Gục ngã vì cảm tài

(Arttimes) - Một trong những gia đình văn nghệ sỹ nổi tiếng, trong đó có những ngôi sao sáng chói là gia đình của cặp vợ chồng nhạc sỹ Thuận Yến – “đàn sỹ” Hồ Thanh Hương với cô con gái Thanh Lam – nữ hoàng nhạc nhẹ và cậu con trai Trí Minh cũng hoạt động âm nhạc.

Chuyện rằng, Thuận Yến và Thanh Hương cùng học Trường Âm nhạc Việt Nam. Khi ấy Hương là một cô học sinh quê ở Nghệ An học đàn thập lục sắc nước hương trời khiến nhiều chàng trai mê mẩn. Trong số đó có anh chàng tên Công người Quảng Nam say nàng như điếu đổ. Chàng này xí trai nhất trong đám con trai “cưa” cô với khuôn mặt xương xẩu, hốc hác, lưỡng quyền nhọn hoắt, nhô cao, da ngăm đen. Nhưng lại đàn, hát giỏi và nhiệt tình, thành tâm nhất. Chàng không dẻo môi, bẻm mép, bảnh trai như đám con trai Hà Nội mà bộc lộ tình yêu luôn bằng hành động cụ thể. Sự xả thân, hết mình của chàng đã có tác dụng. Thanh Hương dần cảm mến chàng và một ngày kia cái cây tưởng vững chắc không thể nghiêng ngả trước mọi giông bão đã… đổ kềnh. Sau này, có lần NSƯT Thanh Hương nói với tôi (và với mọi người): “Các cụ nhà ta nói thật chí lý, rằng “Đẹp trai không bằng chai mặt”. Vận vào trường hợp tôi thì quá đúng. Hồi “cưa” tôi, anh Công áp dụng “thủ pháp” này vô cùng hiệu quả. Chứ bảo rằng đàn hát thì lúc đó ở trường nhạc còn nhiều anh chàng hơn nhiều. Cũng chưa ai biết đến vì những bài hát hay nhất của anh ấy vì mãi về sau mới ra đời”. Vậy là có thể khẳng định chắc chắn rằng nhờ tình yêu đam mê, cháy bỏng và sự đền đáp xứng đáng của “người trong mộng” mà người nhạc sỹ đã viết nên được những bài hát để đời.

Gục ngã vì cảm tài - 1

Vợ chồng Thanh Hương - Thuận Yến

Chàng trai đắc thắng có tên Đoàn Hữu Công ấy chính là nhạc sỹ Thuận Yến nổi tiếng - tác giả những bài hát bất hủ hầu như bạn trẻ nào yêu thích âm nhạc cũng không thể không biết: Chia tay hoàng hôn, Tình yêu không lời, Thời hoa đỏ, Hương tràm, Gửi em ở cuối sông Hồng, Con gái mẹ đã thành chiến sỹ, Hành quân lên Điện Biên… Đặc biệt là nhiều bài hát xuất sắc viết về bác Hồ: Vầng trăng Ba Đình, Bác Hồ một tình yêu bao la, Miền Trung nhớ Bác, Về thăm quê. Có thể nói, Thuận Yến là nhạc sỹ sáng tác được nhiều bài hát nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh, trong đó có những bài để đời như đã nói. Đó là chưa nói ngay từ khi còn rất trẻ, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, ông đã viết nên những ca khúc rực lửa, ngùn ngụt khí thế chiến đấu và chiến tháng: Mỗi bước ta đi, Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc, Bài ca đội nữ tiếp vận, Vui mùa chiến thắng…

Cái tên Thuận Yến nghe như của con gái. Lần đầu tiên nghe bài Mỗi bước ta đi phát ở trên Đài Tiếng nói Việt Nam, được giới thiệu là sáng tác từ miền Nam gửi ra với tác giả là Thuận Yến, tôi nảy ý nghĩ khá thú vị: Bài hát thì hừng hực khí thế, rất hào hùng, mạnh mẽ mà lại do phụ nữ sáng tác. Không hiểu tác giả này ra sao? Chắc có tướng đàn ông cũng nên (“Mỗi bước ta đi vùi thây quân giặc cướp nước. Mỗi bước ta đi đập tan bao bốt đồn thù…” – Mỗi bước ta đi). Mãi về sau, quen biết Thuận Yến, ông mới kể cho tôi nghe nguồn cơn có cái bút danh nữ tính ấy. Số là ông người Quảng Nam. Quê nội ở xã Duy Thuận, quê ngoại ở Duy Yên. Ghi khắc quê hương trong tim, ông đã ghép hai tiếng sau thành Thuận Yên để làm bút danh ký dưới mỗi sáng tác gửi ra Đài Tiếng nói Việt Nam ngoài Hà Nội. Sơ suất, người nào đó ở Đài đã ghi nhầm chữ “Yên” thành “Yến”. Và giới thiệu trên Đài là sáng tác của Thuận Yến. Đã trót nhầm, thế là từ đó nghiễm nhiên Đoàn Hữu Công mang bút danh Thuận Yến. Sau đó, cái tên này trở nên rất nổi tiếng, nghe lại thấy hay hay. Cố nhạc sỹ Nguyễn Mạnh Thường – người cả đời làm việc ở Đài - kể rằng hồi tên Thuận Yến mới nổi, có vị thính giả gửi thư về Đài, nhờ chuyển mấy chữ đến “cô” nhạc sỹ có mấy bài rất hay “từ miền Nam gửi ra” có mấy câu như sau: “Tôi rất mong có dịp nào đó được gặp chị - người nữ tác giả tôi vô cùng ngưỡng mộ qua những bài hát nóng hổi hơi thở kháng chiến, cách mạng ở miền Nam. Làm sao là nữ mà chị có thể xông pha chiến trường để viết nên những bài hát hay đến thế!”

