Lưu trữ nghệ thuật dân gian bằng số hóa

Bắt đầu dự án số hóa toàn bộ kho lưu trữ văn hóa dân gian từ cách đây gần 10 năm, đến nay, Sudan đã gặt hái những thành công quan trọng trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia học hỏi.

Lưu trữ nghệ thuật dân gian bằng số hóa - 1

Số hóa các tư liệu cổ của Sudan.

Ký ức mong manh

Trong chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO, tổ chức này nhận định: “Di sản tư liệu phản ánh sự đa dạng của ngôn ngữ, dân tộc và văn hóa. Nó là tấm gương phản chiếu thế giới và ký ức của nó. Nhưng ký ức này thật mong manh. Mỗi ngày, những phần không thể thay thế của ký ức này biến mất vĩnh viễn”.

Và có một thực tế, dù nỗ lực đến đâu, tốc độ biến mất của di sản phi vật thể dường như vẫn nhanh hơn tốc độ bảo tồn nó bằng các phương pháp truyền thống như tăng cường biểu diễn, truyền dạy thế hệ kế cận... Chính vì vậy, số hóa di sản phi vật thể được coi là giải pháp quan trọng để lưu giữ lại ngay lập tức những di sản của cha ông và đưa nó đến với đông đảo công chúng một cách nhanh nhất, là cơ sở quan trọng phục vụ cho công tác nghiên cứu, thực hành biểu diễn cũng như truyền dạy.

Trong bài nghiên cứu về di sản văn hóa kỹ thuật số của Sudan, Giáo sư Marilyn Deegan (Đại học King's College London) nhận định: Sudan là một trong những quốc gia có nền văn hóa đa dạng và phong phú nhất thế giới - điều mà không nhiều người biết đến. Sudan đa dạng về sắc tộc với hơn 100 ngôn ngữ và thổ ngữ; đa dạng về văn hóa: Truyền thống, nghi lễ, ngôn ngữ, thơ ca, nghệ thuật, kịch, âm nhạc và khiêu vũ, tất cả đều là những thực hành văn hóa quan trọng... Sudan là một trong những quốc gia giàu có nhất ở châu Phi về di tích khảo cổ học vì đây là quê hương của các vương quốc và nền văn minh ở phía nam Sahara. Sự giàu có của Sudan sánh ngang với Ai Cập, Hy Lạp và La Mã, nhưng chiến tranh, nạn đói và sự tàn phá của thời gian, khí hậu và thiếu kinh phí... khiến di sản văn hóa bị đe dọa nghiêm trọng. Người Sudan hiểu rõ những cơ hội mang lại thông qua việc bảo tồn và khôi phục di sản văn hóa bằng cách số hóa. Số hóa sẽ giúp thể hiện sự giàu có của Sudan. Nhiều công dân không biết gì về lịch sử vĩ đại của đất nước, họ sẽ được hưởng lợi từ việc truy cập trực tuyến vào hồ sơ di sản phong phú của nước mình.

Lưu trữ nghệ thuật dân gian bằng số hóa - 2

Sudan có nền nghệ thuật truyền thống rất phong phú.

Số hóa để bảo tồn

Theo UNESCO, từ năm 2012 Sudan đã bắt tay thực hiện giai đoạn 1 Dự án đánh giá nhu cầu bảo vệ bộ sưu tập nghe nhìn về âm nhạc truyền thống đặt trong Kho lưu trữ Văn hóa dân gian và Âm nhạc truyền thống của Đại học Khartoum. Đại học Khartoum là một kho lưu trữ lớn các hồ sơ văn hóa quan trọng của quốc gia. Thư viện Sudan, một phần của thư viện trường đại học, có bộ sưu tập sách và bản thảo quan trọng nhất cả nước, có niên đại khoảng 800 năm. Thư viện này hoạt động như Thư viện Quốc gia với các nội dung lưu trữ vô cùng phong phú về nhiều lĩnh vực, trong đó có nghệ thuật dân gian. Trong đó, Kho lưu trữ Văn hóa dân gian và Âm nhạc truyền thống lưu trữ bộ sưu tập có giá trị bao gồm hơn 3.000 bản ghi âm và hình ảnh về âm nhạc truyền thống của Sudan được thu thập từ năm 1963. Bộ sưu tập độc đáo này là minh chứng cho sự đa dạng và phong phú của di sản văn hóa phi vật thể Sudan.

Cũng như nhiều nước châu Phi khác, vào năm 2012, kế hoạch số hóa quy mô lớn các di sản văn hóa ở Sudan phần lớn vẫn nằm trên giấy. Tuy nhiên, chính phủ nước này đã đặt quyết tâm xây dựng cơ sở hạ tầng số hóa quốc gia. Họ mời các chuyên gia về di sản và số hóa từ các đại học hàng đầu trên thế giới đến tìm hiểu và xây dựng chiến lược. Năm 2013, dự án đã được thế giới biết đến với nhiều thành công vượt trội và tiếp tục được triển khai ở quy mô lớn hơn. Số lượng rất lớn tài liệu, hình ảnh đang được lưu trữ bằng hình thức lỗi thời, có nguy cơ bị hư hỏng đã được số hóa. Đứng trước những khó khăn về kinh phí, các tổ chức tham gia dự án như: Khoa Nhân văn Kỹ thuật số Đại học King, Đại học Liverpool, Văn phòng Hồ sơ Quốc gia Sudan, Thành phố Công nghệ châu Phi và Hiệp hội Kiến thức lưu trữ Sudan... đã phải tự vận động gây quỹ để số hóa các tài liệu văn hóa và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc bảo tồn, số hóa và quản lý di sản tại chỗ.

Kết quả của các dự án số hóa di sản văn hóa được gọi với cái tên “Sudan Memory” (Ký ức Sudan). “Ký ức Sudan” đã bước đầu thực hiện thành công mục tiêu quảng bá văn hóa của Sudan cho người dân của mình và ra thế giới, trở thành mô hình để nhiều quốc gia học tập.

Nguồn hanoimoi.com.vn

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Chiều 28/3 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Namvà UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức Họp báo Chương trình Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum). Đồng chủ trì buổi họp báo có các đại biểu: Nguyễn Như Hiếu - Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao; Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; Đào Quang Bính - Tổng Thư ký T