Một vài suy nghĩ về việc bỏ đối tượng xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND đối với nhạc sĩ, phát thanh viên

(Arttimes) - Việc bỏ nhạc sĩ và phát thanh viên ra khỏi đối tượng xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND trong dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) đang nhận được sự quan tâm của dự luận. Rất nhiều những ý kiến tranh luận đã được đưa ra. Vậy có nên bỏ hay không?

Sáng ngày 28/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV. Theo Điều 64 của dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), đối tượng được xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú" gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, họa sĩ hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Như vậy, so với quy định hiện hành, dự thảo luật trình Quốc hội khóa XV đã bỏ đối tượng xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND đối với nhạc sĩ, phát thanh viên.

Các Đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận và có nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề này. Đa phần các ý kiến cho rằng nên bỏ đối tượng phát thanh viên, giữ lại danh hiệu NSƯT, NSND đối với nhạc sĩ. Lý do được nêu ra là nhạc sĩ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tạo ra sản phẩm sáng tạo. “Nếu không có nhạc sĩ thì lấy đâu ra tác phẩm để các nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công thể hiện”.

Một vài suy nghĩ về việc bỏ đối tượng xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND đối với nhạc sĩ, phát thanh viên - 1

Đối tượng phát thanh viên

Trước hết, phải ghi nhận sự đóng góp của phát thanh viên, thông qua Đài Tiếng nói Việt Nam và sau này là Đài Truyền hình Việt Nam… Vị trí phát thanh viên xuất hiện từ yêu cầu cuộc sống, nghề nghiệp. Các phát thanh viên dùng giọng nói truyền cảm góp phần làm lay động xã hội, truyền tải tinh thần hiệu triệu dân tộc vào những nhiệm vụ lớn của đất nước, đặc biệt trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ và xây dựng xã hội chủ nghĩa. Những tài năng ấy cần được ghi nhận và trên thực tế đã được Nhà nước ghi nhận. Những năm trước đây, Nhà nước đã từng khen thưởng các đối tượng phát thanh viên như vậy, đó là những “giọng đọc huyền thoại” một thời như NSND Tuyết Mai, NSƯT Kim Tiến, NSƯT Minh Trí, NSƯT Thanh Hùng, NSƯT Hà Phương…

Tuy nhiên sau này, với sự tiến bộ của khoa học công nghệ và trước yêu cầu mới của nghề làm báo, các đài phát thanh, đài truyền hình đã không còn vị trí phát thanh viên, thay bằng biên tập viên. Biên tập viên phải tự chuẩn bị để khi lên sóng làm chủ nội dung, khác so với trước đây. Trong khi đó biên tập viên lại không phải nghệ sĩ nên họ không là đối tượng xét phong NSƯT, NSND.

Luật Thi đua Khen thưởng đặt ra quy định xét danh hiệu phải có 2 yếu tố định tính, định lượng (huy chương). Trên thực tế các đài phát thanh, truyền hình không tổ chức các cuộc thi trên. Lâu nay, cơ quan thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng không còn nhận được những hồ sơ xét tặng đó nữa và bản thân các biên tập viên, những người hiện đang làm trong nghề không có ý kiến về vấn đề này.

Một trong những yêu cầu của văn bản quy phạm pháp luật là phải đảm bảo tính hợp lý, nghĩa là phải phù hợp với đường lối chính trị, nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân và thực tiễn, phù hợp với khả năng quản lý nhà nước trong từng giai đoạn cụ thể. Như vậy từ thực tế nêu trên, việc bỏ đối tượng phát thanh viên là hợp lý.

Đối với nhạc sĩ

Nhắc đến việc bỏ nhạc sĩ ra khỏi đối tượng xét tặng danh hiệu chung chung dễ dẫn đến việc bị hiểu lầm. Theo Điều 64 của dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) có thể hiểu, nếu nhạc sĩ tham gia vào sân khấu, tham gia vào tác phẩm nghệ thuật: làm đạo diễn chương trình, chỉ đạo nghệ thuật, biên đạo… khi các tiết mục, chương trình đó được giải thưởng, và khi đủ số huy chương và các điều kiện khác, tức đảm bảo các yếu tố định lượng theo quy định thì vẫn được xét.

Như vậy, chỉ xét nhạc sĩ vừa là nghệ sĩ hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, bỏ đối tượng nhạc sĩ thuần sáng tác. Những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tác như nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ… đã có giải thưởng cao quý là Giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh nếu đủ điều kiện.

Đồng thời, trong các quy định và trên thực tế, từ trước đến nay, danh hiệu NSND, NSƯT vẫn luôn gắn liền với hoạt động biểu diễn. Các nhạc sĩ, những người sáng tác ca khúc đều không nằm trong danh sách xét tặng danh hiệu này do họ không phải là nghệ sĩ biểu diễn, không tham gia các Hội diễn nghệ thuật để có huy chương làm hồ sơ xét tặng danh hiệu.

Vậy bản chất việc xét tặng danh hiệu đối với nhạc sĩ so với trướclà không thay đổi.

Tương tự như vậy, họa sĩ là người sáng tác tranh, tác phẩm của họa sĩ có giá trị, đủ các tiêu chuẩn cũng sẽ được xem xét trao giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước. Nếu là họa sĩ tham gia thiết kế sân khấu sẽ vẫn được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.

Việc bỏ nhạc sĩ và phát thanh viên trong xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND tựu chung lại nhằm đảm bảo tính rõ ràng, chặt chẽ và tính hợp lý, phù hợp với yêu cầu thực tiễn xã hội của văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời tránh việc lợi dụng quy định của pháp luật để sử dụng vào mục đích cá nhân. Tuy nhiên cũng cần có những điều chỉnh phù hợp để tôn vinh đóng góp của văn nghệ sĩ cho sự phát triển của văn hoá nghệ thuật nước nhà.

None

Nguyễn Chi

Tin liên quan

Tin mới nhất