Kỷ niệm 75 năm Nam Bộ Kháng Chiến (23/9/1945- 23/9/2020): Kiên quyết giữ vững lời thề non sông

(VHNT) - Ngày 23/9/1945 cách đây 75 năm, với ý chí sắt đá vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, lực lượng vũ trang cùng nhân dân miền Nam đã đi đầu trong cuộc chiến đấu “gian lao mà anh dũng” của cả dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại sau này.

Đúng như dự đoán của Đảng tại Hội nghị Tân Trào (từ ngày 14 đến ngày 15-8-1945), âm mưu trở lại xâm lược của thực dân Pháp dần dần trở thành một thực tế ở miền Nam nước ta. Sau vụ khiêu khích của quân Pháp ngày 2-9-1945, Xứ uỷ và Uỷ ban nhân dân lâm thời Nam Bộ nhận định: âm mưu xâm lược của Pháp đã rõ ràng. Những biện pháp đối phó trước mắt và chuẩn bị kháng chiến được xúc tiến khẩn trương: cải tổ Uỷ ban nhân dân lâm thời, thành lập Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ, tổ chức hơn 300 đội xung phong công đoàn, đưa phần lớn lực lượng vũ trang ra ngoài thành phố, tổ chức hàng chục vị trí chiến dấu ở các điểm xung yếu nội thành; tháo gỡ và di chuyển máy móc, phương tiện vật chất lên các chiến khu...

Giữa lúc tiếng súng đang nổ ra tại nhiều nơi trong thành phố, sáng ngày 23/9/1945, Xứ ủy, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ triệu tập cuộc họp tại nhà 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP Hồ Chí Minh), thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ” do ông Trần Văn Giàu soạn trong đêm. Ủy ban Kháng chiến Nam bộ xác định: “Từ giây phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta tiêu diệt giặc Pháp tay sai của chúng”). Ủy ban nhân dân Nam bộ cũng ra lời kêu gọi “Toàn dân hãy đoàn kết bảo vệ quốc gia”. Ngày 26-9-1945, ba ngày sau khi nhân dân Sài Gòn - Gia Định nổ súng đánh trả sự xâm lược của thực dân Pháp, qua Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên toàn thể quân và dân Nam Bộ. Người bày tỏ sự ủng hộ của Chính phủ và toàn thể nhân dân Việt Nam đối với cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân Nam Bộ. Người khẳng định: “Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”.

Kỷ niệm 75 năm Nam Bộ Kháng Chiến (23/9/1945- 23/9/2020): Kiên quyết giữ vững lời thề non sông - 1 Dân quân Nam Bộ năm 1945

Giữ vững lời thề Độc lập, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn, với vũ khí chủ yếu là gậy tầm vông, cùng nhân dân Nam bộ đã anh dũng đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Các chiến sĩ lực lượng vũ trang của ta đột nhập sân bay Tân Sơn Nhất, đốt cháy tàu Pháp vừa cập bến Sài Gòn, đánh kho tàng, phá nhà giam... Suốt hạ tuần tháng 9-1945, các trận đánh liên tiếp diễn ra ở khu Tân Định, Cầu Muối, Cầu Lái Thiêu... Phối hợp chặt chẽ với các cuộc chiến đấu của lực lượng vũ trang, nhân dân Sài Gòn đã triệt nguồn tiếp tế của địch, dựng chướng ngại vật và chiến luỹ trên đường phố. Giường, tủ, bàn, ghế và tất cả những thứ gì có thể ngăn cản được bước tiến của quân thù đều được ném ra mặt đường. Nhiều cây to trên dọc các đường phố được đốn chặt, hình thành những vật chướng ngại.

Chỉ trong vòng một tuần lễ, cuộc chiến đấu của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã đẩy địch vào tình trạng khó khăn: “138 xí nghiệp và công sở lớn, 22 kho tàng, 4 chợ, 30 tàu lớn, 51 tàu nhỏ, 200 xe hơi và một số cầu bị đốt phá. Gần 300 tên giặc bị tiêu diệt”.

Tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn - Chợ Lớn đã gây chấn động cả nước.Các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ trong một thời gian ngắn đã tổ chức các đơn vị bộ đội Nam tiến, nhiều đơn vị kịp vào tham gia chiến đấu trên mặt trận Thị Nghè và suốt dải đất từ Sài Gòn ra đến cực NamTrung Bộ. Bất chấp muôn vàn khó khăn, nhân dân miền Bắc và Bắc Trung Bộ đang phải đương đầu biết bao khó khăn, song vũ khí, đạn dược, vật tư, tiền bạc vẫn được đưa vào Nam góp sức cùng với nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn và các tỉnh Nam Bộ chống thực dân Pháp xâm lược. Chỉ sau 4 tháng tiến hành xâm lược Nam Bộ, phía Pháp thừa nhận “đã có 630 tên bị chết và mất tích, 1.037 tên bị thương”.

Ngày 23/9/1945 đã đi vào lịch sử là ngày Nam bộ kháng chiến, mở đầu cho 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và 20 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, xứng đáng với danh hiệu “thành đồng Tổ quốc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh khen tặng.

Kiên quyết giữ vững lời thề non sông-75 năm qua, kể từ mùa thu ấy “Mùa thu rồi ngày hăm ba”, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã luôn nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XIII, Đảng ta đưa ra quan điểm “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng phát triển,… tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”. Đây là một trong năm quan điểm chỉ đạo tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới đất nước trong giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo. Thực chất, Đảng ta đã chỉ rõ nội hàm của ý chí dân tộc ta trong thời đại mới phải là “sự tự cường dân tộc”, đó là khát vọng đưa dân tộc ta phát triển bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ý chí ấy, quyết tâm ấy luôn là sức mạnh để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Nguyễn Văn Thanh None

Tin liên quan

Tin mới nhất