Nguyễn Văn Hường và biện pháp vượt sông dưới mưa bom - Kỳ II

(Arttimes) - Những năm chống Mỹ, anh Nguyễn Văn Hường và những người cộng tác đã nhiều lần cải tiến thiết kế, sáng tạo ra những kiểu cầu dây vượt qua những con sông rộng hơn 200 mét chịu được trọng tải hơn chục tấn, trải qua nhiều năm liền bom đạn, địch đánh phá liên miên mà không hề trúng; tính ra đã cho thông xe hàng trăm nghìn lần chiếc, bảo đảm an toàn.

(Tiếp theo Kỳ I và hết)

THỬ NGHIỆM CẦU DÂY, LOẠI CẦU CHƯA TỪNG CÓ TRÊN THẾ GIỚI

Một cầu dây mới được lắp xong.

Nhìn kỹ một cài cầu ôtô bình thường bắc qua một con sông không rộng, ta thấy ngoài hai mố cầu ở hai bờ, thường còn có vài ba trụ cầu ở gữa sông. Có thể là trụ đá xây, trụ bê tông hay trụ gỗ, trụ tà vẹt chồng... Nối liền hai trụ cầu là nhịp cầu. Mỗi nhịp cầu có nhiều rầm dọc, rầm ngang. Phía trên rầm là mặt cầu. Và trên nữa là giàn cầu.

Cầu dây lúc mới đầu cấu tạo tột cùng đơn giản, chỉ gồm hai mố buộc cáp, và hai sợi cáp. Trong lần thí nghiệm đầu tiên phải dùng tời kéo xe qua. Đến lần này, lái xe thẳng qua. Một đồng chí lál xe quân đội xung phong. Xe nổ máy. Anh Hường nhảy lên buồng lái, cùng ngồi với lái xe. Cửa xe để ngỏ. Bánh xe được vít thêm một vành sắt giữ cho khỏi trật cáp. Xe từ từ lên cầu. Bánh xe bập vào cáp kêu két két, nghe rít lên dễ sợ. Cáp võng...

Qua tấm kính buồng lái, khi sang sông, tử trước tới nay, người lái xe bao giờ cũng nhìn thấy một mặt cầu bê tông, tráng nhựa, lát ván hay lát tấm kim loại. Xe qua cầu, chạy dưới giàn cầu bằng sắt, hay ít ra cũng chạy giữa hai hàng tạy vịn. Anh lái xe yên tâm, xe không thể lật xuống sông.

Đây là lần đầu tiên trước mặt người lái xe chỉ có... hai sợi cáp đen mờ, chơi vơi, lơ lửng giữa không trung, cách mặt nước hàng chục mét! Một chiếc xe tải sáu, bảy tấn chạy trên cáp trông còn dễ sợ hơn cả chiếc xe đạp của người làm xiếc lăn trên dây! vì nhìn xuống, nhìn sang phải, nhìn sang trái đều chỉ nhìn thấy một màu sông xanh rợn.

- Nếu bây giờ anh Hường đánh rơi cái bật lửa thì nó sẽ tõm xuống sông! - Anh lái xe quân đội nhìn thẳng, nói.

- Nhưng xe thì chẳng sao đâu! - Anh Hường mỉm cười.

Cáp đung đưa, ngồi trong cabin như ngồi trên thuyền đi biển.

- Ái chà chà, nguy hiểm thật!

- Trông thì tưởng là nguy hiểm...

- Anh đánh cuộc với tôi là không việc gì nào!

- Một bao “Điện Biên” nhé?

- Không, một tút cơ!

Các vị lãnh đạo, các cán bộ kỹ thuật, công binh, lái xe, công nhân cầu đứng chật hai bờ, nín thở. Chiếc xe tải chầm chậm lăn bánh vào bờ, Thật ra không đến nỗi chậm. Nhưng trong cảm giác của những người chờ đợi thì chậm kinh người.

Thở phào. Nhiều người xúm quanh buồng lái. Cánh lái xe sấn vào gần nhất.

- Tránh ra nào! - Anh lái xe cười hì hì. Gớm, cứ như Gagarin du hành Vũ trụ trở về...

- Xong rồi chứ? Xuống uống với anh em chén trà!

- Ồ chưa, Tớ còn muốn vòng xe lại, qua cầu một lần nữa.

Anh em lái xe đua nhau thử tay lái trên cầu dây. Không có gì đáng tiếc xảy ra. Kể cả một anh lái xe trẻ mới vào nghề có bảy hôm.

- Có lẽ từ nay, trong bằng lái xe của Việt Nam, nên chứng nhận thêm: “đã qua cầu dây”. - Anh lái trẻ thích thú nói.

Như vậy là các cuộc thí nghiệm ở phòng thí nghiệm và trên hiện trường đã xác minh các phương trình ổn định của vật nặng trên dây đàn hồi do anh Hường nghĩ ra là đúng. Các phương trình ấy được lấy làm cơ sở cho việc thiết kế cầu dây.

Nguyễn Văn Hường và biện pháp vượt sông dưới mưa bom - Kỳ II - 1
Cầu cáp 10 dây dài 240m bắc ngang qua sông Đáy trên những chiếc cầu cũ đã bị bom địch phá vỡ, quãng Đoan Vĩ, đảm bảo cho xe trọng tải tới 12 tấn vượt qua. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)

THIẾT KẾ, CHỈ ĐẠO THI CÔNG CẦU DÂY Ở NƠI BOM ĐẠN

Chiếc commăngca chở một số cán bộ Bộ Giao thông - vận tải và anh Hường tiến sâu về phía nam Quảng Bình. Theo yêu cầu của Bộ, anh đi tham gia khảo sát và thiết kế tại chỗ một số cầu dây trên các tuyến đường chiến lược miền Trung và mở lớp huấn luyện cho các kỹ sư và cán bộ kỹ thuật các tỉnh vùng khu IV cũ về thiết kế và thi công cầu dây.

Đi vào vùng bị địch đánh phá ác liệt, lúc đầu anh cảm thấy hơi ngại. Nhưng rồi sự đòi hỏi của công việc và nhất là sự dũng cảm giản dị, vô danh của những người mà anh gặp khiến anh quên hết hiểm nguy. Đó là những anh lái xe sống chết với xe, những anh công binh chở phà, bắc cằu dưới pháo sáng và bom đạn địch, những 0 thanh niên xung phong mở đường, chữa đường.

Đại đội xung kích Thăng Long - một đại đội thanh niên xung phong của Hà Nội làm đường ở vùng thượng nguồn sông Nhật Lệ. Mỗi đội viên được “chìa" một số khối lượng bom đạn gấp ba lần lương ăn. Bom nổ, nhưng tiếng mìn mở đường còn nổ to hơn.

Sống giữa tập thể rộng lớn của những con người đang chiến đấu - những người sống không phải cho cá nhân mình - anh lại cảm thấy rạo rực những tình cảm cũ, những tình cảm cách mạng say sưa tươi sáng cửa một học sinh Trường Bưởi lên đường Nam tiến khi “tiếng súng vang sông núi miền Nam". Những tình cảm ấy chưa bao giờ mất trong lòng anh, những có phần nào phai nhạt đi sau nhiều năm sống xa nước, trong sung túc hòa bình. Lòng căm giận quân thù trước kia lờ mờ, gián tiếp, nay thấm thìa, cụ thể.

Chiếc commăngca nhảy chồm chồm trên đoạn đường mới chữa, bỗng hãm rít lại, từ từ xuống ngầm N. Con suối phải rộng đến mươi mét. Xe rẽ nước ào ào. Mùa khô, nước chỉ róc rách qua kẽ đá lát ngầm. Mùa này, nước ngập hết bánh xe.

- Hỏng bét rồi! - Anh lái xe bỗng gạt tay phanh.

Một chiếc Zil hai cầu lún bánh giữa ngầm, cả đoàn xe dừng lại. Mưa bắt đầu lộp bộp trên mui bạt commăngca. 30 phút chậm chạp trôi qua. Đường vẫn tắc. Lũ dâng nhanh, cuốn ào ào cả cây cành, lau lách. Chiếc commăngca lọt giữa dòng nước xiết, tiến lui đều kẹt.

- Xe ta bé, may ra vượt được đấy? - Anh Hường nói.

- Khó lắm... Nhưng cứ nằm chờ chết ở đây, thì rồi cũng đến bị lũ cuốn trôi.

Vừa nói anh lái vừa dận ga, bẻ ngoặt tay lái. Chiếc xe men bờ ngầm, vượt lên, nghiêng tưởng đổ, nhưng rồi cũng vượt qua được chiếc Zil. Ậm ạch bò khỏi bờ suối được một quãng thì bỗng nghe tiếng ơi ới của anh chàng lái xe Zil gọi thanh niên xung phong đến cứu chiếc xe đang bị lũ xô đi.

- Thật đúng là “thảm cảnh ngầm”!

Mấy tiếng “thảm cảnh ngầm” anh Hường đã từng nghe nhiều lần trong các buổi họp bàn biện pháp vượt sông, nhưng giờ đây mới nhìn thấy tận mắt.

Ngầm nguy hiểm cho lái xe mà lại khổ cho thanh niên xung phong quá, anh ạ - anh lái xe trầm ngâm nói. Rét 4 độ, ngâm mình cả đêm dưới suối, xếp đá được dăm, sáu tấc. Sáng hôm sau, lũ cuốn sạch! Một đoạn ngầm vài chục mét ngốn hàng nùi đá! Thanh niên xung phong nghĩ cách đóng cọc dưới lòng suối, đan rọ sắt “nhốt” đá vào, và từ mỗi cái rọ, néo một sợi dây lên bờ. Thế mà lũ dỡ đi từng mảng. Con lũ thúc cả những cây gỗ to như cây cột đình lao băng băng vào thành ngầm, làm gì mà chẳng đi tong... Thật là thảm cảnh ngầm!

Rõ ràng ngầm không bảo đảm vượt suối trong mùa lũ. Còn làm cầu bêtông thì tốn vật liệu, tốn công, mất nhiều thì giờ, mà chỉ một phát rốckét là đi đứt. cầu dây tránh được những chỗ yếu đó. Không có một bộ phận nào chạm nước, cầu dây không sợ lũ cuốn trôi. Diện tích cầu rất nhỏ, địch khó phát hiện và đánh trúng. Mà có bị đánh trúng thì làm lại cũng dễ thôi.

Càng đi về phương nam, càng thấy cây cối đổ, cháy. Trên đầu lúc nào cũng treo lơ lửng ba tầng đèn dù. Máy bay trinh sát L-19 vè vè rất khó chịu.

Chiếc commăngca chở anh Hường đến bờ bắc sông Cà Tang vào lúc 2 giờ sáng. Con sông rộng, chảy giữa hai triền núi dốc. Bờ sông, lau sậy hoang vu. Không còn một mái nhà sàn. Các bản người Thượng đã bỏ vào rừng sâu. Đây là một trong những điểm địch đánh phá ác liệt nhất, nếu làm cầu dây ở đây thành công thì sẽ gây được niềm tin cho các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và công nhân cầu. Và sẽ có những kinh nghiệm quý để chỉ đạo “chiến dịch” làm cầu dây trên các tuyến đường chiến lược.

Mưa vẫn chưa ngớt. Nước sông to và xiết. Ngầm quá sâu, xe không qua được. Thế là hàng trăm chiếc ùn lại ở hai bờ.

