“Lời thề thứ 9” – Chuyện xưa nhưng không cũ

(Arttimes) - Tối 24-4, tại Nhà hát lớn thành phố, vở kịch nói “ Lời thề thứ 9” – tác phẩm thuộc Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng do Đoàn Kịch nói Hải Phòng chủ trì thực hiện chính thức lên sóng phục vụ khán giả

“Lời thề thứ 9” là một trong những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao của cố nhà văn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Đây là một vở diễn thực sự có sức hút bởi mỗi câu từ, mỗi phân cảnh đều chặt chẽ và đều lôi cuốn; đều khiến người xem không thể rời mắt khỏi sân khấu; một vở diễn mà câu chuyện bao nhiêu năm vẫn vẹn nguyên tính thời sự nóng hổi, vẫn khiến người xem phải ngẫm nghĩ, đăm chiêu khi kết thúc ra về.

Tựa đề của tác phẩm là “ Lời thề thứ 9” – một trong những lời thề của chiến sĩ quân đội: "Khi tiếp xúc với dân sẽ làm đúng ba điều răn: "không lấy của dân" – "không dọa nạt dân"- "không quấy nhiễu dân" và ba điều nên: "kính trọng dân" – "giúp đỡ dân" – "bảo vệ dân", để gây lòng tin cậy đối với dân chúng, thực hiện quân dân nhất trí giết giặc cứu nước"; nhưng thực chất, nội dung của chuyện kịch bắt nguồn từ “Lời thề thứ 7”: "Hết sức ái hộ bạn chiến đấu cũng như bản thân, hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận". Chính vì lời thề này, mà ba chiến sĩ trẻ Đôn, Xuyên và Hiến đã vi phạm vào lời thề thứ 9.

“Lời thề thứ 9” – Chuyện xưa nhưng không cũ - 1

Một phân cảnh trong “Lời thề thứ 9”

Vì muốn cứu giúp gia đình Xuyên ở quê bị chủ tịch xã Quách Văn Tuần ức hiếp, vu khống và bắt giam, ba người lính trẻ, vì thương đồng đội, vì uất ức với một "hậu phương" không xứng đáng mà mình đang phải đổ máu bảo vệ, vì muốn tìm lại công lý trong cuộc sống này... đã quyết định đi cướp để lấy tiền về quê giúp gia đình Xuyên. Nhưng không ngờ, người họ cướp lại chính là ông Hà -bố của Hiến, Chủ tịch của một tỉnh nọ, cựu Sư trưởng Sư đoàn của họ. Sự việc trở nên nghiêm trọng hơn khi sư đoàn phái người về bắt giữ ba chiến sĩ vì vi phạm kỷ luật. Lúc này, bố Hiến - ông Hà - ân hận vì đã thờ ơ khi con trai cầu cứu ông giúp đỡ bố Xuyên. Ông hối lỗi vì trong thời gian làm chủ tịch xã đã lơ là, quan liêu, để cấp dưới lộng hành, gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Qua hình ảnh bộ ba anh lính trẻ Đôn, Xuyên, Hiến, Lưu Quang Vũ cũng đặt ra câu hỏi về sự kết nối giữa lý tưởng của người lính và thực trạng đất nước. Đôn, Xuyên, Hiến chiến đấu quên mình trên chiến trường, thậm chí không quản hy sinh tính mạng để bảo vệ quê hương. Thế nhưng, những tiêu cực ở địa phương đã khiến họ nhụt chí, băn khoăn rằng những điều mình đang bảo vệ có thực sự xứng đáng. Tác phẩm cũng đả kích thói bảo thủ, nguyên tắc của một số lãnh đạo. Họ áp dụng kỷ luật trong mọi việc, chấn chỉnh từng lời ăn tiếng nói của cấp dưới nhưng lại không có sự thấu hiểu, tinh tế.

Theo NSƯT Lê Dũng – đạo diễn của vở kịch, giá trị của “Lời thề thứ 9” sau nhiều năm vẫn vẹn nguyên và mang tính thời sự, khiến người xem không khỏi nghĩ suy. Phải chăng, chỉ có những người trong quân ngũ mới phải thề “ Lời thề thứ chín”?

Chuyện kịch có nhiều lớp, nhiều tầng đan xen lẫn nhau, tái hiện sinh động từ cuộc sống quân ngũ đến bối cảnh nông thôn Việt Nam thời kỳ những năm 1980 khiến khán giả không ngừng cảm thán, xúc động. Khán giả say sưa với diễn xuất của diễn viên và diễn viên say sưa, cháy hết mình trên sân khấu để cống hiến cho khán giả một đêm kịch ấn tượng và đáng nhớ.

None

Anh Thư

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.