Mùa lụt... đọc "Ăn để nhớ"

(VHNT) - Sách 'Ăn để nhớ' của tác giả Kim Em với 51 tản văn ngắn đưa người đọc trở về những miền ký ức vừa dung dị, thân thuộc vừa man mát niềm nhớ, niềm thương. Với "Ăn để nhớ", người đọc được “nếm” miếng ngon đậm vị miền Trung qua lời văn tinh tế.

Nếu chỉ đọc tựa và mục lục, người ta dễ nhầm lẫn Ăn để nhớ là tập tản văn kể về những trải nghiệm ẩm thực riêng tư của tác giả.

Mùa lụt... đọc "Ăn để nhớ" - 1 Cuốn sách gồm 51 tản văn, được viết từ kỷ niệm của chính tác giả

Đó là bàn tay của bà, của mẹ chăm chút, nếm nêm để những rau cá quen thuộc rẻ tiền cũng biến thành món ngon cho con cho cháu và rồi biến thành miền nhớ khi những đứa trẻ lớn lên.

Đó là những tính toán chắt chiu, tảo tần vén khéo đã được truyền đời của những người phụ nữ quê nghèo để chồng con vừa được bữa no, lại vừa được thưởng thức lắm hương nhiều vị giữa cảnh nhà nghèo, quê khó, mùa lụt vẫn còn hũ mắm, hũ dưa cà...

Đó không chỉ là những món ăn, cũng không chỉ là mẹ, là má của riêng tác giả, lại cũng không chỉ là quê hương Hội An, dù chỉ riêng Hội An đã đủ cho hàng chục cuốn sách rồi.

Đó là xứ Quảng, là miền Trung, là Việt Nam, đi đâu đâu tới những làng quê cũng gặp những bà mẹ nghèo đang tảo tần hôm sớm, tất bật giữa chợ, tay chọn lựa mớ rau, con cá, trong lòng tính toán xem mua bao nhiêu thì đủ cho bữa cơm, cá kho thế nào cho rục, rau bỏ vào nồi ra sao để được xanh…

Đọc Ăn để nhớ, có cảm giác ngay bên mình đang có một người mẹ, người chị lúi húi sau chái bếp, cái dáng hiền lành bày soạn “mớ rau muống luộc xanh mướt chấm tương với bát nước rau vắt chút chanh, hoặc dầm mấy trái sấu xanh hay đĩa mè rang chín giã nhỏ” (Lỗi lầm vì cá trích ve). Từng lời văn mang đến cảm giác ngọt ngào và thân thương cho người đọc.

Nhưng rồi, người đọc lòng chùng xuống đột ngột vì bắt gặp “hũ sành ngày xưa mẹ hay dùng để muối dưa cải nằm lăn lóc bên cái giếng cũ mọc đầy cỏ dại… Cái hũ sứt miệng do một lần tôi ham chơi, vội vàng rửa qua loa khi mẹ sai rửa hũ…” (Hũ dưa muối).

Mùa lụt... đọc "Ăn để nhớ" - 2 Sách "Ăn để nhớ"

Những câu chuyện tác giả Kim Em viết quanh mâm cơm nhà mình hôm nay được chắt lọc từ cả tuổi thơ quanh gian bếp của mẹ. 

Mẹ thì thủ thỉ những câu chuyện, lời dặn dò của bà ngoại. Và bà ngoại nữa, cũng đã từng như vậy. Rồi đến lượt những cô con gái Bầu, Bí của chị hôm nay sẽ đọc, sẽ kể lại, dù cuộc sống đã khác xưa lắm rồi.

Vì vậy, đọc Ăn để nhớ hôm nay sẽ không chỉ nhớ cá, nhớ mắm, nhớ rau của những ngày nào, không chỉ nhớ Hội An. Đọc sách ngày hôm nay mà thấm, mà hiểu những hạt mồ hôi miền Trung, những người con của miền Trung.

Nhất là trong những ngày này, khi miền Trung đang ngập trong biển nước, mỗi ngày lại có những nỗi đau đến không khóc được. 

Gấp lại những hoài niệm trong Ăn để nhớ, người đọc như còn vừa đi qua những cung bậc, làn điệu dân ca quê hương nhẹ nhàng mà da diết của những người con miền Trung hồn hậu, cần cù. Ở đó, có những đoạn đời tươi đẹp nhất mà mỗi người một cách lưu giữ. Riêng với tác giả, cách đặc biệt lưu giữ những kỷ niệm ấy, chính là…ăn. Và, ăn để nhớ!

Tử Văn None

Tin liên quan

Tin mới nhất