Nhà thơ Trần Vạn Giã và trường ca “Bài thơ thời đại dịch”

(Arttimes) - Ngày tôi còn công tác ở Báo Thanh Niên, thi thoảng có nhận được thơ của một tác giả gửi từ Khánh Hòa với bút danh Trần Vạn Giã. Tủm tỉm cười: Chắc ông này lấy tên quê hương làm bút danh đây (ngày ấy tôi cũng lấy tên quê hương làm bút danh là Triệu Phong).

Quả như rằng, sau này tôi được biết tên anh là Trần Ngọc Ẩn, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh sinh năm 1945, làm thơ từ trước giải phóng, với nét đặc sắc là hầu hết thơ anh theo thể lục bát, nặng về ngợi ca vẻ đẹp đất nước, quê hương. Với hơn 15 tập thơ đã in, anh kín đáo, điềm đạm, nhưng là gương mặt thơ thân quen với làng thơ cả nước và Khánh Hòa, với những câu thơ chứa chan tình người, tình yêu, tình quê hương. Nhà thơ “Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường” lừng danh của Khánh Hòa là Giang Nam từng ghi nhận về thơ Trần Vạn Giã: “Thơ Trần Vạn Giã đã đi vào lòng người bằng những câu thơ lục bát chứa chan hồn quê Khánh Hòa…”. “Đã lâu con đã nhớ nhà/. Nhớ cơn gió thoảng là là hương cau/ Những chiều mẹ đứng ngõ sau/Lui cui tóc bạc trên đầu mẹ ơi”.

Nhà thơ Trần Vạn Giã và trường ca “Bài thơ thời đại dịch” - 1
Tác phẩm mới của nhà thơ, nhà văn Trần Vạn Giã

 Nhà báo Dương Trang Hương viết về thơ Trần Vạn Giã: “Cùng với mẹ, quê với Trần Vạn Giã hơn là máu thịt, đó là hơi thở, là sự thổn thức thường trực trong trái tim yếu đuối của ông. Quê mẹ, miền cát bay lồng lộng gió cũng có bờ tre, đồng lúa nhưng vây quanh biển rợn sóng chỉ có những rặng bần cổ thụ xanh thẳm trầm mặc. Ông tâm sự: “Khi bé thơ, tôi hay ra rừng bần ngồi dưới gốc bần xù xì thô ráp ngước lên vòm xanh với những tán lá lăn tăn thấp thoáng chùm quả mà ngỡ đó là bóng cha vì cây bần im lìm quá, đến những cơn gió thổi ào ạt qua lá cũng không phát ra âm thanh. Đúng là hình dáng cha tôi, người cha im lặng với má, với tôi từ khi tôi chưa ra đời. Cha tôi im lặng mãi mãi với thời gian và bóng núi thì bà ngoại và mẹ tôi lại làm cho tâm hồn tôi rợn sóng. Nhờ có bà hay nói tôi đọc truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, mẹ cho tôi đi học trường làng bên rừng bần mà tôi có chữ, sau này nhờ  có thơ mà “vịn câu thơ đứng dậy” (chữ của Phùng Quán) trước cuộc đời bão tố”.

Lần thứ hai, theo tôi, thêm một lần Trần Vạn Giã “vịn câu thơ đứng dậy “, là những ngày tháng Covid qua, mà TP Nha Trang của ông cũng nhiều lúc bị đe đọa. Lúc này ông đã vào tuổi 75, và như những người lớn tuổi khi một ai ở đâu ở đó, nhớ bạn đến cồn cào cũng chẳng thể đến thăm. Ông tâm sự: “4 tháng nay không dám đến thăm nhau vì sợ lây nhiễm Covid.  Có trường hợp cách nhau chỉ 7 phút chạy xe honda nhưng không gặp nhau, chỉ còn cách điện thoại”. Bởi thế cho nên khi Khánh Hòa tăng tốc tiêm thuốc chích ngừa Covid-19 cho người lớn tuổi, ông đi cùng nhà thơ thân thiết của mình là nhà thơ Giang Nam hưởng  ứng ngay, hai nhà thơ đưa nhau đi tiêm rất hứng khởi và rất trách nhiệm. Cũng xin nói thêm nhà thơ Trần Vạn Giã 75 tuổi, còn nhà thơ lão thành Giang Nam năm nay 92 tuổi, đã từng mổ hở tim, nghe điện thoại cũng khó khăn vì lãng tai nặng, dù vậy nên khi tiêm xong, con gọi điện đến, nhà thơ trả lời hớn hở: “ Ba  khoẻ” và về đến nhà là ngồi vào bàn làm thơ ngay,  như “thói nghiện” của ông sáng tác vẫn đều đặn bao nay, như biển thơ ông vẫn không ngừng vỗ sóng… 

Nhà thơ Trần Vạn Giã và trường ca “Bài thơ thời đại dịch” - 2
Nhà thơ Trần Vạn Giã

Còn nhà thơ Trần Vạn Giã, thì như tâm sự của ông: “Đóng cửa phòng văn, tránh xa Covid”. Ông viết, không chỉ với những câu lục bát thân quen độ nào: “Nha Trang và biển tôi về/ Biết xa là nhớ có hề sao đâu/ Bởi thương ngọn sóng bạc đầu/ Nên tôi dò được cạn sâu cuộc đời./ Hát ru tiếng gió ngàn khơi/ Để cho em đọc những lời tình yêu/ Hãy đi trên  cát mưa chiều/ Dấu chân đọng lại ít nhiều trong thơ”, mà hoành tráng hơn, liền 4 tháng trong nhà, vẫn bịt khẩu trang và viết, và hoàn thành bản thảo tập trường ca Bài thơ viết thời đại dịch dài 800 câu, với tâm nguyện: “Thơ hay dở tính sau, nhưng đã làm tròn sứ mệnh người cầm viết ghi lại  dấu ấn đậm nét bi hùng của một thời đại dịch trên mặt đất này”.

Và cho đến nay, Trường ca Bài thơ viết thời đại dịch đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn đưa vào in ấn, bìa đã xong, và nhà thơ lại soi từng chữ trên bản bông để tự sửa cho mình, và sẽ ra mắt bạn bè thân hữu,trong đó có anh Giang Nam yêu quý, và bạn đọc thời đại mà nhà thơ đã vượt vượt qua sóng gió Covid-19 để viết nên. Ông rất vui, vì “bản thảo đã cơ bản xong” nhưng lòng vẫn thoáng nỗi buồn nhân sinh rồi bao giờ con người sẽ sống qua thời đại dịch này?

Hết sức chúc mừng một nhà thơ lớn tuổi nhưng vẫn giàu sức sáng tạo và giau sức sống trong giông bão co vid. Tập trường ca của ông chắc sẽ được bạn đọc đón nhận nhiệt tình!

Bài Tuyên truyền Nghị quyết 84/ NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Châu Là Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Sáng 28/3, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội), PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc).