dân Đại hội, phát lệnh Tổng Khởi nghĩa, bầu Chính phủ Lâm thời, gồm 5 ủy viên thường trực, là các ủy viên đã được nhuộm màu “phi Cộng sản”: Hồ Chí Minh (Việt Minh, Việt Cách); Trần Huy Liệu (Việt Minh, Việt Quốc); Phạm Văn Đồng (Việt Minh); Nguyễn Lương Bằng (Việt Minh); Dương Đức Hiền (Việt Minh, đã tham dự hội nghị Bách Sắc), do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Với thành phần Chính phủ Lâm thời này, Đảng và Bác đã được sự tin tưởng ủng hộ của toàn dân, vừa tập hợp được lực lượng toàn dân, che mắt được bọn Tưởng và làm bọn Quốc Dân Đảng Trung Quốc tin vào Chính phủ Lâm thời, đảm bảo an toàn cho Chế độ Cách mạng non trẻ, khi 20 vạn quân Tưởng vũ khí đầy mình, ồ ạt tràn vào Việt Nam sau này.

Cũng trong ngày 16/8, Trung ương bàn ngay các việc cần làm gấp cho ngày Tuyên bố Độc lập, ngày Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt Quốc dân Đồng bào, nhằm đảm bảo tính CHÍNH DANH, CHÍNH ĐÁNG, CHÍNH NGHĨA và phù hợp với luật pháp quốc tế. Chính do những điều kiện trên, Bác đã quyết định làm lễ Độc lập vào 14 giờ ngày 2/9/1945, sau khi đáp ứng đủ các điều kiện:

- Bác đã lệnh cho cụ Hoàng Quốc Việt, khi ấy là Ủy viên Thường vụ TW, phụ trách Tổ chức - Dân vận - Mặt trận, Bí thư Tổng bộ Việt Minh thay mặt Trung ương đi kiểm tra khởi nghĩa, củng cố tổ chức, thống nhất các lực lượng suốt dọc 21 tỉnh và 6 tỉnh Nam Bộ, để khẳng định Việt Minh đã hoàn toàn kiểm soát đất nước từ Bắc tới Nam. Từ Sài Gòn, cụ Việt điện ra cho Bác: “21 tỉnh tôi đi qua và lục (6) tỉnh (Nam bộ) đã xong”, Hà Nội điện trả lời: “Mùng 2 tháng 9 tuyên bố Độc lập”.

- Bác cử các cụ Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu, Cù Huy Cận vào Huế chứng kiến lễ thoái vị của Vua Bảo Đại.

- Bác cử cụ Khuất Thị Vĩnh (tức Bảy) vào hoàng cung Huế thuyết phục Bảo Đại ra Hà Nội làm Cố vấn Tối cao cho Chính phủ Cụ Hồ, thông qua Từ Cung Hoàng Thái Hậu (mẹ vua) và Nam Phương Hoàng Hậu. Sau đôi ngày trù trừ suy tính, sáng sớm ngày 2/9, công dân Vĩnh Thụy – Bảo Đại đã rời cung An Định thẳng tiến ra Hà Nội.

Cũng trong buổi sáng ngày 2/9, vào 09 giờ 08 phút giờ Tokyo - tức 07 giờ 08 phút giờ Hà Nội, ngoại trưởng Nhật Bản đã ký văn kiện đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Sự kiện này diễn ra trên chiến hạm Misuri neo đậu tại vịnh Tokyo, dưới sự chứng kiến của tướng Douglas MacAthur và các tướng lĩnh, trong đó có thủy sư đô đốc W McCain, ông nội của thượng nghị sỹ J McCain, người phi công bị bắn rơi xuống hồ Trúc Bạch và đồng thời cũng là người bạn lớn của Việt Nam, có công rất lớn trong hàn gắn và kiến tạo quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Trong những ngày mùa thu năm 1945, khi Thế chiến thứ hai đang diễn ra khốc liệt, Tổng thống Mỹ và nước Mỹ, vì lợi ích của cả hai nước, đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ quan trọng ĐẦU TIÊN, giúp Việt Nam thắng phát xít, giành Độc lập, khai sinh ra nền Dân chủ Cộng hòa.

Đầu tiên, ngẫu nhiên & hi vọng - 2 Ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản tuyên ngôn Độc lập  khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

Kể từ 1945 đến nay vừa tròn 76 năm, trải qua bao thăng trầm, khó khăn trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Mùa thu năm 2021, khi cả nhân loại đang trong Đại dịch COVID 19, cơn bão vi rút tấn công cả hành tinh, dồn dập hết đợt này đợt khác, từ Trung Quốc tràn qua châu Âu, châu Mỹ, châu Phi… đến cả những quốc đảo lẻ loi, bé nhỏ giữa lòng đại dương, ào qua cả Việt Nam. Tương tự, cách đây 6 thế kỷ, vào năm 1346, nạn dịch hạch - CÁI CHẾT ĐEN, vi rút từ bọ chét của loài chuột, lan sang người gây nên đại dịch chết chóc. Dịch hạch đã từ Trung Quốc, theo con đường tơ lụa, lan sang Trung Á, Ấn Độ, vào châu Âu, Bắc Phi. Kéo dài 5 năm từ 1346 đến 1351, CÁI CHẾT ĐEN đã làm dân số Châu Âu giảm từ 30-60%, thế giới mất đi khoảng 100 triệu trong tổng số 450 triệu dân.

Chính trong cơn bão vi rút dồn dập ập vào Việt Nam, Việt Nam đang quyết liệt thực hiện mục tiêu kép: bảo vệ bình an, sức khỏe, tính mạng cho nhân dân và duy trì, phát triển nhịp sống kinh tế xã hội. Các biện pháp cách ly, giãn cách, phong tỏa gắt gao nhất, để tạo các hầm trú ẩn an toàn cho mỗi người dân, cho bình an, sức khỏe toàn xã hội bằng thực hiện 5K, đồng thời thần tốc tiêm vắc-xin nhằm tạo lá chắn bảo vệ, trước mắt cho bộ máy lãnh đạo, cho các lực lượng chống dịch là rường cột xã hội và lực lượng sản xuất để nuôi sống, duy trì an ninh, hoạt động và sự phát triển của xã hội. Trước những khó khăn bề bộn, chúng ta đã có những thành công ấn tượng về an toàn xã hội và duy trì, phát triển kinh tế. Như một sự trùng lặp NGẪU NHIÊN của lịch sử: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (vốn cũng là sĩ quan dù) là quan chức quân đội cao cấp nhất, đầu tiên của chính quyến Tổng thống Joe Biden đã đến thăm Việt Nam vào tháng 7/2021. Ngoài tăng cường hợp tác quan hệ quốc phòng hai nước, còn giúp Việt Nam 20,9 triệu đô la trang thiết bị y tế để chống dịch và 5 triệu liều vắc xin - một mặt hàng quý giá, vô cùng khan hiếm trên toàn cầu vào lúc này. Đồng thời trong dịp này Mỹ cũng bàn giao tàu tuần tra biển cho Cảnh sát Biển Việt Nam.

Sắp tới đây, theo dự kiến, Tổng thống Joe Biden sẽ cử Bà Kamala Harris, nữ Phó Tổng thống Hoa Kỳ thăm Việt Nam vào ngày 24/8. Bà Harris là phó Tổng thống nữ da màu đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, có bố là người gốc Phi ở Jamaica, mẹ gốc Ấn Độ, bà sinh năm 1964, Giáp Thìn - Rồng Vàng. Năm nay bà thăm châu Á lần đầu tiên trên cương vị phó Tổng thống, đến Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đất nước của Âu Cơ - Lạc Long Quân, đất con Rồng cháu Tiên. Đông Nam Á và Biển Đông có lợi ích chiến lược cho cả Việt Nam - Hoa Kỳ. Biển Đông là biển lớn thư tư thế giới sau biển Philippines, biển San Hô và biển Ả Rập, có diện tích gần 3,5 triệu km2, trải từ eo biển Đài Loan xuống eo biển Malacca, là ngã tư đường biển sầm uất, quan trọng bậc nhất thế giới. Trong 24 giờ, trên bầu trời biển Đông vun vút hàng ngàn chuyến bay, lướt sóng biển Đông hàng vạn tàu thuyền lại qua tấp nập, dưới đáy biển hàng tỷ dữ liệu thông tin, truyền thông được rần rật truyền đi, khắp vùng biển Đông hàng triệu người di chuyển, làm ăn, du lịch… Hơn 2/3 lượng dầu mỏ, hơn 1/4 hàng hóa của thế giới thường xuyên di chuyển trên vùng biển này. Biển Đông là nơi giao thoa, gặp gỡ của các nền văn hóa, văn minh từ cổ xưa đến nay, qua bao thời kỳ lịch sử. Các nền văn minh bản địa, Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ, Ai Cập, Ả Rập, Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… đều để lại dấu ấn tại các quốc gia ven biển Đông. Về tôn giáo, ngoài các tôn giáo bản địa, Phật giáo, Ấn Độ giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo… cùng tồn tại và phát triển hài hòa. Trong lịch sử Trung Hoa, khi triều đại nhà Minh sụp đổ, hàng triệu người Hoa tị nạn, chạy tản mạn ra khắp các miền đất Đông Nam Á, tạo nên một cộng đồng ước tính hơn 50 triệu Hoa Kiều Minh Hương, nhờ chăm chỉ làm ăn buôn bán, họ đã trở thành trụ cột kinh tế của các nước trong khu vực biển Đông. Ngày nay và trong tương lai, biển Đông và Đông Nam Á sẽ giữ vai trò là một trong những trung tâm kinh tế phát triển nhanh nhất của thế giới, là nơi giao lưu, gặp gỡ, luân chuyển hàng hóa dịch vụ, trao đổi văn hóa hàng đầu của toàn cầu.

