Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII sẽ không có sự kiện thảm đỏ

Sáng nay (22/10), tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã họp báo công bố Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII-2021 diễn ra từ ngày 18-20/11 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Nhiều điểm mới tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII

Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII với khẩu hiệu "Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn", đánh dấu sự trở lại của nghệ thuật Điện ảnh tại cố đô Huế sau 10 kỳ Liên hoan Phim. Liên hoan sẽ diễn ra từ ngày 18-20/11/2021 với các hoạt động như: Họp báo kết hợp Khai mạc LHP diễn ra ngày 18/11; Khai mạc Triển lãm trưng bày và trực tuyến "Thừa Thiên Huế- Điểm đến của các nhà làm phim"; Chương trình Trình diễn Áo dài "Thời trang Áo dài với Điện ảnh"; Chương trình Trình diễn Áo dài: "Áo dài cộng đồng"; Lễ Công bố và Trao giải LHP Việt Nam lần thứ XXII.

Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII sẽ không có sự kiện thảm đỏ - 1

Họp báo Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII. Ảnh: Minh Khánh.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng Ban tổ chức LHP Việt Nam lần thứ XXII cho hay, năm nay LHP sẽ có nhiều điểm mới khác biệt đáng chú ý. Đây là lần đầu tiên, LHP Việt Nam được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp, hạn chế các vị đại biểu khách mời. LHP có sự phối hợp của VTV trong khâu tổ chức, quảng bá trên các nền tảng kỹ thuật số.

Cũng theo ông Vi Kiến Thành, năm nay, kinh phí cho từng hạng mục giải thưởng tăng so với các năm trước đây. Bông sen vàng phim truyện năm nay sẽ nhận giải thưởng 60 triệu đồng. Bông sen vàng cho các thể loại phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình sẽ nhận 30 triệu đồng.

Ngoài cúp bông sen và tiền thưởng, các tác giả của giải thưởng sẽ được Bộ VH,TT&DL mời tham dự các sự kiện liên hoan phim quốc tế, các hoạt động điện ảnh, tuần phim Việt Nam tại nước ngoài... Đặc biệt, năm nay sẽ có thêm hai giải thưởng mới là Đạo diễn phim truyện đầu tay xuất sắc và Kỹ xảo phim truyện điện ảnh xuất sắc.

Theo ông Vi Kiến Thành, hai hạng mục giải thưởng mới này thể hiện sự quan tâm của Bộ VHTT&DL, BTC với các đạo diễn, các nhà làm phim trẻ. "Hiện nay, lực lượng các nhà làm phim trẻ, độc lập rất lớn. Chúng tôi muốn khích lệ sự lao động, sáng tạo của các em bởi chính các em là tương lai của nền điện ảnh Việt Nam", ông Vi Kiến Thành nói.

Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII sẽ không có sự kiện thảm đỏ - 2

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng Ban tổ chức LHP Việt Nam lần thứ XXII (phải). Ảnh: Minh Khánh.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết thêm về điểm mới của LHP. Theo đó, thành phố Huế áp dụng quy tắc một cung đường, hai điểm đến nhằm kiểm soát lịch trình và hỗ trợ việc kiểm tra dịch theo quy định phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế đối với tất cả các đại biểu và khách mời. Đại biểu, khách mời tham dự Liên hoan Phim cần có "Thẻ xanh COVID" (tiêm đủ 02 mũi vaccine, mũi thứ hai ít nhất trước 14 ngày; có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ hoặc test nhanh Covid ngay sau khi có mặt tại tỉnh Thừa Thiên Huế).

Đại biểu và khách đảm bảo giãn cách, thực hiện 5K nghiêm túc và các quy định khác về phòng, chống dịch Covid-19. Căn cứ tình hình dịch bệnh cụ thể, một số sự kiện được kết hợp tổ chức trực tuyến và trực tiếp trên cơ sở đảm bảo phòng chống dịch. Trong đó, một trong những sự kiện được mong chờ là thảm đỏ sẽ không được tổ chức để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.

Số lượng tác phẩm nhiều hơn so với các kỳ LHP trước

Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII có 128 phim của 42 đơn vị tham dự, gồm 26 phim truyện, 56 phim tài liệu, 15 phim khoa học, 31 phim hoạt hình. Hạng mục phim truyện có những cái tên nổi bật thu hút nhiều sự quan tâm của khán giả như "Ròm", "Bố già", "Mắt biếc", "Tiệc trăng máu", "Cậu Vàng", "Chị Mười Ba - 3 ngày sinh tử", "Gái già lắm chiêu V", "Kiều",...

Về chất lượng, ông Vi Kiến Thành bày tỏ sự lạc quan với các ứng viên phim tài liệu "Ranh giới", hay những phim điện ảnh bom tấn như "Bố già", "Mắt biếc", "Gái già lắm chiêu V", "Ròm"… “Ở vị trí BTC tôi thấy chất lượng tốt, hứa hẹn nhiều đột phá. Những đánh giá cụ thể chuyên môn hơn có lẽ cần đợi BGK” - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho hay.

Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII sẽ không có sự kiện thảm đỏ - 3

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông (trái). Ảnh: Minh Khánh.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến toàn xã hội, các ngành kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trong đó có ngành điện ảnh của chúng ta. Trong hơn hai năm qua, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức LHP Việt Nam lần thứ XXII đã rất lo ngại về việc sẽ có ít phim tham gia. Tuy nhiên, con số 128 bộ phim tham gia các chương trình của Liên hoan khẳng định, các nhà làm phim, nhà sản xuất chưa bao giờ dừng lại.

Chia sẻ với những khó khăn, đồng thời ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực của toàn ngành điện ảnh, của các nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam trong thời gian qua, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng: "Chúng ta đã bình tĩnh nhìn nhận, kịp thời ứng phó, điều chỉnh các phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim để thích ứng hoàn cảnh mới, sống chung với đại dịch COVID-19. Dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn như vậy trong hơn hai năm qua, nhưng ngành Điện ảnh đã nỗ lực để duy trì hoạt động sản xuất, hoàn thành nhiều tác phẩm điện ảnh để phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Đã có không ít những tác phẩm điện ảnh đã tạo ra những giá trị về nghệ thuật, thẩm mỹ và được ghi nhận về giá trị kinh tế cho doanh nghiệp, cho xã hội".

"Ngoài mục đích tôn vinh những người làm nghệ thuật điện ảnh nước nhà, Liên hoan Phim lần thứ XXII sẽ làm cầu nối để các tác phẩm điện ảnh đến với công chúng theo hình thức phổ biến trên nền tảng số, thể hiện sự thích nghi của điện ảnh trong bối cảnh đặc biệt mà toàn cầu cũng đang phải đối mặt - đại dịch Covid-19"- Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ./.

Nguồn vov.vn

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.