Những cung bậc cảm xúc trong “Ngược gió” của Trần Thị Thu Hà

(Arttimes) - Giữa những ngày cuối năm rét buốt, tôi nhận được tập thơ: “Ngược gió” của Trần Thị Thu Hà gửi tặng. Nhâm nhi từng bài thơ, tôi cảm nhận được sự lan tỏa ấm áp của một hồn thơ chân thành, trong trẻo, với những cung bậc cảm xúc có lúc trào dâng mãnh liệt, có lúc êm dịu ngọt ngào của tình yêu trong tập thơ này.

Trước hết tôi thật sự rung động trước tình yêu đất nước, quê hương sâu lắng, thiết tha. Trong tập thơ, tác giả có 4 bài về đất nước: “Hãy một lần bạn đến đất nước tôi”, “Đất nước tôi”, “Đất nước mùa xuân” và: “Tự hào Việt Nam - Tổ quốc tôi”. Bằng những vần thơ giản dị, chân thành Thu Hà đã nói hộ tất cả chúng ta niềm tự hào về lòng yêu nước nồng nàn, sôi nổi; tinh thần cố kết cộng đồng, kiên gan chống chọi với  bão lũ, thiên tai. Ngoan cường chống kẻ thù xâm lược với tinh thần: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”: Tên núi, tên sông, biển rộng, đảo xa/ Từ ngàn xưa cha ông ta gây dựng/ Rắn rỏi hiên ngang vươn mình dáng đứng/ Mãi muôn đời tỏa sáng Việt Nam ta!... Mỗi xóm làng đã hóa những bài ca.../ Sự sống hồi sinh từ trong máu lửa... / Tự hào thay đây dòng máu Lạc Hồng (Tự hào Việt Nam - Tổ quốc tôi).

Những cung bậc cảm xúc trong “Ngược gió” của Trần Thị Thu Hà - 1
Tập thơ "Ngược gió" của Trần Thị Thu Hà

Từ thân phận người dân mất nước, lầm than, đói khổ, nhân dân ta theo Đảng, Bác Hồ vùng lên đấu tranh, giải phóng khỏi xích xiềng áp bức, bóc lột và đoàn kết đấu tranh chống giặc ngoại xâm để giữ gìn non sông, gấm vóc, xây dựng cuộc sống ngày càngấm no, hạnh phúc, vươn lên hòa nhập toàn cầu, sánh vai  cùng các nước trên thế giới, tạc nên những trang sử oanh liệt, hào hùng của dân tộc Việt Nam: Trang sử còn đây thơm đến vô ngần/ Một dân tộc thông minh và mưu lược/ Bốn nghìn năm thuở ông cha dựng nước/ Bao thăng trầm vẫn bất diệt hiên ngang! (Hãy một lần bạn đến đất nước tôi)

Để giữ cho đất nước bình yên, giữ trọn bờ cõi, non sông: Vui chân trẻ nhỏ đến trường/ Xôn xao ngô lúa trên nương mỗi ngày, để cho: Điệu xòe rộn rã, mê say tiếng khèn!, thì đêm đêm trên dãy núi mờ sương hay biên cương heo hút: Biên thùy anh vẫn hành quân.../ Chắc tay súng giữ vùng biên/ Yêu thương Đất Mẹ bình yên xuân về... cho mãi mãi Đất nước mùa xuân”, bởi bao thế hệ: Chúng con vẫn hành quân theo chân Bác (Bài ca xuân nhớ Bác). Đó chính là tình yêu đất nước, non sông nồng nàn của mỗi người con đất Việt luôn đồng hành cùng niềm tự hào, lòng tôn kính vô hạn đối với Bác Hồ, vị cha già dân tộc: Đất nước mình mỗi tên núi tên sông/ Rất tự hào luôn vươn mình bất diệt/  Vẫn vững vàng niềm tin yêu da diết/ Đón xuân vui chúng con nhớ Bác Hồ (Bài ca xuân nhớ Bác).

Mỗi người sinh ra đều có quê hương, đó là nơi chôn rau, cắt rốn của mình. Tình yêu quê hương là xuất phát điểm, là cội nguồn của mọi tình yêu lớn lao khác. Vì thế tình yêu Tổ quốc nồng nàn luôn gắn chặt không thể tách rời tình yêu quê hương sâu nặng nghĩa tình: Địa linh nhân kiệt bao đời/ Anh hùng cứu nước sáng soi lẫy lừng/ Tuổi tên tô đẹp non sông/ Bao trang sử mới thắm hồng quê Thanh! (Làm dâu Thanh Hóa).

Không chỉ có thế, trong sâu thẳm tâm hồn của nhà thơ là những cung bậc tình cảm, tình yêu thương dào dạt, Trần Thị Thu Hà đã thể hiện những cung bậc cảm xúc ấy trong thơ rất đa dạng, phong phú: “Yêu thương... nghiêng cuộc đời” mà đầu tiên và trước hết là tình yêu nghề nghiệp, tình yêu thầy trò, lòng kính trọng và biết ơn vô hạn với thầy cô đã dạy dỗ nhà thơ trưởng thành để rồi Thu Hà cũng trở thành đồng nghiệp của thầy: Con trở về thăm người lái đò xưa/ Cảm ơn thầy đã cho con tri thức/ Trò của con khắp mọi miền đất nước/ Cũng lại vềấmáp những bàn tay! (Yêu người - yêu nghề)

Với người thầy, học trò là tất cả, là tình yêu, niềm tin, là hy vọng và tự hào. Vì thế tình yêu cùng với nỗi đau nén chặt trong lòng của cô giáo Thu Hà trước cảnh mất mát tang thương của bão lũ miền Trung cướp đi những tâm hồn trong trắng ngây thơ đã được thể hiện rất sâu đậm qua những vần thơ: Các con ơi! Hãy về đi học thôi! Mấy hôm nay trống chỗ các con ngồi/ Cô không thể điểm danh sau bão nổi/ Mắt lệ nhòa, cô đọc chẳng thành câu... (Nhớ học trò sau bão). Đó chính là tình yêu người - yêu nghề của Thu Hà!

Đồng thời, Thu Hà còn dành tình cảm đặc biệt cho những người lính đảo. đã nói hộ tâm tình của những người đang ngày đêm canh trời giữ biển nơi sóng gió trùng khơi, đồng thời gửi vào thơ tình yêu vừa sâu nặng vô bờ, vừa sôi nổi đầy chất lính với niềm tin yêu khôn cùng đối với những người lính đảo: Yêu em anh ước thật nhiều/ Bên em ấm áp tình yêu... để dành/ Yêu bù ngày tháng xa anh/ Tình yêu của lính ngọt lành đắm say.../ Biển trời rực sáng ánh dương/ Gửi về nơi ấy tình thương nồng nàn/ Ngàn trùng sóng vỗ mênh mang/ Nụ hôn của lính muôn vàn tin yêu! (Tình yêu người lính đảo xa)

Những cung bậc tình cảm, những sắc thái tình yêu của con người, của những thân phn, hoàn cảnh khác nhau cũng được tác giả khắc họa khá đậm nét và tinh tế. Đó có thể là mối tình chớm nở, còn e ấp ngại ngùng nhưng cũng rất mãnh liệt: Gặp nhau... nghiêng hơi thở/ Bối rối... nghiêng mắt trao/ Trái tim... nghiêng nhịp đập/ Thổn thức... nghiêng vào nhau. Để cho: Nụ hôn... nghiêng đất trời (Nghiêng)

Và cũng bởi cái men say ngây ngất của tình yêu đã khiến anh mãi không quên được hình bóng của em,anh cứ mãi đi tìm” bởi: Em gieo cái lúm đồng tiền/ Để anh hết đứng không yên lại ngồi/ Để anh thương nhớ không nguôi/ Để anh ngơ ngẩn cả đời vì em!... Để anh tim gửi vào tim/ Để anh cứ mãi đi tìm... tình em (Đi tìm... tình em).

Phải chăng Thu Hà đã thấu hiểu cả những tình yêu không lời! Có biết bao nhiêu tình yêu không lời trên thế gian này! Đọc thơ Thu Hà có lẽ nhiều người thấy bóng dáng mình trong đó. Những tình yêu thầm kín, họ đọc được lời của trái tim, trái tim đã nói hộ lời để họ nhớ nhung, mong mỏi, đợi chờ: Một ánh mắt nụ cười/ Đủ làm ta xao xuyến/ Chưa một lần hò hẹn/ Mà đất trời ngả nghiêng (Nói thay lời con tim).

Thơ Thu Hà còn phản chiếu nhiều góc khuất của tình cảm, tình yêu! Khi người ta yêu nhau, họ sẵn sàng yêu cả những nỗi đau, những lỡ làng của nhau, trân trọng cả những khiếm khuyết của nhau... không gì ngăn cản được tình yêu ngọt ngào say đắm quyện chặt họ lại thành đôi: Hình như mình đã yêu rồi/ Xa nhau sao cứ bồi hồi nhớ mong/... Tình anh có đủ mặn mà/ Để yêu cả nỗi xót xa lỡ làng.../ Tìm trong muôn sắc muôn nơi/ Neo thuyền bến đỗ suốt đời yêu thương (Lời yêu muộn màng)

Một mình trong giá lạnh trời đông... có tình nồng, có tình yêu xa hay có cả tình dang dở, trong thơ Thu Hà đã có cái nhìn đa diện về tình yêu... thường thì người con gái hay thao thức vì nhớ thương: Bao đêm rồi em không ngủ vì anh/ Một mình em mong manh trong giá lạnh (Anh ở đâu). Ở nơi xa, người con trai nghe rõ từng nhịp đập thổn thức của người con gái và cảm nhận được cả vị mặn của những giọt nước mắt nhớ mong của người yêu lặng lẽ rơi trên gối: Khuya rồi hãy ngủ đi em/ Đừng thao thức nữa cho hoen lệ sầu... Tình yêu luôn có phép màu/ Trái tim anh sẽ bắc cầu em qua... (Xin em hãy nắm tay anh). Chính nhờ phép màu kỳ diệu ấy mà họ đã toại nguyện bên nhau: Hai trái tim mình một nỗi niềm chung/ Hạnh phúc đong đầy bờ môi dịu ngọt (Yêu xa). Quả là tình yêu như mật ngọt cuộc đời: Hạ qua thu tới vàng như mật/ Tình ta sâu nặng đến trọn đời!

