Nữ Đại tá - Giám đốc nhà hát và nhà hát trong cơn đại dịch

(Arttimes) - Đại tá, NSƯT Nguyễn Thị Bích Hạnh (tên nghệ thuật là Hồng Hạnh) là một trong những nữ ca sĩ xuất sắc của quân đội. Chị là nghệ sĩ nữ đầu tiên giữ cương vị giám đốc của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội.

Chị quê ở Quảng Ninh, theo học Trường Nghệ thuật Quân đội, và sau đó về công tác tại Đoàn Ca múa Quân đội, nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội (CMNQĐ). Khởi đầu là một diễn viên hát, do phấn đấu, rèn luyện tốt cả về tài năng và đạo đức, chị dần được đề bạt qua các vị trí: Đội trưởng, Phó đoàn trưởng, Phó giám đốc Nhà hát và từ năm 2018 là Giám đốc Nhà hát CMNQĐ. Nghệ sĩ Khắc Tuế, nguyên Đoàn trưởng có “thâm niên” của Nhà hát CMNQĐ cho hay: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử gần 70 năm của Nhà hát, có một nữ nghệ sĩ làm giám đốc, và cũng là lần đầu tiên có một ca sĩ làm giám đốc”. Trên sân khấu, với chất giọng nữ trung đậm đà màu sắc dân gian, điêu luyện về kỹ thuật và tinh tế trong xử lý tác phẩm, giọng hát của chị được khán giả, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ quân đội yêu thích.

Nữ Đại tá - Giám đốc nhà hát và nhà hát trong cơn đại dịch - 1

NSƯT Nguyễn Thị Bích Hạnh - Giám đốc và Đại tá Trần Quốc Đạt - Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội

Chị gắn bó với nhiều bài hát ngợi ca người mẹ Việt Nam, mang lại những rung cảm lớn cho trái tim người nghe. Trong số những giải thưởng mà Hồng Hạnh gặt hái được qua các Liên hoan nghệ thuật, thì những bài hát về người mẹ chiếm phần không nhỏ. Năm 1995, ca khúc “Cho con xin câu hát” ( Nhạc và lời của Minh Quang) do chị trình bày đoạt Huy chương Vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 2001, Hồng Hạnh hát “Mẹ tôi”(1) của nhạc sĩ An Thuyên, giành Huy chương Vàng tại Cuộc thi “Mùa xuân và người chiến sĩ” do Bộ Quốc phòng tổ chức. Đến năm 2009, tác phẩm “Mẹ tôi” (2) của An Thuyên do chị thể hiện được trao Huy chương Bạc tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Ngoài ra, những bài hát về mẹ khác, như: “Mẹ tôi” của Đoàn Bổng, “Mẹ” của Nguyễn Tiến, “Huyền thoại mẹ” của Trịnh Công Sơn, “Lời ru cỏ non” của Hữu Ước, “Mẹ” của Phan Long... được chị trình diễn rất thành công trên sân khấu, và như đã gắn liền với tên tuổi nữ ca sĩ quân đội này.

Tiếng hát Hồng Hạnh là tiếng hát của một người lính. Sân khấu biểu diễn của chị ngoài Nhà hát CMNQĐ và các sàn diễn nghệ thuật lớn, còn là trên thao trường, bãi tập, nơi núi rừng, làng bản xa xôi, những đồn biên phòng cheo leo trên sườn núi… để phục vụ bộ đội. Tiếng hát của chị cũng vượt không gian, vươn ra quốc tế, đến với nhiều quốc gia châu Á, châu Âu… Năm 2013, Nhà hát CMNQĐ đi làm nhiệm vụ quốc tế, sang trình diễn tại Hàn Quốc với chương trình nghệ thuật mang tên “Nhịp cầu hữu nghị”, được công chúng nước bạn nhiệt liệt hoan nghênh. Trong đêm diễn tại Đài Truyền hình KBS ở thủ đô Seoul, có sự tham dự của đại diện sứ quán nhiều nước và đại biểu Việt kiều tham dự... Đại diện phía Hàn Quốc tổ chức chuyến lưu diễn của đoàn đánh giá: “Thật tuyệt vời! Nhà hát CMNQĐ đã mang đến cho chúng tôi món quà quý giá. Cảm ơn các bạn nhiều lắm. Đây chính là biểu hiện sống động cho tình đoàn kết, hữu nghị”. Đồng thời, vị tướng này cũng đặc biệt ca ngợi nữ ca sĩ Hồng Hạnh đã thể hiện thành công bài “Cô gái trên dòng sông Soyang”-một bài dân ca Hàn Quốc. Với niềm xúc động mãnh liệt sau khi nghe bài hát, vị tướng này đã thốt lên: “Tôi đã nghe và hát hàng nghìn lần bài “Cô gái trên dòng sông Soyang”, nhưng hôm nay là ngày ca khúc nổi tiếng của chúng tôi được thể hiện hay nhất”.

Nữ Đại tá - Giám đốc nhà hát và nhà hát trong cơn đại dịch - 2

Một tiết mục nghệ thuật biểu diễn của Nhà hát  Ca múa nhạc Quân đội

Năm 2010, Hội Nhà văn Việt Nam và gia đình nhà thơ Tố Hữu tổ chức đêm thơ nhạc “Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi”, kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của nhà chính trị-nhà thơ Tố Hữu tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Có một tiết mục là bài hát “Mưa rơi”- Tác phẩm được phổ nhạc từ một bài thơ trữ tình rất hay, nhưng cũng rất hãn hữu, vì nhà thơ Tố Hữu rất ít làm thơ về “cái riêng”. Đây là bài thơ Tố Hữu viết tặng vợ là bà Vũ Thị Thanh, được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc và nhiều ca sĩ tên tuổi biểu diễn rất hay. Nhưng trong đêm diễn kỷ niệm 90 năm Ngày sinh nhà thơ Tố Hữu, bà Vũ Thị Thanh muốn ca sĩ biểu diễn thể hiện bài hát này một cách giản dị hơn, đằm thắm hơn, tinh tế hơn. Ban tổ chức sau khi thảo luận, phân tích tất cả các giọng ca xuất sắc đương thời, đã mời ca sĩ quân đội Hồng Hạnh thể hiện. Và trong đêm diễn, khi tiếng hát nồng nàn, say đắm của chị cất lên, với sự sâu sắc, tinh tế, lắng đọng cùng một cánh áo nâu gợi nhớ về người phụ nữ trong những tháng năm kháng chiến đã mang đến sự xúc động lớn cho người xem, từ Đại tướng Lê Đức Anh cùng nhiều tướng lĩnh quân đội có mặt, đến nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và các nhà văn, nhà thơ từng tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đặc biệt, bà Vũ Thị Thanh, người vợ suốt một đời thủy chung, tận tụy của nhà thơ Tố Hữu, rất xúc động và hài lòng với phần biểu diễn của Hồng Hạnh.

Từ cuối năm 2018 , Thượng tá NSƯT Nguyễn Thị Bích Hạnh (Hồng Hạnh) được giao phó trách nhiệm là Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội - Một Nhà hát có bề dày truyền thống và tiêu biểu nhất, lớn nhất toàn quân, là đội quân tiên phong trên lĩnh vực văn hoá văn nghệ của Đảng và quân đội. Trên cương vị mới, chị đã rất nỗ lực để hòan thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, cùng với Ban lãnh đạo Nhà hát Mà như Đại tá NSUT Trần Quốc Đạt, phó Giám đốc uy tín và tài năng của Nhà hát ghi nhận “ NSƯT - Giám đốc Hồng Hạnh tài giỏi, bản lĩnh, luôn là người thuyền trưởng vững vàng chèo lái con thuyền Nhà hát vượt qua bao thử thách, NSUT Nông thị Kim, Chính trị viên, người chị cả của Nhà hát, người luôn sâu sát trên mọi lĩnh vực, quan tâm, động viên, khích lệ kịp thời để mọi người hoàn thành tốt nhiệm vụ” đã chèo lái Nhà hát như con tàu vững vàng rẽ sóng ra khơi, đặc biệt trong đại dịch Covid. Đại tá Giám đốc Nhà hát Nguyễn Thị Bích Hạnh tâm sự: “Trong thời điểm phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, không trực tiếp đến các đơn vị biểu diễn, Nhà hát đã kịp thời điều chỉnh kế hoạch, chủ động phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, các đài địa phương và các phương tiện truyền thông, ghi hình, phát sóng các chương trình phục vụ bộ đội và nhân dân, bảo đảm chất lượng, hiệu quả tốt. Quản lý chặt chẽ hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn theo đúng quy chế, quy định của Nhà nước và Quân đội, nhất là biểu diễn đối ngoại và đi biểu diễn ở nước ngoài. Phát huy tốt vai trò của cơ quan và hội đồng chuyên môn, lực lượng sáng tác, biên đạo, phối âm, phối khí trong và ngoài đơn vị để bổ sung các tác phẩm mới có chất lượng nghệ thuật cao, xây dựng được nhiều chương trình có quy mô lớn, cấp toàn quân, toàn quốc; tham gia các kỳ liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân, toàn quốc và các ngày lễ, sự kiện lớn của Đảng, đất nước, Quân đội đều đạt giải cao. Nhờ đó, không ngừng nâng cao chất lượng biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân, góp phần tuyên truyền, lan tỏa phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc đến với nhân dân và bạn bè quốc tế.

