Đường về ngôi nhà xưa

(Arttimes) - "Đường về ngôi nhà xưa" là truyện ngắn của Nhà văn Nguyễn Phan Hách dựa theo chuyện có thật về Thái sư Lê Văn Thịnh - Triều Lý

Quán nước của Gái Nhỡ trên đê lợp rơm mới thơm nức, chồng bánh khoai, vài nải chuối, vò nước chè xanh, chiếc điếu cày.

Nắng sớm xiên ngang rọi gương mặt trắng hồng, tóc đuôi gà, yếm đào, váy thâm, áo nâu cánh dán, bao hoa lý… trông Gái xinh ra phết mà sao duyên số lỡ làng, không chồng, mở quán gianh bán nước cho khách qua đường…

Dòng sông Đuống dào dạt, phù sa đục ngàu, bãi dâu xanh biếc. Con đường đất đỏ chạy về núi Thiên Thai trước mặt, chỉ đi một thôi ngắn chừng “dập miếng giầu” là đến.

Gái vẫn ngắm núi Thiên Thai, thấy mặt trời lên từ đấy. Ngọn núi như có gì thần tiên huyền bí làm Gái hay nghĩ vẩn vơ.

Đường về ngôi nhà xưa - 1

Minh họa NSND Lê Huy Quang

Buổi sáng ấy, có một chàng thư sinh từ núi, đi đến, vào quán. Một vai là bao gạo, vai kia tay nải đầy sách bút.

- Năm nay, lần VỀ QUÊ NGOẠI nước Đại Việt triều Lý mình mở khoa thi Minh kinh bác học. Tôi về kinh Thăng Long ứng thí đây cô ạ. Cô cho tôi một bát chè xanh nào.

- Ấy, em có họ với nhà vua đấy - Gái Nhỡ hồn nhiên nói.

Chàng thư sinh bật cười.

- Không. Em nói thật. Ông nội em quê ở Cổ Pháp, có bà cô họ, không chồng, tên là Phạm Thị. Tổ Cô Phạm Thị hay lên chùa quét lá đa. Một đêm trăng thanh gió mát, Tổ Cô quét lá mỏi tay, nằm ngủ ngay cổng chùa. Người thần nhà trời đi đâu về, bước qua người Tổ Cô, để vào nhà Tam Bảo. Chỉ thế thôi mà Tổ Cô mang thai, rồi sinh ra chú bé thần đồng tên là Lý Công Uẩn. Năm lên 6 tuổi, Lý Công Uẩn đến làm tiểu ở chùa Tiêu Sơn Tương Giang, được sư Vạn Hạnh dậy dỗ nên người, sau lên làm vua Lý Thái Tổ. Đức Thái Tổ rời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long là nơi gần quê Cổ Pháp, Đình Bảng nhà em.

- Ồ, cô giỏi quá, cái gì cũng biết. Nhưng chỉ nói một lần này thôi nhé, đừng nói với ai nữa, mà ngươi ta chém đầu đấy.

- Em làm gì mà chém đầu em. Ông nội em kể lại sự thật nguyên xi như thế. Đức Lý Thái Tổ về quê lấy đất làm Sơn Lăng, thế là dân Cổ Pháp, Đình Bảng chúng em vui vẻ, nhường đất cho vua, dắt nhau vượt sông Đuống, đến vùng chân núi Thiên Thai này sinh cơ lập nghiệp. Vì thế em mới mở quán ở đây…

Chàng thư sinh ăn chiếc bánh khoai nhẻ nhót, khen ngon.

- Em nghe nói trên đỉnh Thiên Thai có con gà trắng thần, mỗi sáng nó gáy gọi mặt trời lên. Nó có gáy thì mặt trời mới mọc được. Và đêm đêm nó gáy sang canh. Có một chàng học trò nhà lưng chừng núi, nghe tiếng gà gáy, hiểu được chữ nghĩa thánh hiền trong đó, chữ nghĩa cứ nhập vào đầu, và chàng trở thành rất giỏi. Người ta đồn như thế, không biết có phải không. Chứ em thì em thấy nhà em đầy một chuồng gà, đêm nào cũng chỉ thấy tiếng ò ó o, chứ có thấy gì đâu. Chàng có phải chính là anh học trò nghe được chữ thánh hiền trong tiếng gà trắng thần ấy không? - Cô gái hỏi.

- Không. Tôi chỉ là anh học trò bình thường, nghe tiếng gà cũng chỉ thấy ò ó o như cô thôi… Cả hai cùng cười. Cô gái nói:

- Ừ, mà nghĩ cho cùng đời bày đặt lắm chuyện vô lý. Bước qua người sao mà mang thai được. Trong tiếng gà làm gì có chữ thánh hiền…

- Cô nói đúng đấy - Chàng trai đáp.

- Em biếu anh nải chuối lá này để đi đường ăn cho đỡ mệt. Đường từ đây về kinh xa lắm. Nếu thi cử đỗ đạt, nhớ ghé về qua quán em chơi nhé.

*

Năm tháng trôi qua, Gái Nhỡ đã thành người đàn bà trung niên. Chiếc quán gianh vẫn thế. Mấy nải chuối, chiếc bát sành. Nhưng má hồng Gái Nhỡ đã vương đầy tơ nhện, và nụ cười không còn tươi.

Một buổi sớm, Gái Nhỡ mở cửa hàng, thì thấy chiêng trống vang lừng, cờ xí phấp phới, ngựa xe bụi mù. Người hai bên đường quỳ rạp. Quan Thái Sư đầu triều Lê Văn Thịnh về thăm quê hương núi Thiên Thai.

Gái Nhỡ cũng quỳ rạp trước quán. Từ trên xe Song Mã, quan Thái Sư bước xuống.

- Con lạy quan ạ - Gái Nhỡ vái.

- Đứng dậy, cô Gái Nhỡ… Ta đến trả nợ cô nải chuối lá cô tặng ta ngày xưa… Nào, cho ta bát chè xanh đậm vị quê.

Quan Thái sư nhấp từng ngụm gật gù, khen ngon.

- Bao nhiều năm vị chè quê vẫn không phai nhạt.

Quan đưa ra mấy nén bạc cho Gái Nhỡ bảo mua lấy nương dâu, nuôi tằm, vừa ngồi bán quán vừa quay tơ dệt lụa, rồi mở mang quán cho khang trang hơn.

Quan đi rồi, lòng Gái Nhỡ xốn xang, tưởng như vừa qua giấc mơ. Mơ miếc gì. Sự thật cả. Đến Tổ Cổ Phạm Thị chỉ quét lá đa chùa mà rồi con làm vua, cháu làm vua, còn mình thì vui với chiêm mùa rạ rơm…

*

Bánh xa quay tơ, quay tròn như vòng quay thời gian, cuộc đời.

Gái Nhỡ đã quay nó bao nhiêu vòng. Cánh tay từ lúc chắc lẳn đến giờ nhão nhoét.

Quán nước xưa, giờ đã thành nhà to, có góc quay tơ, có quầy bày nhiều bánh trái hoa quả. Nhưng Gái Nhỡ lại thấy chẳng còn háo hức với nó như với chiếc quán lợp rơm thơm ngày xưa. Bất quá, nó cũng chỉ là cái quán trọ cuộc đời.

Gái Nhỡ đã già, tóc bạc trắng cả, mạng nhện chăng đầy mặt và bây giờ Gái cũng chẳng hăm hở nhìn mặt trời mọc lên từ núi Thiên Thai…

Một buổi chiều mưa phùn gió bấc, đường vắng ngắt, không bóng người, Gái sắp đóng cửa thì có một ông già giống như hành khất tay bị, tay gậy bước vào.

- Mưa gió thế này, cụ đi đâu, người run lẩy bẩy cả thế kia, mau lại gần bếp than không thì chết cóng bây giờ - Gái bảo.

Ông già mắt lờ đờ:

- Tôi đói quá.

- Cụ ăn bánh khoai đi.

- Nhưng tôi không có tiền.

- Tôi biếu cụ.

- Nhà buôn bán, thế thì lờ lãi ở đâu.

- Ở đời đâu phải chỉ có lờ lãi. Tình người mới là quý chứ.

Ông già ăn một lúc hai chiếc bánh khoai.

- Ôi ngon quá, ngon hơn bánh bà bán ngày xưa nhiều.

