Nghe Tố Hữu thủ thỉ... trong không gian đầy ắp những vần thơ

(VHNT) - Được nâng cấp từ nhà lưu niệm Tố Hữu đã đi vào hoạt động cách đây hơn 10 năm, bảo tàng Tố Hữu mới đây chính thức đi vào hoạt động nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ. Không chỉ trưng bày một khối tư liệu lớn về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ, ở bảo tàng người xem như được chính Tố Hữu kể chuyện, dẫn dắt từng bước khám phá cả một chặng đường thơ, một chặng đường cách mạng suốt gần 70 năm qua phong cách trưng bày gợi mở, kết hợp đa phương tiện đọc, xem, nghe, tương tác.

Cách đây hơn 10 năm, khởi phát nhà lưu niệm Tố Hữu được xây dựng từ ước nguyện của bà Vũ Thị Thanh – vợ nhà thơ Tố Hữu. Tất cả khối tư liệu về nhà thơ Tố Hữu được người vợ gìn giữ trong suốt cả cuộc đời với tất cả tình yêu và lòng kính trọng. Tâm nguyện của vợ nhà thơ Tố Hữu đã hoàn thành trước lúc đi xa với sự ra đời của nhà lưu niệm Tố Hữu từ năm 2009. Dù cách bày trí đơn sơ, thiếu chuyên nghiệp nhưng theo chia sẻ từ gia đình nhà thơ Tố Hữu, không gian nhà lưu niệm đã đón nhận được những tình cảm nồng ấm của những người yêu Tố Hữu và yêu thơ Tố Hữu suốt hơn 10 năm mở cửa, đã có rất nhiều người, nhiều lần quay trở lại nhà lưu niệm với mong mỏi được biết thêm về cuộc đời của nhà thơ Tố Hữu.

Chân dung nhà thơ Tố Hữu trong khuôn viên bảo tàng

Mong muốn chỉnh sửa, làm lại một không gian trưng bày chuyên nghiệp hơn, mới mẻ hơn, hiện đại hơn, cách đây gần 2 năm, gia đình nhà thơ Tố Hữu có ý định nâng cấp nhà lưu niệm thành bảo tàng trưng bày với cách kể chuyện sinh động hơn. Bằng mối nhân duyên gia đình nhà thơ Tố Hữu đã gặp được PGS.TS. Nguyễn Văn Huy – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và các cộng sự để tháo gỡ những hạn chế xung quanh việc chuyển tải khối di sản văn hóa lớn của nhà thơ Tố Hữu đến với người xem. Sau 2 năm làm việc tận tâm, bảo tàng đã được hoàn thành mở cửa đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu. 

Bằng phong cách trưng bày khoa học và đổi mới, kết hợp nhiều phương tiện nghe nhìn, tương tác, bảo tàng Tố Hữu đã cung cấp cho người xem hiểu về nhà thơ Tố Hữu một cách đầy đủ và đa chiều với các tư liệu bối cảnh trong nước và quốc tế qua gần một thế kỷ với nhiều biến động.

Không gian trưng bày tại bảo tàng Tố Hữu được chia thành hai hợp phần. Đối với hợp phần đầu tiên, trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của Tố Hữu thông qua 8 tập thơ gắn liền với những giai đoạn lịch sử cách mạng của đất nước và hoạt động chính trị của nhà thơ. Trong khi đó, hợp phần thứ hai là không gian tái tạo lại một phần căn nhà 76 Phan Đình Phùng, nơi nhà thơ Tố Hữu và gia đình đã sống suốt hơn 40 năm. Theo như nhà thơ Trần Đăng Khoa thì căn nhà 76 Phan Đình Phùng chứa đựng đầy ắp nhưng kỉ niệm của nhà thơ Tố Hữu.

Bàn làm việc của nhà thơ Tố Hữu tại 76 Phan Đình Phùng được tái hiện ở bảo tàng

Chia sẻ về sự mới mẻ trong phong cách trưng bày ở bảo tàng Tố Hữu, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho biết: “Nét độc đáo của trưng bày là tạo ra hai tuyến xem song song nhau, hoà quyện nhau phản ánh cuộc đời Tố Hữu. Một tuyến là cuộc đời và hoạt động chính trị. Ở tuyến này mọi hoạt động của nhà thơ được giới thiệu theo trình tự thời gian và được đặt trong bối cảnh chính trị quốc gia và quốc tế. Chúng tôi muốn thể hiện sự tác động qua lại rất chặt chẽ giữa cá nhân với thời cuộc, giữa con người với xã hội rộng lớn cả gần lẫn xa. 

Một tuyến khác là thơ, những bài thơ, những tập thơ rút ruột rút gan của ông xuất hiện dần theo năm tháng được đặt trong tầm nhìn, quy chiếu với tuyến chính trị. Hai tuyến cùng chạy suốt cuộc đời ông, đôi chỗ hoà quyện với nhau, hai mà là một. Dẫn dắt câu chuyện ở cả hai tuyến trưng bày là lời kể của nhân vật chính. Lời kể đó được nảy ra từ hai cuốn hồi ký của ông: một do ông kể và chính ông biên tập, cẩn thận chỉnh sửa từng câu chữ đã được xuất bản, cuốn Nhớ lại một thời, một do chính tay ông viết từ năm 1990, nhưng vì một lý do nào đó chưa được sử dụng. Lời kể còn được lấy từ những bức thư tâm tình của Tố Hữu gửi người vợ yêu quý trong những ngày ở Việt Bắc hay những lúc ông bà phải xa cách nhau. Xem trưng bày như được chính Tố Hữu thủ thỉ tâm sự, chia sẻ những điều mà bạn chưa biết”.

