Nguyễn Văn Hường và biện pháp vượt sông dưới mưa bom - Kỳ I

(Arttimes) - Những năm chống Mỹ, anh Nguyễn Văn Hường và những người cộng tác đã nhiều lần cải tiến thiết kế, sáng tạo ra những kiểu cầu dây vượt qua những con sông rộng hơn 200 mét chịu được trọng tải hơn chục tấn, trải qua nhiều năm liền bom đạn, địch đánh phá liên miên mà không hề trúng; tính ra đã cho thông xe hàng trăm nghìn lần chiếc, bảo đảm an toàn.

Nguyễn Văn Hường và biện pháp vượt sông dưới mưa bom - Kỳ I - 1
Đoàn xe vận tải trên đường Trường Sơn năm 1966. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

TRONG CĂN PHÒNG VNG Ở MOSKVA

Ở Moskva, căn phòng anh Hường nhìn ra một vườn trẻ đường phố. Những lúc thư thả, anh thường đến bên cửa sổ ngắm bọn trẻ chơi. Mùa đông, các em nghịch tuyết, vốc tuyết đuổi ném nhau hay nặn ông già Noel. Rồi một chuyến xe tải đến đổ xuống một đống cát thạch anh. Các em chuyển sang nghịch cát. Bọn con trai đào kênh qua “sa mạc”, còn mấy đứa con gái thì ngồi đổ “bánh” bằng “bột” cát, trong những cái khuôn nhựa.

Một mình trong gian phòng vắng, ngắm trò chơi con trẻ, anh thấy năm tháng đang trôi. Thế là thêm một năm nữa anh sống ở nước ngoài! Tháng trước, một đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đến Moskva. Anh biết tin một người bạn cũ đã hy sinh.

Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, anh Hường công tác ở cơ quan Bộ chỉ huy quân sự Tây Nguyên. Hết gạo, vào rừng đào củ mài. Hết muối, đốt cỏ tranh hòa nước. Trải lá làm nệm. Uống quinine đắng tận mang tai. Các chiến sĩ tuyên truyền vũ trang tiến vào buôn Thồ Lồ cao tít theo những con đường voi đi. Những buổi tối, bên bếp lửa nhà rông, khoác một tấm chăn bằng vỏ cây đập tơi ra, anh kể chuyện Hà Nội, chuyện Bác Hồ. Anh vốn là học sinh Trường Bưởi ngày đầu Cách mạng Tháng Tám. Hôm anh rời Tây Nguyên ra Bắc, đồng bào, đồng đội tiễn chân anh qua những đồi tranh cao lút đầu người...

Đã mười mấy năm rồi! Và bây giờ, nhiều người quen cũ không còn nữa! Anh cảm thấy mình không sao có thể ngồi mãi trong thư viện nước ngoài, Anh quyết định viết xong bản luận án tiến sĩ kỹ thuật trước thời hạn nửa năm và coi đó như một món quà nhỏ tặng miền Nam. Buổi bảo vệ luận án đạt kết quả tốt: 100% các vị trong hội đồng khoa học bỏ phiếu thuận, VS Rzhanitsyn ôm chầm lấy anh:

- Về nước, anh nên dành thì giờ để phát triển những phần còn làm dở dang, nghiên cứu tiếp những vấn đề còn gác lại khi viết luận án. Chắc chắn đó sẽ là một đóng góp độc đáo - ông nhấn mạnh hai tiếng “độc đáo” - cho cơ học kết cấu. Không nên để tài năng của anh mai một đi vì công việc sự vụ. Chúc anh thành công, đạt đỉnh cao khoa học!

Nghe lời khuyên của một người thầy chí tình và sáng suốt, anh mỉm cười lặng lẽ. Đạt đỉnh cao khoa học! Đó chính là mơ ước của anh. Nhưng còn nghĩa vụ đối với cuộc chiến đấu của dân tộc?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ VƯỢT SÔNG TRONG VÙNG CÓ CHIẾN SỰ

Như đã định, về Hà Nội anh viết đơn xin trở lại miền Nam. Nhưng rồi lại được phân công về trường cũ, Trường đại học Xây dựng Hà Nội. Bộ môn cơ học kết cấu đang phấn đấu để trở thành tổ lao động xã hội chủ nghĩa. Thấy đồng chí phụ trách trở về, anh em vui lắm:

- Bộ môn ta đang yếu về nghiên cứu khoa học. Bọn chúng tôi như những tay súng dân quân. Có anh về chẳng khác nào có bộ đội chính quy về giúp. Nhất định sẽ làm ăn được!

Anh em tin tưởng. Nhưng nghiên cứu gì bây giờ? Giao thông - vận tải đang là nhiệm vụ trung tâm đột xuất số một. Anh Hường đến “gõ cửa” Bộ Giao thông - vận tải “xin" việc. Các đồng chí ở Bộ liền mời anh tham gia Ban nghiên cứu biện pháp vượt sông.

Bọn Mỹ cố băm nát các tuyến đường chiến lược của ta. Cầu gãy. Bến sông bị đánh đêm ngày. Thoáng thấy một dấu hiệu nhỏ tỏ ra ta định chữa cầu - một đống cát, vài bao xi măng, dám ba cái rầm sắt - là chúng xóa ngay. Phải tìm được loại cầu gì máy bay khó phát hiện và khó đánh trúng, dễ thi công, dễ tháo lắp, giúp xe ta vượt sông trong mùa lũ. Cầu phao? Dễ bị nước cuốn, Cầu ngầm? Lũ dâng lút xe. Dùng cáp làm cầu dây? Loại cầu này không có bộ phận chạm nước nên không sợ lũ. Ý kiến táo bạo! Nhưng chưa ai hình dung được nó nên có dạng như thế nào và, nhất là, phải tính toán, thiết kế ra sao, mặc dù đã có một tờ tạp chí nước ngoài nói qua, rất sơ sài.

Bộ giao cho anh Hường nhiệm vụ lựa chọn phương pháp tính toán về dây và mố giữ dây ở hai bên bờ, đồng thời, hướng dẫn thiết kế những phương án cầu thí nghiệm. Cái mắc trong việc thiết kế ở đây là dùng dây thay cho rầm cứng, nên không thể áp dụng định luật cộng tác dụng của lực trong khi tính toán. Tính toán kết cấu, mà không được dùng định luật này, thì cũng chẳng khác nào ăn cơm ta, cơm Tàu mà không được dùng đũa!

Nhưng rồi khó khăn cũng được giải quyết. Bản thiết kế được duyệt và đem ra thi công gấp. Chiếc cầu dây thứ nhất ra đời. Có thể kéo xe qua sông trên cáp. Nhưng có nhược điểm: Phải kéo bằng tời quay tay, vất vả và quá chậm, lưu lượng xe qua cầu quá nhỏ. Bom, rốckét, bao nhiêu nguy hiểm có thể ập tới trong khi xe chờ vượt sông?

Để giải quyết khó khăn này, anh đề nghị lợi dụng máy nổ ôtô để quay tời thay người và nêu ra những nét lớn về cách truyền lực. Bộ Giao thông - vận tải liền giao việc thiết kế cụ thể cho anh và một số kỹ sư trong bộ môn của anh. Anh phân vân.

- Việc này khó, nhưng có lẽ ta vẫn nhận được, anh nhỉ? Một cán bộ giảng, dạy trẻ, ngạc nhiên trước sự phân vân hiếm thấy ở anh Hường, rụt rè hỏi.

- Không đến nỗi khó, nhưng là việc của cơ khí, quá xa lạ đốl với chuyên môn của ta.

- Ta có thể mượn sách và hỏi thêm anh em bên bộ môn chi tiết máy?

- Tất nhiên, cũng làm được thôi... Nhưng... một khi đã sa vào rồi, thì đâu còn thì giờ và tâm trí mà làm việc gì khác nữa!

Đọc một cuốn sách nghìn trang đôi khi lại không ngại bằng xem một bài báo ngắn! Cái ngại ở đây không phải là ngại khó. Những nhà khoa học giàu sáng tạo, không ngại khó. Vì họ biết rằng, vượt qua những trái núi khó khăn, rất có thể sẽ tìm thấy cả một vùng đất lạ, hay ít ra cũng tiến xa hơn trên con đường mình chọn. Nhung nếu rẽ vào ngõ cụt, loay hoay trong đó để rồi, cuối cùng, lại quay về đường cũ thì lại ngại!

Nghiên cứu các vấn đề lý luận hiện đại của cơ học kết cấu, càng khó anh Hường càng say. Nhưng, đây chỉ là việc thiết kế bộ phận truyền lực, thuộc chuyên môn của ngành cơ khí, rất trái tay đối với anh. Công sức bỏ ra chắc chắn là nhiều, mà giá trị khoa học thi không chắc đã tương xứng.

Khi viết luận án, anh còn gác lại một số phần đang nghiên cứu dở dang. Đó là những vấn đề lý luận rất mới về kết cấu phức tạp, cần cho công nghiệp hàng không, nếu giải quyết được, sẽ có tiếng vang ở nước ngoài. Trước hôm anh rời Moskva, VS Rzhanitsyn đã thiết tha khuyên anh đừng bỏ dở.

Dành thì giờ để phát triển luận án hay để nghiên cứu phục vụ nhiệm vụ trước mắt? Câu hỏi đó, anh tưởng mình đã tự giải quyết xong xuôi, từ lâu rồi, nào ngờ giờ đây, nó vẫn còn khiến anh phải phân vân...

ĐẶT CHÂN VÀO MIỀN "ĐẤT LẠ" CỦA CƠ HỌC

Nhưng anh không có thì gìờ để phân vân lâu. Phương án cầu dây phải hoàn chỉnh gấp để đem dùng trong vùng có chiến sự.

