Năm anh em trên một chiếc xe tăng

(Arttimes) - Năm 1973, Festival Thanh niên, Sinh viên Thế giới lần thứ X tổ chức tại Cộng hoà Dân chủ Đức. Đoàn Ca múa Quân đội (khi ấy còn gọi là Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị) được TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mời làm Đoàn nghệ thuật của tuổi trẻ Việt Nam sang tham dự Festival này.

Vậy là những diễn viên của đoàn đang lăn lộn ở các chiến trường, chiến hào được trở về đoàn đi làm nhiệm vụ quốc tế. Đại úy Khắc Tuế - Đoàn trưởng Đoàn Ca múa Quân đội được chỉ định làm Trưởng đoàn nghệ thuật Việt Nam, đồng thời làm Phó đoàn Đoàn đại biểu thanh niên, sinh viên Việt Nam...

Ngày khai mạc Đại hội, sự bất ngờ đối với hàng chục ngàn thanh niên sinh viên thế giới là được thưởng thức điệu múa cả ngàn người đều tăm tắp - đó là điệu múa sạp của Việt Nam mà hàng ngàn thanh niên Đức đã dày công luyện tập cho ngày khai mạc Đại hội trên sân vận động Đông Berlin. Và một điều bất ngờ thứ hai là chương trình biểu diễn của Đoàn nghệ thuật thanh niên Việt Nam bao gồm 9 tiết mục, thì 8 tiết mục được Ban giám khảo - bao gồm những văn nghệ sỹ nổi tiếng của Đức, Pháp, Triều tiên, Nhật bản, Nam phi, Angieri, Công gô… trao tặng huy chương vàng, trong đó có tiết mục được bạn đứng dậy vỗ tay hát theo không ngừng (dù khác biệt về ngôn ngữ) là Năm anh em trên một chiếc xe tăng (thơ Hữu Thỉnh, nhạc Doãn Nho).

Nghệ sỹ Kiều Minh, người đệm đàn cho bài hát này tại Festival nhớ lại: Khi chúng tôi trong trang phục người lính bước ra sân khấu, các nước bạn đã nồng nhiệt vỗ tay vì đang được chứng kiến hình ảnh người chiến sỹ Việt Nam anh dũng chiến đấu bảo vệ đất nước, và rồi khi tiếng đàn, tiếng hát cất lên: “Năm anh em trên một chiếc xe tăng/ Như năm bông hoa nở cùng một cội/Như năm ngón tay trên một bàn tay/ Đã xung trận cả năm người như một…” thì tiếng vỗ tay theo nhịp điệu bài hát từ hàng ngàn người xem đủ các màu da đồng loạt vang lên, làm bản thân tôi cùng các anh Lam Sơn, Trọng Hinh… trên sân khấu biểu diễn như càng tăng thêm niềm hứng khởi, càng thăng hoa, càng làm ngây ngất cả người diễn và cả người xem… Như thực sự 5 chiến sỹ xe tăng Việt Nam anh hùng vừa từ mặt trận Làng Vây, vừa từ mặt trận Đường chín Khe Sanh, vừa từ trong huyền thoại bước ra… để đến với Berlin, đến với bạn bè khắp năm châu bốn biển…

Ông Khắc Tuế hồi tưởng: Ngay sau khi từ Festival thắng lợi trở về, ông đã tìm đến Bộ tư lệnh Tăng Thiết giáp nơi có nhà thơ Hữu Thỉnh tác giả của bài thơ Năm anh em trên một chiếc xe tăng công tác. Một sỹ quan tuyên huấn tươi trẻ mang hàm trung úy ra tiếp ông :

- Xin đồng chí cho tôi gặp đồng chí Đội trưởng Đội Tuyên văn của Bộ tư lệnh

Người sỹ quan trung úy dập gót giầy, đưa tay lên mũ chào ông đúng như điều lệnh :

- Thưa tôi đây ạ

Ông thân mật bắt tay người sỹ quan đội trưởng. Lại hỏi:

- Mình muốn gặp cả nhà thơ Hữu Thỉnh, tác giả bài thơ Năm anh em trên một chiếc xe tăng.

Vẫn người sỹ quan ấy, trên môi nở một nụ cười tươi tắn:

- Vâng, em đây ạ.

Ông Khắc Tuế càng xiết tay chặt hơn:

- Ồ, Hữu Thỉnh đấy à, trẻ quá, đẹp trai quá. Mình là Khắc Tuế, Trưởng đoàn ca múa Tổng cục chính trị, vừa đi tham gia Festival Thanh niên, Sinh viên Thế giới tại Cộng hòa Dân chủ Đức về. Báo với cậu tin mừng: Tiết mục Năm anh em trên một chiếc xe tăng anh Doãn Nho đoàn mình phổ thơ của cậu được các bạn trên toàn thế giới rất ngợi ca, yêu thích… và được tặng thưởng huy chương vàng của đại hội.

Nén xúc động giây lát, ông Khắc Tuế nói tiếp:

- Hôm nay mình định thay mặt Đoàn mang huy chương vàng xuống trao tặng cho cậu, nhưng xin phép để mình vào báo cáo Bộ tư lệnh quân chủng đã, rồi sẽ tổ chức một đêm biểu diễn của Đoàn cho Bộ tư lệnh và đồng thời trao tặng huy chương luôn…

Ngay đêm ấy, Đoàn Ca múa Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có một đêm diễn hoành tráng tại Bộ tư lệnh Tăng thiết giáp. Đến bài hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng, bài hát về những người lính xe tăng phơi phới niềm lạc quan và đầy anh hùng quả cảm, bài hát có hai con số 5 và con số 1 đan xen và hòa quyện mà người làm thơ đã viết rất tài tình:

“Năm anh em trên một chiếc xe tăng

Như năm bông hoa nở cùng một cội

Như năm ngón tay trên một bàn tay

Đã xung trận cả năm người như một…”

Và:

“Năm anh em ta mang năm cái tên

Chứ khi lên xe không còn tên riêng nữa

Trên tháp pháo một ngôi sao màu lửa

Năm quả tim chung nhịp đập rộn ràng…”

… Nhưng từ cánh gà nhìn xuống, ông Khắc Tuế lại thấy bên con số một và con số năm ấy, còn có một con số 2: Hai ngôi sao trên quân hàm người trung úy trẻ Hữu Thỉnh và hai dòng nước mắt xúc cảm cứ dào ra trên má anh khi mỗi câu hát vang lên…

*

Vâng, người lính xe tăng ấy hôm nay đã rời tháp pháo của mình, khi hai lần trong Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam vừa qua, anh đã hai lần kiên quyết xin rút lui, vì một lẽ đơn giản như anh cáo lỗi với toàn đại hội đã yêu quý và tín nhiệm tiếp tục đề cử anh: “Tôi là một đảng viên, tôi phải nghiêm túc chấp hành những quy định của Đảng”. Có những dòng nước mắt xúc cảm dào ra trên má anh, trên má nhiều hội viên những phút giây ấy, và người lính xe tăng  thanh thản rời tháp pháo của mình, để lại phía sau cả một sự nghiệp đồ sộ, và bài ca cứ mãi ngân vang ...

Một con đường đất đỏ như son

Một màu rừng xanh bạt ngàn hy vọng

Một ý chí bay qua đầu ngọn sóng

Một niềm tin tất thắng trong trận này”

Và:

“Không có sách chúng tôi làm ra sách

 Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình"

Buổi chiều chia tay với anh Hữu Thỉnh, tôi muốn mời anh ngồi cùng các bạn nghệ sỹ bạn tôi đã nhiều năm hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng (NSƯT Dương Minh Đức, NSND Quang Thọ, NSND Quang Huy). Thật đáng tiếc, do nhiều "hoàn cảnh", buổi rượu chia tay lại bất thành, chỉ có tôi ngồi cùng Giáp Thịnh...

Với những vần thơ này tặng các bạn Năm anh em trên một chiếc xe tăng của mình: "Đội hình vẫn rất đẹp/ Tiếng hát vẫn rất hay/ Hát xong rồi lại uống/ Càng uống hát càng bay/ Dù trăm vò đi nữa/ Rất phục ba ông này/ Nhạc lên là máu lửa/ Lời một chữ không sai!/ Đức rất thích giơ tay/ Huy thường hay ưỡn ngực/ Thọ cổ họng I nốc/ Thường lĩnh xướng...nửa bài!/ Trước năm ông cộng hưởng/ Giờ chỉ còn lại ba/ Thêm Thanh Vinh, Minh Tuấn/ Bè bối lại hài hòa.../ Chiều nay ra Hà Nội/ Xin mời 3 ông này:/ Đức ngã xe, xương gãy/ Thọ tai biến, mà may.../ Tôi ngồi cùng Giáp Thịnh/ Khản cổ gọi ba ông/ Tiếng gọi vang rừng núi / Chai rượu ngon chờ trông/ Buồn không được gặp bạn/ Uống với nhau một ly/ Tiễn chân bác Hữu Thỉnh /Người lính già về quê...”

Châu La Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

“Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật” là một hội thảo ý nghĩa được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), giúp lan tỏa những giá trị của Điện Biên Phủ trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà. Đồng thời, thúc đẩy sự thăng hoa, bền bỉ, nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo cho các văn ng

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

Trong khuôn khổ chương trình “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”, đoàn đại biểu là các văn nghệ sĩ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có dịp đến thăm và tặng quà cho học sinh Trường Tiểu học Him Lam, đồng thời phát động cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Hoan Hô chiến sỹ Điện Biên”. Sự kiện do Thời báo Văn học nghệ thuật, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Điệ