Chuyện yêu rồi lấy nhau của Thuận Yến - Thanh Hương quả là như một thiên diễm tình. Khi học xong trường nhạc, lúc đó mới chỉ có hệ trung cấp, Đoàn Hữu Công được điều động vào công tác ở Đoàn Văn công quân giải phóng Trị Thiên – Huế. Thanh Hương được nhà trường giữ lại giảng dạy. Khi ấy, chưa có chủ trương đưa nữ vào chiến trường. Nhưng cô đã đòi đi bằng được để được gần người yêu. Cô lập luận với tổ chức rằng văn công mà không có nữ, toàn nam thì chán chết, biểu diễn ai coi? Thế là người ta cũng nhận ra điều này và cô được chấp nhận. Hồi Mậu thân năm 1968, có một thời gian hai người xa nhau. Khắc khoải mong tin, bỗng một hôm, cô nhận được thư của chồng – lúc này hai người đã cưới nhau – đám cưới giữa nơi tiền tuyến đạm bạc chỉ có nước và kẹo mà vô cùng ấm cúng, chỉ vỏn vẹn mấy chữ ngắn ngủi: “Em yêu thương! Anh vẫn còn sống”. Đọc thư, cô sung sướng đến trào nước mắt, làm ướt nhòe hết chữ. Rồi ngay sau đó, họ gặp lại nhau trong nước mắt lưng tròng, tưởng không còn gì trên đời có thể hạnh phúc hơn thế. Gặp gỡ ngắn ngủi để rồi lại chia tay, mỗi người một ngả trên đường kháng chiến. Chồng tiếp tục ở lại chiến trường. Vợ do chân bị đau khớp nặng không đi lại được nên cấp trên cho ra Hà Nội chữa trị. Dịp chia tay quá bịn rịn này đã khiến Thuận Yến viết được bài hát để đời Chia tay hoàng hôn. Nhưng khi ấy, việc phổ biến bài này không phù hợp nên mãi tới về sau, khi đất nước đã thống nhất, hòa bình, bài hát mới được vang xa do chính cô con gái Thanh Lam là người đầu tiên hát. Sau lần chia tay chồng ấy, Thanh Hương phát hiện thấy mình có thai. Rồi hình hài đứa con đầu tiên cứ lớn dần để đến ngày 19/6/1969 – chào đời. Đó chính là Thanh Lam, về sau trở thành ca sỹ nổi tiếng, một trong những ngôi sao nhạc nhẹ chói sáng nhất ở Việt Nam với lối hát luôn bốc lửa khiến người nghe thấy gai người.

Thuận Yến là người có cả tính khá độc đáo. Người chưa hiểu ông thì đễ cho ông là luôn tự đề cao mình, chủ quan và xem thường người khác. Nhưng hiểu kỹ thì thấy ông khác hẳn. Hồi tôi còn là phóng viên nghệ thuật một tờ báo, từng có lần phỏng vấn ông về thành tựu sáng tác nhiều bài hát hay về Bác Hồ. Tôi nói là ông quá tài khi viết được những 4 bài mà bài nào cũng hay trong khi nhiều nhạc sỹ khác viết một bài còn không nổi. Ông nói luôn: “Tài nỗi gì khi tôi viết những hơn 20 bài về Bác mà chỉ được 4 bài. Như vậy là tỷ lệ thấp”. Ông cũng nói rõ những trường hợp thất bại. Cụ thể: Hồi năm 1968, tại chiến trường Trị Thiên – Huế, sau khi quân dân ta nhận được thư của Bác từ Hà Nội gửi vào động viên, ông viết bài Mỗi dòng thư Bác sáng người niềm tin. Viết xong, gửi ra Bắc, cũng được Đài thu, phát sóng nhưng chìm nghỉm, chẳng ai để ý. Rồi ngay sau khi Bác từ trần, tháng 9/1969, ông viết một bài về sự ra đi vĩnh viễn của Bác. Bài hát quá bi lụy, buồn thảm cũng không ai để ý. Sau đó ông rất ngưỡng mộ nhạc sỹ Chu Minh khi viết rất thành công bài Người là niềm tin tất thắng rất cảm động về Bác nhưng lại không buồn, bi lụy như bài của mình.

Có thể nói gia đình nhạc sỹ, “đàn sỹ” Thuận Yến - Thanh Hương tiêu biểu cho một gia đình nghệ sỹ hạnh phúc với nghĩa chuẩn xác và giản dị nhất của từ này. Tính cách hai người khá khác biệt và hơi… ngược. Nhưng lại rất hòa hợp trong hạnh phúc lứa đôi. Chị Hương nói rằng càng sống lâu với chồng, năm tháng càng nhiều, chị càng thấy “một nửa” của mình là tuyệt vời, không thể thiếu. Vậy mà nếu nhạc sỹ hiền lành, xuề xòa bao nhiêu thì vợ lại có phần “đáo để” bấy nhiêu. Do chị luôn thẳng thắn tới mức bốp chát trước những điều chướng tai gai mắt, bất bằng, bất minh nên dễ khiến người khác mất lòng. Do vậy nhiều người đã cho chị là “đáo để”. Nhưng con người đó lại có tấm lòng rộng mở và đôn hậu, có tâm. Đặc biệt, chị luôn tận tình và rất có trách nhiệm với mọi công việc thuộc phận sự của mình. Tôi nhớ mãi một lần vào khoảng năm 1979 -1980 gì đó, tôi được câu lạc bộ thơ của sinh viên khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp (sau này là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) mời vào đọc và ngâm thơ (bởi có một thời gian dài, tôi vẫn thường xuyên làm việc này trên Đài Tiếng nói Việt Nam). Tôi mời chị Hương đi cùng để đệm đàn thập lục. Lúc này chị là Đội trưởng Đội ca nhạc dân tộc Đài Tiếng nói Việt Nam. Chị hào hứng nhận lời và hỏi kỹ đối tượng nghe như thế nào để lựa chọn trang phục cho phù hợp. Tôi cũng cho chị biết: Đây là CLB của sinh viên khoa Văn. Chắc chắn thù lao sẽ rất ít ỏi, chỉ có tính chất tượng trưng. Chị vui vẻ nói: “Sinh viên thì lấy đâu ra tiền. Kể cả không cũng chẳng sao. Sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người chứ”. Tôi rất yên tâm. Các em sinh viên khi ấy không thể có ô tô hoặc xe máy đón khách. Tôi và chị Hương cũng chưa ai sử dụng xe máy. Ái ngại chị phải đạp xe từ khu tập thể của Đài (ở Đại La, gần Ngã Tư Vọng, Hà Nội) vào tận ký túc xá Mễ Trì, tới cả chục cây số, lại phải mang theo đàn, tôi nói sẽ đến nhà đón rồi đèo chị cùng vào bằng xe đạp. Chị cứ lưỡng lự vì sợ làm phiền tôi. Nhưng tôi quyết dứt khoát nên chị cũng phải nghe theo.

Người ta vẫn nói: Đằng sau sự nghiệp của một người đàn ông luôn có vai trò của một người phụ nữ. Câu nói này vận vào gia đình Thuận Yến càng chính xác. Cũng là một tay đàn lão luyện, có nghề vững vàng, lại là “sếp” ở đội ca nhạc dân tộc của Đài nhưng Thanh Hương sẵn sàng lui về đảm đương sứ mạng nội trợ để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho chồng, con hoạt động, phát triển sự nghiệp. Chẳng những là một người vợ đảm đang, tháo vát, chị còn là một người bạn nghệ thuật tâm đắc của chồng. Mọi sáng tác, trước khi tung ra, bao giờ Thuận Yến cũng “trình” qua vợ để góp ý cho mình. Và chị đã có những đóng góp hiệu quả. Bài Gửi em ở cuối sông Hồng (phổ thơ Dương Soái) lúc đầu ông có ý viết cho hát đơn ca. Thanh Hương đã dề nghị chồng là chuyển sang hình thức song ca nam nữ sẽ hiệu quả hơn. Ông đã nghe theo. Ta thấy bài hát này luôn được các cặp song ca nam nữ ở mọi nơi thể hiện, luôn gây được hứng thú cho người nghe.

Sinh năm 1932, qua đời năm 2014 bởi căn bệnh alzheimer và hen suyễn, Thuận Yến hưởng thọ 82 tuổi, để lại một khối lượng ca khúc hoành tráng cả về chất lượng và số lượng. Ông được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Còn Thanh Hương cũng là NSƯT. Nhưng gia sản và sự nghiệp lớn hơn, có ý nghĩa hơn thế chính là để lại 2 đứa con, trong đó có danh ca Thanh Lam là một giọng hát rất ấn tượng khiến công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ không thể quên.

Gục ngã vì cảm tài - 2

Thuận Yến những ngày cuối đời và con gái Thanh Lam

Thấy mẹ đã già yếu, nhiều lần Thanh Lam đề nghị về ở với mình để thuận tiện chăm sóc. Nhưng bà nhất định không nghe. Hiện tại bà đang ở một mình trong căn hộ đầy ắp những kỷ niệm hạnh phúc gắn với người chồng tài danh, hiền hòa, đã cùng bà đi trọn vẹn con đường nghệ thuật qua rất nhiều thăng trầm của năm tháng, cuộc đời.

Theo Thời báo Văn học Nghệ thuật số 17/2021

None

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất