Ông kể thì cười, mà tôi nghe lại... khóc!

(Arttimes) – Cách đây ít năm, tôi cùng nhà văn Đỗ Kim Cuông, khi đó là Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức đêm thơ nhạc: "Tố Hữu với Việt Bắc” ở TP Thái Nguyên. Đội hình biểu diễn đẹp, bao gồm nhiều nghệ sỹ ruột và thân thiết với tôi.

Các nghệ sỹ ấy gồm Dương Minh Đức, Quang Huy, Quang Thọ, Hồng Hạnh, Thúy Nội... Nhưng một lãnh đạo của tỉnh Thái Nguyên – Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Đương cũng hằng thân thiết với tôi, lại yêu cầu: “Gắng có Quốc Hưng, Trần Hồng Nhung và “hoàng tử nhạc đỏ anh nhé, nhân dân ở đây yêu thích tiếng hát của họ lắm!”

Tôi hiểu Đương muốn có Quốc Hưng và Trần Hồng Nhung, bởi hai nghệ sỹ này vừa đã hát “Vinh quang Hồn dân tộc” của Phạm Xuân Đương do nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân phổ nhạc, được trình diễn trong “Ngày Âm nhạc Việt Nam” rất tuyệt vời. Đương muốn họ về hát “Vinh quang hồn dân tộc” cho bà con quê hương anh thưởng thức. Thế nhưng ngẫm  đi ngẫm lại, cũng giữ ý đây là đêm thơ nhạc tôn vinh Tố Hữu, chỉ nên có cac tác phẩm Tố Hữu, nên anh Đương giữ ý thôi không hát bài của mình và Đỗ Hồng Quân…

Thế là nửa đêm, tôi mò được số điện thoại của người nghệ sỹ anh Phạm Xuân Đương mà bà con Thái Nguyên hết sức yêu quý, năm câu ba chuyện mời cậu ấy tham gia đêm diễn. "OK, em sẽ giúp anh" - Nghệ sỹ trả lời và đêm sau tự lái xe từ Hòn Gai về Thái Nguyên kịp giờ biểu diễn…

*

Lại nhớ NSND Trần Hiếu - Người thầy đầu tiên của người ca sỹ ấy đã kể tôi nghe, trong một lần giữa Sài Gòn, ông đang đi hát free cho Nhạc kịch “Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà” của bạn tôi - nhạc sỹ Vũ Huy Tiến (lần đầu tiên trong đời tôi thấy một ông nghệ sỹ đi hát Nhạc kịch mà free là ông Trần Hiếu).

Thế rồi cũng do trời mưa, sân khấu chưa kịp mở màn. Giời ạ! nhạc kịch mà các bố đem về quán cà phê của ca sỹ Cao Minh để diễn “ngoài trời” cho người xem. NSNDTrần Hiếu đã tâm tình cùng tôi về chủ nghệ thuật và … “xiền”!

*

Chuyện kể của NSND Trần Hiếu:

"Hoài biết không, tiền dạy học anh lấy là thấp nhất thành phố này, mà cô cậu nào nghèo quá thì tôi cho luôn, ở trong này gọi là dạy chùa, như cái hồi có một cậu thi vào Nhạc viện Hà Nội cũng là anh cho, dạy chùa liền 20 buổi cho cậu ấy…

Chuyện thế này: Ngày ấy không hiểu sao một buổi loanh quanh sân trường nhạc viện, anh thấy có một thằng bé đứng khóc. Mới ra hỏi vì sao cháu khóc, thì thằng bé nói: “Cháu thấy người ta bảo lên đây phải tìm thầy mà học, phải tập hát bài nọ bài kia thì mới thi đậu vào trường được. Cháu đi hỏi, thầy nào cũng bảo 50.000đ/giờ. Mẹ cháu cho cháu có 200.000đ, cháu đi xe từ Thanh Hóa lên đây đã gần hết, tiền ăn còn chẳng có, chẳng biết lấy đâu ra tiền học nữa”. Rồi nó lấy tay áo chùi nước mắt đỏ hoe.. Anh  thương quá, mới bảo nó “Lau nước mắt đi, em vào đây thày dạy cho, có tiền hay không có tiền không quan trọng, mà phải gắng học đã, để mà cố thi cho đỗ”. Thế là anh dạy liền cho nó 20 buổi, không lấy một đồng xu nào. Hoài biết không, thằng ấy năng khiếu, thông minh lắm,  ngay năm đầu thi, nó đỗ luôn thủ khoa!

Ông kể thì cười, mà tôi nghe lại... khóc! - 1

NSND Trần Hiếu

Vào được trường, dù là thủ khoa rồi, mà cũng chẳng thầy nào nhận dạy nó cả, bởi nói thật nhìn nó lúc ấy khiêm tốn lắm, không được bắt mắt bằng người này người kia, chứ lấy đâu ra sáng sủa, hoành tráng  như bây giờ. Các thầy thầm thì kháo nhau: “ Thằng này nó hát hay đấy, nhưng khó mà làm ca sĩ được, chứ mong gì mà có thể nổi tiếng". Không ai nhận thì anh chị lại nhận. Anh dạy nó tổng cộng tất cả 6 năm. Ngay năm đầu trung cấp, cậu ta đi thi được giải nhất “Giọng hát hay Hà Nội”. Được hai triệu tiền thưởng, cậu ta mừng quá, cầm tiền tung tăng đi tìm thầy để trả nợ cho thầy. Anh gạt tay đi, bảo: “Tôi không lấy đâu, bây giờ cái cần nhất là cậu phải có một bộ quần áo mặc cho tử tế. Giờ người ta mời đi hát, mà không có nổi một bộ quần áo thì hát bằng cái gì?”. Vậy là cu cậu nghe lời thầy, đi mua ngay một bộ chỉn chu, cùng một đôi giày để mặc đi biểu diễn. Lúc ấy thắng quần áo mới vào, nhìn anh chàng bắt đầu đã ra dáng.

Chưa hết chuyện. Năm thứ 4 đi thi, cậu ta lại được nhất miền Bắc, được thưởng hơn 10 triệu. Ngày ấy 10 triệu là to lắm! Cậu ta lại đòi trả nợ cho thầy. Anh  lại gạt tay đi, bảo “Không, bây giờ cậu phải có một cái xe máy. Giải nhất thế này mà xe đạp còn không có, mỗi lần đi diễn là nhờ bạn đèo hay phải đi mượn xe đạp à?”. Thế là nó nghe anh, đi mua một chiếc xe máy. Sau đó, lại đi thi, lại được giải nhất toàn quốc. Ông tướng lại đến: “Thôi thầy nhé, bây giờ con có xe máy rồi, thầy phải cho con trả nợ cho thầy và cô nhé!”. Anh vẫn lắc đầu bảo: “Chưa, người cậu nợ chưa phải là tôi, mà là mẹ cậu ấy! Cậu phải mua tặng mẹ một bộ tivi tử tế, gửi về cho mẹ. Rồi cậu phải thay cái xe máy cà tàng này đi, và may thêm một bộ comple nữa”. Thế là nó lại nợ! Cho đến khi vào đại học năm thứ 2, nó thi hát được giải nhì cổ điển toàn quốc, lúc bấy giờ tôi mới chịu cho nó trả nợ cho mình…

Cho đến bây giờ, nó vẫn gọi tôi là bố, coi tôi như bố, có nhẽ một phần là do thế…

*

Nghe chuyện NSND Trần Hiếu kể, ông thì cười rất tươi, còn tôi thì… khóc, nước mắt cứ chảy ra thành vệt trên má từ lúc nào….

None

Châu La Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Chiều 28/3 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Namvà UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức Họp báo Chương trình Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum). Đồng chủ trì buổi họp báo có các đại biểu: Nguyễn Như Hiếu - Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao; Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; Đào Quang Bính - Tổng Thư ký T