Cũng theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, “bảo tàng Tố Hữu rất “xinh xẻo” nhưng cách bày trí rất thông minh khi tiến hành được song song một lúc hai con người Tố Hữu trong một Tố Hữu. Hai trong một, đó là một chiến sĩ cách mạng kiên cường và một nhà thơ cách mạng hàng đầu. Ở đây, ta nghe được giọng nói của nhà thơ Tố Hữu, cảm giác như chính Tố Hữu là người đã dẫn chúng ta đi trong bảo tàng. Chúng ta nghe được giọng của nhà thơ Tố Hữu, thấy được từng bước hoạt động của nhà thơ đã gắn bó với Đảng và cách mạng như thế nào và chúng ta thấy được cả những chặng đường thơ của Tố Hữu”.

Bản thảo Hồi ký ghi lại cảm xúc buổi lễ kết nạp Đảng của Tố Hữu

Ở bảo tàng Tố Hữu có một bảo tàng khác vang lên bằng thơ, những vần thơ tái hiện lịch sử cách mạnh và cả một đời thơ của Tố Hữu. Câu chuyện thơ được kể thông qua 9 khối bloc (khối trưng bày) mà người xem có thể dễ dàng nhận thấy thông qua cách đặt tên gắn với những áng thơ nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu. Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, nhóm làm nội dung và thiết kế trưng bày đã cố gắng tạo ra một sự đa dạng trong cách kể chuyện về thơ, không trùng lặp cách tiếp cận, để không nhàm chán. Có bloc lấy tên tập thơ Từ ấy, Việt Bắc, Máu và Hoa, Một tiếng đờn, Ta với ta, có bloc là tên bài thơ Huế Tháng 8, Bài ca Xuân 61, Toàn thắng về ta, Bác ơi, Tạm biệt . 

Mỗi bloc không chỉ giới thiệu thơ mà còn kể những câu chuyện gắn với từng chủ đề thơ. Người tham quan có thể đọc những câu thơ được chọn lựa cẩn thận, không theo lối mòn, không quá quen thuộc. Hoặc được nghe giọng đọc thơ, ngâm thơ, có thể khám phá câu chuyện nhà thơ làm thơ như thế nào và những bài thơ ra đời trong bối cảnh nào, như cảm xúc ở trong tù nghe tiếng rao đêm của trẻ nhỏ, hoặc xúc cảm trào dâng khi trên đường về tiếp quản Hà Nội, hay tập trung cao độ khi sáng tác về Bác,... 

Đặc biệt hơn cả qua những câu chuyện thơ đang vang lên, được sắp đặt, người xem có thể tìm thấy, phát hiện một vài thói quen nho nhỏ của nhà thơ như chuyện chỉ làm thơ vào ban đêm, có cá tính huýt sáo khi làm thơ để tìm nhịp điệu,... hoặc cách nhà thơ trăn trở tìm câu chữ, ý tứ qua những bản thảo thơ được viết nhiều lần, dập dập xoá xoá. 

Bài thơ Tạm biệt được xem là bài thơ cuối cùng của nhà thơ Tố Hữu

Cũng ở mỗi khối bloc trưng bày, người xem cũng có thể tìm thấy một con người thêm khác của nhà thơ: từ một thanh niên hừng hực khí phách, đến một người chồng vô cùng dịu dàng, chăm sóc, lo lắng cho vợ từng chút, đến người cha yêu thương con vô bờ bến, háo hức chờ đợi, theo dõi sự thay đổi của mỗi đứa con... Những người bạn nào đã gắn bó với nhà thơ trong mỗi giai đoạn, thời khắc cuộc đời, người xem cũng sẽ thấy trong mỗi bloc trưng bày. 

Tất cả những câu chuyện kể bằng thơ trong không gian của bảo tàng Tố Hữu, người tham quan có thể từ từ khám phá bằng nhiều cách: đọc, xem phim, nghe bằng tai nghe, tìm kiếm bằng tay trên màn hình chạm. Theo PGS. TS Nguyễn Văn Huy: “Đây là một trưng bày theo phong cách gợi mở, ít câu chữ của người làm bảo tàng, nhưng nhiều hình ảnh, sự kiện được bày ra giúp người xem tự khám phá, liên tưởng và suy ngẫm. Một trưng bày nhỏ nhưng thủ pháp, trưng bày thể hiện nhiều mới mẻ, sáng tạo làm bắt mắt, từ màu sắc, con số, tiêu đề đến cách in ấn, chất liệu trưng bày”. 

Có lẽ chính nhờ phong cách trưng bày gợi mở giàu suy ngẫm mà bảo tàng Tố Hữu đã gieo được vào trong mỗi người xem những xúc cảm chân thực về một “nhà thơ của cách mạng”, “nhà thơ của nhân dân” cũng chính như những tình cảm sâu nặng của gia đình nhà thơ Tố Hữu khi tạo lên không gian bảo tàng. “Đối với chúng tôi, những ký ức bên ông là vô giá. Để hoàn thiện bảo tàng này, chúng tôi đã lần giả qua từng trang hồi ký, nhật ký, trang bản theo thơ, những lá thư và rất nhiều những bức ảnh kể cả do chính ông chụp. Lại nhớ ông vô cùng” – bà Nguyễn Minh Hồng – con gái út của nhà thơ Tố Hữu chia sẻ.

Tử Văn None

Link nội dung: https://arttimes.vn/the-gioi/nghe-to-huu-thu-thi-trong-khong-gian-day-ap-nhung-van-tho-c14a2805.html