Nhà văn Vũ Ngọc Phan – Người chủ trì Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946)

(Arttimes) - Nhà văn Vũ Ngọc Phan sinh ngày 8/9/1902 tại phố Hàng Đào, Hà Nội. Nguyên quán của ông ở làng Đông Cao, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Rời làng Đông Cao, chi họ Vũ của ông ra Hà Nội ở phường Đồng Lạc (phố Hàng Đào, Hà Nội) tính đến con, cháu và chắt của ông đến nay đã là 8 đời. Gia đình nay đã trở thành người Hà Nội gốc. Ông thường kể cho con, cháu nghe về truyền thống nho học và yêu nước của gia đình từ nhiều đời. Cụ Vũ Kỳ Sâm thân sinh của nhà văn cũng là một nhà nho bất hợp tác với chính quyền thực dân phong kiến.

Lúc nhỏ nhà văn theo cha đi khắp nơi làm nghề dạy học. Rồi ông đỗ đạt cao trong hệ thống giáo dục của Pháp bằng Pháp văn và Anh văn, nhà văn từ chối không làm quan mà chọn nghề tự do làm báo, viết văn để sinh sống và mong ước phục hồi và phát triển nền văn hóa dân tộc. Chế độ kiểm duyệt khe khắt của chính quyền thực dân khiến nhiều sách của ông bị cắt bỏ nhiều phần. Nuôi một đại gia đình, lo kiếm sống đã vất vả ông có quan điểm chống chế độ thuộc địa thực dân phong kiến đã đẩy hàng triệu người Việt Nam vào tình trạng nghèo đói, thất học mù chữ...

Nhà văn Vũ Ngọc Phan – Người chủ trì Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946) - 1

Nhà văn Vũ Ngọc Phan (1902 - 1987)

Từ đầu thế kỷ 20, ông đã là một dịch giả lớn giới thiệu văn học phương Tây cho người Việt Nam. Nói về sự đóng góp của ông ở giai đoạn này dịch giả Thúy Toàn đã viết: “Ông là người đầu tiên đã đề cập đến mảng dịch thuật một cách sâu sắc… Ông thực sự coi văn học dịch là đối tượng để nghiên cứu, phân tích trong toàn bộ tiến trình phát triển của văn học dân tộc nói chung”. Với các tác phẩm dịch xuất bản từ năm 1932 Châu đảo của RL Stevenson, 1933 Ai Van Hô của Wanter Scott,1936 Anna Karenina của L.Tonxtoi, 1942 dịch và phóng tác tác phẩm Trixtang Izot của Jodep Bedie và sau này với 7 tác phẩm dịch thuật khác ông đã góp phần giới thiệu văn học thế giới với nhân dân ta, mở mang và thúc đẩy phát triển văn hóa dân tộc.

Năm 1936-1939, Chính phủ mặt trận bình dân Pháp đã nới lỏng dân chủ ở thuộc địa. Ông và bà đã tích cực tham gia hoạt động trong Hội truyền bá quốc ngữ cùng các ông Nguyễn Văn Tố, Võ Nguyên Giáp, Phan Thanh, Nguyễn Văn Huyên… Ông đã cho đăng tập lịch sử ký sự Những trận đánh Pháp tại Nhà xuất bản Đại La dưới một cái tên khác, nhưng kiểm duyệt Pháp cấm phát hành và ông bị cảnh sát bắt. Được tự do ông lại cho in tiểu thuyết dịch của L.Tonxtoi 1936 rồi tiểu luận Trên đường nghệ thuật, Bút ký Nhìn sang láng giềng, so sánh tình trạng lạc hậu của nước ta với các nước trên thế giới và nêu rõ ý đồ làm ngu dân của chế độ thực dân,tập thi thoại Thi sĩ Trung - Nam bình luận về một số sáng tác của các thi sĩ yêu nước miền Trung và Nam bộ. Thời kỳ này nhà văn đã tham gia đấu tranh trong các hội nghị chống lại quan điểm sai trái của nhóm Hàn Thuyên và nhiều quan điểm văn hóa phản động khác, đấu tranh bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc. Ấp ủ từ lâu việc tôn vinh những giá trị của nền văn học Việt Nam non trẻ với chữ quốc ngữ, thoát khỏi ảnh hưởng của văn hóa ngoại bang; Chỉ mới 38 tuổi, bằng sức làm việc phi thường trong thời gian ngắn hơn hai năm nhà văn đã đọc 79 tác giả và toàn bộ tác phẩm của từng người cho ra đời bộ sách đồ sộ Nhà văn hiện đại với 4 tập 5 quyển (tập 4 gồm hai quyển) gần 1438 trang mô tả toàn bộ sự phát triển của văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 đến trước Cách mạng tháng 8/1945 (quyển sách đã bị kiểm duyệt của Pháp và Nhật xóa bỏ mất 200 trang do chúng cho rằng tuyên truyền tư tưởng cộng sản). Chờ đợi để được chấp nhận in, nhà văn đã đi thực tế xuống Duyên Hà, Hưng Nhân và Đông Quan thuộc tỉnh Thái Bình để viết bài La grande pitie du paysan annamite (Xót thương vô cùng người nông dân Việt Nam) đăng trên báo L Effort Indochinois tố cáo sự bóc lột dã man của chế độ thực dân phong kiến với nông dân Thái Bình - một tỉnh đông dân nghèo đói ở đồng bằng miền Bắc Việt Nam. Năm 1942, sau khi qua được sự kiểm duyệt hà khắc của thực dân Pháp và phát xít Nhật, Nhà xuất bản Tân Dân đã in và xuất bản tập I của cuốn Nhà văn hiện đại. Sách bán rất chạy.

Năm 1945, nhà văn lên gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần để báo cáo về việc chuẩn bị hội nghị văn hóa toàn quốc, một lần Chủ tịch đã hỏi ông: “Chú là nhà văn thì chú viết gì?”. Nhà văn trả lời: “Thưa cụ cháu viết phê bình văn học”. Chủ tịch đã đề nghị ông gửi sách cho cụ. Sau khi đến Bắc Bộ Phủ nhờ đồng chí Thái gửi sách cho Chủ tịch. Mấy tháng sau, một lần Người nói với nhà văn: “Tôi đã đọc sách của chú rồi, chú nói có sách, mách có chứng đấy, thế là khoa học, nhưng còn có chỗ quan điểm lập trường chưa đúng”. Trong hồi ký văn học nhà văn viết: “ hồi ấy tôi chưa hiểu quan điểm, lập trường là thế nào. Tôi hứa với Người tôi sẽ gắng đọc lại và sửa”. Sách đã xuất bản tập cuối vào năm 1945 và Bác Hồ đọc sách vào năm 1946. Kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ liên tiếp gần 40 năm không có điều kiện để nhà văn in lại sách. Ông cho rằng bộ sách đã mang giá trị lịch sử, thực hiện lời hứa với Bác Hồ nhà văn đã tiếp tục viết phê bình văn học, trong cuốn Qua những trang văn về các tác phẩm văn học tiêu biểu sau Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến. Nhà văn hiện đại chỉ viết về phần đóng góp của các tác giả cho nền văn học hay nói rộng hơn là văn hóa của đất nước những năm đầu mới có chữ quốc ngữ, không phân biệt về các hoạt động xã hội và chính kiến khác nhau của các tác giả vì thế bộ sách trở thành một kho tư liệu khá đầy đủ và vô cùng quí giá cho tất cả các nhà nghiên cứu và những người muốn tìm hiểu về văn học và văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ 20 tới trước năm 1945. Theo nhà văn Tô Hoài: “Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan như một cuốn từ điển văn học đã được viết một cách công phu, mọi dẫn chứng đều được đưa ra có phương pháp và số liệu, chứng liệu tỷ mỉ”. Nhà thơ Huy Cận viết: “Vũ Ngọc Phan không hề có ý định làm văn học sử, nhưng thực chất và khách quan bộ sách của ông đã góp phần quan trọng vào văn học sử nước nhà của một giai đoạn gần nửa thế kỷ”.

Ở Việt Nam, văn chương tiếng Việt bằng chữ quốc ngữ phát triển mạnh, nhưng cho đến những năm 39, 40 của thế kỷ 20 chưa có một tờ báo văn học bằng chữ quốc ngữ nào dành cho các nhà văn Việt Nam. Ông là một trong số ít người chủ trương khai trương một tờ báo văn học và ông đã trở thành Tổng biên tập tờ báo Hà Nội Tân văn với 16 trang khổ 30x50 ra hàng tuần. Đây là tờ báo văn học đầu tiên ở Việt Nam bằng chữ quốc ngữ. Báo đã đăng tải nhiều tác phẩm của các nhà văn Việt Nam lúc ấy như nhà thơ Lưu Trọng Lư, Hằng Phương, Vũ Hoàng Chương, Tế Hanh, các nhà văn Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Đỗ Đức Thu, Thiết Can, Trọng Lang, Thanh Tịnh, Bùi Hiển, Mạnh Phú Tư, Tô Hoài… tờ báo đã ghi nhận sự bùng phát của văn chương tiếng Việt, lòng yêu đất nước yêu con người Việt Nam, khuấy động phong trào sáng tác cho những năm đầu phát triển văn học quốc ngữ. Tuy nhà văn vẫn sống nghèo nàn, làm việc ngay tại nhà in Trung bắc ở phố Hàng Buồm, Hà Nội và nhận mức lương thấp của chủ báo. Không chỉ làm Tổng biên tập,  ông còn phải viết bù nhiều bài hàng tuần để lấp chỗ trống cho báo…

…Sau khi Nhật đảo chính Pháp, các trí thức miền Bắc muốn thành lập Ủy ban văn hóa, một số phần tử thân Nhật, thân Quốc dân đảng muốn nắm lấy Ủy ban làm công cụ của chúng. Được sự động viên của tổ chức Đảng do các ông Hoàng Hữu Nam, Võ Nguyên Giáp, ông đã ra ứng cử và với uy tín cá nhân lớn ông đã trở thành Chủ tịch Ủy ban Văn hóa Bắc bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, nhờ cương vị Chủ tịch, ông đã giải tán Ủy ban Văn hóa Bắc bộ để đưa Ủy ban gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc, góp phần quan trọng trong việc tập hợp trí thức trong Mặt trận Việt Minh. Cũng trong giai đoạn này, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, năm 1945 ông và vợ là nhà thơ Hằng Phương đã được bầu vào Hội đồng Nhân dân khu phố Đống Đa và ông đã được cử làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến đầu tiên của khu Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội ngày nay). Cùng với nhà văn Nguyễn Đình Thi, ông tham gia Ban tổ chức Triển lãm Văn hóa Việt Nam lần thứ nhất năm 1945 của Hội Văn hóa cứu quốc. Chủ tịch Hồ chí Minh đã đến khai mạc triển lãm và ông đã thay mặt ban tổ chức giới thiệu với Chủ tịch những tác phẩm trưng bày trong triển lãm.

Nhà văn Vũ Ngọc Phan – Người chủ trì Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946) - 2 Nhà văn Vũ Ngọc Phan, Chủ tịch Ủy ban Vận động Hội nghị văn hóa toàn quốc (ngoài cùng bên trái) cùng nhà văn Nguyễn Đình Thi và một số cán bộ văn hóa đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Triển lãm Văn hóa Lần thứ nhất 1945 Nhà văn Vũ Ngọc Phan – Người chủ trì Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946) - 3 Bế mạc triển lãm văn hóa. Hàng phía trước nhà văn Nguyễn Đình Thi (bên trái), Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng sau nhà văn Vũ Ngọc Phan (thứ 3 từ phải sang) và cố vấn Chính phủ - Cựu Hoàng Bảo Đại (thứ 2 từ phải sang), 1945. 

Để tiếp tục phát triển nền văn hóa Việt Nam, các đại biểu của hơn mười đoàn thể văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật trong cả nước về dự họp tháng 10/1945 đã bầu ra Ủy ban vận động Hội nghị văn hóa toàn quốc. Với uy tín lớn, nhà văn Vũ Ngọc Phan đã được bầu với số phiếu cao nhất để trở thành Chủ tịch Ủy ban vận động Hội nghị văn hóa toàn quốc (Theo Nguyễn Đình Thi trong bài Kỷ niệm nhỏ với gia đình Vũ Ngọc Phan, Hằng Phương, báo Văn nghệ, số 45 trang 6  ngày 9/11/2002). Với cương vị Chủ tịch Ủy ban vận động, ông được Hồ Chủ tịch thường xuyên mời lên trao đổi về công việc phát triển văn hóa. Trong hồi ký Những năm tháng ấy ông đã viết khá chi tiết về các hoạt động của Ủy ban trong hơn một năm như sau: “Sau khi Ủy ban được thành lập tìm cho được một trụ sở là một việc khó. Chúng tôi cần một căn nhà kha khá vì lúc bấy giờ giới trí thức còn rất trọng hình thức. Một trụ sở văn hóa của cả nước mà không bề thế một chút thì dễ bị coi thường. Ngoài các cơ quan của Chính phủ ra, bao nhiêu nhà tươm tất ở Hà Nội đều do người ngoại quốc ở, hoặc do bọn Việt quốc, Việt cách chiếm đóng. Người ta mách cho chúng tôi một căn nhà thường bỏ không. Chúng tôi đến thấy phòng sát cửa vào không kê bàn ghế… một sĩ quan người Hoa còn trẻ ở trên gác đi xuống theo sau là một thiếu phụ và hai thanh niên, có vẻ là Hoa kiều. Chúng tôi tự giới thiệu là đến xem nhà. Một thanh niên nói tiếng ta rất sõi giới thiệu: “Đây là Thiếu tướng Lý Hạc Thanh và người phụ nữ là bà hai Bảo Đại”. Tôi nhận ra Thị Lý, hoa khôi trong cuộc thi sắc đẹp ở Hà Đông năm trước. Thì ra tên bộ tướng của Lư Hán đã dùng mấy phòng trên gác để chứa gái. Không muốn dây vào bọn Tàu Tưởng, Ủy ban đành chọn một phòng ở tầng dưới Địa ốc ngân hàng cũ của Pháp làm trụ sở. Bất tiện nhất là người qua lại trông vào thông thống, mỗi lần họp chúng tôi phải kéo màn và vặn đèn. Mấy tháng sau mới tìm được trụ sở ở phố Hồ Xuân Hương trông ra Hồ Thuyền Quang. Hội nghị Văn hóa toàn quốc đối với chúng tôi là một việc mới. Về thành phần hội nghị, chúng tôi có thể dự kiến được đôi chút, nhưng nội dung nó như thế nào, cần mời những ai là quan khách, chúng tôi chưa biết một cách cụ thể. Hồ Chủ tịch biết chúng tôi tổ chức hội nghị này là lần đầu tiên nên Người dặn chúng tôi sau khi đã suy nghĩ thật chín và vạch ra kế hoạch thì người cho phép lên trình bày với Người và Người sẽ góp ý cho. Chúng tôi rất lấy làm mừng. Thế là nhiều lần chúng tôi được gặp Người ở Bắc Bộ Phủ. Vào cuối tháng 11/1945, số người tham gia Ủy ban tăng lên trên 30 người. Ủy ban chia làm 3 ban, riêng ban nghiên cứu chia ra nhiều tiểu ban chuyên môn: tiểu ban văn học, tiểu ban mỹ thuật, tiểu ban âm nhạc, tiểu ban khoa học tự nhiên, tiểu ban kỹ thuật, tiểu ban giáo dục, tiểu ban y dược, tiểu ban báo chí… Đường lối chung là phải dựa vào cách mạng giải phóng dân tộc thì cách mạng văn hóa mới có điều kiện phát triển, trong cuộc vận động văn hóa phải nắm vững ba nguyên tắc: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Đường lối thì rõ ràng như vậy, nhưng trình độ của chúng tôi có hạn, nên từ việc chọn người tham gia Ủy ban đến biên tập, còn mắc nhiều khuyết điểm. Một số “Đại trí thức” cũng tham gia Ủy ban. Sau ngày Tổng khởi nghĩa tháng tám, vẫn chưa xác định hướng đi. Họ đến Ủy ban để nghe ngóng hơn là thật tình đóng góp vào cuộc vận động văn hóa mới. Các ông Trần Trọng Kim, Phan Khôi, Trương Tửu đều nhận lời tham gia Ủy ban nhưng không đến Ủy ban làm việc hay nhận việc mà không làm. “Đại trí thức” ban ngày có người đến Ủy ban chúng tôi (của mặt trận Việt Minh), đêm lại đến dự ban văn hóa của bọn Việt quốc ở phố Hàng Tre do Nguyễn Tường Tam hồi ấy làm Bộ trưởng ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp tổ chức”.

Hội nghị Văn hóa Toàn quốc khai mạc ngày 24/11/1946. Thay mặt Ủy ban, ông đã mời Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội nghị. Người thiết tha mong muốn nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào của dân tộc làm cơ sở… Người cho rằng văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại. Theo ý Người thì Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam... Người kết luận bài nói: “Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ” (Trích Bài khai mạc Hội nghị Văn hóa Toàn quốc của Hồ Chủ tịch, báo Cứu Quốc số 416 ngày 25/11/1946).

Hội nghị họp ngày 24/11 nhưng Pháp đã bắt đầu gây chiến ở Hải Phòng và sân bay Gia Lâm từ ngày 23/11/1946. Do tình thế, hội nghị chỉ họp trong một ngày, buổi chiều và tối phải họp tại giảng đường trường đại học ở phố Lê Thánh Tông. Hội nghị thảo luận và chọn tên Hội là Hội Văn hóa Việt Nam. Buổi tối Hội nghị bầu Ban chấp hành của Hội, 7g30 tối công bố kết quả với 106 phiếu bầu có 102 phiếu hợp lệ, 4 phiếu trắng. Ban chấp hành trúng cử gồm 15 ủy viên chính thức, gồm Vũ Ngọc Phan 94 /102 phiếu hợp lệ, tiếp theo là Hoàng Xuân Hãn sau đó là các đại biểu trúng cử trên 54 phiếu bầu gồm Đào Duy Anh, Nguyễn Đình Thi, Hồ Hữu Tường, Bùi Công Trừng, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Thiệu Lâu, Trương Tửu, Nguyễn Văn Tố, Khái Hưng, Thế Lữ, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Huyên,  và 4 ủy viên dự khuyết là Lưu Hữu Phước, Hoàng Tích Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn. Ban chấp hành chưa kịp hoạt động thì ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc đã bùng nổ, do phải lo giải quyết một số công việc chung, nên đi chậm. Giặc Pháp chặn mất đường lên chiến khu, gia đình nhà văn đành phải đi xe rồi đi bằng thuyền trên sông xuôi về vùng tự do liên khu 4 và tản cư ở làng Quần Tín, xã Thọ Ngọc, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đây là vùng đất trung du với đồi núi và đất đai bán sơn địa nằm ở phía tây tỉnh Thanh Hóa, năm 1947 còn nhiều rừng rậm. Mất liên lạc với chiến khu. Các gia đình văn nghệ tập trung ở quanh làng Quần Tín đã tự thành lập Đoàn văn hóa kháng chiến liên khu 4 và Trường Văn hóa kháng chiến liên khu 4.  Nhà văn Vũ Ngọc Phan trở thành ủy viên thường trực của đoàn văn hóa kháng chiến và giảng viên văn học của trường trong khóa I . Nhà thơ Hằng Phương trở thành Trưởng ban liên lạc văn học phụ nữ của Đoàn văn hóa kháng chiến.

Năm 1948, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai được triệu tập tại chiến khu Việt Bắc, nhận được giấy triệu tập nhưng năm ấy nhà văn đang ở khu 4 và bị ốm nặng không đi hội nghị được. Sau Hội nghị ít lâu, nhân dịp đồng chí Trường Chinh vào khu 4, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lời thăm sức khỏe nhà văn: “Chú là người có uy tín cao trong giới trí thức vì thế sắp tới chú không cần tham gia tổ chức mà hãy nhân danh cá nhân kêu gọi trí thức Việt Nam đoàn kết xung quanh chính phủ kháng chiến thì đấy là một đóng góp lớn cho dân tộc”. Chấp hành ý kiến của Bác Hồ, nhà văn đã thực hiện công việc người giao cho đến cuối đời.

Năm 1952, ông phải mổ cắt bỏ 2/3 dạ dày. Vừa bình phục thì ông nhận được lời mời của trung ương, lên đường đi chiến khu Việt Bắc. Ở chiến khu, ông nhận nhiệm vụ làm Ủy viên ban nghiên cứu Văn Sử Địa trực thuộc Ban bí thư Trung ương Đảng lao động Việt Nam, phụ trách khối nghiên cứu văn học của ban. Cơ quan đã nhiều lần đề nghị cấp trên kết nạp ông vào Đảng lao động Việt Nam nhưng ý kiến Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh lúc đó và ban tổ chức trung ương vẫn đề nghị để ông ở ngoài Đảng để hoạt động cho cách mạng. Ông đã luôn vui vẻ nhận lời và trở thành một chiến sĩ văn hóa đấu tranh cho việc bảo vệ và phát triển nền văn hóa dân tộc. Là trí thức ngoài Đảng, chỉ là Ủy viên Ban thường vụ Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam nhưng ông luôn được Bác Hồ, Tổng Bí thư Trường Chinh và sau này là Ban bí thư mời lên góp ý kiến về phương hướng phát triển ngành văn hóa, văn nghệ Việt Nam,... Bác Hồ còn luôn nhớ đến bài thơ dâng tặng Bác cam của bà Hằng Phương khi cách mạng mới thành công còn muôn vàn khó khăn năm xưa, Bác thường cho người từ Phủ Chủ tịch đến thăm gia đình, nhất là dịp lễ lớn và ngày tết cổ truyền của dân tộc.

Nhà văn Vũ Ngọc Phan trở thành cộng tác viên cho Đài phát thanh giải phóng và chương trình phát thanh vào Nam của Đài Tiếng nói Việt Nam. Rất nhiều bài viết của ông đã góp phần quan trọng tập hợp và đoàn kết trí thức trong vùng địch tạm chiếm hướng về cách mạng và kháng chiến, thức tỉnh lòng yêu nước của họ, góp phần mở rộng khối đoàn kết trí thức trong Mặt trận Việt Minh - Liên Việt lúc đó và Mặt trận giải phóng ở miền Nam Việt Nam sau này. Khi xảy ra Chiến tranh biên giới phía Bắc, ông đã viết bài kêu gọi các trí thức Trung Quốc chân chính chống lại những kẻ âm mưu gây chiến tranh và thực hiện đoàn kết giữa hai dân tộc. Trong Cục Lưu trữ quốc gia 3 và trong tài liệu giữ lại ở gia đình nhà văn rất nhiều bài vận động trí thức miền Nam và nước ngoài của ông còn lưu lại cho đến ngày nay. Vì lý do này ông đã không khai trong lý lịch các chức vụ lúc đầu cách mạng và sau này không nhận một chức vụ chủ chốt nào.

(Bài viết tóm tắt một phần Hồi ký “Những năm tháng ấy” của nhà văn Vũ Ngọc Phan (tr 456-468) và các tư liệu khác và theo lời kể của nhà văn)

None

Vũ Triệu Mân

Tin liên quan

Tin mới nhất