Múa đương đại xuất hiện - Xu thế tất yếu, phù hợp với quy luật phát triển

(VHNT) - Vào hạ tuần tháng 9/2020, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ được tổ chức trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Nhân dịp này, phóng viên Thời báo Văn học Nghệ thuật đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở với NSND Ứng Duy Thịnh (NSND ƯDT), Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam

PV: Thưa NSND Ứng Duy Thịnh. Ông có thể khái  quát một số xu hướng sáng tác múa hiện nay. Bởi vì  sáng tác liên quan đến tác phẩm và tác giả, ảnh hưởng  trực tiếp đến tồn tại, phát triển nghệ thuật múa. Hơn  nữa trước đại hội cần có một cái nhìn khách quan, toàn  diện, điều này có thể giúp nhận diện rõ hơn hiện thực,  đặc biệt góp phần định hướng cho hành trình tiếp theo. 

NSND ƯDT: Nói đến xu hướng sáng tác là nói  đên phương pháp sáng tác. Đây là vấn đề lớn, vấn đề  của toàn ngành. Nói đến phương pháp hay xu hướng  sáng tác múa đầu tiên phải kể đến ngôn ngữ múa,  ngôn ngữ tác phẩm. Nói cách khác là nói đến một  phương thức biểu hiện đang tồn tại trong hiện thực  đời sống nghệ thuật múa hiện nay. Thực tế cho thấy,  cấu tạo ngôn ngữ múa trong tác phẩm chính là sự biểu  hiện, hay nói cách khác đó là sự phản ánh tính tiên  tiến hay tính dân tộc đậm hay nhạt, dân tộc hay không  dân tộc, đổi mới hay không đổi mới... Xin được tóm  lược một số phương pháp sau: 

Xu hướng sử dụng ngôn ngữ múa để diễn tả nội  dung câu chuyện. Hay nói cách khách đó là nội dung  được minh họa bằng múa. Tuy nhiên quan niệm này  đi ngược lại quy luật phát triển. Tác giả không kể đến  hiện thực đời sống nghệ thuật biểu diễn đã thay đổi  với nhiều mối quan hệ khác nhau. Ngay cả khán giả  hiện nay so với những năm trước đây, tự thân đã mang  trong mình những yếu tố thẩm mỹ mới của thời đại,  đồng thời chính khán giả đang có những đòi hỏi mới. 

Xu hướng tiếp nhận ngôn ngữ múa từ nước ngoài  một cách ồ ạt, thiếu chọn lọc. Tác phẩm trở thành phép cộng của nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau. Cách suy nghĩ  này đã đưa đến hệ quả đó là đánh mất “cái tôi tác giả”,  làm nhạt nhòa bản sắc dân tộc của tác phẩm. Tính dân  tộc, bản sắc dân tộc là tiêu chí đầu tiên để đánh giá giá  trị tác phẩm. Chính vì thế mọi thái độ mang tính “học  lỏm” đôi ba chiêu của nghệ thuật múa nước ngoài, ứng  dụng một cách tùy tiện, bản năng và sẽ là “lợi bất cập  hại. Trong khi đó chúng ta đang cần một sự phát triển  chất lượng, mang tính chuyên nghiệp cao. 

Xu hướng sáng tác không quan tâm đến nội dung,  không đặt vấn đề tác phẩm cần hướng tới cái gì miễn  là tạo ra vẻ đẹp của cơ thể người diễn viên. Họ quan  niệm rằng “múa là nghe nhạc bằng mắt”. Vì thế mục  đích để mọi sáng tạo ngôn ngữ múa của tác phẩm khơi  thác được triệt để góc cạnh, đường nét, khoảng cách,  tầm cao thấp trong mối quan hệ với tính chất âm nhạc.  Xu hướng này thực tế không nhiều.

NSND Ứng Duy Thịnh

 PV: Lâu nay, người ta hay nói đến nghệ thuật múa  đương đại, theo ông điều này nên được hiểu thế nào?

NSND ƯDT: Theo tôi,múa đương đại là một khái  niệm mở. Nó tồn tại trong trạng thái liên tục chuyển  động và liên tục thâu nhận vào mình những biểu hiện  mới của đời sống đương đại. Trước hiện thực mới, đối  tượng sáng tác có nhiều thay đổi, nhu cầu thẩm mỹ  mới, sự giao lưu văn hóa múa với thế giới với tốc độ  nhanh, ồ ạt... cần có bản lĩnh trong quá trình giao lưu  tiếp biến, bổ sung và làm giàu thêm cho múa dân tộc.  Nghệ thuật múa với tính đặc thù, có thể nói là  một tổ chức lao động mang tính tổng hợp, ở đó là một chuỗi các thành tố nghệ thuật được phối kết hợp với  nhau để hình thành lên tác phẩm trước khi tác phẩm  bước lên sân khấu như: Ngôn ngữ múa, âm nhạc, diễn  viên (nghệ thuật biểu hiện), thiết kế mỹ thuật. 

 Tất cả các yếu tố trên phải phù hợp và đáp ứng  được thẩm mỹ của thời đại. Và đương 

nhiên múa  đương đại xuất hiện là một tất yếu, phù hợp với quy  luật phát triển. Điều này thực tế đã chứng minh qua  hàng loạt các tác phẩm trong các cuộc thi, hội diễn,  liên hoan nghệ thuật múa trong những năm qua. 

Một tiết mục múa đương đại

PV: Thưa NSND Ứng Duy Thịnh, ông nghĩ thế nào  về giao lưu với văn hóa múa thế giới, ưu điểm và hạn chế ? Giao lưu, hội nhập với thế giới là điều kiện thuận lợi  trong việc tiếp thu tinh hoa múa nước ngoài. Giao lưu  để tiếp thu, tái tạo như thế nào là câu hỏi và luôn cần  câu trả lời của cả một ngành. Quá trình tìm và chọn  lọc để ứng dụng tinh hoa múa thế giới vào nghệ thuật  múa chuyên nghiệp Việt Nam đã diễn biến đầy cam  go, phức tạp. Chúng ta “với ra thế giới”, hội nhập với  múa thế giới để góp phần vào sự phát triển và làm giàu  

thêm nghệ thuật múa dân tộc, là một điều kiện tích  cực cho văn hóa bản địa phát triển. Điều này sẽ khác  hẳn với thói quen khi cho rằng hội nhập là cơ hội để  tranh thủ đưa về một số sản phẩm nghệ thuật cụ thể.  

 Cũng khá nhiều tác giả biên đạo Việt Nam qua  giao lưu với múa thế giới đã trở nên tự tin hơn trong  sáng tạo của mình. Họ có đầy đủ bản lĩnh chuyên môn  để phân tích, đối chiếu, bóc tách, rút tỉa và vận dụng  những gì phù hợp với múa Việt Nam. Thiết nghĩ đây là  một biểu hiện tích cực đối với những tác giả đam mê  với nghề nghiệp với sáng tạo. Hay nói một cách ví von  là giao lưu với múa nước ngoài, càng yêu nghệ thuật  múa Việt Nam hơn. Tuy nhiên, không ít tác giả chưa  đầy đủ bản lĩnh để phân biệt được thế nào là tinh hoa múa nước ngoài, không có khả năng phân biệt được  đâu là cái hay, đâu là cái dở, cái mới, cái cũ đã lỗi thời  từ bên ngoài. Nếu không trang bị cho mình một bản  

lĩnh chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp sẽ mắc những  sai lầm trong quá trình tiếp thu với văn hóa thế giới nói  chung và nghệ thuật múa thế giới nói riêng.  

Trong những năm qua, từ thập kỷ tám mươi của  thế kỷ trước cho đến nay, múa hiện đại nước ngoài bắt  đầu xuất hiện và ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật múa  chuyên nghiệp Việt Nam. Sự ảnh hưởng và chi phối  khá mạnh mẽ và kết quả cho thấy, múa hiện đại với  nhiều biểu hiện sinh động và có hiệu quả đã trở nên  một dòng múa quan trọng trong việc tạo dựng một  phương pháp mới trong nghệ thuật xây dựng tác phẩm  múa đương đại Việt Nam. Điều này được biểu hiện ở  công tác đào tạo, biểu diễn, nghiên cứu lý luận, đặc biệt  trong lĩnh vực sáng tác múa chuyên nghiệp.  

Giao lưu, hội nhập văn hóa nói chung và nghệ  thuật múa nói riêng sẽ giúp cho chúng ta thấy một bức  tranh lớn hơn. Ở đấy những người làm nghề nghiêm  túc có thể so sánh, đối chiếu để rồi “biết người biết ta”  từ đó tạo một tâm lý “cạnh tranh” trong phát triển. Tìm  cái hay cái đẹp của một nền văn hóa khác, rút tỉa, bổ  sung làm giàu nghệ thuật múa Việt Nam. Nhưng trước  hết, làm giàu cho chính mỗi tác giả trong hoạt động  nghề nghiệp, nâng cao tính chuyên nghiệp trong tư  duy sáng tạo, trong tổ chức biểu diễn, tìm con đường  ngắn nhất đến khán giả với cách biểu đạt mới, phù hợp  với thẩm mỹ đương đại. 

Thực chất cũng là điều kiện để ngành múa Việt  Nam phát triển, mỗi cá nhân tác giả tự làm giàu cho  mình bằng cách tiếp cận, học hỏi một cách khoa học  trên tinh thần trách nhiệm cao. Trách nhiệm của công  dân và trách nhiệm của nghệ sĩ. ■ 

Phương Bình (Thực hiện)

None

Link nội dung: https://arttimes.vn/my-thuat/mua-duong-dai-xuat-hien-xu-the-tat-yeu-phu-hop-voi-quy-luat-phat-trien-c15a3595.html