Ký ức tình yêu người lính

(Arttimes) - Như chuyện đã viết xong mà lòng mình còn muốn nói thêm…

... Ngày tôi ở Cánh đồng Chum, được đón một đoàn nghệ thuật từ Hà Nội vào biểu diễn. Binh Trạm cử tôi đưa đoàn đi các đơn vị, trọng điểm. Có lẽ cùng bởi trạc tuổi nhau, nên trong đoàn tôi thân với thằng Huy Tiến hơn cả. Nó là nghệ sỹ kéo đàn Ácooc, đẹp giai như Ác tơ trong truyện Ruồi Trâu. Điều bất ngờ với nó là không hiểu sao một thằng như tôi lại chưa có một mối tình vắt vai!

- Đoàn tao sang đây mày biết rồi, có bốn vị nữ. Hai chị Kim Khuyên và Bích Hậu thì “giề” rồi, đáng tuổi chị mình. Còn cái Minh Toan chèo và cái Thu Minh. Mày thích đứa nào tao giới thiệu?

Bần thần một lúc tôi bảo nó:

- Nếu mà yêu nghệ thuật, nó thật tao chỉ thích yêu múa thôi. Là bởi ngày nhỏ tao ở với mẹ tao trong đoàn ca múa TW, thấy các diễn viên múa đều đẹp không thể tả được.

Thằng Tiến vỗ đùi đến đét:

- Múa hả? Được ngay. Tao sẽ giới thiệu cho mày….

Thằng này quả là hảo hán, nó nói là làm.

Sau đợt biểu diễn, đoàn trở về, tôi lại được Binh trạm cử đi tiễn đưa đoàn về tới Hà Nội. Thằng Tiến lôi tuột tôi về nhà nó, ở 10 Thọ Xương, giới thiệu với cả nhà tôi là "Một dũng sỹ của Cánh đồng Chum Lào”, làm cả nhà trân trọng lắm.Và ngay đêm ấy, có thêm thằng Thanh Tùng là em nuôi thằng Huy Tiến đang học ở Trường Múa Việt Nam , ba thằng chụm đầu lên một kế họach rất chi tiết và tài tình để làm sao tôi có mối tình đầu, lại phải đúng với một em Múa như nguyện ước

*

Chiều hôm sau hai thằng dẫn tôi đến nhà Thu Hà, cô bé diễn viên rất xinh của Đoàn Ca múa Hà Nội, mà ai gặp cũng choáng ngay! Tiến và Tùng cùng thân với Thọ, là anh ruột cái Thu Hà, bởi Tùng và Thọ cùng học với nhau đã mấy năm ở trường Múa. Thấy cả bọn kéo đến chơi, Thọ hớn hở lắm, nhất là có Tiến vừa sống sót từ mặt trận trở về, Tùng thì lại sắp đi mặt trận (Bổ sung cho đoàn ca múa Quảng Đà). Cả bọn rủ nhau ra quán sen dừa ở Phan Bội Châu. Thấy cái Hà đang luẩn quẩn trong nhà, Tiến bảo cái Hà và em gái cùng đi luôn. Vừa ngồi chưa ấm chỗ, thằng Tiến giới thiệu ngay về tôi. Thấy tôi mặc quân phục, đội mũ mềm có đính sao - cũng là mốt của các cô gái Hà Nội lúc ấy, Thu Hà có vẻ mến mến cảm tình. Rồi thằng Tiến, thằng Tùng, hai thằng này vốn ít nói, nhưng hôm ấy cứ nói lia nói lịa, đánh bóng mạ kền làm tôi sáng rực. Tôi không chỉ là "Dũng sỹ Cánh đồng Chum" nữa, mà lúc này bỗng thành một anh hùng thời đại. Lại là con trai một nghệ sỹ lừng danh ai ai cũng biết tiếng...

Tôi bảo với Thu Hà rằng anh ở mặt trận lâu năm rồi, rất yêu nghệ thuật múa, rất mong được xem đoàn em biểu diễn. Cái Hậu hét lên luôn: “Hay quá. tối nay đoàn chị Hà diễn ở rạp Hồng Hà, em lại bận đi học, nhờ anh đến chở chị đến rạp biểu diễn rồi xem luôn nhé”. Thằng Tiến ranh mãnh nháy mắt với tôi, hùa vào: “Đúng đấy. Tối nay ông đến đưa Hà đi diễn, rồi xem đoàn luôn .”

Đêm thứ nhất chở em đi biểu diễn. Đêm thứ hai em lại bảo tôi đưa em đi. Tôi nghĩ có lẽ tình yêu đã đến, có lẽ em cũng yêu mình, nhất định phải tìm cơ hội để ngỏ lời (bởi tôi cũng sắp phải trở lại mặt trận). Nhớ chiều tối hôm sau đến nhà đón em, cái Hậu tinh nghịch hỏi tôi ngay trước mặt em: “Thế anh đã biết quả cau nho nhỏ của chị em chưa”. Xời ơi! thầm nghĩ, không biết quả cau nho nhỏ nó là cái gì nhỉ. Suốt chặng đường chở em đi mà cứ băn khoăn quá. Đến cửa nhà hát mới thật thà hỏi em rằng: “Quả cau nho nhỏ Hậu nói là gì ấy nhỉ, để anh đi mua”. Em cười phá lên: “Để đêm về em bảo cho”, rồi lườm tôi một phát và xách va ly hóa trang vào Nhà hát biểu diễn.

Đêm về, đến một phố rất vắng, em bảo tôi dừng xe lại, em sẽ cho anh biết quả cau nho nhỏ nó là cái gì. Rồi tựa vào một góc cây, chưa kịp biết quả cau, tôi ôm ghì lấy em. Và hình như em cũng đón chờ điều này. Tôi đặt lên môi em nụ hôn cháy bỏng, nụ hôn đầu đời của tôi...

Sau đêm này, trong khi hồn vía còn đang trên mây, có hai sự kiện đến với tôi: Một là một buổi chiều, bỗng Thọ nhắn tôi đến gặp. Tôi nói thật hơi chờn chợn. Hai thằng đi bộ với nhau lâu lắm, vòng qua Quán Sứ, rồi lại vòng vèo ra Hai Bà Trưng, Phan Bội Châu. Hình như Thọ có điều gì muốn nói. Rất lâu sau nó lên tiếng: “Mày yêu cái Hà nhà tao à?” (Hồi ấy chúng tôi thường xưng hô mày tao với nhau). Tôi gật đầu thú nhận: “Ừ”. Nó lại hỏi: “Thế đã hôn nhau chưa?” (Nghĩ thầm: Này, ông anh chơi kiểu gì thế này. Em lính đặc công đánh thổ phỉ Vàng Pao ở Cánh đồng Chum đấy nhé, ông anh đừng dọa dẫm em nhé!). Thấy hơi lành lạnh, nhưng cũng không thể nói dối: “Rồi!”. Nó nhìn vào mắt tôi một lúc, cứ tưởng nó sắp đấm vào mặt mình, rồi nắm lấy ngực áo tôi: “Mày yêu nó thì được. Nhưng nếu mày bỏ nó, hay đểu với nó, tao sẽ đánh mày chết!” (Kinh!).

Sự kiện thứ hai là hồi ấy mẹ tôi vừa đi Bun-ga-ri về. Không hiểu nghe ai nói (Mẹ tôi thân với nhiều lãnh đạo và nghệ sỹ của đoàn em), mẹ bảo tôi là mẹ biết con đã có bạn gái. Hôm nào con dẫn bạn về nhà mình chơi nhé. Hôm sau tôi dẫn Thu Hà về nhà thăm mẹ.

Tôi nhớ buổi ấy, mẹ tôi nhìn gương mặt xinh xắn của em hài lòng lắm, và nhất là khi cầm bàn tay em, mẹ tôi thốt lên: “Tay chân của cháu đúng là của một diễn viên múa. Rất đẹp và chuẩn. Cháu có thể đi xa trong nghệ thuật. Nhưng muốn đi xa, cháu phải đi học cháu ạ. Cô sẽ nói cô Lệ Cung và chồng là bác Hoàng Châu sắp xếp cho cháu đi học ở Liên Xô tới đây”. Tôi thấy em rất cảm động. Yêu tôi đến mức nào tôi chưa biết, nhưng chắc chắn là em rất yêu nghệ thuật múa…

*

Khi tôi trở về Binh trạm 13, mặt trận lúc này cũng vào hồi ác liệt hơn bao giờ hết. Quân thù quyết dành lại cánh đồng Chum. Suốt cả một mùa khô, những người lính chúng tôi chỉ tập trung một điều làm sao có thể sống được mà chiến đấu thôi.

... Có nhẽ cũng phải đến gần một năm sau, tôi lại được cử ra Hà Nội công tác. Tôi sung sướng vì sắp được gặp lại em. Bao tháng ngày xa cách rồi…

Về đến Hà Nội, thú thực tôi muốn chạy đến thăm Hà ngay. Nhưng lại thấy nóng ruột quá, nghe đâu B52 vừa rải thảm xuống dốc Chum, nơi binh trạm bộ đóng quân. Thế là mượn vội chiếc xe đạp, đạp một mạch từ Thường Tín đến Quần Ngựa, nơi Cục Vận tải Quân sự đóng quân, để hỏi tình hình Binh trạm ra sao, ai còn ai mất. Đúng là B52 vừa rải thảm binh trạm bộ thật, nhưng may la không một ai hề hấn gì. Thế mới yên tâm đến nhà Huy Tiến, rồi nghĩ tối sẽ đến thăm Hà. Thấy tôi vừa từ mặt trận về, cả nhà vui lắm. Mợ Huy Tiến lấy vội thêm chiếc bát, đôi đũa cho tôi cùng ăn cơm với cả nhà. Cái Loan, cái Nga cái Hằng em Huy Tiến ríu rít đủ thứ chuyện. Bỗng cái Nga cười cười hỏi tôi: “Anh đến thăm chị Hà chưa?”. Chẳng hiểu làm sao cái Nga vừa dứt lời, đã bị mợ và chị Minh lườm cho một phát. Không hiểu có chuyện gì thế nhỉ? Tôi thầm nghĩ. Chờ tôi ăn hết bát cơm, mợ Huy Tiến mới nói với tôi rành rẽ và nghiêm túc: “Mấy lần rồi mợ cứ thấy cái Hà nó đi với một thằng, lúc ở rạp chiếu phim ra, lúc ở bách hoá tổng hợp ra con ạ…”. Thú thực nghe mợ Huy Tiến nói, tôi choáng váng. Rồi một lúc sau chị Minh cũng ngồi tâm sự với tôi: “Chị nghe nói nó có người yêu rồi Hoài ạ. Nghe đâu cũng đã ăn hỏi. Người yêu nó cũng là con một bà nghệ sỹ, hình như tên là Nắng Chiều thì phải”. Đến đây thì tôi gục hẳn, tưởng như những loạt bom B52 không phải rải thảm xuống dốc Chum nữa, mà đang dội ngay xuống đầu mình…

Đêm ấy tôi đi lang thang với Huy Tiến quanh Bờ Hồ. Gió lạnh thổi rát. Mặt Huy Tiến méo xệch cứ như thằng có tội, muốn an ủi tôi mà ấp úng mãi nói chẳng nên lời. Hai thằng cứ lặng lẽ đi trong gió lạnh rít bời bời, cho đến mãi tảng sáng hôm sau, ngực đau nhói mà không nói được một lời nào... Cuối cùng, Tiến cho tôi hay rằng nó đã đi điều tra, biết rằng chồng sắp cưới của Thu Hà cũng là một thằng lính từ mặt trận về, cũng là con trai một bà nghệ sỹ, nhưng nó là thương binh nên được giải ngũ trở về sớm và đã nhờ bố mẹ đi ăn hỏi cái Thu Hà...

...Sáng hôm sau, tôi quay về Thường Tín nhận hàng cho Binh trạm, nói với cậu Hưởng lái xe có nhẽ anh em mình nên sớm quay về Cánh đồng Chum thôi, đưa hàng về sớm cho anh em trong ấy khỏi mong. Thằng Hưởng hòan toàn nhất trí và nói thế sáng mai anh em mình lên đường sớm anh Hoài nhé.

Tối ấy tôi về chào mẹ tôi. Mẹ tôi ngỡ ngàng khi thấy tôi vừa từ mặt trận ra, sáng mai lại đã quay vào ngay. Và trách tôi sao không đưa Hà về nhà chơi. Tôi ngần ngại quá, một lúc mới dám nói thật với mẹ:

- Hà sắp lấy chồng rồi mẹ ạ.

Mẹ tôi giật mình, hỏi lại tôi:

- Sao, sắp lấy chồng à?

Nghe tôi vâng ạ, mặt mẹ buồn rười rượi. Tôi cầm tay mẹ an ủi:

- Chồng sắp cưới cô ấy cũng là một người chiến sỹ như con, cũng là con trai một người nghệ sỹ. Anh ấy chiến đấu ở Thành cổ Quảng trị, bị thương nặng và được đưa về hậu phương. Mẹ anh ấy thương con nên đã đi hỏi vợ cho anh ấy, và Hà đã nhận lời…

Tôi xoa xoa bàn tay mẹ lâu lắm, mẹ vẫn cứ ngồi như chết lặng.

- Mẹ ơi, trong chuyện này có một người mẹ vui, và một người mẹ buồn. Bác ấy cũng là nghệ sỹ như mẹ, cũng cho con trai ra mặt trận như mẹ. Bây giờ con bác ấy thương tật và trở về... Bác ấy sẽ hạnh phúc thế nào khi con trai mình có một mái ấm gia đình.

Tôi sợ nhìn những giọt nước mắt của mẹ chực trào ra, nói vội: "Thôi con đi mẹ nhé", rồi hôn mẹ và khoác ba lô ra đi. Nhìn lên cửa sổ, vẫn thấy ánh mắt mẹ tôi nhìn theo tôi thăm thẳm. Nước mắt tôi như chực trào ra, vì tôi biết mẹ đang thương tôi lắm, và tôi cũng thương mẹ rất nhiều.

Với một trái tim như thế, tôi đi thẳng vào mặt trận...

Cho đến hôm nay, đã 50 năm, cũng chưa một lần tôi gặp lại em - mối tình đầu của tôi. Nói thật tôi chỉ nhớ bàn tay mẹ tôi cầm tay em rất dịu dàng, rất ấm áp buổi em đến thăm nhà...

*

Thế rồi có một lần, khi viết về những ký ức chiến tranh, tôi viết về mối tình đầu của mình. Cũng là để anh Trung Nhân và các anh em trong đơn vị ngày ấy đọc, hiểu tôi hơn. Không phải ngày ấy lúc nào tôi cũng tếu táo, lạc quan, mà không có những nổi đau thăm thẳm trong lồng ngực. Chỉ là tôi giấu đi thôi.

Nhưng khi viết tôi đổi tên các nhân vật trong truyện, trừ tên tôi. Không ngờ ở một nơi nào đấy rất xa, em cũng đọc, cũng nhận ra chuyện mình, và nhắn với tôi cô đọng: “Em có lỗi với cô...”. Tôi bảo dịp nào anh sẽ đăng lại câu chuyện này nhé, với tất cả tên thật cho bạn bè cùng đọc. Em bảo vâng, nhưng cho em bổ sung một chi tiết: “Hôm em đến nhà chơi, cô mới đi Bun-ga-ri về, và tặng em một hũ Cream sữa ong chúa. Em cứ cảm động mãi. Còn anh trước ngày trở lại mặt trận, anh nhớ anh tặng em gì không? Một chiếc khăn choàng nilon màu xanh da trời, và một tập thơ anh viết tay.

Nếu đăng lại, anh nhớ bổ sung những chi tiết ấy nhé. Vì nó là những kỷ niệm không bao giờ em quên. Nhất là với cô...".

Em biết không, chiếc khăn màu xanh da trời, cũng là mẹ đưa anh để tặng em đấy. Mẹ biết con trai mẹ vốn vụng về, mà mẹ lại rất yêu quý em...

None

Châu La Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Sau 8 năm kể từ ngày công diễn vở opera Lá đỏ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trở lại ấn tượng với opera Vầng trăng Him Lam, tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 – 2025.