Nhà thơ Phùng Quán: “Đã đi với nhân dân, thì thơ không thể khác”…  

(Arttimes) -  Chợt nhớ lại trước thềm mùa xuân 2007, cùng với các nhà thơ Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt; nhà thơ Phùng Quán đã được Trao tặng “Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật”. Lúc đó, chỉ có nhà thơ Hoàng Cầm, Lê Đạt lên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội nhận Giải thưởng, còn hai nhà thơ Trần Dần, Phùng Quán đều đã qua đời.

Sinh năm 1932, nguyên quán xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cha là Phùng Văn Nguyện, khi học Trường Quốc học Huế đã tham gia các phong trào truy điệu Phan Châu Trinh, đòi ân xá Phan Bội Châu nên bị đuổi học, bị bắt giam; 1932 lại bị Pháp bắt, giam tại nhà lao Đà nẵng, sau hai tháng bị tra tấn, ông chết trong tù, lúc ấy Phùng Quán còn rất nhỏ.  Mẹ Phùng Quán là Tôn Nữ Thị Tứ - một phụ nữ nhan sắc người hoàng phái. Bà thuộc nhiều truyện về các sự tích anh hùng, nghĩa hiệp trong các tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc và thường kể cho Phùng Quán nghe. Năm 13 tuổi, Phùng Quán tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Nhà thơ Phùng Quán: “Đã đi với nhân dân, thì thơ không thể khác”…   - 1
Nhà thơ Phùng Quán đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật

Tên ông đã thành tên đất. Quê hương Thừa Thiên Huế đã đặt tên ông cho một con đường rất đẹp, cách nội đô Huế khoảng dăm cây số, đi vào khu mộ của vợ chồng ông nằm yên nghỉ trên một ngọn đồi nhỏ.

Năm nay, đã lại tới ngày giỗ lần thứ 27 của nhà thơ Phùng Quán, tôi chợt nhớ lại một vài kỷ niệm buồn vui, no đói...của một thời đã qua. Chớp mắt trên 40 năm từ giữa những năm 60 của thế kỷ XX...

Vào một buổi trưa heo may, nhà thơ Lê Đạt báo tôi hay là Phùng Quán có nguy cơ khó qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Vẫn biết là anh đã ốm cả tuần lễ nay, tôi vội lên ngay nhà Phùng Quán...Trời lạnh buốt gió Hồ Tây, nhà thơ Phùng Quán nằm im, mắt mở to nhìn xa mà không cảm giác. Vợ anh, chị Vũ Bội Trâm, các anh Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung và một thầy thuốc đông y trẻ cùng dăm ba bạn hữu đang tụ lại.

Sáng hôm sau, Phùng Quán có vẻ đỡ hơn, tuy anh vẫn mở to mắt nhìn xa, không cảm giác. Nhưng rồi, cái gì đến cũng phải đến. Vào lúc 16 giờ 50 phút, ngày 22 tháng Chạp năm Giáp Tuất 1994 (22/1/1995), nhà thơ Phùng Quán đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 64 tuổi. Ban Lễ tang được thành lập, gồm có anh Nguyễn Hữu Đang (Trưởng ban), Đại tá quân đội Vũ Hùng (trưởng nam, anh ruột chị Vũ Bội Trâm, đại diện gia đình), hai anh Lê Đạt, Phùng Cung và tôi. Theo nguyện vọng của nhà thơ Phùng Quán, anh được đưa về yên nghỉ tại quê hương của vợ anh – Thôn Kiều Mai, xã Phú Diễn, Huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội.

Cách đây vài năm, sau khi chị Trâm qua đời, gia đình, họ tộc đã đưa hài cốt anh chị về mai táng tại quê nội, nơi có con đường mang tên Phùng Quán hiện nay.

Đối với tôi, Phùng Quán là một người anh, người bạn lớn, từ khi gặp anh, tôi mới ngoài hai mươi. Là một chú bé trinh sát với một “Tuổi thơ dữ dội”, Phùng Quán đã trở thành một chiến sĩ, một thi sĩ. “Đã đi với nhân dân thì thơ không thể khác”! Đó là tuyên ngôn thơ của Phùng Quán, từ ngày anh còn trẻ, với bài thơ Lời mẹ dặn nổi tiếng - Bài thơ “định mệnh đã đi theo anh, ám ảnh một đời thơ và cả cuộc sống của anh...

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

...

Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi

Đứa bé mồ côi thành nhà văn

Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm

Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ

Người làm xiếc đi trên dây rất khó

Nhưng chưa khó bằng nhà văn

Đi trọn đời trên con đường chân thật

Đọc tiểu thuyết Vượt Côn Đảo ngày còn niên thiếu. Vào tuổi hai mươi, gặp nhà thơ Phùng Quán. Anh hơn tôi trên chục tuổi nhưng bao giờ cũng coi tôi là bạn, “người bạn thơ - vong niên”.

Ngày ấy tôi còn trẻ, không vợ con, tha hồ bay nhẩy. Chỉ có vẽ, làm thơ, rồi uống rượu với bạn hữu, đầy vui và buồn. Từ năm 1960 đến 1978, nhà thơ Phùng Quán ở với bà mẹ nuôi ở trên Hồ Tây. Lúc đó, nhà thơ Phùng Quán là cán bộ Cục Văn hóa quần chúng, anh làm việc, ăn ở trong một cái buồng hình ống rất hẹp và dài. Tôi và anh suốt ngày chui vào chui ra ở cái ngõ Lê Văn Hưu đó.

Năm 1981, chị Trâm là giáo viên trường Chu Văn An nên được phân một căn hộ tập thể cấp 4 ở sau trường. Vậy là nhà thơ Phùng Quán lại trở về với sông nước – “Chòi ngắm sóng” Hồ Tây nghèo mà vui lại ra đời. Chúng tôi lại làm thơ, lại vẽ, câu cá, uống rượu. Sau này, có một bài viết về nhà thơ Phùng Quán đã đăng trên báo Người Hà Nội, nói rằng Phùng Quán nhận là cả đời mình nằm trong sáu chữ: “Rượu chịu - Cá trộm - Văn chui”. Tất nhiên, là vì dân Huế, nên nhà thơ đã “cường điệu” và “nói Trạng” cho vui. Bởi, “Rượu chịu” thì chúng tôi ghi sổ một bà cụ nấu rượu ở Nghi Tàm (mỗi lít có dăm ba đồng), vài lít mới trả cho tiện. “Cá trộm” thì ngay ở Hồ Tây, lúc nào thích nhắm rượu và đãi bạn thì nhà thơ câu lên một đôi con cá (Phùng Quán là người câu cá rất giỏi). Còn “Văn chui” thì quả là nhiều. Tấu, thơ, trường ca, truyện ngắn, truyện tranh, cả tiểu thuyết... lúc thì ký tên người thân trong nhà, lúc thì tên bạn hữu. Chuyện con cò vàng trong cổ tích đoạt Giải Nhất tại Liên Xô với một chiếc xe đạp đua (năm 1970), đến sau này, nhà thơ cho đến lúc đi xa, vẫn còn dài dài gắn bó.

Tuy nhiên, sáu chữ trên vẫn là cách nói vui của nhà thơ Phùng Quán. Bởi, Phùng Quán là một người lao động cật lực và đầy nhân ái. Suốt 30 năm cùng đi bên anh, tôi chưa bao giờ thấy nhà thơ Phùng Quán kêu ca bất cứ một điều gì. Anh quan niệm là trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ lấy nhân cách làm người và nhân cách một nhà thơ.

Có những phút sao mà kinh hãi thế

Đến cả Thơ cũng không ấm được nỗi lòng

Đến cả rượu cũng không vơi đắng cay, phiền muộn

Và cả mắt người yêu không dịu bớt cô đơn

Nhưng anh vẫn tự nhủ mình:

Có những phút ngã lòng

Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy

Cho đến hôm nay, nhà thơ Phùng Quán là một trong số không nhiều những nhà thơ hiện đại được ghi vào dấu ấn lịch sử văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ XX. Từ Võ Thị Sáu, 5 anh hùng XêvasTôpôn, đến Lời mẹ dặn, Chống tham ô lãng phí (thơ), rồi Vượt Côn Đảo (1954 - 1956), Đêm trăng đọc thơ Đỗ Phủ cho vợ nghe, Trường ca cây cà, Nguyễn Văn Trỗi…Rồi tiểu thuyết bằng thơ 13 chương Trăng hoàng cung, bộ tiểu thuyết hơn nghìn trang Tuổi thơ dữ dội (Giải thưởng Hội Nhà văn, Hội Điện ảnh, Bộ Quốc phòng - đã chuyển thành phim), cho đến Tuyển thơ Phùng Quán sau khi anh đã qua đời...Tài năng nhà thơ cũng như các tác phẩm (thơ và văn xuôi) của anh được đánh giá và tồn tại đến đâu là công việc của thời gian – nhưng người thân, bạn hữu của nhà thơ Phùng Quán – từ trong nước đến nước ngoài, từ các bậc “huynh trưởng” ngoài 70,80 đến bạn trẻ “vong niên” trên dưới 20,30 tuổi, từ trong hay ngoài giới văn nghệ...Tất cả đều yêu quí và kính trọng nhân cách sống, nhân cách làm người, nhân cách nghệ sĩ của nhà thơ Phùng Quán:

Chén đắng cay rót rồi nên uống cạn

Không được sẻ cho ai cũng không thể để dành”.

Từ một chú bé trinh sát xa mẹ, xa quê từ ngày còn thơ bé, suốt 50 năm cùng đi với nhân dân:

Rượu quê ta uống tràn

Đất quê mình cúi tạ

Nhà thơ Phùng Quán đã ra đi thật thanh thản, trong sạch, không màng danh và lợi, không nghĩ được và thua, không buồn giầu hay nghèo, chỉ có lao động, lao động cật lực, sống nhờ bên nhà vợ, thác cũng trở về đất quê vợ – “Em là cây thập tự của đời anh”

Có những phút ngã lòng

Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy

Thơ - Là mạng sống – Là lý lịch đời tôi”. Và anh khẳng định: Đã đi với nhân dân thì thơ không thể khác”!

Và như thế, Phùng Quán là một chiến sĩ, một nghệ sĩ - Anh mãi mãi là Nhà thơ của Nhân dân!

Lê Huy Quang

Tin liên quan

Tin mới nhất

8 thành phần dưỡng da cực tốt giúp nàng 'trẻ mãi không già'

8 thành phần dưỡng da cực tốt giúp nàng 'trẻ mãi không già'

Nhiều người có thể thắc mắc có những chất dinh dưỡng nào giúp nuôi dưỡng làn da. Và nếu chọn sử dụng sản phẩm dưỡng da thì phải chọn những loại chất dưỡng nào? Dưới đây là 8 loại vitamin giúp da khỏe đẹp từ bên trong mà bất cứ cô gái nào cũng nên biết.

Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

Ngày 25/4, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo khoa học toàn quốc năm 2024 với chủ đề "Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng", do Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo các nhà khoa học và văn nghệ sĩ trong cả nước