Đầu tiên, ngẫu nhiên & hi vọng - 3 Bà Harris - Phó Tổng thống nữ da màu đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ sẽ sang thăm Việt Nam

Việt Nam có bờ biển dài hơn 3200 km với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và hơn 1000 đảo lớn nhỏ, cùng với Công ước Luật Biển Quốc tế năm 1982 (UNCLOS 1982) quy định vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý (360 km) và thềm lục địa 360 hải lý thì vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam sẽ có diện tích ước hơn 2 triệu km2. Đặc biệt ta còn có biên giới trên đất liền, trên biển và không phận với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc. Tổng thống Joe Biden từng tuyên bố: “Trung Quốc là đối thủ đáng gờm nhất của Hoa Kỳ trong thế kỷ 21 về chính trị, kinh tế, công nghệ, văn hóa,… Hoa Kỳ sẽ hợp tác và chấp nhận cả thách thức, nhưng không để xẩy ra xung đột”. Trung Quốc đang xúc tiến sáng kiến Vành đai và Con đường với trọng tâm là Con đường tơ lụa trên biển (con đường thương mại, đầu tư đậm văn hóa Trung Hoa). Con đường tơ lụa xưa hơn 2000 năm về trước, đã mở đầu cho toàn cầu hóa Đông – Tây, xúc tiến thương mại, tạo sự phát đạt toàn cầu. Còn Mỹ cùng các nước thực hiện chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Bởi vậy, Biển Đông sầm uất phải là nơi gặp gỡ của hòa bình và thịnh vượng, của tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ, nơi gặp gỡ của các nền văn minh khu vực và thế giới. Tin rằng Việt Nam sẽ là một quốc gia biển hòa bình ven biển Đông dạt dào sóng vỗ.

Chuyến thăm Việt Nam của ông Lloyd Austin và bà Kamala Harris vào mùa thu 2021, khiến ta hồi tưởng lại, cũng vào mùa thu 1945 - 76 năm về trước, trong cuộc chiến cùng chống phát xít, …nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh…, nước Mỹ đã cử những người lính anh hùng, nhẩy dù xuống Việt Bắc, cùng Bác và Việt Minh chống phát xít thắng lợi. Thật là một sự trùng lặp NGẪU NHIÊN! Năm 1945, kẻ thù chung là phát xít, nay kẻ thù chung là đại dịch COVID 19.

HY VỌNG bằng những bước đi vững chắc, táo bạo, thần tốc, khoa học, kỹ lưỡng và cẩn trọng, với sự nhất trí và ủng hộ không có giới hạn của TOÀN DÂN, cùng với sự giúp đỡ của bạn bè khắp năm châu, bốn biển, trong đó có nước Mỹ và Tổng thống Joe Biden, đại dịch sẽ sớm được đẩy lùi - quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ từ bạn tốt - thu 1945” thành “Đối tác Chiến lược – thu 2021. Để tất cả người dân Việt Nam được đón TẾT ĐỘC LẬP như ngày thu nắng vàng rực rỡ cách đây 76 năm, cho con trẻ lại tung tăng cắp sách đến trường khai giảng năm học mới, các bé cùng nhau ca “tùng dinh dinh”, rước đèn ông sao trong mùa Thu bình an, ấm nồng hạnh phúc.

  Tháng Tám, mùa Thu 2021

None

Hạ Chí Nhân - Nguyễn Xuân Thu

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Chiều 28/3 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Namvà UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức Họp báo Chương trình Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum). Đồng chủ trì buổi họp báo có các đại biểu: Nguyễn Như Hiếu - Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao; Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; Đào Quang Bính - Tổng Thư ký T