"Kẻ nằm người ngồi" - cuốn tiểu thuyết hay

(Arttimes) - Đọc một cuốn tiểu thuyết, tập truyện, bài thơ hoặc nghe một bản nhạc, bài hát, nếu thấy thích thú, ta thường buông một lời nhận xét ngắn gọn: Hay!

Đã lâu lắm, dễ phải tới 10 năm trở lại đây, tôi mới đọc được một cuốn tiểu thuyết hay mặc dù có để mắt tới những cuốn được các giải ở trong nước của các tổ chức khác nhau trao thưởng. Thường tôi đọc một vài chương rồi thấy nhạt, nội dung không mới hoặc có vấn đề nhưng cách tiếp cận, khai thác không khác trước, không có thủ pháp nghệ thuật nào đáng chú ý thì thôi.

Có lẽ vì vậy mà khi tiếp nhận được cuốn tiểu thuyết có cái tên độc đáo, gây tò mò Kẻ nằm, người ngồi là tôi tranh thủ đọc và quả là đã thực sự khiến tôi thấy thú vị. Trước hết là ở cái đề tài tác giả nói tới: giới văn nghệ sỹ. Từ trước tới nay, bàn đến giới này mới chỉ là những tập sách, bài viết về chân dung những người cụ thể, có tên, có địa chỉ rõ ràng. Nhưng hư cấu dưới hình thức tiểu thuyết như của Nguyễn Thế Hùng thì đây là lần đầu tiên. Nhưng đọc cuốn này, tôi lại hình dung thấy rõ mồn một cái thế giới của những người được coi là có tài năng đặc biệt, là những “kỹ sư tâm hồn”, luôn đem lại cho thiên hạ đời sống tinh thần phong phú.

"Kẻ nằm người ngồi" - cuốn tiểu thuyết hay - 1

Nhân vật trung tâm của tác phẩm là Lâm Oanh. Từ một cô gái quê hiền lành, trong sáng, thánh thiện có tên là Mận, cô “vào đời” rồi dần trở thành một người viết văn, làm thơ với cái bút danh là Lâm Oanh. Trong quá trình đó, cô được sự dẫn dắt, nâng đỡ, “mơ- nê” của một vài người đàn ông là những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà phê bình. Cô đã rất nhạy cảm nhận ra nhu cầu của đám người kia và thế là đã triệt để khai thác cái “vốn tự có” của mình để làm phương tiện tiến thân trên con đường trở thành một nữ tác giả. Câu chuyện về thế giới văn thơ này chỉ diễn ra ở phạm vi một tỉnh mà dưới ngòi bút của Nguyễn Thế Hùng đã có sức khái quát lớn. Khái quát hoá và điển hình hoá là hai yêu cầu có thể nói là hàng đầu của văn nghệ nói chung, tiểu thuyết nói riêng. Sẽ thất bại nếu tác giả không nắm vững và thực hiện được điều này. Nhân vật Lâm Oanh là điển hình cho những bạn nữ có xuất phát điểm không phải là năng khiếu, lòng đam mê văn chương rồi thành danh qua một quá trình miệt mài, cần cù lao động, rèn luyện ngòi bút, tay nghề mà là do biết dùng “vốn tự có” của mình để đón đầu, đi tắt, cuối cùng cũng đạt được điều cần đạt. Tất nhiên, ngoài đời, không phải nữ tác giả nào cũng như vậy mà có nhiều người có tài thực sự và cũng lao tâm khổ tứ, đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được thành công. Nhưng tôi thích cách xây dựng nhân vật Lâm Oanh của tác giả. Có thể cường điệu, phóng đại, thậm xưng lên một chút theo phong cách hoạt kê, trào lộng để nhằm cảnh báo một hiện tượng từng xảy ra ngoài đời: Có không ít người háo danh, đã tìm mọi cách chạy chọt để đạt được danh hiệu nọ, giải thưởng kia mà không gắn với năng lực thực sự. Thậm chí có cả nhà thơ đã có chút tên trên văn đàn mà vẫn cố tình “đạo” thơ người khác để dự thi rồi trúng thưởng khiến Ban Tổ chức phải tuyên bố rút lại giải - chuyện xảy ra ở Hà Ni cách đây mấy năm.

Nguyễn Thế Hùng viết cuốn tiểu thuyết này với bút pháp khác lạ so với tiểu thuyết truyền thống. Trước hết là ở việc xây dựng hệ thống các nhân vật. Thường thì trong truyện vẫn có hai tuyến nhân vật tích cực hoặc tiêu cực, tiến bộ hoặc lạc hậu, ta hoặc địch. Nhưng ở Kẻ nằm, người ngồi, không có điều này. Trong mỗi nhân vật đều có điểm hay, điểm dở, mặt mạnh, mặt yếu, rất con người. Điều này tạo nên vẻ phong phú, sinh động của những nhân vật hiện ra trong cuốn sách. Và đó thực sự là những nhân vật rất có hồn, rất người giống như ngoài đời thường vậy. Mỗi chúng ta là như thế, dẫu có là anh hùng thì vẫn cứ có những nhược điểm cố hữu nào đó. Và dù có là tội phạm, tù nhân thì vẫn có thể có những phẩm chất đáng ghi nhận như lòng hiếu thảo với cha mẹ, cử chỉ nghĩa hiệp đối với kẻ yếu hơn mình… Nhân vật Lâm Oanh - như đã nói - vốn dĩ ban đầu là một thôn nữ hiền lành, chất phác. Về sau, cô tận dụng thế mạnh về nhan sắc của mình để đạt được điều mình mong muốn với nghiệp viết lách âu cũng là điều dễ hiểu. Nhưng cô không hoàn toàn là một nhân vật tiêu cực, xấu bởi cuộc đời xô dạt cô như thế. Hoặc như nhân vật Thuận có chút năng lực đã dẫn dắt Mận (Lâm Oanh) vào thế giới văn chương cũng không phải là nhân vật thuộc phe “phản diện” bởi có nhiều điểm tốt. Anh ta thực sự yêu sự nghiệp, mong muốn nền văn nghệ tỉnh nhà phát triển, thực sự muốn kích thích ngòi bút của Lâm Oanh. Nhưng anh ta là một người đàn ông có nhiều tham vọng, dục vọng, luôn đầy ắp, thì trước vẻ khêu gợi, quyến rũ của cô nàng, không thể không trỗi dậy thèm muốn. Và khi được cô ta “bật đèn xanh” thì đương nhiên anh ta dấn thân là chuyện dễ hiểu, hợp logic.

Điểm  độc  đáo  thứ  hai    toàn  bộ  tiểu  thuyết  không phân thành các chương hồi như thông lệ mà tác giả kể chuyện miên man từ đầu đến cuối, nhưng không vì thế mà khiến độc giả khó theo dõi.

Phong cách văn chương của Nguyễn Thế Hùng trong cuốn tiểu thuyết này khá đa dạng. Khi thì nghiêm túc, hàn lâm. Lúc lại tếu táo, bông phèng. Nhưng bao trùm lên cả là không khí hoạt kê một cách rất dân gian. Người đọc sẽ luôn tủm tỉm cười hoặc nhiều lúc không kiềm chế được mà cười phá lên một cách rất thú vị. Nhiều trang, nhiều đoạn, tác giả phóng bút khá mạnh với những chi tiết rất “Hồ Xuân Hương”. Anh đã “dâm” bằng ngôn từ thật sinh động: “Thấy hơi ban căng, Lợi liêng liếc dọc theo hành lang cơ quan xem có ai nghe không vì biết rằng với ai thì mình có thể cho ăn ngay ngẩu pín chứ với cái loại đàn bà viết văn này thì đừng có mà giỡn chơi, lơ mơ chưa kịp đưa ngẩu đưa pín ra đã bị nó tóm mà xoắn cho gãy luôn thì chắc tiệt đường… sinh hoạt”. Những đoạn văn như thế hoặc “sex” không hiếm thấy trong truyện. Nhân đây, tôi xin được có lời ghi nhận và trân trọng NXB Hội Nhà văn - nơi cho ra đời tiểu thuyết này bởi đã không gạch bỏ những chi tiết trên - những chi tiết đã tạo nên vẻ sinh động, làm nên phong cách độc đáo của Thế Hùng trong cuốn tiểu thuyết. Cũng cần nói thêm rằng lâu nay trong dòng văn học gọi là “chính thống” của ta vẫn có biểu hiện gần như là bài xích, ít nhiều cấm kỵ nói, miêu tả những gì thuộc về phần “con” mà chỉ trú trọng, đề cao phần “người”. Như vậy, có vẻ như là… trí tuệ, văn minh hơn. Rất nhầm. Vấn đề chỉ là nói cái phần “con” đó như thế nào mà thôi. Nói mà như bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương thì quả là quá trí tuệ. Nguyễn Thế Hùng “đá gà, đá vịt”, thỉnh thoảng “sex” một chút để thêm gia vị dân gian cho cuốn truyện, cho có vẻ vui, hài để bớt phần nghiêm trang cho những nhân vật mà anh dựng nên để nói về cái thế giới của những người đang lao động bằng chữ nghĩa vốn cần phải luôn đầy ắp… trí tuệ và những điều nghiêm chỉnh! Tôi cho rằng Nguyễn Thế Hùng đã rất khôn ngoan khi chọn cho mình phong cách viết vui, tiếp cận với văn chương dòng dân gian để dựng nên những nhân vật văn nghệ sỹ, để kể chuyện về hoạt động “sáng tạo” của họ mà khó ai có thể “lên án” anh đã chỉ trích, đả kích ai đó có thật ngoài đời.

Tác giả có những nhìn nhận khá chính xác về cái nghề người ta dễ tự huyễn hoặc: “Đã là nhà văn, nhà thơ rồi thì cần chi phải giới thiệu thêm là giám đốc nhà văn, hiệu trưởng nhà văn, chủ tịch phường nhà văn, hay trộm chó nhà văn… làm gì nữa. Còn những anh thợ cày, thợ hàn, thợ sắt mà viết văn được thì đương nhiên là giấu tiệt nguồn gốc của mình. Xét cho cùng, mang theo cái danh hão vào người chẳng qua cũng chỉ là để che đậy đi những khiếm khuyết, thiếu thốn trong con người mình mà thôi”.

Tiểu thuyết có ngôn ngữ mang đậm chất điện ảnh và nhân vật chính như một dạng Xuân Tóc Đỏ thời nay. Tôi thiết nghĩ hoàn toàn có thể trở thành một bộ phim hay với một bàn tay đạo diễn tài năng.

Đọc tiểu thuyết này, chắc chắn nhiều người trong giới viết lách, trong đó có những khách má hồng không thể không giật mình. Vâng, chuyện của một tỉnh nào đó mà như ở khắp nơi trong thế giới văn chương. Nhốn nháo, nhộn nhạo, rất linh tinh, bát nháo chẳng khác gì “kẻ nằm, người ngồi” vậy. Và bây giờ hẳn là bạn đọc sẽ rất thú vị với cái tên cuốn tiểu thuyết mà tôi nghĩ chắc chắn nhà văn Nguyễn Thế Hùng đã phải rất dụng công tìm kiếm.

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.