Hà nội thu này vắng em...

Mùa thu Hà Nội từ xa xưa, nói đúng hơn từ thời tiền chiến, đã vào âm nhạc rất đẹp: “Anh mong chờ mùa thu/ Trời đất kia ngả màu xanh lơ/ Đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa/ Bên những bông hồng đẹp xinh” (Đoàn Chuẩn và Từ Linh).

Rồi Hà Nội với mùa thu cách mạng: Khi mùa thu từ chiến khu quân ta tiến về thủ đô/ Lá cờ cách mạng cuốn gió rung thời cơ” ( Đỗ Nhuận), rồi Hà Nội mùa thu giải phóng: Không thể nói trời không trong hơn./ Và mắt em xanh khác ngày thường/ Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy/. Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường. ( Nguyễn Thành- Tạ Hữu Yên). Cũng thật tuyệt vời Hà Nội trong âm nhạc của người nhạc sỹ Hà Nội vào sinh sống phương Nam: “Mùa thu, cốm đầu mùa dịu ngọt/ Trên cao, hoa sữa hương ngạt ngào/ Hồ Tây chiều hôm nay/ Nỗi nhớ ai những tháng ngày xưa ấy/ Mưa Ngâu rơi, rơi trên mặt hồ/ Gió heo may tím ngát mong chờ/ Tà áo trắng, tóc em bay trong chiều mùa thu” ( Hữu Xuân), hay của một nhạc sỹ phương Nam được kể như một tài năng âm nhạc lớn, độc nhất vô nhị: Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng/ Cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau/ Phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu…” ( Trịnh Công Sơn). Phải nói thật rằng, với mùa thu Hà Nội đẹp như trên trái đất không có mùa thu nào đẹp hơn, thì mảnh đất này kể như là một “tỷ phú ” về âm nhạc, về những bài hát ngợi ca mùa thu của mình, như một nét đẹp đặc trưng, và bấy lâu nay cứ tưởng như không thể thêm một bài ca nào về mùa thu nữa, hoặc đã tưởng khó có một nhạc sỹ nào nữa dám viết về mùa thu Hà Nội… Thế mà những ngày tháng 9, tôi được nghe một bài hát, cả ý tưởng, cả giai điệu, cả lời ca đều mới mẻ, sáng tạo, dù cũng viết về mùa thu Hà Nội, nhưng không trùng lặp, không dẫm chân vào vết người đi trước, là bài hát: “Hà Nội mùa thu vắng em” – “Hà Nội thu này vắng em/ Rợp trời Ba Đình dịu mát/ Mênh mang dịu dàng Hồ Tây/ Đường phố mùa này trống vắng/ Hà Nội mùa này chống dịch Mùa này vắng dấu chân em/ Hàng cây đứng nhìn lặng lẽ/ Mây xa lãng đãng đón thu về… Phải nói thật, cả giai điệu lời ca, qua tiếng hát của Thu Thủy Sao Mai phát trên truyền hình Nhân Dân, đều làm “nổi gai” trong lòng người. Bài hát là cả một trời mùa thu thương nhớ, là một lời ước hẹn của tình yêu, của chàng trai Hà Nội với người mình yêu là cô gái đi làm nhiệm vụ y tế chống dịch tại Sài Gòn.

Em ở nơi xa, tuyến đầu chống dịch/ Vì Sài gòn cả nước yêu thương/ Cho dịch qua mau trẻ em đến lớp/ Hà Nội mùa thu đang thức đợi em/ Em ở nơi xa bao đêm gian khó/ Nhiều đêm không ngủ, nhiều bữa quên ăn…/ Cả nước bên em và anh bên em/ Cùng thức bên em, Hà Nội đón thu về…”. Tác giả bài hát chính là nhạc sỹ Ngọc Khuê - một cái tên vô cùng thân quen với người Hà Nội, bởi chính anh là tác giả một bài hát về mùa xuân Hà Nội lọt vào top những bài hát hay nhất về mảnh đất này: “Mùa xuân, làng lúa làng hoa”. Thế rồi qua năm tháng, anh có thêm nhiều bài hát về mảnh đất anh yêu và gắn bó, cả khi xuân hạ hay thu đông như: “Cầm tay mùa Đông” đầy xao xuyến (Thơ Vũ Kim Dung). Nhưng rồi những ngày cả nước căng mình chống dịch Covid-19, anh lại như người lính năm nào ra trận, luôn với ý thức mong mỏi đóng góp cho cuộc chiến đấu mới này của cả nước, của Hà Nội bằng vũ khí âm nhạc, bằng những bài ca chia sẻ, động viên con người bước vào cuộc chiến đấu mới. Bên khúc hát cầm tay, có cả những khúc chia tay lên đường. Trong một Trại sáng tác âm nhạc quân đội, anh gặp bài thơ “Hà Nội mùa thu vắng em” của nhà thơ Nguyễn Mạnh Hùng, tưởng như gặp ánh mắt của cô gái làng lúa làng hoa đầy xao xuyến năm xưa, và những giai điệu tràn đến trong anh. Em ở nơi xa, tuyến đầu chống dịch. Tháng 9 mùa thu Hà Nội đón thu về, nhưng cũng tháng 9 mùa thu người con gái ấy lên đường, như đã mang mùa thu của Hà Nội ra đi, và bởi thế, ta thức chờ em, ta thức chờ mùa thu để một ngày mai cùng đón em và mùa thu về. Bài hát viết giọng trưởng, nhịp 6/8, da diết, thiết tha, đầy xúc động: “Cả nước bên em và anh bên em / Cùng thức bên em Hà Nội đón thu về”.

Hà nội thu này vắng em... - 1

Nhạc sỹ Ngọc Khuê tâm sự về bài hát "Hà Nội thu này vắng em".

Tôi thân thiết với nhạc sỹ Ngọc Khuê cũng đã nhiều năm, khi chúng tôi đều là những người lính pháo cao xạ chiến đấu thực thụ nơi mặt trận. Anh là một người lính quả cảm, từng tôi luyện qua lửa đạn ở mặt trận ác liệt nhất của lính cao xạ: Mặt trận Hàm Rồng. Đến với nghệ thuật, anh cũng mang tâm thế của một người lính sức vóc lực điền, viết rất nhanh, rất khỏe, hát rất to, rất rõ lời. Anh đã có hàng trăm sáng tác, nhiều bài hát đỉnh cao như “Mùa xuân làng lúa làng hoa”. Và điều đặc biệt nhất là cuộc chiến đấu nào, anh cũng có những ca khúc rất hay, rất vào lòng người, có thể chỉ nhẹ nhàng những khúc tình ca, mà mang tính cổ vũ, động viên rất lớn, như trong cuộc chiến đấu với Covid 19 này, là bài hát “Hà Nội thu này vắng em”, góp thêm vào bảo tàng những bài ca mùa thu Hà Nội một giá trị, một tình yêu, một tài sản quý... Đôi nét thêm về Nhạc sỹ Ngọc Khuê: Trước và sau khi viết “Mùa xuân, làng lúa làng hoa”, anh đã sáng tác cũng gần 500 bài hát, trong đó có ca khúc “Hạt nắng hạt mưa” từng đoạt giải thưởng lớn. Nhưng nhiều người khi cứ nhắc tới Ngọc Khuê là nhớ tới “Mùa xuân, làng lúa làng hoa”. Như anh tâm sự: Nhiều người còn gọi nhạc sỹ là “Ông làng lúa làng hoa”. Anh sinh năm 1947, là con thứ 5 trong một gia đình có 6 anh chị em ở Hoài Đức (nay là Hà Nội). 18 tuổi, rời quê hương, gia đình để bước vào cuộc đời quân ngũ, sau đó trở thành người lính pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng. Rồi tới năm 1974, anh được đưa về Đoàn Văn công Phòng không - Không quân. Những năm chủ trương tách đoàn nghệ thuật, rồi xây dựng lại Đoàn nghệ thuật không quân để có như hôm nay, Ngọc Khuê chính là những người nhóm lửa xây dựng lại đoàn từ ban đầu trên cương vị Đoàn trưởng. Và rồi khi đến lúc nghỉ hưu, anh tiếp tục gắn bó với Hội Âm nhạc Hà Nội, với một sức sáng tạo dồi dào,và có nhiều thành quả sáng tạo được đánh giá cao…

Hà nội thu này vắng em... - 2

Anh pháo thủ Ngọc Khuê trở thành nghệ sỹ của Đoàn nghệ thuật Phòng không Không quân

None

Triệu Phong

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.