Phát hiện nhiều di vật của người tiền sử ở Vườn Quốc gia Ba Bể

Các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vừa phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn khảo sát, phát hiện nhiều di vật của người tiền sử tại khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

Ngày 18/7, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trình Năng Chung (Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Trưởng đoàn Đoàn khảo sát của Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn, cho PV TTXVN biết: Trong đợt điều tra khảo cổ học vừa diễn ra tại Vườn Quốc gia Ba Bể, Đoàn khảo sát đã phát hiện được nhiều địa điểm có dấu tích văn hóa của người tiền sử trong hang động thuộc những dãy núi đá vôi bao quanh hồ.

Phát hiện nhiều di vật của người tiền sử ở Vườn Quốc gia Ba Bể - 1 Hiện vật được tìm thấy tại Vườn quốc gia Ba Bể

Nổi bật trong số này là 4 di tích: Hang Thẳm Kít, hang Thẳm Mỳa, hang Nả Phoòng và Động ba cửa thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể. Đặc điểm chung các di tích hang tiền sử này là phân bố trong vùng lõi của Vườn Quốc gia, gần lòng hồ, cửa hang trông xuống hồ Ba Bể.

Khảo sát tại hang Thẳm Khít nằm ở vùng lõi của Vườn quốc gia Ba Bể, các nhà khảo cổ học đã phát hiện 54 hiện vật quý, trong đó có bộ công cụ đá cuội ghè đẽo, bộ công cụ rìu thô, mảnh tước… bước đầu xác định nơi đây có thể là dấu tích cư trú của người tiền sử thuộc giai đoạn hậu kỳ đá cũ, cách nay gần 20.000 năm.

Cụ thể, tại khu vực Thẳm Hẩu thuộc thôn Dài Khao, xã Cao Trĩ, cách sông Năng khoảng 300m về phía Tây, các nhà khảo cổ phát hiện một mái đá lớn, mặt bằng mái đá cao hơn chân núi khoảng 40m.

Trên bề mặt mái đá có nhiều tảng đá lớn từ trần mái đá sập xuống phủ kín khắp bề mặt. Ở góc trái của mái đá nhìn từ bên ngoài vào có dấu hiệu bị đào bới do người dân địa phương khai thác phân dơi đào xới lên.

Tại các hang Thẳm Mỳa, hang Nả Phoòng, Động ba cửa, các nhà khảo cổ đã phát hiện được một số mảnh gốm cổ, thân mỏng có trang trí hoa văn thừng và văn khắc vạch mang đặc trưng của gốm thời đại Kim khí.

Đáng chú ý là tại hang Thẳm Mỳa ngoài đồ gốm thời Kim khí ra các nhà khảo cổ học còn phát hiện được bộ công cụ bằng đá thuộc văn hóa Hòa Bình, gồm công cụ hình bầu dục, công cụ rìu ngắn, công cụ dạng hình đĩa. Điều này chứng tỏ hang Thẳm Mỳa là địa điểm cư trú của nhiều thế hệ cư dân cổ, từ cư dân văn hóa Hòa Bình thuộc sơ kỳ Đá mới với niên đại cách nay khoảng gần 10.000 năm. Lớp cư dân muộn hơn thuộc thời đại Kim khí cách nay khoảng trên dưới 3.000 năm.

Thời gian tới, Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn tiếp tục trình cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí để điều tra thám sát những khu vực còn lại đồng thời có kế hoạch nghiên cứu, khai quật những di chỉ khảo cổ đã phát hiện.

Trước đó, vào tháng 6/2019, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện tại khu vực động Puông, xã Khang Ninh (thuộc Vườn Quốc gia Ba Bể) nhiều hiện vật bằng đá, xương như rìu, mảnh tước… xác định thuộc văn hóa Hòa Bình có niên đại cách nay khoảng 8.000 - 9.000 năm, cùng nhiều di tích gốm, sứ thuộc thời Lê Mạc.

(T/h) None

Tin liên quan

Tin mới nhất