Nàng tiên cá

Nàng tiên cá, câu chuyện thần tiên nửa hư nửa thực, ngợi ca tình yêu cao thượng và thánh thiện của con người, đã luôn luôn và mãi mãi như một khúc ca hướng thiện, dành cho biết bao lớp người tiếp nối trên khắp thế gian này.

Nàng tiên cá - 1

Tượng Nàng tiên cá ở 

Copenhagen

    

     NÀNG TIÊN CÁ là nhân vật chính trong một truyện ngắn cùng tên của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen. Câu chuyện kể về nàng công chúa út thứ tám của vua Thủy tề, đã nặng lòng yêu thương chàng hoàng tử của một vương quốc trên bờ, người mà nàng đã cứu thoát trong một đêm bão biển đắm tàu. Để được gần người mình yêu dấu, nàng tiên út đã chấp nhận đánh đổi cái lưỡi của mình để lấy một lọ thuốc thần của mụ phù thủy, khi uống vào, cái đuôi cá sẽ biến thành một đôi chân đẹp đẽ của loài người.

Nàng tiên cá xinh đẹp đã được gần người mình yêu, nhưng nàng không còn khả năng diễn đạt những suy nghĩ trong lòng thành lời nói, cũng bởi lẽ đó mà hoàng tử đã không hay biết nàng chính là ân nhân đã cứu mình thoát chết, người mà chàng hằng mong mỏi tìm gặp bấy lâu.

Và chàng cũng đâu có thể ngờ rằng, theo pháp thuật phù thủy, nếu nàng tiên cá không lấy được hoàng tử làm chồng, thì trong một ngày định mệnh, nàng sẽ tan biến thành bọt biển. Để cứu người em út, trong ngày cưới của hoàng tử với một nàng công chúa nước láng giềng, các chị nàng đã nổi lên mặt biển, đưa cho em gái một con dao nhọn mà họ đã phải đổi bằng những mái tóc dài tuyệt đẹp của mình cho mụ phù thủy với một pháp thuật, công chúa út phải đâm con dao đó vào trái tim hoàng tử, khi máu chàng chảy xuống chân nàng, chân sẽ biến mất và đuôi cá lại mọc ra, nàng tiên út sẽ thoát chết để trở về thủy cung.

Nhìn người vợ mới cưới ngủ bên hoàng tử trong đêm tân hôn, nàng tiên cá cúi xuống hôn lên trán người yêu, rồi đột nhiên quăng con dao xuống biển và sau đó gieo mình xuống nước. Trong khoảnh khắc, tấm thân thanh cao của nàng đã tan biến thành muôn vàn bọt nước…

Nàng tiên cá, câu chuyện thần tiên nửa hư nửa thực, ngợi ca tình yêu cao thượng và thánh thiện của con người, đã luôn luôn và mãi mãi như một khúc ca hướng thiện, dành cho biết bao lớp người tiếp nối trên khắp thế gian này.

Nàng tiên cá - 2

Những cô gái trẻ quây quần bên tượng Nàng tiên cá

  Tôi có được sự may mắn và hạnh phúc là đã một lần đến thăm đất nước Đan Mạch và thủ đô Copenhagen, quê hương của Hamlet, của Andersen, của Nàng tiên cá. Những con người, nhân vật, sự kiện và phong cảnh cứ đan xen vào nhau như trong những truyện cổ tích. Ở văn phòng Sứ quán Việt Nam, tôi đã được bạn bè cho xem những cuốn sách kể về đất nước và con người Đan Mạch, và tôi đã tìm thấy trong đó nàng tiên cá của chúng ta.

Thì ra đã có một con người mê đắm những truyện cổ tích của Andersen đến độ muốn được sống cùng các nhân vật  văn học của ông. Người đó là nhà sản xuất bia lừng danh thế giới Carlsberg Carl Jacobsen. Theo đơn đặt hàng của Jacobsen, nhà điêu khắc nổi tiếng Đan Mạch Edvard Eriksen đã thể hiện hoàn hảo bức tượng Nàng Tiên Cá bằng đồng. Khuôn mặt và mái tóc dài của nàng được lấy từ nguyên mẫu của nữ nghệ sĩ ba lê nổi tiếng đương thời Elen Price. Còn hình dáng thân thể bức tượng lại lấy từ nguyên mẫu người vợ nhà điêu khắc. Khởi công năm 1909 đến năm 1913, kiệt tác Nàng Tiên Cá với kích thước bằng đúng người thật đã được khánh thành. Và nàng tiên cá của chúng ta được đặt ngồi trên một tảng đá tròn trịa ven bờ hải cảng Copenhagen.

Nhiều người dân Đan Mạch đã vô cùng xúc động và hân hoan chào đón sự phục sinh của nàng tiên cá. Không một lời quảng cáo, không một quyết định hành chính về điều cần được tôn vinh, thế mà không biết tự khi nào, hình ảnh bức tượng Nàng Tiên Cá đã được người ta đua nhau in trên bưu ảnh, trên sách báo, trên biển hàng, trên sản phẩm hàng hóa trong nước và xuất khẩu… Lâu dần, hình ảnh đó đã trở thành biểu tượng đặc trưng của thành phố Copenhagen, rồi là của nước Đan Mạch. Không biết còn có nơi nào trên thế giới, lại có một nhân vật văn học được hóa thân vào cuộc sống ngoài đời qua mọi thời đại giống như nàng tiên cá của Andersen ở Đan Mạch?

Thế nhưng cuộc sống ở trên bờ thật không êm đềm như nàng tiên cá hằng mong ước. Chẳng biết vì đâu mà những tai họa thảm thương đã liên tiếp kéo đến bủa vây nàng. Mở đầu, vào khoảng thời gian mới nổ ra thế chiến thứ hai, người ta phát hiện thấy nhiều vết đạn bắn trên thân thể nàng tiên cá. Năm 1961, nàng bị những kẻ vô lại giấu mặt sơn lên người một bộ áo tắm. Cuối năm đó, mái tóc dài thướt tha của nàng lại bị bôi nham nhở một màu sơn đỏ bầm như màu tiết đọng. Năm 1963 nàng bị sơn phủ toàn thân cũng bằng một thứ sơn màu chết chóc như thế. Năm 1964, những kẻ tội phạm đã đang tâm cưa đứt đầu nàng, ngay lập tức người ta phải đúc lại chiếc đầu khác lắp vào thay thế. Hai mươi năm sau, nàng tiên cá lại bị cưa đứt cánh tay phải. Đến năm 1998, lần thứ hai nàng lại bị cưa mất đầu…

Cứ mỗi lần xảy ra một sự kiện như thế, nhân dân cả nước Đan Mạch lại xao xác và vô cùng phẫn nộ. Họ yêu cầu nhà chức trách phải truy tìm ra thủ phạm và nghiêm trị thích đáng. Các cơ quan chức trách đã nhảy vào cuộc, cảnh sát trưởng Copenhagen từng tuyên bố:“ Tấn công nàng tiên cá cũng giống như bắt cóc Nữ hoàng!”. Thế nhưng những kẻ tội phạm vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Vượt lên trên những hành động phi nhân tính của những kẻ giấu mặt, những người dân nhân hậu và mộng mơ của xứ sở thần tiên này vẫn không nản lòng. Cứ sau mỗi lần nàng tiên cá bị xúc phạm và xâm hại, người ta lại kịp thời tu sửa, chỉnh trang để hình ảnh của nàng không bị hoen ố, một việc làm giống như cách giữ gìn biểu tượng tinh thần của họ vậy.

Nàng tiên cá - 3

Tác giả bên tượng Andersen ở trung tâm Copenhagen

Vào một ngày nắng đẹp đầu hè năm 2002 tôi đã đến thăm bức tượng văn hào Andersen ở trung tâm thủ đô Copenhagen, rồi sau đó lại xuôi ra hướng hải cảng, nơi có đặt bức tượng Nàng Tiên Cá. Đến thăm nàng không chỉ có riêng tôi. Đến trước tôi đã thấy nhiều người, và sau tôi vẫn thấy nườm nượp, nhiều nhất trong số họ lại là những người trẻ tuổi. Những chàng trai đứng bên nàng tiên cá, có người gục đầu lên cánh tay nàng, lại có người cúi xuống hôn lên bàn tay lạnh giá của nàng, đôi mắt người nào cũng đăm đắm như muốn nhận về mình lỗi lầm ngày xưa mà chàng hoàng tử Đan Mạch đã vô tình gây ra những cảnh bi thương cho nàng.

Những cô gái trẻ tóc dài thướt tha trong gió cũng đang vây quanh nàng. Trong giây phút xúc động nhớ lại chuyện xưa, tôi những tưởng đấy là những người chị gái của nàng cùng trở về đây để an ủi người em út khổ hạnh, đã vì một mối tình cao đẹp, thánh thiện mà phải sống một kiếp cô đơn trong một thế giới xa lạ và đầy bất trắc của loài người.

Trở về nhà sau chuyến đi xa. Nhịp sống đời thường hối hả cuốn đi, và câu chuyện huyền thoại nửa thực nửa hư về nàng tiên cá ở đất nước Đan Mạch xa xôi, cứ êm đềm chìm dần vào ký ức như một kỷ niệm buồn man mác. Và rồi vào một ngày đầu thu sau đấy không lâu, trên một số tờ báo trong nước  thấy loan một thông tin làm tôi vô cùng sửng sốt. Đêm ngày 10 rạng sáng 11-9-2003, Nàng Tiên Cá ở thủ đô Copenhagen lại bị bọn phá hoại dỡ khỏi bệ đá và quăng xuống biển! Lại như các sự cố trước đây, người dân Đan Mạch hiền hòa không biết mệt mỏi, miệt mài tìm kiếm vớt nàng tiên cá lên sang sửa, để rồi một tháng sau nàng lại được đưa về chốn cũ.

Tháng năm cứ lặng lẽ trôi đi, nhưng đôi khi chợt nhớ tới chuyện nàng tiên cá, tôi vẫn không thoát ra được nỗi băn khoăn khắc khoải về điều bí hiểm bao trùm lên nàng tiên bé bỏng xinh đẹp của chúng ta. Câu chuyện nàng tiên cá đượm sắc màu thần tiên tới đây như bị bao phủ bởi một bầu không khí âm u, rùng rợn. Bọn tội phạm cố tình hành hạ bức tượng Nàng Tiên Cá để làm gì mà liên tục trong hơn nửa thế kỷ qua, chúng cứ lầm lũi tìm ra những cách tra khảo quái đản giống như cách lũ quỷ sứ dưới địa ngục vẫn làm, mà không một lần dính lưới pháp luật? Và chúng ta phải hiểu hành vi những sự kiện này như thế nào cho phải?

 Phải chăng nhờ có những con người nhân hậu và mộng mơ trên thế gian này mà nàng tiên cá đã được phục sinh giữa thế giới con người. Cũng bởi vì không thể ngăn cản nổi sự phục sinh hiện hữu của nàng, một biểu tượng về lòng khát khao vươn tới cái đẹp hoàn mỹ và thánh thiện mà bọn phù thủy ma quái ở thế giới bên kia đã liên minh với nhau để mượn tay bọn quỷ dữ đội lốt người ở thế giới này, tìm mọi cách phá nát hình hài của nàng, những mong tâm hồn nàng sẽ phải lang thang không chốn gửi gắm nương thân, như lời nguyền ma quái của mụ phù thủy ngày xưa đã buộc. Cách giải thích mang màu sắc hoang đường như thế xem ra lại có điều phù hợp bởi nó cho ta liên tưởng về thế giới con người hôm nay, cho dù đó là một thế giới thượng đẳng phát triển cao nhất trong cả muôn loài, song vẫn còn lẫn lộn trong đó không ít những gì là hoang dã, man rợ, ác độc của ma quỷ trá hình.

200 năm đã trôi qua kể từ khi nàng tiên cá bước ra từ những trang cổ tích để dấn thân vào cõi đời này, người đọc của thế giới hôm nay khi nghĩ tới những ước mơ chưa trọn về một thế giới thần tiên của Người Kể Chuyện cổ tích Andersen, hẳn là vẫn không tránh được cảm xúc ngậm ngùi muốn được cùng nhau chia sẻ. Trong cái thế giới mà nàng tiên cá hằng khát khao vươn tới để được hòa nhập, để mong được làm một thành viên, thì tiếc thay, đó vẫn là một thế giới mà cái thiện vẫn bị những tội ác che phủ, cái đẹp và cao thượng vẫn bị cái xấu xa thấp hèn bủa vây. Phải chăng cũng vì thế mà những lo toan nhân loại về vòng xoáy bạo lực của những liên minh ma quỷ, những mưu mô tính toán nhằm làm đảo lộn cuộc sống bình yên thường nhật của loài người, vẫn luôn luôn được coi là những mối lo thường trực không một phút ngơi nghỉ, xao nhãng. Và cũng bởi lẽ đó mà những câu chuyện bảng lảng sắc màu huyền thoại của Andersen vẫn luôn có giá trị thời sự mang tính cảnh báo, vẫn mãi mãi có sức hấp dẫn lạ kỳ với đông đảo bạn đọc thế giới hôm nay. Cũng tương tự như thế mà biểu tượng nàng tiên cá ở Copenhagen luôn là một biểu tượng hiếm hoi và cao quý.

None

Nguyễn Đắc Như

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.