Gái Nhỡ cười:

- Vẫn thế chứ hơn gì, vẫn bằng ấy bột khoai, đỗ, mỡ…

- Ngày xưa tôi nợ bà nải chuối lá, đã trả được. Bây giờ lại nợ hai cái bánh khoai.

Gái Nhỡ kinh hoàng. Trời ơi, quan Thái sư cải trang vi hành, tìm hiểu tình cảnh dân chúng. Gái quỳ xụp xuống.

- Lạy quan, con có mắt như mù.

- Quan kiếc gì… Ta giờ là ông già hành khất thật sự. Ta chống gậy đi bộ từ Thao Giang (Phú Thọ) về đây, về lại ngôi nhà xưa trên núi Thiên Thai.

- Gái Nhỡ ngờ ngợ. Quan sao lại ăn được một lúc những hai chiếc bánh. Quan đi vi hành, chỉ cải trang áo quần, chứ sao lại thay đổi cả hình dạng gày gò thất thểu đúng lão ăn mày thế này…

- Chả lẽ… Chả lẽ...- Gái Nhỡ ngập ngừng.

- Bà xưa có nói đời hay bày đặt ra những chuyện hoang đường vô lý. Trong tiếng gà gáy có chữ thành hiền. Bước qua người mà thụ thai… Bây giờ đời lại bày đặt ra một chuyện vô lý thứ ba: Người bỗng dưng hoá hổ. Người ta có hoá hổ được không bà?

- Hoá thế nào được.

- Vậy mà bọn gian thần triều đình bịa đặt, vu vạ cho ta hoá thành hổ, để hại vua, khi vua du thuyền trên hồ Dâm Đàm. Thế rồi đày ta lên Thao Giang, giờ già sắp chết mới tha, cho về quê.

- Trời ơi, đời lại đến nước thế này ư, quan ơi, cụ già hành khất ơi - Gái Nhỡ khóc tu tu.

- Bây giờ ta phải về lại ngôi nhà xưa của ta trên núi Thiên Thai. Gậy ta chống từ Thao Giang về đây đã mòn gẫy cả. Bà hãy nhổ cọc lều, cho ta chiếc gậy mới, để ta chống về núi Thiên Thai.

- Nhưng mưa gió thế này, sức lại kiệt rồi, ra đường chết cóng à?

- Đây về Thiên Thai chỉ một đoạn đường nữa thôi. Ta mong từng khắc giờ về lại ngôi nhà xưa.

- Ngủ lại đây một đêm, quan ơi, ông già hành khất ơi.

Lời vừa buông ra, Gái Nhỡ bỗng thấy ngài ngại. Ta, thân gái già, quán xá ngoài đường, lại nài ông già ngủ lại qua đêm. Cả đời tiết hạnh, nhưng rồi ngày mai dân làng lại đồn thổi, bịa đặt râm ran.

- Tôi phải giữ tiếng cho bà- Ông già nói- Tôi phải đi.

Gái Nhỡ gấp mấy vuông sồi làm khăn choàng lên vai ông già rét mướt. Một cơn gió mới ào đến bứt cả mái gianh, mưa rào rào, nhưng ông già quyết băng ra, bóng mất hút vào mưa gió.

Gái Nhỡ đứng nhìn, tạm yên tâm, vì dù sao, đây đến núi Thiên Thai, cũng chỉ chừng nhai “dập bã giầu” là đến.

Sáng hôm sau, Gái Nhỡ ngủ dậy nghe người ngoài đường xôn xao: Tối qua có một ông già đi giữa gió mưa, cảm mạo chết gục ngay ngã ba đường, chỗ chỉ còn vài bước chân là đến núi Thiên Thai.

Gái Nhỡ lao người chạy như bay. Trời đã hửng nắng. Xác ông già nằm cứng đơ trong tấm lụa sồi thơm phức.

- Ới ông ơi - Gái Nhỡ khóc như người vợ khóc chồng- Chỉ vì cái tiếng tiết hạnh hão huyền mà tôi để ông ra đi trong mưa gió, để đén nông nỗi này. Chỉ còn vài bước chân mà ông không về lại được mái nhà xưa…

1-3-2019

Theo Thời báo Văn học Nghệ thuật số 12/2021

None

Tin liên quan

Tin mới nhất