Sau này, tại Đại hội Thi đua của ngành đại học, anh Hường kể lại ý nghĩ của anh lúc ấy:

“Nhìn đoàn xe dài dằng dặc đứng im dưới mưa to và pháo sáng, tôi cảm thấy lòng đau như cắt. Để giảm bớt vất vả, nguy hiểm cho đồng chí của mình, các cán bộ khoa học, kỹ thuật chúng ta đã làm được những gì? Thật ít ỏi quá! Sực nhớ lại những đắn đo, do dự trước kia, tôi giận mình vô hạn, thấy mình có lỗi vô cùng. Nếu cầu dây được làm sớm hơn, thì đâu đến nỗi?...".

Để nhanh chóng nắm được những số liệu cần thiết cho việc thiết kế cầu dây, cần phải vượt sông ngay. Nhưng lũ vẫn chưa chịu rút, xe không sang ngầm được. Đò thì dọc bờ chẳng thấy một bóng. Chỉ còn cách ngược lên phía nguồn, tìm một chỗ nước chảy vừa phải và địch không ngờ tới, bơi qua sông.

Thời còn học Trường Quốc học Huế, anh Hường là một tay bơi đẹp, dai sức, dễ dàng bơi ếch qua sông Hương đoạn phía dưới cầu Bạch Hổ. Nhưng đã nhiều năm xa sông nước. Nếu đôi lúc có vui bạn nhảy xuống bơi thì cũng chẳng qua là tráng nước bể bơi khách sạn một chút thôi.

Đoạn sông Cà Tang này khá rộng. Gió bấc chạy rạp bờ lau. Rẽ nước bằng những sải dài, anh vượt qua hai phần sông không khó lắm. Bỗng thấy trước mặt một luồng lau sậy và những tảng bọt ngầu xốp trôi băng băng. Chà, làm thế nào vượt qua cái luồng xiết này? Không khéo có thể bị nó cuốn vào vực xoáy. Hít một hơi thật dài, anh chuyển từ bơi ếch sang bơi sải, rẽ chếch sang bờ nam...

Ngay chiều hôm ấy, trở về công trường đầu cầu, anh bắt tay thiết kế chiếc cầu dây qua sông Cà Tang, gần đèo Mụ Giạ, một chiếc cầu dây vào loại khó nhất. Công trường nằm trong đoạn đường hầm xuyên qua một trái núi lớn. Nhìn ra chỉ thấy một khoảng trời bằng cái vòm cửa. Suốt ngày nghe tiếng máy bay và tiếng bom rền.

Anh không ngờ rằng, chính ở nơi đây, xa thư viện, không có máy tính điện tử, anh lại giải quyết được những khó khăn về học thuật mà lúc còn ở Hà Nội anh chưa giải quyết nổi: Thiết lập được một số phương trình mới về ổn định dây mềm chính xác hơn. Các phương trình này trước kia chưa thiết lập được, một phần do yêu cầu cấp bách phải thiết kế ngay, nên chưa có thì giờ, nhưng phần chính là do khó khăn về thuật toán, nên đành phải lấy những số hạng đầu thay cho chuỗi vô tận của lời giải. Nay do đòi hỏi mới (cần phải bắc ván cho mọi loại xe chạy qua, chứ không phải chỉ gồm có hai dây, chỉ phù hợp với những loại xe cùng cỡ) nếu dùng các phương trình gần đúng cũ, thì không phù hợp nữa.

Chứng minh được một chuỗi tận hội tụ thành phương trình hữu hạn, và cuối cùng, thiết lập được những phương trình mới chính xác hơn về ổn định cầu dây, khó khăn đó anh đã giải quyết được sau cái đêm tận mắt thấy hàng trăm xe dăng hàng chờ vượt sông đứng im dưới mưa to và pháo sáng...

Trận lũ vừa qua làm anh Hường nhớ lại cảnh lũ ở các suối Tây Nguyên. Đã có những lần anh và đồng đội đành ngồi bên bờ suối, nhịn đói. Chỉ cần trèo lên một ngọn cây không cao lắm là đã thấy rõ những mái tranh bạc trắng của khu nhà Bộ chỉ huy quân sự Tây Nguyên cạnh cái nhà rông của buôn. Nhưng không có cách gì vượt suối lũ!

Chắc anh em ta ở Tây Nguyên giờ đây vẫn còn lâm vào cảnh ấy. Để vượt qua những con suối đó, cầu dây tiện lợi biết bao! Đúng, cầu dây phải được hoàn thiện hơn, thi công dễ dàng hơn, sử dụng an toàn hơn để phổ biến vào miền Nam đang chiến đấu gian nan, nhất là vào Tây Nguyên, nơi anh đã sống trong mấy năm đầu Nam tiến...

Chỉ ba hôm sau, ngay bên đèo Mụ Giạ, bản thiết kế chiếc cầu dây vào loại khó nhất được vẽ xong...

Những năm chống Mỹ, anh Nguyễn Văn Hường và những người cộng tác như Đỗ Quốc Sam (về sau là Bộ trưởng), Trần Lưu Chương, Bùi Khương, Lều Thọ Trình... đã nhiều lần cải tiến thiết kế, sáng tạo ra những kiểu cầu dây vượt qua những con sông rộng hơn 200 mét, chịu được xe tải chở nặng hơn 10 tấn và kéo theo moóc nặng gần 5 tấn. Đó là chưa kể kiểu cầu dây chuyển tải cả toa tàu hỏa 40 tấn. Nhiều chiếc cầu dây, do các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và công nhân của quân đội và của ngành Giao thông - vận tải nước ta thi công, trải qua nhiều năm liền bom đạn, địch đánh phá liên miên mà không hề trúng; tính ra đã cho thông xe hàng trăm nghìn lần chiếc, bảo đảm an toàn.

Sau ngày đất nước thống nhất, anh Hường đã thông báo một số kết quả nghiên cứu của mình về Lý thuyết ổn định trên dây đàn hồi tại Hội nghị Cơ học quốc tế ở Warszawa, khiến nhiều nhà cơ học nước ngoài ngạc nhiên.

Nhà khoa học hết lòng vì lợi ích đất nước ấy xứng được cử tri Hà Nội tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa IV, và năm 1980, được Nhà nước ta công nhận đợt I chức danh giáo sư liên ngành xây dựng - giao thông - thủy lợi cùng một đợt với các ông Đặng Hữu, Đỗ Quốc Sam, Nguyễn Văn Cung.

Nhiều năm sau đó, GS.TS Nguyễn Văn Hường giữ chức vụ phó chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, phụ trách lĩnh vực khoa học và giáo dục, làm việc bên cạnh Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp.

GS.TS Nguyễn Văn Hường sinh ngày 2/7/1927 tại xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, là cháu đích tôn của cụ phó bảng Nguyễn Văn Chấn, con trưởng cụ cử nhân Nho học Nguyễn Văn Hạp.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông được điều động từ Bộ chỉ huy quân sự Tây Nguyên ra Việt Bắc, đi bộ dọc đường Trường Sơn đến Định Hóa (Thái Nguyên), nhận công tác tại Văn phòng Tổng Bí thư Trường Chinh.

Sau đó, ông chuyển sang ngành quân giới, trở thành người cộng sự gần gũi của Thiếu tướng, Kỹ sư Trần Đại Nghĩa trong việc nghiên cứu tìm biện pháp luyện được mỏ thép đầu tiên từ quặng sẳt ở chiến khu Việt Bắc để ta có thể chủ động về vật liệu khi chế tạo súng SKZ, Bazooka vì thép đường ray “tiêu thổ kháng chiến" không còn nữa.

Rồi ông được cử sang học kỹ sư ở Vũ Hán, Trung Quốc, viết luận án tiến sĩ ở Moskva, Liên Xô.

Ông qua đời ngày 25/12/1996 tại Hà Nội trong niềm tiếc thương của giới khoa học Việt Nam.

Theo "Tri thức tinh hoa Việt Nam đương đại, một số chân dung" - Hàm Châu, NXB Trẻ, 2014)

Tin liên quan

Tin mới nhất