Hang Pác Bó và một bài ca

Hang Pác Bó ở tỉnh Cao Bằng cũng giống như mọi hang khác ở miền núi nước ta. Nhưng từ sau sự kiện lãnh tụ Hồ Chí Minh qua mấy chục năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước trở về làm việc tại hang này thì đã trở thành một chứng tích lịch sử. Pác Bó càng nổi tiếng hơn sau khi xuất hiện một bài hát đặc sắc mang tên Tiếng hát giữa rừng Pác Bó của cố nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Bài hát ra đời năm 1959.

Hang Pác Bó và một bài ca - 1

Cố nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Ảnh: Baodantoc

Ngay sau khi được giới thiệu trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam qua giọng hát ngọt ngào giàu sức truyền cảm của cố NSND Quốc Hương đã nhanh chóng được công chúng yêu thích. Đến hôm nay, có thể nói không một người dân Việt Nam nào lại không biết bài hát này. Hơn 60 năm qua, người ta đã đón nhận nó như một báu vật thiêng liêng trong cõi tinh thần. Quả là một vinh hạnh lớn lao đối với tác giả mà không phần thưởng nào đáng giá hơn.

Nguyễn Tài Tuệ nhớ lại: “Năm 1959, ca sĩ Quốc Hương gợi ý tôi viết một bài hát về Bác Hồ. Lúc ấy cũng đã có một số bài hát hay về Bác của các nhạc sĩ đàn anh như Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Tô Vũ, Lưu Bách Thụ. Tôi từng có những thời gian sống ở miền núi phía Bắc nước ta nên cũng đã ít nhiều ngấm các chất liệu dân ca vùng này, đặc biệt là dân ca Tày, Nùng.

Trân trọng trước lời gợi ý của Quốc Hương, với tình cảm sẵn có đối với vị lãnh tụ kính yêu, tôi bắt đầu thai nghén tác phẩm. Nhưng nếu ca ngợi một cách chung chung công đức của Bác thì đã có nhiều nhạc sĩ viết theo hướng này và nhiều bài đã thành công như đã nói. Tôi ngỏ lời với Quốc Hương là sẽ viết về Bác liên quan đến sự kiện Người trở về tổ quốc và làm việc trong hang Pác Bó ở Cao Bằng.

Nội dung này chưa ai đề cập, lại có dịp sử dụng chất liệu dân ca Tày Nùng, hy vọng bài hát sẽ có cơ may thành công. Quốc Hương ủng hộ ngay và còn rất nhiệt tình bàn với tôi là phải lên tận Cao Bằng, đến hang Pác Bó để tận mắt chứng kiến khung cảnh nơi đây cùng những vật dụng liên quan đến những ngày tháng Bác làm việc tại hang này còn lưu giữ được.

Anh Quốc Hương luôn chủ động và thế là chúng tôi quyết định mua một chiếc xe đạp để thay phiên đèo nhau từ Hà Nội lên Cao Bằng, dẫu nhiều ngày cũng được, tối đâu sẽ ngủ lại đó, đang sức trẻ chẳng lo gì mệt nhọc. Ngày ấy lên Cao Bằng rất khó khăn, ô tô không sẵn như bây giờ, phải chầu chực nhiều ngày mới đi được. Chúng tôi thì đang ở độ tuổi 30 nên rất sung sức.

Nhưng thật không may, ngay sau khi có được xe đạp, do vô ý chúng tôi bị ngã tại Hà Nội, người chỉ bị đau nhưng xe thì hỏng nặng, chuyến đi phải gác lại. Sau đó cả hai chúng tôi đều vướng những công việc khác. Thế là cuộc lên Pác Bó lần ấy không thành”. 

Nhưng với lòng quyết tâm sáng tác, Nguyễn Tài Tuệ đã tìm rất nhiều tài liệu về Cao Bằng, Pác Bó và sự kiện Bác Hồ trở về hang này, cộng với một tài năng quý hiếm nên mặc dù không đến được Pác Bó ,ông vẫn viết nên bài hát bất hủ.

