Lời khuyên của nhà văn khi bão giá nổi lên

(Arttimes) - Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến nước Nga bị Mỹ và châu Âu cấm vận gần như toàn diện. Điều đó khiến cho nước Nga không những chịu thiệt hại lớn mà còn đẩy giá dầu khí toàn cầu tăng vọt kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng nhịp sống toàn cầu kể cả Việt Nam.

Dù được Quỹ bình ổn giá của Nhà nước điều chỉnh thì giá xăng dầu đã tăng kỷ lục, kéo theo nhiều mặt hàng cũng tăng giá từ 15-25% tùy theo mức chi phí cần cho nhiên liệu bao gồm cả đánh bắt hải sản khi hàng chục ngàn tàu thuyền phải nằm tại bến khi do dầu tăng chóng mặt.

Lời khuyên của nhà văn khi bão giá nổi lên - 1
Giá xăng dầu đã tăng kỷ lục với gần 30.000 đồng/lít. Ảnh minh họa: nld.com.vn

Tại Bỉ một người phụ nữ đã trả lời BBC rằng, mặc dầu bà đã được chính phủ tài trợ 100 Euro cũng chẳng giải quyết được gì khi giá dầu tăng gấp đôi, lên 2 Euro/1lit – tương đương 54.000 VNĐ - gần gấp đôi giá dầu tại Việt Nam hôm nay. Chính phủ Pháp đã phải chi 2 tỷ Euro trợ giá dầu khí tăng, nhưng cũng chỉ như muối bỏ biển khi lệnh cấm vận dầu khí Nga đã tác động quá mạnh vào nhịp sống châu Âu vốn lệ thuộc vào 35% dầu khí Nga hàng chục năm qua.

Việt Nam nhờ tự chủ hơn 75% nguồn dầu khí lại có quỹ bình ổn giá nhưng lâu dài sẽ cũng phải đương đầu với bão giá khi giá dầu từ 30 USD/thùng đã tăng lên đến 140 USD/thùng và theo dự báo của nhiều chuyên gia thì có khả năng dầu vượt mốc 200- 300 USD/thùng.

Tại Trung Quốc, giá dầu giảm do nhiều doanh nghiệp phải ngưng trệ sản xuất chưa hồi phục. Ngày 14/3, giá dầu có xu hướng giảm do người tiêu dùng thế giới đã có ý thức sử dụng tiết kiệm hơn dầu khí và OPEC quyết định tăng sản lượng bù vào số dầu Nga bị cấm vận nhưng với gói cấm vận thứ tư của Mỹ, bao gồm cả hàng tiêu dùng cao cấp và phụ kiện điện tử, nhân dân Nga đã xuống đường, nhiều người đã bị bắt cùng với mạng xã hội bị cấm đã khiến cho giá cả tăng vọt, đồng rúp rớt giá thảm.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định rằng, sau đại dịch Covid-19, sản xuất thế giới đang trên đà phát triển trở lại đã đẩy giá dầu lên và xung đột Nga-Ukraine kéo dài càng khiến giá dầu càng tăng khó lường.

 Khi thế giới hội nhập toàn diện hơn thì một tác động nhỏ về địa chính trị ở bất cứ nước nào cũng ảnh hưởng tới cuộc sống toàn nhân loại mà dầu khí được coi là huyết mạch toàn cầu, mà xem ra cuộc xung đột Nga - Ukraine còn diễn biến khó lường bởi những bất đồng có tính nguyên tắc cứng của cả hai nước.

Nga và Ukraine đều là hai nước anh em trong Liên bang Xô Viết cũ vốn rất yêu quý nhau, người Nga lập gia đình tại Ukraine khá nhiều và ngược lại. Vậy điều gì khiến Tổng thống Nga phải cho quân đội tràn sang Ukraine? Câu trả lời thật đơn giản: Nga không muốn nước láng giềng anh em của mình gia nhập khối NATO .

IEA nhận định, giá dầu tại Mỹ đã đạt mức cao nhất, tăng vọt trên 30% khi tổng thống Mỹ ra lệnh thu hồi quy chế Tối huệ quốc đối với Nga và cấm nhập khẩu năng lượng Nga. Với mức xuất khẩu 7,8 triệu thùng dầu mỗi ngày, Nga hiện là nước sản xuất dầu lớn thứ 3, xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Các nước châu Á phải nhập khẩu ròng về năng lượng nên cũng chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi xung đột Nga - Ukraine.

Thị trường Việt Nam vừa mở cửa du lịch ngày 15/3 thì nhận ngay cú sốc giá cả nhảy múa rất khó kìm hãm lạm phát. Hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, chi phí vận tải, khai khoáng, đánh bắt hải sản… đều phải tăng chi phí mà chưa thể tăng giá bán theo hợp đồng đã ký, khiến cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp phải cắn răng chịu lỗ để giữ khách hàng truyền thống. Nhưng chẳng thể kéo dài mãi được.

Giá nhiên liệu tăng thẳng đứng khiến cho nguồn thu của mọi doanh nghiệp, mọi gia đình giảm sút khá nhiều. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo chỉ số giá tiêu dùng từ 2,3 lên 3,9% với các nền kinh tế phát triển và 5,9% với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Nước Hà Lan cho biết giá năng lượng tăng khiến lạm phát tăng đến 5,2% trong năm nay. Giảm thuế đến trên 20% là cách nhiều nước đang áp dụng như Hàn Quốc, Thái Lan để kìm giữ. Thái Lan ước tính việc giảm gần 50% thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel khiến doanh thu thuế giảm 17 tỷ Baht. Chính phủ Thái cùng dùng quỹbình ổn giá để giữ giá dầu ở mức 30 baht /lít.Hàng loạt quốc gia như Anh, Bồ Đào Nha, Canada…cũng đang áp dụng giảm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt để hạ nhiệt năng lượng. Hà Lan tăng khoản trợ cấp năng lượng một lần cho những gia đình thu nhập thấp lên gấp 4 lần từ 200 lên 800 Euro với tổng chi 2,8 tỷ Euro.

Tổ chức OPEC+ gồm các nước xuất khẩu dầu mỏ đang nâng dần sản lượng khai thác dầu sau 2 năm sụt giảm vì Covid nhưng chưa thể kìm đà tăng giá dầu khi xung đột Nga - Ukrainae chưa thể hạ nhiệt.

Quả thật bão giá có thể len lỏi vào tận phòng ngủ mọi gia đình và Việt Nam không thể ngoại lệ. Hãy cố gắng sử dụng xăng dầu tiết kiệm, chuyển nhanh hơn sang dùng các nguồn năng lượng sạch, tái tạo. Đây cũng là dịp để xe ô tô, xe máy, xe đạp điện phát triển nhanh hơn cùng phát triển các nhà máy năng lượng mặt trời, năng lượng gió và cả năng lượng sóng…

Năm 2008, khi giá dầu lên 150 USD/ thùng đã tác động tích cực thúc đẩy doanh số bán xe điện toàn cầu tăng cao. Việt Nam cần tận dụng khi giá dầu tăng để phát triển nhanh nhiều xe dùng điện và các nhà máy công nghệ sạch để bảo vệ môi trường, góp phần giảm lạm phát.

Võ Khắc Nghiêm

Tin liên quan

Tin mới nhất