Người con gái trong “Làng lúa làng hoa”

(Arttimes) - ...Sau giải phóng, những thằng lính chúng tôi về học lại trường cũ tại khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Một hôm, có một thầy giáo ở trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ sang rủ tôi đi uống bia. Thì ra anh là nhạc sỹ Trương Hùng Cường, ngày trước dạy ở Đại học xây dựng, nay về phụ trách âm nhạc ở trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ sát vách trường tôi.

Nhìn anh gầy gò, thâm u lắm, nhưng ngờ đâu anh chính là tác giả của một bài hát nổi tiếng Cô giáo về bản: Năm ấy từ miền xuôi xa xôi /cô giáo người Kinh lên với bản làng/dòng khuổi nậm nhẹ reo reo hát/ hát cùng bầy em bé vang núi rừng… Anh bảo: Có một lần gần đây mình được xem nhạc cảnh Mùa xuân lên nương Mùa xuân lên đường của Đoàn ca nhạc dân tộc TW, thấy có tên Việt viết kịch bản cùng anh Nguyễn Tài Tuệ, mình thích lắm.

Biết Việt là láng giềng nên sang nhờ Việt một việc: “Ấy là mình vừa hoàn thành một nhạc cảnh có tên gọi là Hơ Na, tiếp dòng âm nhạc miền núi của mình, mình muốn dựng cho các em khoa Anh và khoa Pháp của trường. Nói thật do kinh phí không có, chẳng dám mời các đạo diễn tên tuổi, mình muốn nhờ Việt làm đạo diễn giúp mình. Tất nhiên là cũng có ít nhiều bồi dưỡng”. Nghe anh nói thiết tha quá, tôi không thể chối từ, dù thú thật, tôi chưa từng là đạo diễn bao giờ, và cũng không quan tâm lắm “cái ít nhiều bồi dưỡng”…

Ngay tối ấy, tôi đạp xe lên Đoàn Tổng cục Chính trị khu Mai Dịch gần đó, to nhỏ với hai ông bạn thân là Kiều Minh và Minh Quang xuống giúp cho anh Trương Hùng Cường. Chúng tôi lúc ấy đều tuổi 20, chưa thằng nào có người yêu, nên thấy nghe đi dàn dựng cho sinh viên ngoai ngữ thì thằng nào cũng thích, vì sinh viên trường này nổi tiếng là đẹp và "Yết Kiêu"!

Người con gái trong “Làng lúa làng hoa” - 1

Ảnh minh họa

Thế là tối thứ bảy tuần ấy, ba “chú” Châu La Việt, Kiều Minh, Minh Quang có mặt ngay tại hội trường trường sư phạm ngoại ngữ, và buổi tập đầu tiên bắt đầu. Kiều Minh ôm đàn chỉ đạo phần hát. Khi tiếng đàn phong cầm vang lên, các em đắm đuối say mê hát theo. Thằng này có tiếng đàn ma mị, quyến rũ lắm, và khi nó cất lên tiếng hát thì “thôi rồi Lượm ơi". Ngày nó học trường nhạc, em VK sau này là ca sỹ nổi tiếng "chết lên chết xuống" cũng vì tiếng đàn tiếng hát của nó. Còn Minh Quang chỉ đạo phần diễn xuất. Trước khi là diễn viên hát ca múa quân đội, Minh Quang là diễn viên đoàn kịch nói Thanh Hóa. Diễn xuất "ác" lắm, các em mắt tròn mắt dẹt theo thị phạm của thầy…

Trương Hùng Cường thì “thăng hoa” vô biên. Miệng cứ há hốc theo từng lời ca, thi thoảng lại ghé tai tôi to nhỏ: “Chết thật, không ngờ mình lại viết hay đến thế”. Còn tôi thú thật, tiếng là bao quát tất tật, nhưng nhiệm vụ chính là để “tia” các em. Và giữa một rừng hoa, tia được ngay một em mặt mũi sáng sủa, hấp dẫn, vầng trán hơi dô dô bướng bỉnh, có chút kiêu căng, nhưng lại có hẳn một cái răng khểnh rất duyên. Mới hỏi Trương Hùng Cường: “Con bé nào thế?” - Cường bảo: “Nó học khoa Anh năm thứ ba” – “Sao không cho nó đóng vai chính, vai Hơ Na?” - Ừ, tôi cũng phân vân mãi, mặt mũi nó sáng sủa, nhưng giọng hát lại không bằng con bé kia. Cường trả lời tôi bâng khuâng, ra chiều cũng rất tiếc ...

Một buổi tập, hai buổi tập, thế là chúng tôi trở nên thân nhau. Mà không riêng gì tôi, cả Kiều Minh, cả Minh Quang cũng rất mến cô bé ấy. Có chủ nhật, tôi đến chơi nhà Bình (tên cô gái) ở phố Hàng Mã, đã thấy cả Kiều Minh, cả Minh Quang cũng đã ngồi ở đấy, Mới nói với cô bé ấy rằng: “Không gọi em là Bình nữa nhé, mà từ bây giờ trở đi sẽ gọi em là Hến, Bình Hến". Cả bọn cùng cười lên vui vẻ….

Đang ngồi nói chuyện thi bỗng có một chiếc com-măng-ca đỗ xịch ngay trước cửa. Một người đàn ông mặc quân phục sỹ quan bước vào. “Bố” - Bình đứng dậy reo lên. Người sỹ quan ấy liếc nhìn rất nhanh cả ba chúng tôi (ngày ấy tôi nghiệm ra rằng: các thủ trưởng quân đội có con gái lớn thường giữ gìn cho con gái ghê lắm. Đố một thằng nào "tơ lơ mơ" đến nhà mà qua nổi mắt các ông).

Thấy ông, Kiều Minh và Minh Quang cùng đứng phắt dậy: “Chào Thủ trưởng”. Ông nở một nụ cười và bắt tay từng thằng. Thì hóa ra bố em là Thượng tá Hoàng Nguyễn, Phó chủ nhiệm chính trị Quân khu Tả ngạn mà Minh Quang và Kiều Minh đã từng nhiều đợt về Quân khu biểu diễn, đã từng được ông lên sân khấu bắt tay. Còn tôi cũng có một lần xuống đoàn Quân khu Tả ngạn đọc kịch theo lời mời của nhà viết kịch Hoài Giao, cũng được mời ăn cơm với một thủ trưởng cơ quan chính trị quân khu, nhưng hôm ấy ăn vội ăn vàng để kịp chuyến tàu về Hà Nội, nên không nhớ có phải thủ trưởng ấy là ông hay không ).

Sau khi niềm nở bắt tay các bạn con, ông tế nhị đi vào nhà trong cho lũ lính trẻ tự nhiên. Tôi ghé tai nói với Bình là bọn anh cũng có người bạn mới từ Đoàn Quân khu Tả Ngạn về Đoàn Tổng cục chính trị, là ca sỹ Lê Dung, có bố chồng cùng công tác cơ quan chính trị quân khu với bố em (Đại tá Quang Vân - Chủ nhiệm chính trị Quân khu). Giữa chúng tôi từ đấy chuyện như càng thoải mái, thân thiết hơn, vì đã thấy như cùng trong một gia đình người lính….

Thời gian ngắn sau, trường của Bình tổ chức cắm trại bên dòng sông Đáy, nhân dịp ấy đạo diễn Ngọc Thảo quyết định quay giới thiệu chương trình văn nghệ của trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, trong đó có nhạc cảnh Hơ Na. Trương Hùng Cường sung sướng ngất ngây, hôm ấy anh ăn mặc tinh tươm, trịnh trọng chưa từng thấy. Chỉ tiếc là Kiều Minh và Minh Quang phải đi biểu diễn nên không cùng đi được…

Trống giong cờ mở. Lán trại đủ sắc màu. Không khí tuổi trẻ sinh viên, không khí mùa xuân hòa quyện, đất trời như tươi thắm ngàn hoa, náo nức lạ thường. Cũng lúc ấy máy quay nhạc kịch Hơ Na. Không là diễn viên chính, nhưng em vẫn nổi bật lên như một ngôi sao của nhạc kịch. Thú thực lúc ấy chúng tôi chỉ còn biết ngây ngất ngồi ngắm nhìn....

Rồi đến khi chiều xuống, hội tan, giã bạn ra về. Tôi bước ra bên ngoài để chờ xe ô tô của chị Ngọc Thảo và đài truyền hình. Bỗng thấy em dắt xe đạp qua, nụ cười rất rạng rỡ như để chào chúng tôi ra về. Bất giác hỏi em: "Em đi xe đạp à, đi với ai thế?" thì em bảo em đi một mình thôi, sướng quá nói ngay: “Cho anh đi nhờ về với nhé”. Em gật đầu, trao chiếc xe cho tôi, và rồi rất ngoan ngoãn ngồi lên đằng sau để tôi chở em đi. Tất cả mọi ánh mắt đều nhìn theo. Mình cũng bỗng thấy lâng lâng, như mùa xuân đã về...

Nhưng cũng từ ngày ấy, tôi xa "mùa xuân nhỏ ". Em tốt nghiệp và tôi cũng vào sinh sống phương Nam, rất nhiều năm chưa gặp lại. Mà chỉ được một người bạn của tôi - Nghệ sỹ Kiều Minh cho hay sau khi tốt nghiệp em cũng đã nhập ngũ, trở thành một sỹ quan không quân. Có một lần hội diễn của ngành, em tham gia trong đội văn nghệ quân chủng, và trở thành một “vầng sáng lung linh” của đội. Và đây chính là lúc vẻ đẹp của em, lồng trong vẻ đẹp của Hà Nội lúa và hoa, tạo cho người nhạc sỹ bạn chúng tôi là  Ngọc Khuê  những cảm xúc mãnh liệt, để rồi anh có một ca khúc hay nhất đời anh, một ca khúc vĩnh cửu về mùa xuân, một ca khúc  thuộc loại hàng đầu về Hà Nội, và về tình yêu…

"Quãng những năm 1978 hay 1979 gì đó, tôi có quen một cô gái và thú thật cũng rất muốn viết ca khúc để tặng. Đôi khi chúng tôi chở nhau trên chiếc xe đạp lòng vòng trên những con đường ven Hồ Tây. Tôi nảy ra ý định “mượn” những làng hoa ven hồ để làm cái cớ. Định như vậy rồi nhưng khi viết thì vẫn thấy khó, thấy không ổn. Tôi đành “gác” kế hoạch viết bài hát ấy lại. Hồi đó, chúng tôi thường hay đặt “bí danh” cho nhau bằng những con số. Cái tên của tôi được “dịch” sang con số 12, còn tên cô ấy là số 13. Nhưng tôi biết cái “ngưỡng” để dừng lại, vì lúc đó tôi là thượng úy, đồng thời là đội trưởng đội hát và tôi đã lập gia đình. Vì thế, giữa tôi và “13” chỉ là những tình cảm trong sáng. Đến bây giờ, “13” cũng đã chồng con đủ đầy, hiện làm ở một Đại sứ quán tại Hà Nội, thi thoảng chúng tôi vẫn thăm hỏi nhau và coi nhau như bạn bè thân thiết..."

Thế đấy, mùa xuân nhỏ... Có thể là so sánh khập khiễng, nhưng tôi luôn thầm nghĩ rằng: Có một nàng Samét để nhà văn Pautopxki có thiên truyện ngắn bất hủ Bông hồng vàng. Có một nàng Son vây để nhà thơ, nhà viết kịch Henrik Ibsen và nhạc sỹ Edward Grieg có một Khúc hát nàng Solveig bất tử. Và phải chăng có một người con gái là em để nhạc sỹ -người lính Ngọc Khuê có một Mùa xuân Làng lúa làng hoa vĩnh viễn  cùng thời gian….

Em, người con gái mà rồi ai gặp cũng thấy rạo rực. Sự hiện diện của em giữa cuộc đời này, không chỉ trong màu áo xanh bất tử của người lính, mà còn trong những ngọn lửa thắp lên cho cuộc đời ít nhất là một bài ca bất hủ. Thế là rất tuyệt vời rồi, phải không, Thanh Bình?

None

Châu La Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.