Những bức tranh ngựa của người lính Thành cổ Lê Trí Dũng và Trương Nhuận

(Arttimes) - Ngày ấy, từ Sài Gòn ra Hà Nội, tôi hay lại Nhà hát Tuổi trẻ thăm Trương Nhuận, từ thuở Nhuận mới chuyển về làm công việc tổ chức biểu diễn, cho đến lúc anh là Giám đốc. Ngạc nhiên là về sau này, khi anh có phòng làm việc riêng, thấy trên tường bắt đầu treo tranh, càng thêm thời gian, lại càng nhiều tranh treo, đến lúc kín mít cả bốn phía. Mà lạ, chỉ thấy "rặt" có tranh ngựa của họa sỹ Lê Trí Dũng.

Trước hết là mừng cho chú em, tuy là ông bầu biểu diễn, là giám đốc nhà hát, bận rộn ngập đầu, nhưng giờ lại có cái thú tao nhã chơi tranh, bên cái thú văn chương chữ nghĩa. Hai nữa, chơi tranh như thế, nghĩa là tiền nong cũng đã bắt đầu... leng keng trong túi chú rồi.

Nhưng cái cớ làm sao lại chỉ thấy treo tranh họa sỹ Lê Trí Dũng, thì một chiều kia, mới được ông em pha một ấm trà thơm thủng thẳng tâm tình.

Những bức tranh ngựa của người lính Thành cổ Lê Trí Dũng và Trương Nhuận - 1

Ông Trương Nhuận (trái) và họa sỹ Lê Trí Dũng (phải) (Ảnh: Internet)

Đại để là vào những năm 90, Nhuận hay cộng tác viết bài cho các báo, tuần nào cũng đều đặn in bài và ký nhận nhuận bút. Nên túi đã rủng rỉnh, luôn bia bọt bù khú với cánh bạn hữu và các đàn anh. Một lần kia, đang bia, hay tin hoạ sĩ Lê Trí Dũng, vốn là một người lính Thành cổ Quảng Trị, vừa được Trung tâm Văn hoá Hội cựu chiến binh Mỹ mời sang giao lưu và triển lãm tranh về đề tài người lính. Vậy là bên báo Tuổi trẻ gọi điện nhờ đến ngay làm một bài phỏng vấn. Nhuận mới mò mẫm lên nhà họa sỹ, ở Khu TT Trung Tự, một căn phòng nhỏ ngồn ngộn tranh. Lúc ấy, Nhuận mới hay họa sỹ Lê Trí Dũng là con cụ Lê Quốc Lộc, một trưởng lão trong ngành hội họa, vốn là một cựu sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Từ buổi đầu gặp gỡ ấy, Nhuận thân với Lê Trí Dũng, dần theo thời gian như Bá Nha - Tử Kỳ đời mới. Và cứ mỗi độ Xuân về Tết đến, "Bá Nha" lại thửa tặng "Tử Kỳ" một tranh con giáp, treo lên tường đầy ý vị. Năm nào cũng vậy, như một nếp chơi ngấm vào mình lúc nào chẳng rõ, thành quen, thành nghiền. Bao nhiêu bộ sưu tập về tranh ngựa, tranh gà, hoặc tranh sen của họa sỹ Lê Trí Dũng được Trương Nhuận “tích cực” săn lùng và khiêng về bằng hết!

Nhuận kể: Về xuất xứ của những tranh ngựa mà bây giờ hoạ sĩ Lê Trí Dũng đã vẽ và xuất xưởng cả ngàn chú chiến mã suốt mấy chục năm qua, hoá ra lại “kỳ ngộ” như một cơ duyên. Dạo ấy, nhà họa sỹ Lê Trí Dũng hay có các bạn nước Mỹ mua tranh. Anh có vẽ một bức khổ lớn về Từ Hải - Thuý Kiều treo ở chính giữa căn phòng tầng 1. Một ông khách Mỹ sau khi nhìn ngắm mãi bức tranh ấy đã ngỏ ý mua với giá cả ngàn đôla. Lúc ấy, Lê Trí Dũng thấy hơi chột dạ, vì nghĩ tay khách Mỹ mua tranh này chắc sành về Truyện Kiều nên mới mua bức tranh như thế. Trước lúc chia tay, họa sỹ của chúng ta mới hỏi: “Xin được hỏi thật là tại sao ông lại mua bức tranh Từ Hải - Thuý Kiều này của tôi, phải chăng là ...?”. Đáp lại, ông khách Mỹ cười rất hồn hậu: “Tôi thích nhất những con ngựa anh vẽ trong bức tranh, nó phiêu linh mờ ảo và mang cốt cách bản sắc Việt rất rõ. Tôi đã từng xem tranh ngựa ở nhiều nước trên thế giới, nhưng con ngựa trong bức tranh này không giống bất cứ tranh ngựa nào vẽ ở đâu cả!”. Họa sỹ của chúng ta mới ngớ người ra. Vì ngựa chứ không phải vì người! Ngẫm kỹ ra, từng có các bậc hoạ sỹ nổi tiếng thế giới được lưu danh đến tận bây giờ cũng bỏ cả đời chỉ để vẽ một con vật mình yêu quý, như danh hoạ Fujita người Nhật chuyên dòng tranh về mèo, cụ Tề Bạch Thạch bên Tàu mê vẽ tôm cua cá, hoặc hoạ sư Từ Bi Hồng chuyên vẽ tranh ngựa... Có lẽ mình với ngựa hợp duyên chăng? Từ buổi ấy, hoạ sĩ Lê Trí Dũng đã vung bút trên toan, giấy gió, bìa cactoon... cho cả đàn chiến mã ngàn con đủ bộ theo triết lý âm dương ngũ hành Kim - Mộc - Thuỷ - Hoả - Thổ, dáng hình đang phi nước kiệu, tung bờm căng vó câu phi nước kiệu hay thong thả soải bước chân trên bãi cỏ muôn hình vạn trạng thỏa theo cảm hứng của mình, với cái vốn kiến thức đông tây kim cổ thuộc lòng, am tường hiểu tận đủ ngọn nguồn lai lịch từng con Thiên lý mã, Xích thố, Ô truy, Bạch mã danh tiếng trong những bộ truyện cổ Trung Hoa ngày xưa được miêu tả kỹ càng đầy cảm hứng...

Năm Kỷ sửu 2009, khi hoạ sĩ Lê Trí Dũng tròn “lục thập hoa giáp”, sau tháng giêng ăn chơi Tết linh đình, anh quyết định “nhập thất” đóng cửa phòng cả tháng trời kỳ cụi mài mực nho, phóng bút cả ngày lẫn đêm, không còn biết cả trời đất bên ngoài sáng tối ra sao nữa ... Kết quả là 30 bức tranh ngựa trên bìa bồi giấy gió tung bờm, cong mông, nghiêng đầu đón gió phi nước đại thật hùng dũng “ra lò”. Anh Dũng bấm máy gọi: “Nhuận ơi, chú đến xem ngay lứa tranh ngựa đen trắng anh vừa phóng bút cả tháng nay như trút hết tinh lực vừa xong, kẻo mai đến chậm là có khách mua ở Thuỵ Điển nó “bứng” hết đấy!”. Độ ấy Nhuận đang có đàn em là nhà thiết kế áo dài Davis Minh Đức. Đức nhiều bận ghé thăm phòng làm việc của Nhuận ở Nhà hát Tuổi trẻ nên rất mê tranh ngựa của Lê Trí Dũng, thậm chí anh còn có ý tưởng muốn đưa những dáng ngựa phi đầy nét phiêu phưởng của hoạ sĩ thêu thành hoạ tiết lên áo dài Việt Nam để bán cho phu nhân đại sứ các nước là khách quen của Davis Minh Đức. Nhuận mới dẫn Đức lên nhà bác Dũng ôm ngay một lúc cả chục bức ngựa đen trắng với giá 10 ngàn đôla. Rồi tiếp đó là 20 bức còn lại hôm sau khách Thuỵ Điển đến xem và ôm hết luôn cả bộ tranh...

... Lại nhớ, dạo Trương Nhuận sắp nhậm chức giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, hoạ sĩ Lê Trí Dũng đến chơi ở cơ quan và tặng bức tranh Xích thố đằng vân trên giấy xiến chỉ khổ đại 1,6x1,6m cực đẹp, luôn được Nhuận treo ngay chính giữa phòng làm việc. Rồi ngày Trương Nhuận “ buông việc” quản lý sắp nghỉ hưu, đúng vào Tết Ông Công Ông Táo năm ấy, Lê Trí Dũng lại lễ mễ chở bức tranh Tam thế mã: Quá khứ - Hiện tại - Tương lai tặng cho ông em như một lời chia tay "vui vẻ" với căn phòng Giám đốc, với công việc quản lý “đàn ca sáo nhị “ ông em túi bụi gần nửa đời người ...

