Nhạc sĩ Trần Hữu Bích: Thầm lặng một vầng trăng

(Arttimes) - Nói đến Trần Hữu Bích, người ta nói đến hàng trăm bài hát do anh sáng tác, trong đó có nhiều ca khúc đọng trong lòng công chúng và được lớp trẻ rất yêu thích, nhưng với tôi, anh là một người hiền, rất hiền, sống bằng chữ tâm và chữ tài giữa cuộc đời còn nhiều nhiễu nhương này. Anh luôn như một vầng trăng thầm lặng tỏa sáng, như lời một bài hát của anh năm nào…

Cũng đã hơn 20 năm, ngày ấy tôi làm báo, có một buổi nhận được một chùm thơ của một người phụ nữ ở một huyện miền núi Lâm Đồng. Chị đã ngoài 30, lại bị khuyết tật, gần như chỉ giao lưu với thế giới bên ngoài qua khung cửa sổ, và những vần thơ. Chị tâm sự chị làm nhiều thơ lắm, gửi gắm vào đây nhiều tình cảm, nhiều nỗi lòng…Thú thật đọc thư và thơ chị, tôi rât cảm động, rất hiểu mong muốn của chị. Do tờ báo lúc ấy ít in thơ, tôi nghĩ có lẽ thượng sách hơn cả là gửi gắm thơ ấy phổ nhạc, và lặng lẽ chuyển chùm thơ cho nhạc sĩ Trần Hữu Bích.

Nhạc sĩ Trần Hữu Bích: Thầm lặng một vầng trăng - 1

Tranh nhạc sĩ Trần Hữu Bích

Vì sao tôi nhờ anh Trần Hữu Bích? Bởi anh chị vốn thân thiết với cả mẹ tôi và tôi nhiều năm, là người tâm và tính rất tốt, hiền lành, tình cảm, giàu lòng trắc ẩn. Thêm một điều nữa là khi ấy anh đang là nhạc sĩ sáng tác, và là Phó trưởng phòng biên tập Ca nhạc của Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh, cũng là khá có "uy quyền" để đưa những bài hát ấy lên sóng đài, nhanh chóng đến được với người làm thơ miền đất Đơn Dương xa xôi...

Mùa thu ơi, thầm lặng một vầng trăng

Đêm nay lạnh, rét run từng chiếc lá.

Chia tay nhau, ta trở thành người lạ

Và em nhớ anh, vì gió những buổi chiều…

(Thơ Hồ Thụy Mỹ Hạnh)

Anh Trần Hữu Bích đã nhận lời, đã phổ nhạc những bài thơ ấy, rồi đưa lên sóng Đài, được đông đảo người nghe đón nhận và cảm tình. Sau những bài hát đầu tiên này, nhạc sĩ Trần Hữu Bích còn phổ hàng chục bài thơ khác của nữ nhà thơ vùng cao nguyên Lâm Đồng ấy nữa, như một sự tri âm tri kỷ, trong đó có nhiều bài hát hay như: Thầm Lặng Một Vầng Trăng, Mưa Sài gòn, Tự khúc mùa Đông, Huế Xưa - Huế bây giờ…. Một điều rất trân trọng với NS Trần Hữu Bích nữa là, ngoài việc mang hết tâm hồn, tài năng hòa quyện cùng cái hay cái đẹp của thơ để thành những ca khúc nổi tiếng,thì phần thù lao cho công sức lao động của nhà thơ, anh đều thu gom đầy đủ, gửi tới nhà thơ nơi vùng đất xa xôi với tất cả sự trân trọng, nâng niu và sòng phẳng….

*

Thật ra cuộc đời của nhạc sĩ Trần Hữu Bích là gắn với cây đàn violon biểu diễn, từ thuở ấu thơ đã được một người anh ruột là bác sĩ Trần Hữu Ngoạn truyền dạy. Sau này BS Trần Hữu Ngoạn là Giám đốc Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa, nơi năm xưa thi sĩ lừng danh Hàn Mặc Tử đã tá túc chữa bệnh. Năm 1956, Trường Âm nhạc Việt Nam được thành lập, chú bé 9 tuổi Trần Hữu Bích là một trong những thí sinh năng khiếu măng non đầu tiên trúng tuyển vào trường. Và từ đấy, cây đàn Violon gắn bó suốt cuộc đời với anh và truyền sang con trai anh, nghệ sĩ violon Trần Hữu Quốc nổi tiếng…

Nếu như năm lên 5 tuổi, anh Bích được anh Ngọan bắt đầu dạy cho kéo đàn, thì cũng năm lên 5 tuổi, chú bé Quốc được bố bắt đầu dạy cho chơi đàn. Ba năm sau, Quốc được vào học tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh với sự dìu dắt của nghệ sĩ Bùi Công Thành. Năm 1987, Quốc  theo học tại Học viện Âm nhạc Gnesin, Liên bang Nga, tốt nghiệp hạng xuất sắc. Trần Hữu Quốc từng đoạt giải ba kỳ thi violin mang tên International Competition Delphic tại Nga. Năm 2002, anh tốt nghiệp thạc sĩ, trở thành thành viên trong dàn nhạc Ensemble XXI Moscow. Trần Hữu Quốc từng độc tấu với Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Ukraine, Dàn nhạc Giao hưởng thành phố Deagu, biểu diễn tại nhiều quốc gia như Nga, Anh, Hà Lan, Ireland, Úc, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Phần Lan, Hungary, Hàn Quốc... Ngoài biểu diễn trong một số ban nhạc lớn, anh còn giảng dạy tại trường Kudje, Cheonan. Khi còn là sinh viên, Quốc yêu một bạn học khoa piano là E Un You, sau này hai người thường đi diễn cùng nhau nhiều nước trên thế giới, và tình yêu nảy nở, họ kết hôn. Hiện vợ anh  E Un You là nghệ sĩ biểu diễn, là Giáo sư piano tại Nhạc viện Quốc gia Hàn Quốc…

Như vậy là đã hai thế hệ Trần Hữu gắn bó và nổi danh với cây đàn violon, từ BS Trần Hữu Ngoạn, nhạc sĩ Trần Hữu Bích, nghệ sĩ Trần Hữu Quốc. Không biết thế hệ thứ ba, có còn tiếp nối cha ông, gắn bó và thành  danh với cây đàn violon nữa hay không?

Nhạc sĩ Trần Hữu Bích: Thầm lặng một vầng trăng - 2

Hai  vợ chồng nghệ sĩ Trần Hữu Quốc biểu diễn ở Nga

Nói về gia đình âm nhạc "toàn tòng" của mình, nhạc sĩ Trần Hữu Bích rất tự hào: "Gia đình anh có 8 thành viên đều làm nghề âm nhạc, anh là nhạc sĩ, chị Yến Nga là ca sĩ, sau là biên tập viên ca nhạc FM đài HTV. Con trai Trần Hữu Quốc nghệ sĩ violon, con dâu Cho Eun Young nghệ sĩ piano, con gái Trần Lê My nghệ sĩ piano, con rể Nguyễn Công Cao Thăng nghệ sĩ piano. Đến thế hệ thứ 3: Cháu nội Trần May học sinh violon nhạc viện Tchaikovsky, cháu ngoại Nguyễn My An học violon do ông ngoại dạy. Hiện nay vợ chồng Xiu (Trần Lê My) và 2 cháu ngoại cũng đã định cư ở Canada".

*

 Hồi anh Bích ở trong một hẻm nhỏ đường Lê Văn Sĩ (Phú Nhuận), tôi thường hay đến chơi với anh. Nhà anh lúc ấy có một cây khế, hai anh em hay ngồi dưới bóng khế tỏa mát, và chị Yến Nga vợ anh (cũng nguyên là một ca sĩ đài phát thanh giải phóng) thường hái khế cho hai anh em thưởng thức vị khế chua chấm muối, và nhắc nhớ những kỷ niệm thưở Hà Nội xa xôi…

 Nhớ một lần dưới bóng cây khế ấy, tôi tâm sự với anh về một người thầy văn chương trong quân đội của tôi, là Nhà thơ – nhà văn Xuân Thiều. Ông đã  mất (2007), và các con ông cùng Chính quyền quê nhà huyện Đức Thọ Hà Tĩnh thoả theo mong ước năm xưa của ông, xây nên một ngôi trường tiểu học ở làng quê thôn Điểu Khê mang tên ông (vì ngày nhỏ ông vốn học tiểu học trường làng). Giờ đây trường đã xây nên, sân trường sẽ dựng một bức tượng của nhà văn  Xuân Thiều, và mọi người muốn có một buổi văn nghệ khai trương tượng đài, mà các bài hát sẽ bao gồm các bài thơ của ông Xuân Thiều được phổ nhạc. Tôi tặng anh Bích một tập thơ của ông Xuân Thiều, và mong anh phổ giúp cho môt vài bài thơ làm tiết mục biểu diễn hôm ấy.

Ai dè chỉ dám khiêm tốn nhờ nhạc sĩ phổ thơ làm bài hát cho các em trường làng biểu diễn thôi, nhưng quả bác này tài hoa, chỉ sau ít ngày đã phổ thành nhiều  bài hát hay, như bài Tâm tình với con: “Ba dạy con từng lời tập nói/ Con hé môi bập bẹ: Ba ơi/ Ôi yêu quá là tiếng con gọi/ Tiếng đầu đời mà như tiếng tương lai/Bàn tay xinh đòi ngôi sao trên mũ/ Ba cho con cầm lấy mà coi/ Con cười tít mắt bừng lên ánh đỏ/Ôi quanh con sao đã mọc đầy trời…”. Cũng chính bài hát này, trong chương trình ca nhạc “Trời xanh và nỗi nhớ” của nhà thơ Xuân Thiều và các nhạc sĩ xuất sắc phổ thơ ông do Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội biểu diễn giữa Nhà hát Lớn Hà nội, ca sĩ Hồng Hạnh đã trình diễn rất xúc động, khiến Thiều Quang- Phùng Nguyệt và những người con của  ông Xuân Thiều khôn ngăn nổi dòng nước mắt…

*

 Nói đến Trần Hữu Bích, người ta nói đến hàng trăm bài hát do anh sáng tác, trong đó có nhiều ca khúc đọng trong lòng công chúng và được lớp trẻ rất yêu thích (Hát cho tình yêu, hát cho cuộc đời). Nói đến anh là nói đến hàng trăm chương trình ca nhạc rất hấp dẫn của HTV do anh thực hiện , hàng chục những ngôi sao nghệ thuật được anh lancer giới thiệu và chắp cánh qua những chương trình ca nhạc HTV.  Anh là một tên tuổi, rất được hâm mộ với giới mộ điệu âm nhạc ở thành phố Hồ Chí Minh.

Nhưng với tôi, anh là một người hiền, rất hiền, sống bằng chữ tâm và chữ tài giữa cuộc đời còn nhiều nhiễu nhương này. Anh luôn như một vầng trăng thầm lặng tỏa sáng, như lời một bài hát của anh năm nào…

Ảnh: Nhạc sĩ Trần Hữu Bích và Vợ chồng con trai Trần Hữu Quốc và Cho Eun Young đang song tấu violon - piano

None

Triệu Phong

Tin liên quan

Tin mới nhất