Hãy cứ thử một lần "giả vờ" như Hữu Thỉnh

​​​​​​​(Arttimes) - Tôi gặp nhà thơ Hữu Thỉnh ở tòa soạn Báo Văn nghệ 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội, vào đúng buổi sáng đầu tiên ông về nhận chức Tổng Biên tập Báo Văn nghệ thay nhà văn Nguyên Ngọc. Ông ngồi bên cửa sổ gác hai, bâng quơ nhìn xuống đường Trần Quốc Toản vắng lặng, trong cơn mưa rả rích buồn tênh.

Sau này đọc bài thơ “Thơ viết ở biển” của Hữu Thỉnh, tôi cứ liên tưởng tới ông hôm ấy như đang nhìn ra biển - Nơi biển cả mênh mông không nước, không sóng, mà vần vũ khôn lường, chắc rằng khi ấy nhà thơ chưa thể hình dung hết sự gì đang đón đợi ông ở phía trước… Họa sỹ Thành Chương kéo tôi lại giới thiệu với vị Tổng Biên tập mới, Thành Chương vui vẻ bắt chuyện như là một sẻ chia và cũng như là một mối giao hảo đẹp đẽ buổi ban đầu…

Hãy cứ thử một lần "giả vờ" như Hữu Thỉnh - 1
Tấm ảnh nhà thơ Nguyễn Duy chụp cách đây hơn 30 năm, vào khoảng cuối tháng 1 năm 1990

Tấm ảnh nhà thơ Nguyễn Duy chụp cách đây hơn 30 năm, vào khoảng cuối tháng 1 năm 1990, nay ông mới gửi tặng tôi, Nguyễn Duy là tác giả nên không có mặt trong ảnh này. Mới đó mà buổi hội ngộ cùng nhà thơ Hữu Thỉnh đã thành cổ tích, Tướng Trần Độ, nhà văn Hữu Mai lặng lẽ “Ngậm cười nơi chín suối”, còn lại kể cả cô bé lễ tân của Văn phòng, nay cũng đã nghỉ hưu. Ngày ấy, tôi là Trưởng Văn phòng đại diện cho một đơn vị kinh tế phía Nam tại Hà Nội, còn Nguyễn Duy làm Trưởng đại diện cho Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn, văn phòng ở 43 Đồng Khởi, thành phố Hồ Chí Minh. Nguyễn Duy sinh năm 1948, là một nhà thơ hiện đại rất nổi tiếng. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói về ông như sau: "Hình hài Nguyễn Duy giống như đám đất hoang, còn thơ Nguyễn Duy là thứ cây quý mọc trên đám đất hoang đó."

Vào một chiều đông muộn, Hà Nội thật đẹp và thanh thản. Tôi tiếp và mời cơm thân mật các vị khách quý mà hầu hết họ đã quen biết nhau. Xin được giới thiệu từ trái qua phải trong tấm ảnh này: Nhà thơ Hữu Thỉnh (sinh năm 1942). Ông nguyên là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam và từng là Đại biểu Quốc hội Việt Nam (khóa X). Ngày ấy Hữu Thỉnh là “tân” Tổng Biên tập (TBT) Báo Văn nghệ; ngồi sát bên là nhà văn Nguyên Ngọc (Nguyễn Trung Thành, sinh năm 1932), ông là nhà văn, nhà báo, biên tập, dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục nổi tiếng của Việt Nam. Ông còn được xem là một nhà văn quân đội, gắn bó mật thiết với chiến trường Tây Nguyên, từng được phong hàm Đại tá Quân đội, ngày ấy ông vừa thôi chức TBT Báo Văn nghệ; kế tiếp là Trung tướng Trần Độ (1923 - 2002), một nhà quân sự, chính trị gia nổi tiếng. Tướng Trần Độ từng là Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI và là Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Nhà nước (1989-1992); kế bên là Thu Hương, lễ tân của Văn phòng Đại diện; rồi đến Tôi (Đinh Quang Tỉnh) - Trưởng Văn phòng Đại diện tại Hà Nội. Hàng ghế đối diện là nhà văn quân đội Hữu Mai (1926-2007), ông có hơn 60 đầu sách, trong đó nổi tiếng nhất là tiểu thuyết Vùng trời. Hữu Mai còn được biết đến là người viết những hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và là Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957); tiếp đến là Biên tập viên Hoàng Thị Tú công tác tại Nhà xuất bản Sự Thật và bà Ngọc Trai (Tôn Nữ Ngọc Trai), bút danh Hồng Phương, Hoài Phương, (sinh năm 1933) lúc ấy là Phó TBT Báo Văn nghệ, bà tham gia hoạt động sáng tác, nghiên cứu văn học từ khi mới hai mươi tuổi. Ngọc Trai được đánh giá là một trong những chuyên gia khảo cứu sâu và tài hoa về các nhà văn, nhà thơ lớp trước.

Hôm ấy, để có thêm không khí tươi mát cho buổi gặp mặt, tôi “kéo” ca sỹ Hồng Ngọc đem đàn ghi-ta đến góp vui. Với chất giọng thiên phú, ngọt ngào lúng liếng nhưng bốc lửa nhiệt tình, đắm say và quyến rũ. Sau này Hồng Ngọc gặp nhạc sỹ Trần Tiến, thành lập nhóm “Du ca đồng nội” từng vang bóng một thời. Nhà thơ Hữu Thỉnh rất thích những ca khúc tiền chiến mà Hồng Ngọc solo, anh chăm chú lắng nghe và xúc động thực sự.

Có lần, tôi vui miệng kể với nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo về bữa tiệc có Nguyên Ngọc và Hữu Thỉnh ngồi chung mâm, nhưng Nguyễn Trọng Tạo ra chiều không mấy tin chuyện ấy xảy ra… Kể cũng lạ. Sau này, khi tôi cho anh xem bức ảnh này Nguyễn Trọng Tạo mới “ngớ” người ra, bảo: hóa ra “chuyện nghe vậy mà không phải vậy”!

Rồi tôi cùng đơn vị vào Nam công tác, mãi đến năm 1996 mới trở lại Hà Nội. Ra Bắc, do công việc, tôi lại được gặp nhiều văn nghệ sỹ… họ kể về Hữu Thỉnh, rặt những chuyện chẳng vui chút nào. Nhiều người chê Hữu Thỉnh hay “giả vờ”, nhất là cái tính khen “sáo rỗng” cửa miệng “tuyệt vời, tuyệt vời”… Hoặc đôi khi ông “diễn” tỏ vẻ chăm chú đọc thơ của một nhà thơ trẻ, hai bàn tay ấp vào nhau như nụ sen rồi bỗng xòe ra hào hứng: Tuyện diệu, thơ hay, thơ mới đây chứ đâu, yên chí đăng Văn nghệ ngay… Rồi ông vỗ vai người khách lạ tạm biệt cùng nụ cười đầy hứa hẹn…

Hãy cứ thử một lần "giả vờ" như Hữu Thỉnh - 2
Nhà thơ Hữu Thỉnh

Mặc dầu công việc của tôi chẳng có gì liên quan đến nhà thơ Hữu Thỉnh, nhưng tự dưng nghe nhiều chuyện về ông, chẳng biết thực hư, mô tê ra sao, tôi đâm ra “chán” Hữu Thỉnh lúc nào không hay, nên cũng chểnh mảng cộng tác với Báo Văn nghệ.

Mãi cho đến Tết Nguyên Tiêu 2009 - Ngày Thơ Việt Nam. Gia đình tôi năm nào cũng đi dự và xem “Thả thơ lên trời”. Một người bạn thông hiểu chương trình khoe rằng năm nay thơ của Nguyễn Việt Chiến được chọn để thả lên trời. Tôi bỗng có cảm giác rất lạ. Quả thật trong lòng bỗng nhiên thổn thức, ấm áp đến lạ thường. Có cái gì đó rất mới mẻ, rất nhân hậu, nhân văn trong lành quá đang về. Đúng là hi hữu! Sự việc là, vào tháng 5 năm 2008, nhà báo Nguyễn Việt Chiến bị bắt tạm giam vì hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ" liên quan đến việc thông tin về vụ án PMU. Tòa án Nhân dân Tối cao Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Việt Chiến 2 năm tù giam vì tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân". Ngày 15 tháng 01 năm 2009 Nguyễn Việt Chiến được đặc xá trước Tết nguyên đán Kỷ Sửu, khi anh đã thụ hình 8 tháng tù giam. Nguyễn Việt Chiến vừa ra khỏi “khám” mới đầy tháng mà Ngày thơ Việt Nam 2009, câu thơ: “Tôi cầm chính cả tôi lên / Câu thơ nhặt được phía miền quạnh hiu” của anh đã được chọn để thả lên trời cùng với các tên tuổi: Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Trần Nhân Tông, Cao Bá Quát, Tú Xương, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu, Việt Phương, Felix Rodriguez (Cuba), Ismael Gomez Braga (Brazil), Hải Như, Liên Nam, Trần Đăng Khoa, Hưởng Triều, Thu Bồn, Đỗ Trung Lai, Lâm Xuân Vi, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Duy, Chử Văn Long, Thu Nguyệt, Trinh Đường, Quang Huy, Trần Lê Văn, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Lê Đình Cánh, Trần Nhật Thu, Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Vương Trọng, Trần Nhuận Minh, Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Trần Cương, Lê Xuân Đố, Đồng Đức Bốn, Lê Huy Quang, Trần Quang Quý, Trần Kim Hoa,Trương Nam Hương, Trần Quang Đạo, Nguyễn Thị Mai, Trần Anh Thái, Đặng Huy Giang. Quả là điều ngoài sức tưởng tượng của tôi.

Việc chọn 50 câu thơ hay để đọc rồi thả lên trời không những nhằm tôn vinh thơ, tôn vinh tác giả thơ mà còn làm cho ngày Hội thơ thêm hứng thú, đẹp mắt và thăng hoa. Qua 7 lần Hội thơ, đã có 350 câu thơ hay được tôn vinh và thả lên trời. Đó là một con số ấn tượng, đầy ý nghĩa. Mà người duyệt lần cuối, người chịu trách nhiệm tối hậu là Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh. Việc quyết định tôn vinh thơ của Nguyễn Việt Chiến trong Ngày Thơ Việt Nam là “nhạy cảm”, là rất khó khăn nhưng ông còn mời Nguyễn Việt Chiến lên đọc thơ ở sân Văn Miếu nữa. Chủ tịch Hữu Thỉnh đã dũng cảm và có bản lĩnh phi phàm để “quyết” những việc này. Tôi đồ rằng các vị Tổng Thư ký hay Chủ tịch các khóa trước của Hội Nhà văn Việt Nam chưa chắc đã khu xử được như Hữu Thỉnh. Thật đáng nể trọng lắm thay!

Con người và thơ Hữu Thỉnh tinh tế và chuẩn xác: “Có thể nhận thấy sự hài hòa trên nhiều phạm trù, nhiều phương diện: tri thức hiện đại với trí tuệ dân gian, trữ tình công dân và trữ tình cá nhân, vật thể và ảo giác…” nên Hữu Thỉnh ít phản ứng trước những lời thô thiển, ngạo mạn nói sau lưng hoặc bốp chát thẳng thừng. Ông có sức chịu đựng, kìm nén cảm xúc thật ghê gớm, trong giới chính trị gia cũng như văn nghệ sỹ hiếm có người chịu đựng được đến như vậy.

Nói thêm một chút về nghĩa tình sau trước của Hữu Thỉnh: Mấy năm trước, tôi có quen một vị Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ X, ông là người khả kính, rất trọng việc “Hiếu”. Trong túi áo véc của ông lúc nào cũng có vài tờ điếu văn in sẵn, để trống mấy dòng điền tên và đặc điểm lịch sử của người quá cố. Riêng phần ca ngợi công đức của người “sẽ chết”, thì lời “điếu” nhất nhất phải là “Ông ra đi để lại một khoảng trống to lớn không thể lấp đầy”….Nay đã nghỉ hưu, ông không tham gia vào sân chơi của Hội ấy nữa, nhưng các vị cùng tuổi ông lại vẫn cứ qua đời, không có ông họ vẫn được nghe lời điếu của lãnh đạo Hội, chỉ khác là nội dung mỗi bài ai điếu mỗi khác nhau mà thôi.

Riêng nhà thơ Hữu Thỉnh, nghe nói ông không bao giờ đọc điếu văn do người khác soạn. Đối với những bậc tiền bối trong làng Văn mà theo trách nhiệm ông làm trưởng ban tang lễ thì “nhất nhất” đích thân Hữu Thỉnh viết và đọc lời điếu. Tôi được biết 2 trong số nhiều bài điếu do nhà thơ Hữu Thỉnh viết. Hai áng văn đặc sắc nói lời vĩnh biệt 2 thi nhân nổi tiếng của dân tộc Việt Nam, đó là Hữu Loan và Hoàng Cầm. Có thể nói đây là nghĩa cử cao đẹp, sang trọng tiêu biểu cho nghĩa tình, lòng kính trọng và đầy tinh thần trách nhiệm của Hữu Thỉnh - Nhà thơ; Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội đối với người quá cố cũng như những người đang sống.

Với Hữu Loan, do thời gian quá gấp, chỉ vỏn vẹn có mấy tiếng đồng hồ, nên Hữu Thỉnh phải viết lời ai điếu ngay trên đường vào xứ Thanh quanh co, xa vời vợi…

Ông viết: “Nhà thơ Hữu Loan ra đi nhẹ nhõm và mãn nguyện như vừa chở xong một chuyến xe đá. Những người như ông không bao giờ coi cái chết là trút xong một món nợ đời mà chính là bước sang một thế giới khác, sinh sinh hóa hóa vô thường.

Thơ của ông được đón nhận nồng nhiệt ở mọi miền đất nước, làm say lòng hàng triệu con người, làm bịn rịn nhớ nhung bao ngả đường kháng chiến.

Ông là nhà thơ hai lần đặc sắc. Đặc sắc ở hồn quê và đặc sắc trong khí phách… Hữu Loan là nhà thơ đi tiên phong trong việc đổi mới thơ trong kháng chiến chống Pháp, tài hoa rất mực mà cốt cách đến điều. Từ thơ ông và từ con người ông toát lên vẻ đẹp thuần khiết của một thi nhân và ngọn lửa ấm của một nghệ sĩ cách mạng.

Hữu Loan là sở hữu tinh thần hôm qua, hôm nay và mai sau của chúng ta. Những gì mà ông đã để lại sẽ còn mãi mãi với quê hương và đất nước và sẽ được các thế hệ đời sau nhớ mãi. Nhớ mãi nhà thơ chiến sĩ, nhớ mãi một nghị lực, một tấm gương hiếm có, vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt để giữ trọn sự cao khiết của hồn thơ. Hình ảnh thi nhân chở đá xây đời từ sự thật đầm đìa mồ hôi đã thành biểu tượng cao lộng.

Hữu Loan quyết liệt vinh danh cách mạng và kháng chiến, vinh danh quê hương xứ sở. Từ hồn quê, hôm nay Hữu Loan nhập cùng hồn nước. Gánh nặng của đời thi nghiệp thơ giờ đây ông dồn lên vai tất cả chúng ta. Hữu Loan là một trong những người có cá tính sáng tạo độc đáo trong nền thơ đương đại của Việt Nam.”

Với Hoàng Cầm, tuy rằng tổ chức tang lễ nhà thơ Hoàng Cầm ở Hà Nội có nhiều thuận tiện hơn, nhưng viết về Hoàng Cầm để “lọt nhĩ” những cái tai “Hàn lâm” nơi Kinh kỳ thì không hề dễ chút nào. Hữu Thỉnh đã viết về nhà thơ Hoàng Cầm bằng từng con chữ cẩn trọng như thế này: “Như những ngọn gió tìm tới cây sáo để thốt lên lời ca, Hoàng Cầm đã tìm đến thơ, đặc biệt là thơ để bày tỏ những nặng lòng với cuộc sống, với đất Việt, hồn Việt. Và qua thơ ông đã tạo nên những cơn địa chấn trong trái tim con người… Độc đáo mà tự nhiên, là mình và cũng là tất cả, Hoàng Cầm đã bật nảy những dây đàn căng trong mỗi con người, hòa điệu mà đắm say, một lần và mãi mãi. Giờ đây, nhớ lại tất cả chúng ta cảm thấy bàng hoàng, cảm thấy đã mất đi một cái gì đó thân thiết mà ấm áp không bao giờ lặp lại… Vì tất cả những gì đã cống hiến cho đất nước, cho thơ ca dân tộc, giờ đây, anh được quyền yên nghỉ. Phía sau anh, sông Đuống vẫn nghiêng nghiêng đưa thơ anh về với biển lớn”. Và “Nhà thơ Hoàng Cầm đã ra đi, để lại cho thế hệ sau một công trình thơ văn lớn”. Câu văn nào cũng hay, xúc tích và hàm chứa bao điều muốn nói, và thật ra ông đã nói dùm chúng ta, những người yêu kính thi sỹ Hoàng Cầm.

Vài năm gần đây trong giới Văn nghệ sỹ có người cứ “đai đi đai lại” Hữu Thỉnh mãi câu: "Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta!", nhiều tờ báo đã lấy để giật tít bài viết của mình, bởi lời phát biểu rất hồ hởi vào ngày 9/01/2019 của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam Hữu Thỉnh có nội dung: “các hội vẫn tiếp tục được nhà nước hỗ trợ với số tiền 81 tỷ đồng”. Nhọc nhằn lắm thay, khác nào: “Thân ai khổ như thân rùa / Xuống sông đội đá, lên chùa đội bia”. Nhưng mà: “Cháu có la bà mới cho bú”! Về “câu chuyện” này, Họa sỹ Trần Khánh Chương, cố Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đã từng nói với Báo VnExpress ngày 12/01/2019 rằng: "Nếu nhà nước không cấp kinh phí nữa thì không còn ai sáng tác đề tài phục vụ chính trị". Nên làm được việc gì hữu ích cho Hội là Hữu Thỉnh vui và tự tin. Nó đắng đót quá, nhưng lại là một thực tế hiển nhiên, rất thật mà cũng rất đời! Ông là người đôn hậu, có những phút hồn nhiên, bộc trực như vậy.

Chưa có ai ước định thơ của Hữu Thỉnh là toàn bích nhưng phải ghi nhận thơ ông có những thành tựu đặc biệt xuất sắc, rất đáng trân trọng và tự hào. Hồn thơ Hữu Thỉnh hòa trong tâm hồn người lính mang cốt cách của một thủ lĩnh và thơ đã chọn đúng ông để tỏa sắc hương tô thắm cho đời. Phân nửa con tim ông dành cho lao động nghệ thuật, Hữu Thỉnh đã âm thầm, lặng lẽ kiếm tìm và khám phá không ngừng để làm mới thơ mình, tạo nên hình ảnh gợi cảm, tính tượng hình và dư âm đầy lãng mạn. Trí tuệ, đằm thắm, chỉ có ở thơ Hữu Thỉnh. Có lẽ cũng chẳng phải viết gì thêm. Nên chăng, hãy đọc một trong những bài thơ hay của ông. Bài “Thơ viết ở biển”:

“Anh xa em

Trăng cũng lẻ

Mặt trời cũng lẻ

Biển vẫn cậy mình dài rộng thế

Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn

Gió không phải là roi mà đá núi phải mòn

Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím

Sóng chẳng đi đến đâu

Nếu không đưa em đến

Dù sóng có làm anh

Nghiêng ngả

Vì em”

Và Tình khúc “Biển, nỗi nhớ và em” của nhạc sỹ Phú Quang đã ra đời. Nhạc sỹ Phú Quang tâm sự: "Một buổi chiều ngồi giữa hoàng hôn của biển Vũng Tàu. Bài thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh vang trong đầu và tôi bỗng thấy mình đồng điệu với tâm trạng đó. Bài hát “Biển, nỗi nhớ và em” ra đời. Chỉ có câu "Gió không phải là roi mà đá núi phải mòn" tôi thương núi nên đổi lại thành "Gió âm thầm không nói, mà sao núi phải mòn" ...

Tôi viết những dòng trên như một lời nói lại. Và chúng ta, HÃY CỨ THỬ MỘT LẦN “GIẢ VỜ” NHƯ HỮU THỈNH!

Đinh Quang Tỉnh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Chiều 28/3 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Namvà UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức Họp báo Chương trình Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum). Đồng chủ trì buổi họp báo có các đại biểu: Nguyễn Như Hiếu - Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao; Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; Đào Quang Bính - Tổng Thư ký T