Nữ Đại tá - Giám đốc nhà hát và nhà hát trong cơn đại dịch - 3

NSƯT Nguyễn Thị Bích Hạnh (Hồng Hạnh) cùng một số ca sĩ, nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội

Được biết trong năm 2020, Nhà hát biểu diễn 120 buổi; trong đó, truyền hình trực tiếp15 buổi, biểu diễn đối ngoại 8 buổi.Trong năm 2021, mặc dù Covid đã trở thành đại dịch, nhiều Nhà hát, Đoàn nghệ thuật phải tạm ngưng biểu diễn, tạm ngưng hoạt động, nhưng Nhà hát ca múa nhạc Quân đội vẫn xây dựng được 17 chương trình biểu diễn, trong đó có nhiều chương trình nghệ thuật mang tầm vóc chính trị và nghệ thuật lớn, và cũng có những hoạt động đối ngoại được đánh giá cao. “Mặc dù trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng tập thể nghệ sĩ, diễn viên nhà hát vẫn luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ thường xuyên và đột suất nhờ tinh thần đoàn kết, sáng tạo, một người vì mọi người và đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng chống dịch” Giám đốc Nhà hát Nguyễn Thị Bích Hạnh khẳng định. Những hoạt động của Nhà hát, tinh thần lao động sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sỹ trong Nhà hát, mà cánh chim đầu đàn là Đại tá Giám đốc Nguyễn Thị Bích Hạnh, thực sự rất xứng đáng với sự biểu dương của Tổng cục Chính trị, như những lời biểu dương và chỉ đạo chung lực lượng văn nghệ sỹ Quân đội của Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm TCCT: “Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hiện nay là mặt trận không tiếng súng, nhưng cũng vô cùng nóng bỏng và không kém phần gian nguy. Bằng nỗ lực, quyết tâm cùng tình yêu nghề tha thiết, đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội đã có nhiều sáng kiến, giải pháp hiệu quả trong hoạt động sáng tác, biểu diễn nghệ thuật phục vụ bộ đội và nhân dân. Nếu như trong chiến tranh, giữa mưa bom bão đạn tàn khốc của kẻ thù, các nghệ sĩ-chiến sĩ đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, xung kích trên khắp các mặt trận, đem lời ca tiếng hát cổ vũ, khích lệ bộ đội hăng say chiến đấu, thì trong cuộc chiến với “giặc” Covid-19 hôm nay, không ít tấm gương nghệ sĩ-chiến sĩ đã sẵn sàng dấn thân vào tâm dịch để thâm nhập thực tế, sáng tác và kịp thời lan tỏa trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong điều kiện trang thiết bị, không gian hạn chế, nhưng với những cách làm sáng tạo, hiệu quả, các nghệ sĩ trong toàn quân vẫn tổ chức thu thanh, ghi hình, dàn dựng, phát sóng nhiều chương trình, tác phẩm nghệ thuật bảo đảm chất lượng, tính thời sự và an toàn tuyệt đối.

Nữ Đại tá - Giám đốc nhà hát và nhà hát trong cơn đại dịch - 4

Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn mang tầm vóc chính trị và nghệ thuật lớn trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Có thể khẳng định rằng, với truyền thống “nghệ sĩ-chiến sĩ, vượt lên khó khăn, chủ động sáng tạo”, bằng tinh thần trách nhiệm cao, tình yêu nghệ thuật và mệnh lệnh từ trái tim, các văn nghệ sĩ quân đội đã đồng hành có hiệu quả, cùng cả nước chống dịch thông qua các tác phẩm văn học-nghệ thuật của mình, bổ sung vào kho tàng các tác phẩm nghệ thuật cách mạng, góp phần tô đẹp thêm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn hiện nay”.

Bài Tuyên truyền nghị quyết 84/CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ None

Trương Nguyên Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.