Tiếng hát giữa rừng Pác Bó có giai điệu ngọt ngào, đằm thắm, với việc khai thác chất liệu dân ca Tày - Nùng rất khéo léo, nhuần nhuyễn. Tuyền điệu được tuôn chảy một cách tự nhiên với những quãng thật hợp lý tạo nên một màu sắc vừa tinh giản lại vừa phong phú. Ca khúc có bố cục rất chặt chẽ với kết cấu cân đối, vuông vức, mạch âm nhạc được phát triển rất lô-gíc vừa ổn thoả về phương diện kỹ thuật sáng tác, vừa phù hợp với cảm xúc tự nhiên của người hát nên không khó hiểu khi được công chúng tiếp nhận rất nhanh chóng và lâu bền.

Về lời ca, nhạc sĩ tỏ ra có tư duy văn học tinh tế. Ông chỉ nói về Bác liên quan đến việc Người “về đây” (hang Pác Bó) nhưng thính giả đã cảm nhận được đầy đủ tầm vóc lớn lao, công đức trời biển của Người cùng với tình cảm thành kính trìu mến, biết ơn vô hạn của dân tộc Việt Nam.

Vốn là người rất khó tính trong lao động nghệ thuật, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ gần đây đã làm một việc thật độc đáo và thú vị là đã sửa lại bài hát và đề nghị mọi ca sĩ, các nơi in ấn theo như đã sửa. Chỉ là một chi tiết rất nhỏ nhưng không kém phần quan trọng. Đó là một câu ở gần cuối bài, ông muốn rút ngắn trường độ một nốt ngân.

Câu“Suối reo dưới chân Người qua, đất rung tiếng ca nở hoa tháng Tám”, trong đó nốt đố ứng với tiếng Tám trước đây được ngân 2 phách rưỡi (trong nhịp 2/4). Mấy chục năm qua người ta đã quen nghe và hát như thế. Vậy mà bây giờ ông lại sửa: Chỉ để ngân một phách rưỡi - tức là rút ngắn bớt 1 phách tương ứng với nốt đen có chấm dôi. Về chi tiết này, Nguyễn Tài Tuệ nói rất chân thành: 

“Kể cũng buồn cười, không hiểu sao hồi đó mình lại cho ngân cái chữ Tám ấy dài như vậy. Bây giờ mới phát hiện thấy nó dề dà, làm ngưng đọng, trì tệ sự vận động của giai điệu. Bỏ đi một phách, hợp lý, hay hơn nhiều”.

 Là người trong nghề sáng tác ca khúc hoặc có thẩm âm tốt sẽ dễ dàng tâm đắc với tác giả và thấy ông quả là rất tinh tế ở sự sửa chữa này. Bài hát đã rất nổi tiếng với công chúng. Người ta đã chấp nhận tất cả và tôn vinh. Vậy mà đến nay, sau mấy chục năm, Nguyễn Tài Tuệ vẫn sửa lại. Thật hiếm thấy có sự khó tính nào giống như ông và quả là một ý thức tìm tòi sáng tạo không bao giờ chịu dừng. Người lao động nghệ thuật chân chính phải như vậy.

Đóng góp vào sự bền vững và sức thuyết phục lớn lao của bài hát không thể không kể đến tiếng hát đặc biệt của Quốc Hương - người ca sĩ tài danh đã lần đầu thể hiện rất thành công trên làn sóng phát thanh. Sau đó, rất nhiều ca sĩ đã hát Tiếng hát giữa rừng Pác Bó nhưng chưa có ai vượt qua được dấu ấn đặc biệt của người nghệ sĩ nhân dân có chất giọng rất ngọt ngào, đằm thắm này.

Cũng cần biết thêm là do sức hấp dẫn và khả năng biểu cảm rất phong phú của giai điệu mà bài này đã được chuyển soạn sang nhiều hình thức biểu diễn cho nhạc cụ độc tấu. Đặc biệt là nhạc sĩ Đỗ Dũng đã chuyển thành hình thức acapella (hợp xướng không nhạc đệm) rất có hiệu quả. Chỉ bằng sự đan dệt khéo léo của các bè của giọng hát với cấu tạo hòa âm tuyệt vời, đã diễn tả được rất sinh động tiếng gió, tiếng suối chảy róc rách cùng khung cảnh vừa hùng vĩ vừa nên thơ của núi rừng Pác Bó. Ai đã có dịp nghe acapella này sẽ không thể quên.

Rừng Pác Bó hôm nay và muôn đời sau vẫn còn ngân vang mãi âm điệu dìu dặt, thiết tha của bài hát Tiếng hát giữa rừng Pác Bó bất hủ, sống mãi với thời gian.

None

Thôn Ca

Tin liên quan

Tin mới nhất