Nguyễn Cơ Thạch – Nhà ngoại giao hàng đầu của Việt Nam

(Arttimes) - Tháng 5 năm 2021, tròn 100 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngọai giao, người chiến sỹ cách mạng trung kiên, nhà ngoại giao xuất sắc, có nhiều cống hiến đột phá cho sự nghiệp ngoại giao và sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Chúng tôi may mắn được gặp Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch những năm 80 của thế kỉ trước, khi đồng chí qua số 6 Nguyễn Cảnh Chân trao đổi công việc với đồng chí Lê Đức Thọ - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương lúc đó. Với vóc người cao ráo, ưa nhìn, đồng chí là mẫu người mà vừa gặp lần đầu mọi người đều cảm tình, ưa thích. Đồng chí  bắt tay tôi và một số văn nghệ sĩ, sau đó vào làm việc với đồng chí Lê Đức Thọ, trong một tiếng và trở ra. Đồng chí  niềm nở hỏi tên từng người ,quê quán chúng tôi và không quên dặn: “Sang Bộ Ngoại giao chơi nhé”. Hôm đó, tôi và nhà văn Đỗ Minh Tuấn, nhà thơ Phạm Tiến Duật và nhà lý luận Bùi Công Hùng đều cảm thấy rất vui vẻ, vinh dự vì được gặp một nhà ngoại giao tài hoa.

Nguyễn Cơ Thạch – Nhà ngoại giao hàng đầu của Việt Nam - 1

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch

Nguyễn Cơ Thạch tên khai sinh là Phạm Văn Cương, sinh ngày 15/5/1921 tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ngay từ khi còn là học sinh trường Bưởi – nay là trường phổ thông trung học Chu Văn An, đồng chí đã tham gia tổ chức Thanh niên dân chủ, rồi Thanh niên phản đế tại Nam Định (1937 – 1939). Khi chưa đầy 19 tuổi, đồng chí đã bị thực dân Pháp bắt và kết án 5 năm tù, bị lưu đầy tại nhà tù Nam Định, Hoà Bình, Sơn La. Tại nhà tù Sơn La, đồng chí cùng các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Tô Hiệu được huấn luyện và thử thách không ngừng trước cái sống, cái chết, kiên định với con đường cách mạng của mình. Năm 1943, trong nhà tù Sơn La, Nguyễn Cơ Thạch được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1945, mãn hạn tù, đồng chí lãnh đạo cướp chính quyền tại Nam Định tháng 8/1945. Tháng 9/1945, đồng chí về công tác tại Bộ Quốc phòng. Sau đó giữ chức vụ Chánh Văn phòng Quân uỷ Trung ương, Bí thư Đảng ủy của các cơ quan Bộ Quốc phòng và Tổng tư lệnh (1947 – 1949). Sau đó đồng chí làm quyền Bí thư tỉnh uỷ kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Hà Đông, Bí thư Đảng của Liên khu 3: 1949 – 1954.

Năm 1954, đồng chí chuyển ngành làm chánh văn phòng Bộ Ngoại giao, rồi làm Tổng lãnh sự Việt Nam tại Ấn Độ. Đồng chí nhận chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao từ 8/1960 - 1979. Bộ trưởng Bộ ngoại giao từ 1980 - 1991, uỷ viên Trung ương  năm 1976, Ủy viên Bộ Chính trị năm 1982, Uỷ viên dự khuyết Bộ chính trị, phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nhiệm kỳ 1987-1991. Nhìn lại những công việc chính yếu của đồng chí hoạt động cho ngành ngoại giao Việt Nam, ở cương vị nào đồng chí cũng cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng.

Nguyễn Cơ Thạch – Nhà ngoại giao hàng đầu của Việt Nam - 2

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch gặp gỡ nhà đồng sáng lập đảng Xã hội Pháp Jean-Pierre Chevènement năm 1982 - Ảnh: Le Monde

Vào những năm 1980, khi nhận chức Bộ trưởng Bộ ngoại giao, nước ta bị bao vây cấm vận khắp nơi, đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế. Nếu không kiên định cách mạng, không mở đường ra các  nước tư bản Việt Nam sẽ rất khó khăn. Nhiệm vụ của đồng chí là vận động bình thường hoá quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây. Đồng chí nhớ lại người bạn cũ trước đây cùng tham gia hội nghị Pari về Việt Nam - và năm 1975, Australia là nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Thủ tướng Úc - Bod Hawke không ủng hộ sự tồn tại của chế độ Pon pot tại Liên hợp quốc. Thủ tướng Úc ủng hộ Việt Nam chân thành. Tại Liên hợp quốc, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch chủ động tìm gặp nhà ngoại giao Bill Hayden và mời ông thăm Việt Nam. Năm 1983 ông cũng là Bộ trưởng đầu tiên của các nước phương Tây thăm Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nói mục tiêu chính của Việt Nam là muốn giải quyết vấn đề Campuchia, hoà bình hợp tác ở Đông Dương và Đông Nam Á.

Giương cao lá cờ hoà bình và hợp tác, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã làm cho các nhà ngoại giao vô tư, có lương tâm ủng hộ Việt Nam. Sau đó Bộ trưởng ngoại giao Bill Hayden mời Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch thăm Úc, mặc dù bị phương Tây, Mỹ và Trung Quốc phản đối. Ông nói: “Cô lập Việt Nam không phải là lợi ích của Australia, đối thoại chứ không đối đầu rõ ràng là chìa khoá để có được an ninh tiến bộ” (Báo canberra times, 5/3/1984). Chuyến thăm của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch làm cho quan hệ hai nước được cải thiện, nâng cao vị thế của Việt Nam. Từ đó giúp ta giải toả vấn đề tại Liên hợp quốc, nơi mà Mỹ và Trung Quốc sử dụng Campuchia  như một con bài chống Việt Nam. Gặp gỡ người Australia và người Việt, Bộ trưởng đều muốn nêu bật chính sách hoà bình và hoà giải dân tộc. Thông qua đối thoại chứ không phải đang dùng sức mạnh quân sự, để cưỡng chiến lẫn nhau. Thông điệp trên được phát đi và phương Tây bắt đầu chuyển biến giúp Việt Nam phá thế bao vây để hội nhập quốc tế.

Cựu ngoại trưởng Gareth Erán nói: “Giờ đây các nghĩa trang đã trở thành đài tưởng niệm, chúng ta có thể khép lại quá khứ. Câu nói của Nguyễn Cơ Thạch có ý nghĩa rất quan trọng trong sự chuyển đổi để vượt qua quá khứ này. Vâng, ông ấy là nhà cách mạng dân tộc trung kiên, luôn kiên quyết bảo vệ các giá trị Việt Nam mà tất cả chúng tôi đều thừa nhận. Những thông điệp của ông về sự ôn hoà, về hợp tác, về nhu cầu phối hợp giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại mới là thông điệp quan trọng nhất sẽ mãi còn vang vọng” (Phỏng vấn của PV VOV gần đây - dẫn theo Đại sự Việt Nam Nguyễn Tất Thành tại Australia).

Những năm 80, sau khi đánh thắng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, năm 1979 chống bọn Pon Pot ở phía Nam và Trung Quốc ở phía Bắc, Việt Nam càng trở nên vĩ đại bao nhiêu, thì kinh tế càng khó khăn bấy nhiêu vì sự bao vây cấm vận của Mỹ, Trung Quốc và các nước khác. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã tả xung hữu đột trên mặt trận ngoại giao, mở con đường quan hệ với Mỹ. Vấn đề bình thường quan hệ giữa hai nước được tiến hành từ lúc đồng chí Nguyễn Cơ Thạch làm thứ trưởng. Đồng chí và Trợ lí ngoại trưởng Mỹ thảo luận từ 27/9/1978, mãi sau này mới có kết quả. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nhạy bén đặt vấn đề giải quyết người Mỹ mất tích trong Việt Nam (MIA). Từ vấn đề này, tạo điều kiện đối thoại và hoà giải giữa hai nước.

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng mở ra kênh ngoại giao khó khăn và mới mẻ, đó là giao nhiệm vụ cho các Đại sứ quán quan tâm đến kinh tế, thông tin kinh tế kịp thời, tạo nền tảng cho kinh tế đối ngoại phát triển. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cùng với đồng chí Lê Đức Thọ không ngại thực hiện đa phương hoá, đa dạng hoá ngoại giao về kinh tế, chính trị tại Việt Nam.

Khi gặp gỡ tiếp xúc với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, bao giờ đồng chí cũng muốn các nhà văn hóa, các nhà văn có ngoại ngữ thật tốt để làm sao có sự thay thế các tham tán văn hoá tại các nước. Khi nhà thơ Phạm Tiến Duật nói ý tưởng dùng ngoại giao văn hoá để quảng bá Việt Nam ra thế giới, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch tâm đắc nói: “Tôi rất ủng hộ điều này, nhưng các nhà văn phải tự học để có ngoại ngữ, đáp ứng nhu cầu ngoại giao”.

 Với chúng tôi, đồng chí kể lại những kỉ niệm tốt đẹp về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ và nói đó là những nhà ngoại giao lỗi lạc của Việt Nam.

Công tác đào tạo cán bộ thông qua việc tạo điều kiện tập sự các chức vụ công tác từ thấp đến cao cũng là những chủ trương lớn do đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đề xuất đến nay vẫn phát huy tác dụng. Đó là Quy chế tập sự chức vụ cấp Vụ, sau 5 năm là Quy chế tập sự cấp Bộ, qua đó kiểm tra cán bộ để đề bạt họ. Vì thế hầu hết các cán bộ ngoại giao đều trưởng thành và có thành tựu đáng tự hào. Đồng chí có tầm nhìn chiến lược về ngoại giao, về đào tạo, sử dụng xây dựng ngành ngoại giao. “Đồng chí là kiến trúc sư của ngành nền đối ngoại Việt Nam thời kì đổi mới” (Đại sứ Đặng Đình Quý). Nhận định về Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, các bộ truỏng Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyễn Duy Niên và Phó Thủ tướng Vũ Khoan đều nhận định: Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thach là một nhà ngoại giao xuất sắc của Việt Nam, có tầm nhìn chiến lược sâu rộng. Đánh giá về Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, đồng chí Bùi Thanh Sơn – Bộ trưởng Bộ ngoại giao viết: “Trong 60 năm hoạt động cách mạng ở nhiều nơi, trong đó gần 40 năm trong lĩnh vực đối ngoại, thấm đẫm chủ nghĩa yêu nước và truyền thống ngoại giao và hoà hữu của dân tộc, nắm vững đường lối đối ngoại của Đảng và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, bằng tư duy thông minh, sắc sảo với bản lĩnh dày dặn và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã để lại cho nền ngoại giao Việt Nam hiện đại một phong cách tư duy đối ngoại mang đậm tính đổi mới, sáng tạo vì lợi ích quốc gia, dân tộc”. (Trích bài viết của Bộ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn).

Với gia đình của mình, bà Phan Thị Phúc - phu nhân của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nói với chúng tôi: “Khi tôi gặp anh Thạch, bố tôi nghĩ làm cách mạng thì lấy tiền đâu nuôi sống vợ con và gia đình. Anh Thạch đã dẫn Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đến dạm hỏi tôi. Anh Thạch tự lái một chiếc xe com măng ca chở anh Giáp, xe lao xuống ruộng, may cả hai đều không sao. Anh Giáp đến giải thích với bố tôi: Cách mạng sẽ nuôi anh Thạch, cụ không lo. Sau lần gặp đó, chúng tôi cưới nhau.”

Nguyễn Cơ Thạch – Nhà ngoại giao hàng đầu của Việt Nam - 3

Gia đình Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng là người giáo dục con cái học hành đến nơi đến chốn. Lúc còn sống, dù giữ những chức vụ cao trong Chính phủ, cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch vẫn luôn để con cái tự đi trên đôi chân của mình, gia đình có ba người con đều trưởng thành. Phạm Bình Minh là con trai mà từ rất sớm Nguyễn Cơ Thạch đã hướng đến công tác ngoại giao.

Năm 1998, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch mất. Phạm Bình Minh, lúc đó còn là Phó Vụ trưởng, anh phấn đấu lên Vụ trưởng rồi được cán bộ trong ngành giới thiệu vào danh sách Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương năm 2006, năm 2011 anh là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, năm 2010 vào Bộ chính trị, giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ.

Có thể nói, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là một là một nhà ngoại giao xuất sắc bởi tầm nhìn chiến lược và sức mạnh trí tuệ, bản lĩnh cách mạng của đồng chí.

Theo Thời báo Văn học nghệ thuật số 20/2021

None

Vĩnh Quang Lê

Tin liên quan

Tin mới nhất

Những trải nghiệm tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng trên bước đường lập thân, lập nghiệp

Những trải nghiệm tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng trên bước đường lập thân, lập nghiệp

Cuốn nhật ký “Con đường Văn sĩ” là tác phẩm không chỉ dành cho những ai yêu văn chương của Nguyễn Huy Tưởng mà đó còn là kho tư liệu quý giá để hiểu về ông và rộng hơn là thế hệ nhà văn tiền chiến. Cuốn sách đặc biệt hướng đến độc giả trẻ tuổi – những người đang háo hức và băn khoăn, quả quyết và khắc khoải bước vào đời với những khát khao giống như bậc tiền nhân