*

Trương Nhuận viết:

“Cách đây hơn hai tháng, cơn bệnh của tôi chợt bùng phát, bắt buộc tôi phải bay sang ngay sang Packway Cancer Center - Singapor thăm khám để thay đổi ngay phác đồ điều trị. Thú thật, tôi đã ngồi bần thần và cảm thấy “choáng tai” khi nghe ông giáo sư Lim đưa ra con số chi phí mấy trăm triệu mỗi tháng khi điều trị tại đó. Thậm chí, kể cả quẹt hết tấm thẻ visa platinum tôi mang theo cũng chưa trả đủ. Đúng lúc ấy, tôi nhận được cú điện thoại của anh Châu La Việt gọi sang động viên, giọng anh sang sảng trong máy khẳng định: “ Đừng lo tốn kém, giá nào cũng phải chữa bệnh. Anh tin là bạn bè sẽ giúp đỡ em vượt qua lúc khốn khó này”.

Quả nhiên, anh Châu La Việt đã nói là làm. Anh quyên góp bạn bè, rồi giúp tôi bán tranh, phải nói thật là tiển tỷ, gọi là bán tranh nhưng thực ra là "gửi "các bức tranh trong bộ sưu tập của tôi đến những địa chỉ tin cậy như của nhà sưu tầm Thiều Quang, để mình vừa có tiền chữa bệnh, vừa yên tâm khi những bức tranh quý mình sưu tầm bao năm nay có nơi lưu giữ trân trọng, chu đáo. Chính điều này đã làm tôi bớt phân vân, hết sức cảm ơn các anh, các bạn đã giúp tôi vượt qua bệnh tật, và cũng giúp tôi khỏi cảm thấy thất lễ với bậc hoạ sĩ đàn anh tài danh Lê Trí Dũng mà tôi hằng trân trọng quý mến bao năm nay”.

...Cách đây ít tháng, họa sỹ Lê Trí Dũng từ Mỹ trở về. Việc đầu tiên là anh tìm gặp Trương Nhuận, thăm hỏi sức khỏe Trương Nhuận, và tặng vợ chồng Nhuận - Phương bức tranh quý Ô truy ngưỡng liên, thưởng nguyệt. Lúc trao tranh cho Trương Nhuận, Lê Trí Dũng vốn cũng ngang tàng và ăn nói tinh tướng chẳng kém ai trên đời này, thế mà lúc ấy cũng run run xúc động:

“Lúc còn ở bên Mỹ, anh đọc facebook mới biết Nhuận gặp khó khăn về chuyện tiền bạc để chữa bệnh, anh day dứt quá! Hôm nay anh gặp Nhuận để tặng em bức tranh Ô truy ngưỡng liên, thưởng nguyệt, bức tranh đẹp nhất trong lứa tranh acrylic trên toan khổ 1,2x1,2m, từng có gallery bên Mỹ đặt mua… Nhưng anh nghĩ tới bốn bức tường nhà em giờ đã có phần trống trải vì những tranh em buộc lòng phải bán đi… Anh biết Nhuận khổ tâm lắm! Anh muốn tặng Nhuận bức tranh mới nhất này của anh để em điền vào những chỗ tường trống ấy, em treo lên cho đỡ khổ tâm, ngắm cho sướng mắt, biết đâu người lại khoẻ thêm…”

Lặng đi một lúc, Lê Trí Dũng dặn thêm: “Khi túng quá, em cũng đừng ngại, cứ bán đi lấy tiền mua thuốc chữa bệnh em nhé!”

Nói rồi họa sỹ phóng xe đi rất nhanh, như để giấu đi những giọt nước mắt đã toan trào ra trên má…

*

Sau khi Trương Nhuận mất, tôi và Trần Minh Văn đã muốn làm ngay tập sách Còn lại mãi với cuộc  đời, bao gồm những hồi ức, những ký sự nghệ thuật của Trương Nhuận. Nhưng cứ mở bản thảo ra, nước mắt lại chảy nghẹn ngào, không sao đọc nổi những con chữ Trương Nhuận gửi lại. Cho tới mấy hôm nay mới có thể bình tâm…

 Mới gọi điện cho họa sỹ Lê Trí Dũng, rằng anh làm cho Nhuận cái bìa sách nhé. Họa sỹ lặng đi ở đầu giây một lát, có nhẽ cho bớt xúc động, rồi nói rằng: “Để mình”. Ngay tối ấy, anh gửi tôi không phải một, mà là ba bìa sách anh vẽ rất công phu cho Nhuận để chọn một. Tôi bảo với anh tôi thích bìa thứ ba anh ạ, anh rằng Việt tinh quá, bởi "Cái tranh HOA ĐÀO làm bìa cho sách Trương Nhuận sinh thời Nhuận thích lắm. Nó âm thầm, nhẹ nhàng, kín đáo, điềm tĩnh khiêm nhường giống như con người Nhuận…”. Anh còn nói dài lắm, say mê lắm, như chính ngày xưa đang tâm sự với Nhuận. Còn thú thật tôi đã để máy ra xa, không dám nghe nữa, bởi nước mắt đã trào ra ướt đầm trên má…

None

Châu La Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất