Hội nghị lần thứ nhất của BCH Hội điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025: Tiếp tục đổi mới để xứng với kỳ vọng của hội viên!

Như tin đã đưa, Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam (HĐAVN) nhiệm kỳ 2020 - 2025 họp ngày 4.12 vừa qua đã bầu ra Chủ tịch hội và 4 Phó Chủ tịch. Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với Họa sĩ, PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Tân Chủ tịch HĐAVN và Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Văn Tân về nhiệm vụ sắp tới của Ban Chấp hành mới và lễ trao giải thưởng Cánh diều năm nay.

Hội nghị lần thứ nhất của BCH Hội điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025: Tiếp tục đổi mới để xứng với kỳ vọng của hội viên! - 1 Chủ tịch Hội Điện ảnh Đỗ Lệnh Hùng Tú (trái) và Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Văn Tân.

Như tin đã đưa, Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam (HĐAVN) nhiệm kỳ 2020 - 2025 họp ngày 4.12 vừa qua đã bầu ra Chủ tịch hội và 4 Phó Chủ tịch. Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với Họa sĩ, PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Tân Chủ tịch HĐAVN và Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Văn Tân về nhiệm vụ sắp tới của Ban Chấp hành mới và lễ trao giải thưởng Cánh diều năm nay. 

Thưa các ông, lễ trao giải “Cánh diều 2020” vì sao tới giờ mới được tổ chức và nó sẽ được tiến hành như thế nào?

- Theo thông lệ, lễ trao giải thưởng “Cánh diều” của Hội kết hợp với hoạt động kỷ niệm Ngày Điện ảnh Việt Nam thường diễn ra vào tháng 3 hằng năm. Ban đầu, lễ trao giải thưởng “Cánh diều 2020” dự kiến tổ chức vào thời gian như thường niên nhưng cứ phải lùi dần do ban lãnh đạo hội chưa được kiện toàn, rồi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát kéo dài mãi đến tháng 10 mới tạm yên. Cuối cùng thì Hội nghị lần thứ Nhất Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng được triệu tập vào ngày 4.12 mới đây để bầu các chức danh lãnh đạo Hội (Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ban Thường vụ).

Hiện công tác chuẩn bị cho Lễ công bố và trao giải thưởng “Cánh diều 2020” đang được tiến hành khẩn trương (trước đó các Ban giám khảo đã chấm xong các phim điện ảnh, truyền hình và công trình nghiên cứu lý luận, phê bình dự giải). Theo kế hoạch, lễ trao giải sẽ diễn ra chiều 25.12 tại khách sạn Hà Nội Vàng (Hanoi Golden Lake) do NSND Trịnh Lê Văn đạo diễn chương trình và với sự phối hợp của Thời báo Văn học nghệ thuật và Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Các tác giả, nghệ sĩ và đại biểu ở Hà Nội và từ các tỉnh, thành ở xa về nhận giải đều phải tiêm phòng đầy đủ và thực hiện đúng nguyên tắc 5K phòng chống dịch COVID-19. Lễ trao giải sẽ ấm cúng, trang trọng ở mức thích hợp để tôn vinh sáng tạo của các nghệ sĩ, người làm phim và được ghi hình để sau đó phát trên truyền hình.

Chất lượng phim dự thi và tiêu chí chấm giải năm nay có điểm gì khác biệt, theo hai ông?

- Giải thưởng “Cánh diều” của hội luôn nhất quán theo tiêu chí đề cao tác phẩm có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực. Hiệu quả xã hội tích cực chính là ảnh hưởng của tác phẩm trong việc góp phần nâng cao nhận thức và bồi bổ thẩm mỹ tích cực cho khán giả và cả ở khía cạnh doanh thu nữa (tức có số đông người xem). Còn chất lượng tác phẩm dự giải thì đã được các ban giám khảo công tâm, cẩn trọng thẩm định, đánh giá và thể hiện cụ thể ở các tác phẩm, công trình sẽ được vinh danh tại lễ trao giải vào ngày 25.12 tới đây.

Các ông có thể cho biết, Ban Chấp hành mới sẽ đổi mới hoạt động hội theo hướng nào?

- Việc đổi mới hoạt động, công tác hội chắc chắn sẽ được tiếp tục để xứng với kỳ vọng của hội viên trên cả nước. Ban Chấp hành sẽ tăng cường sự đoàn kết, dân chủ, tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo của các ủy viên. Sẽ tập trung hướng về chi hội cơ sở, đề cao sự năng động, dám nghĩ, dám làm của Ban Chấp hành các chi hội cơ sở; gắng hỗ trợ, tạo điều kiện cho hội viên tiến hành các hoạt động nghề nghiệp và tùy điều kiện tham gia công tác hội…

Một việc hết sức quan trọng, cấp thiết là đẩy mạnh công tác xã hội hóa để tạo thêm nguồn lực cho hoạt động hội, vì sự hỗ trợ của Nhà nước cho các hội hiện nay và tới đây chỉ có hạn. Đẩy mạnh hoạt động lý luận phê bình; trong đó kiện toàn Ban Lý luận - phê bình cũng như tìm biện pháp hỗ trợ Tạp chí Thế giới Điện ảnh của hội vượt qua khó khăn để trở lại hoạt động bình thường cùng với việc củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng nội dung Tạp chí là những việc cần làm ngay.

Nâng cao tính chuyên nghiệp của giải “Cánh diều” thông qua chất lượng thẩm định tác phẩm và công tác trao giải. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ sáng tác; trong điều kiện khách quan (tình hình dịch bệnh COVID-19) cho phép tiếp tục tổ chức các trại sáng tác, các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ đặc biệt các lớp tập huấn làm phim phóng sự và tài liệu theo phương thức kết hợp lý thuyết và thực hành làm phim cho hội viên ở cơ sở… Hoạt động sáng tác và hỗ trợ sáng tác của hội sẽ hướng tới mục đích góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình.

Quan điểm của các ông về vấn đề xây dựng công nghiệp điện ảnh đang “nóng”hiện nay?

- Theo quan niệm truyền thống, Điện ảnh chỉ đơn thuần là ngành nghệ thuật tổng hợp. Nhưng xét từ góc độ một nền công nghiệp, Điện ảnh phải trở thành một bộ phận của nền kinh tế được thúc đẩy phát triển bởi tiến bộ của công nghệ, kỹ thuật và có đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội. Nó phải trở thành một ngành công nghiệp văn hóa thực sự, trong đó bảo đảm sự đồng bộ của tất cả các khâu: Từ sáng tác đến chế tác (sản xuất), quảng bá, phổ biến tác phẩm và thị trường tiêu thụ. Vì vậy cũng cần có sự điều chỉnh nhận thức về sản phẩm của nó, tức ở khía cạnh phim ảnh giờ đây không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là sản phẩm trao đổi trên thị trường để có nguồn thu cho tái sản xuất và mục đích kinh tế khác. Vấn đề đặt ra là làm sao giải quyết hiệu quả nhiệm vụ kép: Vừa bảo đảm tác phẩm mang nội dung tư tưởng, thẩm mỹ tích cực, vừa có doanh thu.

Hiện nay, Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành Điện ảnh tầm nhìn đến năm 2030 đang hỗ trợ khu vực doanh nghiệp trước đây thuộc nhà nước từng tạo nên vinh quang cho Điện ảnh dân tộc đang gặp nhiều khó khăn trong bước chuyển đổi cơ cấu tổ chức phục hồi hoạt động (nhất là sản xuất phim truyện điện ảnh), đồng thời khuyến khích điện ảnh tư nhân phát triển theo quy luật tự nhiên của kinh tế thị trường. Đây là việc hết sức cần thiết và hữu ích trong nỗ lực bảo vệ và tiếp tục phát triển hài hòa nền điện ảnh dân tộc trong cơ chế kinh tế thị trường và hội nhập.

Chuyển sang nền công nghiệp, Điện ảnh Việt phải nâng cao năng lực sản xuất phim, tạo ra nguồn tài chính bền vững và nền tảng công nghệ hiện đại có tính đón đầu. Phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp ở các khâu từ sáng tác đến sản xuất, phát hành - phổ biến phim, kỹ thuật và công nghệ...

Khán giả xem phim giờ đây chủ yếu là người trẻ, làm sao phải thu hút họ vào rạp ngay cả với những phim làm nhiệm vụ chính trị cũng là bài toán không đơn giản. Ngoài ra là vấn đề bảo vệ quyền tác giả khi tình trạng xâm phạm tác quyền gia tăng, nhất là trên không gian mạng. Rồi công tác quảng bá, xúc tiến Điện ảnh Việt Nam ra thế giới mà một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường năng lực hội nhập của phim Việt.

Cố nhà văn Nguyễn Minh Châu từng nói: “Hãy đi tới tận cùng cái của ta, ta sẽ gặp nhân loại”. Phải chăng giá trị nội sinh của tác phẩm điện ảnh kết tinh nên bởi bản sắc dân tộc và cá tính sáng tạo độc đáo của chủ thể tác giả chính là yếu tố quyết định để phim Việt “ra biển lớn”?

Còn về vấn đề quản lý phim trên mạng, hội có sáng kiến gì không?

- Nhờ sự phát triển của Internet và công nghệ, giờ đây mỗi cá nhân đều có thể là nhà phổ biến phim chỉ với một cú nhấp chuột. Cách thức phổ biến phim phi truyền thống trên mạng đang đặt ra thách thức thực sự đối với các cơ quan quản lý văn hóa và bảo vệ pháp luật. Với số lượng phim khổng lồ trên mạng, việc tiền kiểm xem ra bất khả thi còn hậu kiểm lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là nguy cơ để lọt những phim có yếu tố độc hại…

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên mạng phải tự phân loại phim và chịu trách nhiệm liên quan, nhưng còn thiếu chế tài đủ sức răn đe các hành vi vi phạm luật tiềm ẩn. Chưa kể trong khi phim trên mạng thì hậu kiểm mà phim chiếu rạp (dễ quản lý hơn) lại tiền kiểm thì liệu có thiếu bình đẳng?

Hội Điện ảnh đã từng đề xuất giải pháp để giảm tải gánh nặng phân loại phim cho cơ quan quản lý nhà nước, thì nên xem đó là dịch vụ công để chuyển giao bớt nhiệm vụ cho Hội nghề nghiệp có đông đảo hội viên am tường về các lĩnh vực của hoạt động điện ảnh, làm phim truyền hình đồng thời có quỹ thời gian phù hợp với loại công việc “trường kỳ” này.

- Xin chân thành cảm ơn các ông về cuộc trao đổi bổ ích này.  

Nguồn laodong.vn

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Tháng 3 giỗ Mẹ”: Tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

“Tháng 3 giỗ Mẹ”: Tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Người Việt có câu “Tháng 8 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ", trong đó tháng 3 âm lịch giỗ Mẹ là để tưởng nhớ công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn có từ hàng nghìn năm nay của người Việt.