Kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga: Nhớ những ngày văn hóa Việt Nam ở Liên Xô

(Arttimes) - Năm 1985, Nghị định Văn hóa giữa Việt Nam và Liên Xô được ký kết, với sự kiện “Những ngày văn hóa Việt Nam" lần đầu tiên sẽ được tổ chức tại Liên Xô, sẽ có đêm nghệ thuật hoành tráng của Việt Nam tại Nhà hát Lớn Moscow và nhiều nước Cộng hòa khác.

“Tư lệnh” nghệ thuật của Việt Nam lúc bấy giờ là GS,TS Đình Quang,Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin. Thay vì những năm trước khi “mang chuông đi đấm xứ người”, lực lượng nghê thuật chính luôn là các nghệ sỹ sáo, bầu, t’rưng…cùng những vũ điệu dân gian, thì trong những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên Xô lần này, GS,TS Đình Quang và Lãnh đạo Bộ Văn hóa chủ trương giới thiệu nhiều hơn dòng nghệ thuật bác học - cổ điển, với sự biểu diễn của  những tài năng nghệ thuật xuất sắc của Việt Nam, tạo nên một bức tranh nghệ thuật giàu màu sắc, phong phú và hài hòa giữa hai dòng nghệ thuật hiện đại và dân tộc để giới thiệu bộ mặt văn hóa hiện đại của ta với bạn. Nhà hát Giao hưởng Hợp xướng Nhạc Vũ Kịch Việt Nam được chọn làm chủ công, đảm trách đêm biểu diễn trang trọng tại Nhà hát Lớn Moscow.

Cũng phải nói thêm rằng, giai đoạn này đất nước bước vào thời kỳ đổi mới với rất nhiều khó khăn. Vượt qua những khó khăn ấy, cùng những khó khăn riêng trong lĩnh vực nghệ thuật như cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu thốn cả về con người và nhạc cụ... Nhà hát Giao hưởng Hợp xướng Nhạc Vũ Kịch Việt Nam vẫn gắng thực hiện tốt  hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Liên Xô, nhiều vở vũ kịch và nhạc kịch kinh điển nổi tiếng trong kho tàng nghệ thuật thế giới được chuyên gia bạn sang Nhà hát dàn dựng và công diễn, như bộ ba kịch múa Spastac, Giden, Hồ Thiên Nga... Nhiều tài năng nghệ thuật ballet của Nhà hát như những viên kim cương nhiều năm ẩn mình bỗng phát lộ ánh sáng rực rỡ: Kim Quy,  Lê An, Thúy Hạnh, Văn Hải, Anh Quân, Minh Thông..., và đặc biệt là đôi múa Kiều Ngân và Thế Dũng được tuyển chọn về Nhà hát từ Trường Nghệ thuật Quân đội. Trong vũ kịch Hồ Thiên Nga, đây cũng là cặp đôi đảm nhận những vai chính.

Kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga: Nhớ những ngày văn hóa Việt Nam ở Liên Xô - 1
Ngô Kiều Ngân và Hà Thế Dũng trong vở "Hồ Thiên Nga"

Nhưng một tình huống éo le, có thể nói nghiệt ngã đã xảy ra  trong đêm tổng duyệt cuối cùng tại Nhà hát Lớn Hà Nội trước ngày lên đường. Nữ nghệ sỹ trẻ Ngô Kiều Ngân – người đảm nhiệm vai chính Odette của Vũ kịch Hồ Thiên nga bị ngất xỉu  giữa màn biểu diễn- Một tình huống chưa từng xảy ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Xe cứu thương được hối hả điều từ bệnh viện Việt Xô... đưa người nghệ sỹ vào bệnh viện cấp cứu. Mồ hôi lo âu  vã ra trên gương mặt Thứ trưởng Đình Quang, giám đốc Nhà hát Đoàn Long và nhiều vị lãnh đạo khác.Thật ra cũng có những phương án dự phòng, nhưng trên hết là lo âu cho số phận người nghệ sỹ tài năng, cũng như lo âu cho chương trình khi tất thẩy đều hiểu rằng: Khó có ai có thể thay thế và diễn xuất chói sáng như Ngô Kiều Ngân trong vũ kịch Hồ thiên nga ở thời điểm này. Tình huống xảy ra với chị có lẽ bởi một sự nỗ lực luyện tập quá sức những ngày qua, cũng có thể do chế độ dinh dưỡng không đảm bảo cho người nghệ sỹ luyện tập và biểu diễn bởi cuộc sống rất khó khăn chung lúc bấy giờ…

Kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga: Nhớ những ngày văn hóa Việt Nam ở Liên Xô - 2
NSND Ngô Kiều Ngân

 Rất may là cấp cứu kịp thời, rồi những chế độ thuốc men và dinh dưỡng đặc biệt cho người đi làm nhiệm vụ quốc tế, Ngô Kiều Ngân đã hồi phục, và ít ngày sau có thể lên đường cùng Nhà hát tham dự “Những ngày văn hóa Việt Nam” lần đầu tiên được tổ chức tại Liên Xô. Giữa Nhà hát lớn Mát-xcơ-va và nhiều nước Cộng hòa Moldavia, Uzbekistan, Armenia… Hồ thiên nga chinh phục người xem bằng nghệ thuật bác học kinh điển đỉnh cao của châu Âu, bằng tài năng sáng chói của các nghệ sỹ nhà hát, và đặc biệt Ngô Kiều Ngân được báo chí bạn ngợi ca và tôn vinh là "Plisetskaya của Việt Nam."GS TS Đình Quang cho hay đó chính là những điểm sáng làm nên thành công rực rỡ  cúa " Những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên Xô".

*

Đôi dòng thêm về Ngô Kiều Ngân: Quê hương Thái Nguyên (Chè Thái gái Tuyên), học Trường nghệ thuật Quân đội chỉ với ước mong làm một diễn viên quân khu đi biểu diễn phục vụ những người chiến sỹ. Với tài năng xuất sắc, cùng với người bạn học Hà Thế Dũng, họ được tuyển  chọn về Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, tham gia biểu diễn những vũ kịch lớn, những tinh hoa nghệ thuật  trong, ngoài nước của Nhà hát Hàn lâm kinh viện hàng đầu đất nước. Tại đây, Ngô Kiều Ngân trưởng thành theo năm tháng, là một nghệ sỹ ballet xuất sắc, được Nhà nước tấn  phong danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, được là nữ nghệ sỹ múa đầu tiên giữ cương vị Phó giám đốc Nhà hát...

Kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga: Nhớ những ngày văn hóa Việt Nam ở Liên Xô - 3
Ngô Kiều Ngân (thứ ba từ phải sang) cùng các bạn học trưởng nghệ thuật quân đội

Báo chí  Nga ngày ấy từng gọi Ngô Kiều Ngân là "Plisetskaya của Việt Nam". Đó thực sự là một tài năng, một cuộc đời nghệ thuật tuyệt vời. Một cô gái xứ Tuyên từ thuở 18, đôi mươi cho đến hôm nay luôn là một vẻ đẹp, một tài năng đáng kiêu hãnh, một cuộc sống giản dị, chân thành làm vị nể mọi đồng nghiệp, bạn bè..

Trương Nguyên Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Truyện cổ tích: Chàng Trăng

Truyện cổ tích: Chàng Trăng

Bây giờ đêm đêm trên dòng thác Pông-gơ-nhi, mặt trăng sáng vằng vặc như một chiếc đĩa vàng in bóng trên mặt nước...

Ban Tuyên giáo Trung ương gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật  khu vực trung du miền núi Bắc Bộ

Ban Tuyên giáo Trung ương gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực trung du miền núi Bắc Bộ

Ngày 15/4/2024, tại Hội trường Quân khu 2 (tỉnh Phú Thọ), Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam  và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức cuộc gặp mặt của Ban Tuyên giáo Trung ương với các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực trung du miền núi Bắc Bộ.