Nhà thơ Lê Hồng Thiện: "Vụng về bố bế mẹ thơm"

​​​​​​​(Arttimes) - Lê Hồng Thiện là nhà thơ chọn thơ thiếu nhi để dấn thân. Ông từng được Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1989 cho tập thơ thiếu nhi “Trăng của mỗi người”; 03 lần Giải thưởng VHNT Côn Sơn (Hải Hưng), 4 lần Giải thưởng VHNT Phố Hiến; Giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi viết truyện và thơ cho lứa tuổi mầm non; Giải Nhì của Ủy ban Toàn quốc Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam...Có thể nói, ông đã được tôn vinh nhờ cống hiến cho lứa tuổi thiếu nhi.

Nhà thơ Lê Hồng Thiện: "Vụng về bố bế mẹ thơm" - 1
Bìa thơ "Cổ tích cho bé"

Áp Tết Nhâm Dần nhà thơ phố Hiến, Lê Hồng Thiện xuất bản tập thơ thiếu nhi “Cổ tích cho bé”. Nhà thơ Lê Hồng Thiện không gặp may mắn, 8 tháng tuổi ông đã mồ côi mẹ - ông mất mẹ lúc chưa biết đi, đang cần được bú mớm. Đó là sự thiệt thòi vô cùng lớn. Tôi là đứa bé mồ côi mẹ lúc 12 tuổi, hạnh phúc hơn ông là lúc đó đã biết lưu giữ ký ức về mẹ, dù chỉ ít nhiều hình ảnh.

Ai không yêu trẻ con, bởi “Trẻ con như búp trên cành”? Bố mẹ nào không thương yêu con, mình đã “dứt ruột đẻ”? Anh em nào không bọc đùm bởi từng “đạp đầu nhau ra”?  Tôi nghĩ, Lê Hồng Thiện yêu con mình còn bằng cả tình cảm của một người thua thiệt, sớm thiếu hơi ấm người mẹ. “Cổ tích cho bé” là tập thơ thiếu nhi nhưng, ông viết khá nhiều cho con. Đó là “Nghĩ về con”, “Làm cha”, “Con đi học”, “Việc của chim – việc của con”, “Vẽ bố”, “Bé soi gương” (cho Hồng Thiêm)...

“Vụng về bố bế, mẹ thơm

Hôn con mà dạ bồn chồn con ơi”

(Làm cha)

Làm cha” là bài thơ lục bát, ghi lại cảm xúc “Buổi đầu tôi được làm cha” của nhà thơ Lê Hồng Thiện thật xúc động. Đã từng làm cha, đọc bài thơ này phải cám ơn ông đã nói hộ lòng người đọc. Hạnh phúc đến lóng ngóng. Rồi con lớn lên, đi học từ vỡ lòng “Con cò be bé bòng bong / Sớm nay ra lớp vỡ lòng hót vang” (Việc của chim – Việc của con); học tiểu học, tập hát, tập múa, học chữ “Con chim non tập hót / con bướm nhỏ tập bay / con gái tôi tập viết / bắt đầu sáng thu nay” (Con đi học).

Lê Hồng Thiện dõi theo từng bước đi, nét vẽ trong bức tranh của con...với tất cả hạnh phúc. Ông là người theo “chủ nghĩa gia đình”, yêu thương quá đỗi. Đi công tác xa nhà mỗi lần về, ông không quên tìm mua “Cho con cái bút chì xanh, chì hồng”.  Từng bước trưởng thành của con là hạnh phúc của người bố, con là tất cả mùa xuân, mộng mơ ngập tràn trong ông.

“Mùa xuân đẹp đến vô cùng

Theo bàn tay nhỏ đi cùng vào tranh”

(Bé vẽ tranh xuân).

Nhà thơ Lê Hồng Thiện tóc bạc màu sương khói, nụ cười thường trực trên môi. Ở tuổi tám mươi, giữ được tâm hồn tươi trẻ, đầu óc mẫn tiệp để sáng tác như ông, thật hạnh phúc.

Cổ tích cho bé” – tập thơ dành cho thiếu nhi mới tinh này, khá dày dặn, gồm 194 bài. Tìm hiểu lý lịch văn chương của ông ở cuối sách mới biết, đời văn của mình, ông dành trọn cho thiếu nhi. Tổng số 11/13 tác phẩm, cho đến hiện nay là viết cho thiếu nhi, duy nhất chỉ có một tập thơ viết cho người lớn.

Ở “Cổ tích cho bé”, Lê Hồng Thiện viết về tình cảm gia đình, như các tác phẩm “Nghĩ về con”, “Làm cha”, “Con đi học”, “Vẽ bố”, “Bé soi gương”, “Lời ru của mẹ”, “Gối của bà”, “Kể cùng bé”, “”...; về các sinh hoạt của trẻ thơ như “Bé vẽ tranh xuân”, “Bé vẽ”, “Vẽ bố”, “Cái gương, cái lược”, “Con lợn đất”...; về các loại cây xanh trong thế giới tự nhiên, trẻ con có thể nhận ra từ vườn nhà mình như “Cây trầu của bà”, “Cây si”, “Cây gạo”...về các loại vật nuôi gần gũi như “Mèo cha, mèo mẹ”, “Gà và vịt”, “Bé chê mèo”...; về các hiện tượng tự nhiên như “Gió và hoa”, “Hoa cúc và nắng”, “Nắng và bé”, “Mưa”...

Ngoài các bài thơ lấy đề tài đập vào mắt trẻ thơ bằng trực giác, trong “Cổ tích cho bé” còn có các bài thơ kích thích trí tưởng tượng của trẻ em như “Hai ông trăng”, “Nắng sương và hương”, “Sông”, “Hỏi đáp về mặt trời”, “Trăng và hồ nước”; “Hoa chong chóng”...Lê Hồng Thiện quan sát tinh tế đời sống tâm hồn trẻ thơ, rất hiểu tâm lý con trẻ, hơn thế ông còn là một nhà sư phạm, dành tất cả tình thương cho thiếu nhi. “Cổ tích cho bé”, đúng là một thế giới cổ tích.

Trong “Cổ tích cho bé”, hình ảnh con mèo xuất hiện khá nhiều. Mèo luôn là một trong những vật nuôi, gần gũi. Con mèo vào thơ, vào thế giới trẻ thơ thật ngộ ngĩnh: “Mèo cha mèo mẹ giống nhau / Cả hai cùng cắm bộ râu ông già” (Mèo cha, mèo mẹ); “Mèo đi bước nhẹ bước êm / Bốn bàn chân bốn đệm mềm như bông / Bốn mùa xuân hạ thu đông / Mèo không rời chiếc áo lông trên người / Cậy xoong ăn vụng xong rồi / Lấy chân lau miệng, bé cười: Xấu chưa!” (Bé chê mèo). Dù “mèo xấu tính” ăn vụng, nhưng mèo là một phần của “thế giới”, vùng ký ức trẻ thơ, “Bé đi mèo quấn bên chân / Mèo nằm ngủ, bé kéo chăn đắp cùng” (Bạn mèo).

Trong “vườn cổ tích” mà Lê Hồng Thiện tạo ra, có con trâu, con mèo, chú ve...; có mưa nắng, bốn mùa xuân hạ thu đông; có ông trăng rằm, đêm Trung thu phá cỗ. Tất cả những gì thân thuộc nhất, mai sau lớn lên những hình ảnh đó vẫn theo suốt cuộc đời.

Ngoài như đề tài “truyền thống”, quan tâm đến giáo dục lễ phép, hiếu thuận cho trẻ như “Lời ru của mẹ”, “Chùm quả dâng bà”, “Cả nhà cùng vui”, “Những bông hoa nghe lời mẹ”...nhà thơ Lê Hồng Thiện luôn luôn cập nhật, sống cùng thời đại cùng thiếu nhi. Chính vì vậy, ông có mảng đề tài hiện đại như “Con chuột máy”, “Đèn xanh đèn đỏ”...Đó cũng là trách nhiêm xã hội của một ngòi bút vì trẻ thơ, nhà thơ Lê Hồng Thiện.

Thi pháp thơ Lê Hồng Thiện thuộc về “bản sắc” thơ Việt: đồng dao, lục bát...Trẻ em dễ đọc, dễ thuộc, dễ liên tưởng. dễ được dẫn dắt vào thế giới của tưởng tượng. Tuy vậy, không thiếu những câu thơ hay, bài thơ hay với những hình ảnh trở thành thi ảnh, ẩn dụ, giàu cảm xúc.

“Con cầm được gió trong tay

Biển mênh mông thế vào đây biển tròn”

(Quà của biển)

Chỉ riêng hình ảnh ngày trăng khuyết “Mẹ bảo trăng như lưỡi liềm/ Ông rằng trăng tựa con thuyền cong mui / Bà nhìn như hạt cau phơi / Cháu cười quả chuối vàng tươi ngoài vườn” bài thơ chợt vụt lên “thi ảnh” có ý nghĩa xã hội.

“Bố nhớ khi vượt Trường Sơn

Trăng như cánh võng chập chờn trong mây”

(Trăng của mỗi người)

Nhà thơ Lê Hồng Thiện có một ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt hơn cả một nhà sư phạm. Rất ít khi ông dùng đến những từ còn phải “vay mượn” Hán – Việt, Hán – Nôm. “Vườn cổ tích” cho bé phải trong sáng, ngay cả tiếng Việt. Đó cũng là trách nhiệm với tiếng mẹ đẻ, thành tố quan trọng của văn hóa dân tộc, giá trị Việt mà nhà thơ Lê Hồng Thiện ý thức.

Văn học cho thiếu nhi là một bộ phận không thể thiếu trong dòng chảy của văn học Việt Nam. Nhưng những năm gần đây, việc tìm kiếm những sáng tác giàu giá trị nhân ái để nuôi dưỡng tâm hồn các em thiếu nhi đang là nỗi trăn trở không hề nhỏ của xã hội. Những nhà văn viết cho thiếu nhi đang như “những ngôi sao cô đơn" trong làng văn.

 

Ngô Đức Hành

Tin liên quan

Tin mới nhất

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

“Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật” là một hội thảo ý nghĩa được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), giúp lan tỏa những giá trị của Điện Biên Phủ trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà. Đồng thời, thúc đẩy sự thăng hoa, bền bỉ, nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo cho các văn ng

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

Trong khuôn khổ chương trình “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”, đoàn đại biểu là các văn nghệ sĩ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có dịp đến thăm và tặng quà cho học sinh Trường Tiểu học Him Lam, đồng thời phát động cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Hoan Hô chiến sỹ Điện Biên”. Sự kiện do Thời báo Văn học nghệ thuật, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Điệ