Công việc nghiên cứu và thí nghiệm đang tiến triển, thì một sự kiện xảy tới làm cho vấn đề hầu như phải đặt lại từ đầu!

Đó là việc bảo đảm an toàn cho xe lăn bánh trên dây. Cứ tăng tải trọng đến một mức nhất định là xe bắt đầu nghiêng ngả như người say rượu, đi không vững nữa. Và đã có lần cả người lẫn xe lộn nhào xuống sông! May mà lái xe biết bơi và cửa buồng lái mở sẵn.

Rất nhiều ý kiến âm ỉ từ lâu bỗng bùng lên gay gắt:

- Tôi cho là xe lật vì mố buộc dây ở hai bờ tuột.

- Khẩu độ vượt bằng dây chỉ hữu hạn thôi. Không thể xa quá được!

Và đây là ý kiến của một nhà chuyên môn dày kinh nghiệm, ông nói chậm, rõ, hoàn toàn tự tin:

- Tôi thấy một số đồng chí đã vi phạm một nguyên tắc kỹ thuật lớn. Mọi phương pháp từ trước đến nay trên thế giới về chuyển tải bằng dây đều phải treo tải trọng dưới dây. Trong khi đó một số đồng chí ta lại đặt trọng tâm của vật nặng cao hơn dây. - Ông nhấn mạnh những từ quan trọng và khẽ nhún vai. Thật là một sự “sáng tạo” kỳ quặc!

Nhiều người tán thành ý kiến ấy. Có tiếng xì xào:

- Có lẽ nên chấm dứt cái “trò đùa trẻ con" đó đi thôi!

Anh Hường lúc ấy là cán bộ biệt phái của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp sang giúp ngành giao thông, tất nhiên, ban đầu rất khó “ăn cánh” với các cán bộ kỹ thuật “kỳ cựu” bên ấy, nhất là khi xảy ra sự cố.

Phải tìm rõ nguyên nhân xe lật. Mố buộc dây có tuột không? Kết quả kiểm tra bằng máy cho biết: không tuột. Vậy thì nguyên nhân chính của sự mất ổn định, ở đây, chỉ có thể là tính đàn hồi của dây. Do đó, về mặt lý luận, phải giải quyết vấn đề tính toán sự ổn định của vật nặng trên dây đàn hồi.

Đúng, ta cho xe chạy trên dây là một việc hiếm có trong lịch sử chuyển tải bằng dây. Nhưng, công tác cách mạng, phải có biện pháp cách mạng mới đáp ứng nổi. Có nên khư khư giữ đúng mọi quy phạm kinh điển đối với một việc có tính chất cách mạng không? Hay, ngược lại, phải tìm ra quy luật mới của nó? Phải đẩy mặt lý luận về ổn định lên lặp thực tế Việt Nam. Chứ đâu phải dựa vào lề lối cũ để hạn chế nó? Vi phạm nguyên tắc kinh điển ư? Thì có sự sáng tạo thật sự nào mà lại không ít nhiều vi phạm những nguyên tắc sẵn có, đã được giảng dạy trong các trường kỹ sư?

Thế nhưng nhà khoa học cũng không phải một người “dám làm” mù quáng! Sự mạnh dạn cách mạng trong biện pháp phải đi đôi với sự cẩn thận chi ly trong lý luận. Nếu chỉ thiên về lý luận, mà thiếu biện pháp mạnh dạn, thì dễ bảo thủ, gò bó, thiếu sức sống. Nhưng, nếu chỉ thiên về biện pháp mạnh dạn, mà coi nhẹ mặt lý luận, thì rất dễ mất phương hướng, giản đơn, hời hợt.

Tính toán sự ổn định của vật nặng trên dây đàn hồi là một việc mới, cho nên chưa có một tác giả nào trong nước hay nước ngoài đề cập đến. Đặt chân vào vùng đất lạ, anh Hường cảm thấy say mê. Trong lĩnh vực nghiên cứu phục vụ những nhiệm vụ trước mắt, không phải không có “đất” cho sự sáng tạo cơ bản!

Sau nhiều lần mò mẫm, anh lập được những phương trình tính tải trọng tới hạn về mặt ổn định của dây, áp dụng cho mọi loại tải trọng đặt trên dây, mọi loại dây đàn hồi, mọi loại khẩu độ.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Phan Trọng Tuệ là một vị tướng tóc điểm bạc, một nhà lãnh đạo xông xáo và quả quyết, ông động viên sự sáng tạo mạnh dạn và chỉ thị tiếp tục cuộc thí nghiệm cầu dây, bất chấp mọi trắc trở! (Còn tiếp)

Theo "Tri thức tinh hoa Việt Nam đương đại, một số chân dung" - Hàm Châu, NXB Trẻ, 2014)

Tin liên quan

Tin mới nhất