Tuy nhiên, không phải cuộc tình nào cũng suôn sẻ, thuận buồm xuôi gió, đơm hoa kết trái mà có những nỗi buồn day dứt theo mãi với cuộc đời, Thu Hà đồng cảm sẻ chia với những cuộc tình dang dở: Có phải chăng anh ơi, đời là thực/ Còn duyên tình chỉ là giấc mơ thôi/ Muốn nói với anh dù chỉ một lời/ Lời “yêu anh” thấm sâu trong máu thịt (Anh ở đâu). Thật là chua xót, đắng cay khi hy vọng vỡ tan như bọt xà phòng, khi những ước mơ về một mái nhà chung với cuộc sống đầy ắp tiếng cười đầm ấm hạnh phúc không trở thành hiện thực: Mảnh tình vụn vỡ chơi vơi/ Em đem cất giấu rối bời trong tim.../ Tình trao...tình mãi vấn vương/ Trái tim thao thức đêm trường bơ vơ (Giọt tình mưa ngâu). Người con gái mang theo mối tình dang dở để bước vào cuộc sống với trăm bề lo toan cùng vết thương lòng chua xót: Nghĩ về anh trái tim em máu ứa/ Nén nỗi đau em gắng gượng mỉm cười.../ Em cô đơn trong dòng xoáy cuộc đời/ Anh có hay em sức cùng lực kiệt/ Vẫn mơ về một tình yêu tha thiết/ Anh trao em da diết buổi ban đầu (Giấc mơ mong manh). Thơ Thu Hà rất giàu chất nhân văn, đau nỗi đau của cuộc tình tan vỡ, thấu hiểu cả những trái tim ứa máu, buốt giá tái tê, dù chia tay vẫn mong người ấy tìm được hạnh phúc: Có một chiều ta lặng lẽ chia tay/ Hai cái bóng xa dần về hai ngả/ Tê tái không gian lòng em buốt giá/ Vắng anh rồi tất cả mong manh hơn!... Cuộc tình đi qua như một giấc mơ/ Em chợt tỉnh giữa cuộc đời rất thực/ Anh của em...Giờ là miền kí ức/ Xa thật rồi, hãy hạnh phúc nhé anh! (Lời cuối cho một cuộc tình)

Vượt lên tất cả nỗi đau, mất mát, vụn vỡ... Thơ Thu Hà đã thể hiện một tâm hồn trong trẻo, ấm áp, một nghị lực sống phi thường, đối mặt với giông tố, nghênh diện trước giông tố mà bước tới: Em đi ngược gió tìm hoa/ Hoa chưa thấy đã đậm đã đậm đà ngát hương/ Em đi ngược gió tìm sương/ Sương từ đâu đã vấn vương vai gầy/ Em đi ngược gió tìm mây/ Giang tay em đón mây bay về mình... “Ngược gió” để đón những yêu thương, khát vọng. Muốn giữ chặt anh dù tình yêu có lúc khiến anh trở thành mong manh lắm! Cuộc đời cũng thế! Đời bên ta đó nhưng ta vẫn phải kiếm tìm, nếu không trân trọng cuộc đời thì đời cũng mơ hồ như giấc mơ thôi! Thơ thì luôn chờ đợi những tâm hồn khát khao đắm mình vào đó. Ta tìm thơ, thơ chờ đợi ta: Em đi ngược gió tìm thơ/ Chàng thơ phiêu lãng đợi chờ đón em! (Ngược gió). Có lẽ vì thế mà Thu Hà đã chọn “Ngược gió” để đặt tên cho tập thơ của mình.

Chậm rãi như những thước phim cuộc đời đa đoan quay chậm, tác giả “Ngược gió” tìm cái sôi nổi, ngẩn ngơ của tình yêu “sét đánh”, của những mối tình sâu nặng, viên mãn, khai hoa kết trái đến cả những thân phận, những mảnh đời, những mối tình đơn phương, vô vọng hoặc những đôi trai gái yêu nhau tưởng không bao giờ lìa xa, rằng họ không thể thiếu nhau trên đời này... Nhưng rồi vì nhiều lý do khác nhau, họ đã không thể cùng nhau đi đến cuối chân trời. Rồi cuộc sống cứ thế trôi qua, ở đâu đó trên thế gian này có những chàng trai, cô gái đã đau đáu suốt đời nhớ nhung nhưng mãi mãi chỉ là người xa lạ!

Cảm ơn thật nhiều tác giả, người có ý tưởng thật độc đáo: “Đi ngược gió tìm thơ” để đc giả được thưởng thức, chiêm nghiệm và suy tưởng về tình yêu, một đề tài mênh mông, đa dạng, với nhiều cung bậc cảm xúc trong cuộc sống.

Vũ Duy Hòa

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động cuộc thi viết

Phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Báo Hà Nội mới vừa tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống