Nhà sưu tập tranh Phan Chí Hiếu: Tôi tự hào vì có tranh “độc bản” của Vichit Nongnual

(Arttimes) - Vốn chỉ tự nhận là người yêu và thích nghệ thuật hội họa, chưa đạt tầm nhà sưu tập, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Phan Chí Hiếu đã gom được kha khá tác phẩm. Anh chăm chút, nâng niu và tươi cười hớn hở như trẻ nhỏ nhận quà khi tìm mua được một tác phẩm ưng ý. Biết tin anh được họa sĩ Vichit Nongnual từ Thái Lan “gửi gắm” đứa con tinh thần đắc ý của mình, ai cũng mừng và không ít người còn “ghen tị” với Phan Chí Hiếu.

PV: Triển lãm “Diện mạo châu Á” của Vichit Nongnual tại Hà Nội hồi tháng 2/2019 vẫn còn được giới yêu thích mỹ thuật Việt nhắc tới bởi những ấn tượng mà họa sĩ Thái mang lại. Những tác phẩm của ông có sức công phá mãnh liệt bởi ý tưởng, chất liệu cũng như phong cách nghệ thuật… Cơ duyên nào mà anh có được tác phẩm của Vichit Nongnual vậy?

Phan Chí Hiếu: Đó thực sự là một tình cờ, nhưng là tình cờ có chủ đích. Lần đầu tiên tiếp cận trực tiếp tác phẩm của Vichit Nongnual tại Việt Nam khiến tôi như bị thôi miên. Với tôi, những tác phẩm của ông ấn tượng đến mức sững sờ, ám ảnh đến mê hoặc. Rõ ràng, cũng những nét vẽ ấy, cùng những khuôn mặt Á đông ấy, mà tranh của ông lại vừa truyền thống, vừa hiện đại; không hẳn Đông phương cũng không hẳn Tây phương. Nó kỳ dị, nó ma mị; Những đôi mắt, đích thị là những đôi mắt, nó đóng đinh cảm xúc người xem. Dần dần, tìm hiểu kỹ về ông hơn, thấy tranh của ông được chào đón ở khắp nơi, được sưu tập khắp bốn phương, tôi càng hiểu, thì ra, “trường” tác phẩm của Vichit Nongnual là cực lớn…

Nhà sưu tập tranh Phan Chí Hiếu: Tôi tự hào vì có tranh “độc bản” của Vichit Nongnual - 1

T

ác phẩm “bản năng” của Vichit Nongnual – Sưu tập: Phan Chí Hiếu

PV: Và khi biết như vậy anh liền “xuống tiền” mua tác phẩm của ông?

Phan Chí Hiếu: (Cười) Nếu được thế thì tôi đã đích thực là nhà sưu tập hàng “top” về trình thẩm tranh và tiềm lực tài chính rồi. Trường hợp tôi lại khác. Tôi nhẩn nha yêu Vichit, tự một mình âm thầm “ngấm” ông. Nếu như Việt Nam chịu ảnh hưởng của hội họa Pháp từ cái nôi trường Mỹ thuật Đông Dương thì Thái Lan bị hội họa Italy chi phối khá rõ. Nghệ thuật đương đại của xứ sở chùa Vàng thường chú ý vào chi tiết, có rất nhiều yếu tố décor và tranh của Vichit Nongnual cũng vậy. Ông đã khéo léo kết hợp nghệ thuật trang trí vào các bức tranh của mình. Tranh của ông dày đặc hoa văn mang truyền thống dân tộc trên từng đường cong. Chủ đề diện mạo châu Á mà họa sĩ thiết lập có âm hưởng trầm mặc, với nét mặt tưởng như vô cảm nhưng ánh nhìn lại trực diện, như khoan thẳng vào tâm trí người xem, và dường như đang đối thoại cùng ta. Thêm nữa, theo Vichit Nongnual, nghệ thuật là cái đẹp, là những điều tích cực trong cuộc sống. Với họa sĩ, cái gì xấu thông qua lăng kính nghệ thuật của ông cũng có thể trở thành tốt đẹp, nhờ giá trị nó gợi lên đối với mỗi con người. Xem tranh ông, phải “bóc” được lớp vỏ dung nhan thuần túy để cảm được chiều sâu ý tưởng. Tôi thấy thông điệp nghệ thuật của Vichit rất gần gũi với mình. Và không hiểu tự lúc nào, tôi ao ước, rằng sẽ có lúc mình hội đủ mọi điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để sở hữu đích đáng tác phẩm độc bản của ông.

PV: Theo tôi được biết, tranh Vichit Nongnual hiện phổ cập trên các sàn đấu giá tranh uy tín, các gallery danh tiếng trên thế giới cũng sưu tập và bán ra khá nhiều. Đâu có khó để anh mua?

Phan Chí Hiếu: Đúng là không khó để mua tranh Vichit Nongnual. Họa sĩ người Thái Lan này có nhiều style tranh khác nhau. Thậm chí, có thể đặt mua tranh ông theo từng kích cỡ phù hợp với nội thất. Nhưng lâu nay, tôi luôn mua tranh theo trực giác. Bức tranh tôi mua chưa hẳn là đắt hoặc đẹp trong mắt người khác, nhưng đó là bức tôi thích, và quan trọng phải là độc bản. 

Nhà sưu tập tranh Phan Chí Hiếu: Tôi tự hào vì có tranh “độc bản” của Vichit Nongnual - 2

PV: Trở lại với tác phẩm “Bản năng” của Vichit Nongnual mà anh vừa sở hữu. Anh có được nó như thế nào?

Phan Chí Hiếu: “Bản năng” là tác phẩm có kích thước lớn nhất (195x300cm) và là tác phẩm “đinh” trong triển lãm “Diện mạo châu Á” ông từng giới thiệu ở Việt Nam. Toàn tranh theo tông đỏ, chất liệu arcylic và sơn trên toan. Tôi ấn tượng bởi bố cục kỳ lạ và vẻ hút hồn của hai khuôn mặt đặc tả theo bút pháp đặc trưng Vichit. Như một cơ duyên, bức tranh lớn nhất triển lãm này đã “kẹt” lại ở Việt Nam bởi chính khuôn khổ đặc biệt của nó và một phần bởi… dịch Covid-19. Khi biết chuyện, tôi đã tìm cách liên lạc với Vichit. Biết tôi khao khát muốn có tác phẩm của ông, đặc biệt là bức “Bản năng”, sau nhiều lần thuyết phục, Vichit đã đồng ý gửi gắm nó nơi tôi. Qua tin nhắn, ông nói đại ý: Tôi đã từng muốn quay trở lại Việt Nam để tìm hiểu họa tiết dân gian của các bạn và tìm cách đưa vào tranh của mình. Tôi rất yêu đất nước Việt Nam. Bạn là người đầu tiên ở Việt Nam sở hữu tranh của tôi và bạn yêu tranh tôi đến vậy, tôi sẵn lòng trao “Bản năng” để bạn cất giữ, như là một kỷ niệm đẹp. Và rồi giao dịch diễn ra. Ông gửi sang cho tôi giấy chứng nhận “Bản năng” là tác phẩm độc bản.

PV: Quả thật bất ngờ. Chúc mừng anh là người Việt Nam đầu tiên sở hữu tác phẩm đỉnh cao của Vichit Nongnual. Tò mò chút, anh mua tranh này hết bao nhiêu?

Phan Chí Hiếu: Nói thật, với ân tình Vichit Nongnual dành cho tôi, xin cho tôi được giữ kín số tiền giao dịch. Hãy nhìn giá tranh của ông trên thị trường quốc tế, tranh độc bản với kích thước tương tự, bạn sẽ hiểu. Trên hết, với tôi “Bản năng” của họa sĩ Vichit Nongnual là vô giá. Mỗi ngày mỗi giờ, được ngắm tranh của ông, được đắm chìm trong “trường” tư tưởng nghệ thuật của ông, giao thoa và hài hòa với những tác phẩm của họa sĩ khác mà tôi đang có luôn là một tận hưởng bất tận không dễ gì đánh đổi.

Trân trọng cảm ơn anh - Nhà sưu tầm tranh may mắn.

Vichit Nongnual, sinh năm 1971, là một họa sĩ Thái Lan nổi tiếng. tác phẩm của ông triển lãm rộng rãi ở châu Á và hiện diện khắp trong các sưu tập, bảo tàng tư nhân, gallery ở châu Á, châu Âu, cũng như ở Mỹ và Australia.

Tốt nghiệp Đại học Silpakorn của Thái Lan, thoạt tiên Vichit Nongnual thử sức mình qua chất liệu gốm và thành lập studio riêng kèm lò gốm của mình ở Bangkok, có tên Eco-Clay. Các tác phẩm điêu khắc của ông từng xuất hiện ở  những căn hộ đẹp nhất ở Bangkok và Phuket. Chuyển sang vẽ tranh, ông đạt được nhiều thành tựu trong cả nghệ thuật trang trí lẫn các thể loại trừu tượng và chân dung hiện thực.

“Chân dung là cách thể hiện cảm xúc dễ nhất và trực tiếp nhất của con người và con người chính là diện mạo của văn hóa” – Vichit Nongnual

None

An Nhiên

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động cuộc thi viết

Phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Báo Hà Nội mới vừa tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống