Đi tìm mỹ cảm văn chương

(Arttimes) - "Đi tìm Mỹ cảm văn chương" là tên tập tiểu luận phê bình thứ sáu của tác giả Trần Hoài Anh, ra mắt bạn đọc cuối năm 2020 (NXB Hội nhà văn) với hơn 400 trang sách phê bình, giới thiệu tác giả, tác phẩm dưới góc nhìn “mỹ cảm”.

Mười ba bài viết ở phần Mỹ cảm văn chương nhìn từ thơ Việt Nam hiện đại có sức cuốn hút bởi chính góc nhìn, góc tiếp cận tác phẩm, tác giả, được sắp xếp đan xen làm cho ta quên đi sự ngăn cách của hai nền văn chương Nam - Bắc suốt mấy chục năm ròng đất nước bị cắt chia. Giờ nhìn lại vẫn chung một hồn cốt, một vẻ đẹp văn hóa, đạo đức, tình người, một khát vọng thống nhất non sông. Đây là thế mạnh của Trần Hoài Anh, một cây bút phê bình lý luận được nuôi dưỡng bằng cả hai bầu sữa dân tộc. Sinh ra, lớn lên, học tập ở miền Nam trước 1975, đất nước giải phóng được hòa vào dòng chảy văn chương cách mạng miền Bắc, rồi ngọn gió đổi mới nền kinh tế - chính trị nước nhà, không chỉ cho anh kiến thức, tư liệu cuộc sống, mà đặt anh vào những ngẫm suy về dân tộc của mình sau gần thế kỷ đau thương, anh dũng; giúp anh vượt qua những mặc cảm, giới hạn của thời đại, nói lên bản chất cái đẹp có thật của văn chương Việt Nam mà ta đã có.

Đi tìm mỹ cảm văn chương - 1

Bìa sách

Đi tìm mỹ cảm văn chương

Lâu nay, khi nhắc tới Lưu Quang Vũ người ta thường nghĩ, đây là tác gia sân khấu nổi tiếng, đã thổi bùng lên ngọn lửa cho kịch trường thời đổi mới. Những bài viết về thơ Vũ trước đây thường né tránh, nhạt nhòa… Qua bài viết Cảm thức hiện sinh trong thơ Lưu Quang Vũ của Trần Hoài Anh, ta gặp đầy ắp những nỗi buồn, niềm cô đơn và nỗi đau thân phận của con người, “là một thi sĩ có một ăng ten tâm hồn cực nhạy”, “hiện thực trong thơ ông là một hiện thực dang dở, phận số con người trong thơ ông là một phận số không có kết thúc viên mãn mà nó là những vỡ nát, khổ đau đang dần đi đến cõi hư không”: “Cả cuộc đời là ở sân ga trước chuyến đi vô tận/… Chết có một mình/ Đó là điều buồn nhất” (Lời cuối). Ở một bài thơ khác: “Ôi nếu phải tan thành bụi cát/ Thành hư vô, không khí trời, không ánh sang/ Chỉ rỗng không, câm lặng, vô hình…” (Bài hát ấy vẫn còn là dang dở)… Bên cạnh nỗi cô đơn ấy là niềm khao khát yêu đời, yêu cuộc sống đến si mê: “Đất nước tôi ơi/ Những dòng sông đã cho tôi khuôn mặt/ Những chân trời đã cho tôi tiếng hát…/ Hoa và chim đã cho tôi mộng ước/ Cả trái tim dập dồn trong ngực/ Là của người – lẽ sống của đời tôi” (Người cùng tôi). Thơ Vũ hiện lên đầy đủ những cuộn siết nóng bỏng bên những mơ mộng thương đau, tạo nên tầm vóc nhà thơ hàng đầu của thời chống Mỹ.

Nhà thơ Nguyễn Vỹ thuộc lớp thi nhân tiền chiến, chỉ được Hoài Thanh phác họa vài nét trong Thi nhân Việt Nam nhưng anh gánh xiếc trống chiêng, cờ quạt xủng xoảng, chỉ có mỗi câu thơ đáng nhớ “Nhà văn Việt Nam khổ như con chó”. Nay chân dung ông được bổ sung đầy đủ: Một nhà thơ luôn cách tân đổi mới từ những thập kỷ 60-70, thế kỷ 20, ngay giữa Sài Gòn... Ông còn là nhà báo quả cảm, nhà văn dấn thân cho hoạt động xã hội, vì sự tồn vong đất nước ngay giữa lòng miền Nam khi còn bị xâm lăng… Cùng với đội ngũ người cầm bút ở miền Nam bấy giờ đã làm nên một nền văn chương bản sắc và đa dạng, có những tác phẩm quý giá, nếu không được sưu tầm, tìm kiếm, tập hợp lại bổ sung đầy đủ cho nền văn chương nước Việt thì thật đáng tiếc!

Tập sách còn hai phần nữa: Mỹ cảm văn chương nhìn từ văn xuôi Việt Nam hiện đại và Mỹ cảm văn chương nhìn từ lý luận – phê bình văn học hiện đại với Khúc vĩ thanh. Phần nào cũng có những bài viết hấp dẫn, sống động bởi vốn sống, tư liệu, cách lý giải được chảy qua ngòi bút sắc nét của anh. Ta gặp lại Nguyên Sa không chỉ nổi tiếng là thi sĩ tài năng mà còn là ngòi bút lý luận phê bình không kém phần giá trị trong sự nghiệp văn chương. Ta gặp Nguyễn Minh Châu không chỉ là nhà văn cách mạng với những truyện ngắn bậc thầy, mà còn là người góp phần khai mở hệ hình tư duy lý luận phê bình văn học đổi mới… từ những gì cốt cách của văn xuôi đã hóa thân vào lý thuyết, lý luận văn học khi cuộc sống làm ông bừng tỉnh ý thức lại chính mình với những trăn trở và dằn vặt đầy tính tự thức. Ông luận giải về chiến tranh và số phận con người ở những năm 70 thế kỷ trước: “Đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến ác liệt phần lớn mọi người còn ngủ yên trong men say chiến thắng…” ông đã “giật mình” thức tỉnh để nhận ra những gì sẽ đến… ông là một trong không nhiều nhà văn cách mạng có sự phản tỉnh mạnh mẽ về vai trò của nhà văn và của nền văn học nước nhà.

Xen kẽ những bài viết về chân dung ta gặp những dòng Cảm thức lịch sử trong văn học miền Nam 1954-1975: “Một trong những điều day dứt nhất, khắc khoải nhất trong tâm thức nhân dân miền Nam, trong đó có đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ trước vận mệnh đất nước bị ngoại bang xâm lấn, sự du nhập ồ ạt của văn hóa phương Tây, nhiều lý thuyết hiện đại với sức mạnh đồng tiền chi phối, nếu không có ý thức tự vệ chọn lựa cho phù hợp, dẫn tới nguy cơ ta trở thành kẻ vong bạt ngay trên đất nước của mình” cho ta hiểu thêm xuất phát điểm và đích đi tìm cái đẹp văn chương của Trần Hoài Anh, nó bắt nguồn từ khát khao mơ ước đã tự ngàn đời dân tộc chọn lựa, sàng lọc, gìn giữ cho đến hôm nay…

Tập sách còn giới thiệu tập tiểu luận về thơ Tân hình thức có tên là “Vũ điệu không vần”, một thể thơ hiện đại thường chỉ được nhắc tên trong những bài lý luận “cao siêu” hay trong những cuộc bàn tròn, nó không dễ thành món ăn đại chúng”: “những suy tưởng chứa đầy sắc hương và ánh sáng nói những luận giải về thơ đầy chất triết luận và một tình yêu thơ ca mãnh liệt…” trong hành trình đổi mới thơ Việt, nhà thơ Khế Iem đã bỏ cả đời mình theo đuổi, nắm bắt giờ đem dâng tặng những ai… không chịu cũ bao giờ!

Khi gấp tập sách lại trước mặt, thì thật lạ lùng, gương mặt “những Hữu Loan, Hồng Nguyên, Yên Thao, Chính Hữu… trong con mắt phê bình văn học miền Nam trước năm 1975” lại hiện ra, đặc biệt là Quang Dũng anh bộ đội cụ Hồ đã được tôn vinh ngay giữa Sài Gòn thuở  ấy, chứng tỏ trong hồn người cầm bút, văn chương chưa hề bị chia cắt bao giờ.

Tôi bỗng nhớ lại bài viết trên báo Văn nghệ cuối năm 2018 nhìn lại văn chương nước nhà, có đoạn phỏng vấn một nhà báo Đức… không biết căn cứ vào đâu mà ông xác quyết rằng ở Việt Nam chưa có lý luận phê bình, chỉ có những bài viết tâng bốc lẫn nhau… người đọc không biết dựa vào đâu để tìm được những tác phẩm cần thiết cho mình… Đến nay chỉ mới vài năm, tôi cầm được trên tay những tập sách như Đi tìm Mỹ cảm văn chương của Trần Hoài Anh, lớp tác giả chững chạc đang vươn lên để tự khẳng định quyết tâm và vị trí, Việt Nam đang hội nhập vào nền văn chương toàn nhân loại.

Theo Thời báo Văn học Nghệ thuật số 18/2021

None

Chử Văn Long

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Sau 8 năm kể từ ngày công diễn vở opera Lá đỏ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trở lại ấn tượng với opera Vầng trăng Him Lam, tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 – 2025.