PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Đoàn kết, thống nhất tư tưởng và hành động, đưa sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam phát triển trong giai đoạn mới

(Arttimes) - Sáng ngày 22 tháng 9 năm 2021, đồng chí Đỗ Hồng Quân được nhận quyết định của Ban Bí thư về việc chỉ định giao nhiệm vụ Bí thư Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025. Thời báo Văn học nghệ thuật Việt Nam đã phỏng vấn đồng chí Đỗ Hồng Quân về phương hướng nhiệm vụ của Liên hiệp trong giai đoạn mới.

PV: Xin chúc mừng đồng chí vinh dự được Ban Bí thư chỉ định giao nhiệm vụ làm Bí thư Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Cảm tưởng của đồng chí sau khi nhận nhiệm vụ?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Được Ban Bí thư chỉ định giao nhiệm vụ làm Bí thư Đảng Đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đối với tôi là một vinh dự to lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề. Quyết định của Ban Bí thư thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với các hoạt động của Liên hiệp, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của hơn 4 vạn văn nghệ sĩ cả nước mong muốn sau Đại hội X  Bộ máy lãnh đạo của Liên hiệp sớm được kiện toàn. Tôi hiểu, quyết định quan trọng này là sự tin tưởng của Đảng giao nhiệm vụ cho tập thể Đảng đoàn Liên hiệp và Đoàn Chủ tịch, đáp ứng kỷ vọng, niềm tin yêu của toàn Đảng toàn dân.

Tôi nhận thức sâu sắc rằng, mọi thành công trong công việc, trong sự nghiệp dù lớn hay nhỏ đều xuất phát từ nhân tố con người. Con người gắn kết với nhau trong tổ chức, thống nhất trong tư tưởng, ý chí và hành động, qua đấu tranh hun đúc nên tinh thần đoàn kết!

Với truyền thống vẻ vang hơn 70 năm của Liên hiệp, Đảng Đoàn Liên hiệp cùng với Đoàn Chủ tịch và Ủy ban toàn quốc nguyện đoàn kết một lòng, nhất trí về tư tưởng, chính trị, thống nhất trong hành động, đặt lợi ích tập thể lên trên hết. Quyết tâm phấn đấu lãnh đạo, chỉ đạo tập thể đơn vị, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, sáng tạo nhiều tác phẩm, công trình có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật trong thời kỳ mới.

PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Đoàn kết, thống nhất tư tưởng và hành động, đưa sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam phát triển trong giai đoạn mới - 1

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao Quyết định của Ban bí thư Trung ương cho đồng chí Đỗ Hồng Quân. Ảnh Quang Hồ

PV: Xin đồng chí cho biết những công việc chính trong 5 năm tới của Liên hiệp về tổ chức đầu tư sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Việc quan trọng đầu tiên là phải xây dựng một chương trình hành động toàn khóa, trong đó thấm nhuần tinh thần các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII về công tác văn hóa, văn học nghệ thuật. Một nội dung quan trọng trong chương trình hành động là vấn đề đổi mới trong công tác đầu tư sáng tạo. Cần cải tiến phương thức hỗ trợ sáng tạo sao cho có trọng tâm, trọng điểm, triển khai tới 63 tổ chức thành viên của Liên hiệp một cách có hiệu quả, cùng với các Hội chuyên ngành và 63 Hội ở các tỉnh thành, phát hiện những tác giả có khả năng, tâm huyết, sức sáng tạo dồi dào, phát hiện những lĩnh vực mạnh của từng Hội để tập trung đầu tư, tránh trường hợp đầu tư dàn trải. Khuyến khích các tác phẩm có sự tìm tòi sáng tạo, có định hướng đúng đắn và đi vào những chủ đề lớn của đất nước.

Cố gắng đầu tư cả đầu vào (đặt hàng tác giả) và đầu ra (dàn dựng, in ấn, quảng bá…), biểu dương những tác phẩm có chất lượng, có tính chuyên nghiệp cao. Liên hiệp sẽ đẩy mạnh khâu quảng bá, lan tỏa tác phẩm trong công chúng.

PV: Sáng tạo là công việc của mỗi cá nhân, Liên hiệp có biện pháp gì để giúp cho những văn nghệ sĩ thăng hoa sáng tạo?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Trong các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII, Đảng luôn coi trọng vai trò của văn hóa, văn học nghệ thuật trong việc bồi đắp tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam, đảm bảo quyền tự do sáng tạo văn học nghệ thuật. Liên hiệp thông qua các Hội chuyên ngành Trung ương và các Hội địa phương hàng năm tổ chức các đợt đi thực tế sáng tác xuống cơ sở, mở các trại sáng tác, các lớp tập huấn, các cuộc hội thảo khoa học… Đây là những hình thức mở rộng tự do cho các thành phần sáng tạo tham gia, nói lên tiếng nói của mình bằng các loại hình văn học nghệ thuật, đóng góp những ý kiến về lý luận phê bình, tranh luận về các hiện tượng phát sinh trong đời sống văn nghệ.

PV: Việc đào tạo, bồi dưỡng và tạo môi trường cho văn nghệ sĩ trẻ trong 5 năm tới thế nào, thưa đồng chí.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Văn nghệ sĩ trẻ là lực lượng kế cận trong sự nghiệp văn học nghệ thuật đất nước, với chiến lược phát triển đất nước đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra tầm nhìn đến năm 2026, 2030 và đến tận 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước). Việc chăm lo phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ cho tương lai là việc làm có tính chiến lược luôn đặt vào trọng tâm hoạt động của Liên hiệp vì tính cấp thiết và lâu dài của nó. Cụ thể cần phát hiện các yếu tố trẻ trong các lĩnh vực thơ ca, nhạc, họa, sân khấu, điện ảnh… Liên hiệp sẽ chủ động mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn, mời gọi, thu hút văn nghệ sĩ trẻ tham gia, mặc dù họ chưa phải là hội viên của các Hội chuyên ngành. Thông qua việc sinh hoạt trong môi trường Hội và kết quả sáng tạo của lớp trẻ, các Hội chuyên ngành xét kết nạp họ vào Hội nhằm tạo lực lượng sáng tạo cho tương lai. Bên cạnh mục đích nghệ thuật thì Hội còn là nơi tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng những kiến thức về xã hội, phổ biến đường lối quan điểm của Đảng về văn nghệ, định hướng tự do sáng tạo cho giới trẻ. Khắc phục tình trạng hiện nay, một số nhạc sĩ, ca sĩ, họa sĩ, diễn viên trẻ… không mặn mà với tổ chức Hội, thậm chí còn quay lưng lại, muốn hoạt động tự do, lấy nghệ thuật làm phương tiện kiếm tiền.

PV: Báo chí có vai trò quan trọng trong phục vụ hoạt động quản lý và thúc đẩy sáng tạo văn học nghệ thuật. Liên hiệp sẽ tổ chức quản lý các tờ báo nằm trong Liên hiệp như thế nào?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Hiện nay, trong Liên hiệp có 70 tạp chí và 2 tờ báo. Với số lượng tạp chí và báo in (chưa kể trang tin điện tử) nhiều như vậy, thì Liên hiệp đã nhìn thấy đây là một lĩnh vực truyền thông và lý luận hết sức quan trọng. Liên hiệp đã xây dựng đề án quy hoạch báo chí văn học nghệ thuật để đảm bảo tính thống nhất về lãnh đạo chỉ đạo trong suốt hệ thống, tất nhiên về nội dung và chất lượng mỗi tạp chí phụ thuộc vào Ban biên tập và Lãnh đạo các Hội chịu trách nhiệm là chính; với kinh phí ít ỏi như hiện nay (50 triệu đồng cho một tạp chí mỗi năm), rõ ràng các cơ quan báo chí trong Liên hiệp gặp rất nhiều khó khăn. Kéo theo đó là việc giảm kỳ, giảm số trang, giảm số lượng in, giảm nhuận bút và tất nhiên thưa dần cộng tác viên.

Sức sống của một tờ báo phụ thuộc vào Tổng biên tập, các phóng viên và biên tập viên. Thực trạnh ở một số báo, tạp chí ở trung ương và địa phương cán bộ làm báo chưa đủ mạnh và còn thiếu về số lượng nên chất lượng của tờ báo chưa cao, chưa có bản sắc riêng từng vùng miền, địa phương, chuyên ngành…

Liên hiệp sẽ cùng các Hội thành viên căn cứ vào tình hình báo chí hiện nay sẽ đề nghị với các cấp có thẩm quyền thông qua đề án báo chí văn học nghệ thuật, với việc tăng cường nhân lực, vật lực cho khối báo chí để báo chí thực sự là diễn đàn của giới văn học nghệ thuật và công chúng yêu văn học nghệ thuật, góp phần bồi đắp tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

PV: Xin trân trọng cám ơn và chúc đồng chí luôn mạnh khỏe, nỗ lực phấn đấu, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cương vị công tác mới.

None

Lê Nhật Nam (thực hiện)

Tin liên quan

Tin mới nhất

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Tết, dẫu ngày thường không hay rượu thì, chí ít mỗi người dù già trẻ, gái trai, đều có thể nâng một ly rượu thơm nồng mừng xuân, mừng năm mới. Người ta nói đến “văn hóa rượu”, vì rượu là một trong những phát minh quan trọng của loài người (nhiều ý kiến còn cho là sau việc phát minh ra lửa!?). Muốn cảm nhận được cái nhã thú của văn hóa rượu, thiết nghĩ có một cách, hãy tìm đ